Bộ Giáo dục và Đào tạo: Còn nhiều hạn chế ở môn Văn

Bộ Giáo dục và Đào tạo: Còn nhiều hạn chế ở môn Văn

1019
  Tải tài liệu

Việc dạy môn Văn ở nhà trường, theo Bộ Giáo dục và Đào tạo còn nhiều hạn chế cần khắc phục. Đơn cử như chương trình môn Văn chưa nhất quán theo một trục qua các cấp học, nội dung còn nhiều trùng lặp, tính tích hợp giữa các hợp phần càng lên các lớp trên càng mờ nhạt. Việc tách biệt các hợp phần tiếng việt và làm văn trong chương trình là không hợp lý. Chương trình và sách giáo khoa vẫn nặng tính hàn lâm, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển năng lực học sinh – nhất là phát triển năng lực cá nhân, tính năng động và sáng tạo.

“Nhiều bài học trong sách giáo khoa, nhất là ở các lớp trên, nặng về lý thuyết, ít có tác dụng rèn luyện kỹ năng cho học sinh. Hầu hết tác phẩm dạy trong sách giáo khoa Trung học cơ sở, Trung học phổ thông tuy có vị trí trong lịch sử văn học nhưng đã ra đời quá lâu, nhiều tác phẩm không phù hợp với tâm lý của học sinh hiện nay, do đó không khơi gợi được hứng thú học tập của các em - Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định. Bộ này cũng cho rằng, việc kiểm tra đánh giá môn Văn vẫn chủ yếu là kiểm tra kiến thức nhớ, tái hiện, làm theo, chép lại,... học tác phẩm nào thi đúng tác phẩm đó, chưa đánh giá đúng được sự vận dụng kiến thức, chưa chú trọng việc đánh giá thường xuyên trên lớp học và sử dụng kết quả đánh giá để điều chỉnh nội dung, phương pháp dạy và học…

Từ thực tế đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra những khuyến nghị về định hướng và giải pháp đổi mới dạy học Ngữ văn để các Sở Giáo dục và Đào tạo, các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên phổ thông và các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ biết và nghiên cứu vận dụng trong triển khai tổ chức thực hiện nhiệm vụ giáo dục và đào tạo hiện nay, hướng tới việc xây dựng và triển khai thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới giai đoạn sau 2015. Cụ thể, cần nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của dạy học Ngữ văn ở trường phổ thông.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, môn Ngữ văn ở trường phổ thông góp phần hình thành và phát triển các năng lực cốt lõi và năng lực đặc thù của môn học; đặc biệt là năng lực giao tiếp và năng lực cảm thụ, thưởng thức văn học. Cùng với đó, môn Văn bồi dưỡng và nâng cao vốn văn hóa cho người học thông qua những hiểu biết về ngôn ngữ và văn học, góp phần tích cực giáo dục, hình thành và phát triển cho học sinh những tư tưởng, tình cảm nhân văn trong sáng, cao đẹp. Vì thế, cần mạnh dạn thay đổi cấu trúc môn học và cách biên soạn sách giáo khoa không theo lịch sử văn học mà cần tuyển chọn các văn bản theo hướng phù hợp với tâm lí lứa tuổi học sinh, phục vụ có hiệu quả cho việc rèn luyện các kĩ năng (không phân biệt giai đoạn, thời kì, trong và ngoài nước). Vấn đề lịch sử văn học sẽ được hệ thống hóa ở các lớp cuối cấp, các chuyên đề chuyên sâu chỉ dành cho học sinh giỏi, học sinh sẽ dự tuyển vào ngành văn; các tri thức lí luận văn học sẽ được tích hợp vào quá trình dạy đọc văn và dạy viết văn nhằm nâng cao tính thiết thực, tránh lí thuyết hàn lâm.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng yêu cầu, cần tích hợp các mạch kiến thức lớn (văn học, tiếng Việt và làm văn, văn hóa) trong nội bộ môn học qua trục kĩ năng. Phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá môn Văn ở phổ thông cũng cần thay đổi, trong đó có việc đổi mới cách ra đề và hướng dẫn chấm phù hợp để đánh giá được năng lực của người học, tránh hiện tượng học vẹt, viết theo bài văn mẫu, học tác phẩm nào thi tác phẩm đó.

* Cũng liên quan đến môn Văn, như tin SGGPO đã đưa, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố Đề án Thi tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy vào các trường khối văn hóa - nghệ thuật. Theo đó, từ năm 2013, phương án thi tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng khối văn hóa - nghệ thuật như sau: Đối với các trường có tuyển sinh các ngành khối Văn hóa (khối C), chỉ xét tuyển dựa vào kết quả thi theo đề thi chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đối với những trường có tuyển sinh các ngành khối Nghệ thuật (khối H, N, S): Môn Ngữ văn sẽ xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông và điểm tổng kết 3 năm học trung học phổ thông.

Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố đề án này, nhiều ý kiến, trong đó có nhà thơ Trần Đăng Khoa lên tiếng chất vấn “sao lại bỏ thi Văn?”. Nhiều ý kiến gay gắt nói như vậy là coi thường môn Văn. Tuy nhiên, theo giải thích của ông Ngô Kim Khôi, Cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục Bộ Giáo dục và Đào tạo thì với một số ngành có yêu cầu cao về năng khiếu như hát, múa… Hội đồng tuyển sinh các trường có thể ưu tiên cho môn năng khiếu, còn môn Văn sẽ xét tuyển. Nhưng việc miễn thi môn văn không có nghĩa là hạ thấp yêu cầu đối với môn học này.


“Các trường cần đặt ra yêu cầu trong khi xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT và điểm tổng kết các năm học. Các yêu cầu này cần phải được công bố công khai trước khi tuyển sinh”-ông Khôi nói.

Trong khi đó, ông Đào Mạnh Hùng, Vụ trưởng Vụ Đào tạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng khẳng định, không nên đừng hiểu lầm là bỏ thi môn Văn, miễn thi môn Văn ở các trường thi khối H, N, S.

“Các thí sinh chỉ không dự thi môn Văn tại trường văn hóa - nghệ thuật mình đăng ký thi, thí sinh vẫn phải thi môn Văn theo tuyển sinh 3 chung” ở các trường đại học, cao đẳng khác rồi mang kết quả môn Văn đó về trường nghệ thuật để xét tuyển. Điểm mới thay đổi trong tuyển sinh năm nay ở khối các trường văn hóa - nghệ thuật này nhằm tiết kiệm cho thí sinh không phải dự thi môn Văn 2 lần”-ông Hùng cho biết.

PHAN THẢO

Nguồn: sggp.org.vn

Bài viết liên quan

1019
  Tải tài liệu