Lò luyện thi: ở quê say mê hơn phố
Lò luyện thi: ở quê say mê hơn phố
Nếu như trước đây, cứ thi xong tốt nghiệp, nhiều học sinh từ những miền quê lại đổ xô về các lò luyện thi cấp tốc ở thành phố lớn thì nay tại các làng quê nghèo không khí náo nhiệt của ôn tốc, học gấp cũng không kém phần sôi động.
Lò luyện “mi ni” chen chân làng quê
Không giống như ở các lò luyện thi cấp tốc tại những thành phố lớn. Mỗi lớp thường có 50 đến 100 em, ngồi san sát nhau trong căn phòng nóng nực, oi bức và thầy, trò đối thoại nhau qua loa. Còn ở nông thôn, nhất là những phố huyện các lò luyện thi thường có học sinh ít, chỉ khoảng 20 em. Ở đây thầy và trò cùng đối thoại rất cởi mở qua từng bài giảng. Hiện tượng thầy đọc trò chép ít thấy ở những lò luyện thi quê. Với cách học cách luyện theo hướng mới như vậy đang khiến cho nhiều sĩ tử không muốn ra thành phố luyện thi cấp tốc như xưa.
Theo khảo sát của chúng tôi thì hiện nay ở các vùng nông thôn, tại các điểm gần trường phổ thông có ít nhất một lò luyện thi. Các lò luyện ở đây thường do một số thầy cô có kinh nghiệm trong việc giảng dạy mở ra, nhằm bồi dưỡng các em thêm sau những buổi học ở trường.
Đặc biệt trong những kỳ thi đại học cao đẳng sắp tới thì không khí thi lại càng thêm náo nhiệt. Tuy nhiên lò luyện thi ở quê không giống như lò thành phố được học trên giảng đường mà ở đây thường là cả sân nhà rộng được trang bị đèn chiếu sáng, quạt điện. Ở đây các lò luyện thi không thuê phòng mà chỉ phải trả tiền tổ chúc lớp và tiền điện nên mỗi buổi học khoảng trong 3h, số tiền khoảng 10.000đ/1 buổi. Với giá này phù hợp túi tiền học sinh thôn quê.
Giáo làng “lên ngôi”
Trước đây, cứ học sinh thi xong tốt nghiệp thì các thầy cô giáo lại thảnh thơi nghỉ ngơi, nhiều nhà khá giả thì cho gia đình đi chơi. Thế nhưng trong mấy năm gần đây nhiều thầy cô giáo ở quê đang vất vả chạy đôn, chạy tháo với công việc luyện thi. Có thầy một ngày dạy từ hai ba ca. Công việc luyện thi đại học đang khiến cho nhiều giáo làng khá mệt mỏi, không còn thời gian cho việc nghỉ ngơi sau một năm căng thẳng đứng trên bục giảng.
Theo thầy Trịnh Trọng Đức giáo viên trường THPT Thanh Chương, Nghệ An nhiều năm luyện thi cho biết: Mỗi tuần dạy khoảng bốn năm buổi, mỗi buổi tầm ba giờ.
Sở dĩ bây giờ nhiều gia đình, học sinh sau khi thi tốt nghiệp, không chọn con đường ra phố luyện thi cấp tốc nữa mà lại gửi trọn niềm tin cho các giáo làng. Bởi do cách thi, cách học hay sức ép bão giá.
Theo Bác Nguyễn Hữu Thi một nông dân ở Thanh Chương Nghệ An có con chuẩn bị thi vào Đại học cho biết: Nếu hai đứa con đầu trước đây đều cho ra thành phố ôn thi nhưng đến đứa con út này thì thôi, không cho ra đi ôn nữa mà chỉ cho học ở nhà. Vì giá cả tăng như hiện nay mà ra thành phố ôn thi thì tốn kém lắm, mà bây giờ thấy ở quê học cũng được.
Còn em Nguyễn Thị Thanh quê ở Thanh Ngọc, Thanh Chương, Nghệ An chia sẻ “Bây giờ thi đại học chủ yếu nằm ở kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa nên không cứ nhất thiết ra thành phố ôn thi là đậu mà chỉ cần học ở quê và mình tăng cường rèn luyện thì tốt hơn ra thành phố nhiều. Hơn nữa ra thành phố bao nhiêu thứ phải lo mà đi học đông đúc nóng nực, chủ yếu là thầy đọc trò chép. Còn học ở quê thì thầy trò đối thoại nhau thoải mái nên học cũng dễ vào.
Internet trói chặt thầy trò làng quê
Một trong những lý do khiến nhiều học sinh ở các làng quê không còn chọn đổ xô ra thành phố để luyện thi trở thành một trào lưu như mấy năm trước đây chính là mạng Internet. Việc phổ cập mạng Internet tới những làng quê khiến cho cả thầy và trò không ngừng cập nhật những thông tin mới nên thầy trò có nhiều đối thoại cởi mở hơn, không còn cảnh thầy cứ đọc trò cứ chép như xưa. Cách học mới này đang làm thay đổi nhận thức cả thầy lẫn trò cũng như chính cả phụ huynh.
Việc thay đổi như vậy đã khiến cho các lò luyện ở thành phố mỗi ngày một mất dần còn ở các làng quê những lò luyện thi “Mi ni” đang ngày một phát triển thịnh hành. Nếu như trước đây việc học sinh chọn ra thành phố để luyện thi ngoài học kiến thức, phương pháp học còn nắm bắt thông tin mới từ việc thi cử. Bây giờ trước việc phát triển như vũ bão của các dich vụ viễn thông đang làm cho học sinh không còn ở vào cảnh khát thông tin như xưa.
Trong khi thi đại học chỉ tập trung chủ yếu kiến thức sách giáo khoa nên việc đổ xô ra phố luyện thi không còn đông như trước.
Với nhiều lý do khiến việc nhiều học sinh thi xong tốt nghiệp không còn lựa chọn ra thành phố để ôn thi như trước đây. Hiện tượng này đang là dấu hiệu nói lên chất lượng, môi trường học ở các vùng nông thôn đang ngày một cao. Đồng thời khẳng định công nghệ thông tin đang góp phần làm thay đổi nhận thức về cách học và dạy tại vùng nông thôn.
Tuấn Đức
15/06/2011 – tamnin.net