Tuyển sinh đại học 2020: Khối ngành sức khỏe có thay đổi 'cơ cấu' sau đại dịch?

Khi đại dịch COVID-19 bùng nổ toàn cầu, những người làm trong ngành y hy vọng từ đây sẽ có sự đổi thay mạnh mẽ về quan điểm cũng như đào tạo nguồn nhân lực cho khối ngành y tế sức khỏe.

839
  Tải tài liệu

Theo các chuyên gia, áp dụng công nghệ nhiều hơn và lưu ý đào tạo các ngành y học dự phòng, y tế công cộng, xét nghiệm là những điểm thay đổi lớn tại các cơ sở giáo dục ĐH đào tạo nhóm ngành sức khỏe thời gian tới.

Trước khi đại dịch COVID-19 xảy ra, bà Ngô Thị Kim Yến, đại biểu Quốc hội, Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng đưa ra một số thông tin liên quan đến ngành. Bà Yến cho biết, hiện nay, tỷ lệ bác sĩ tính trên vạn dân của Việt Nam là 8,6 (năm 2018), ít hơn 4-9 lần so với các nước phát triển; tình trạng thiếu hụt điều dưỡng cũng đang xảy ra nghiêm trọng với tỷ lệ 1,8 điều dưỡng/bác sĩ và đa số có trình độ trung học (66,9%), trong khi đó yêu cầu tối thiểu phải là tỷ lệ 3-3,5 điều dưỡng/bác sĩ.

Bên cạnh thiếu hụt về số lượng, tỷ lệ bác sĩ không được phân phối đồng đều tại các địa phương. Hiện nay xu hướng  chuyển dịch của đội ngũ bác sĩ,  từ nông thôn, vùng sâu, vùng xa ra thành thị, từ hệ dự phòng sang hệ điều trị và từ lĩnh vực công sang tư nhân đang là thách thức. Do vậy, lĩnh vực y tế dự phòng và y tế cơ sở ngày càng thiếu hụt trầm trọng đội ngũ bác sĩ. 

PGS. TS. Nguyễn Văn Sơn, nguyên Hiệu trưởng trường ĐH Y dược (ĐH Thái Nguyên) cho biết, thời gian qua, người học không lựa chọn ngành y học dự phòng mà lựa chọn ngành bác sĩ đa khoa, dược sĩ. Thậm chí ngay trong bác  sĩ đa khoa cũng chỉ chọn một số chuyên ngành mà người học cảm thấy sau này có thu nhập cao hơn như sản khoa, nhãn khoa, tai mũi họng. Những chuyên khoa như lao, truyền nhiễm rất ít  người học. Khi dịch bệnh xảy ra, có thể thấy ngành y tế công cộng, y học dự phòng không kém phần quan trọng.

Cần có chính sách hỗ trợ

Theo khảo sát của phóng viên, tại các trường ĐH Y dược trên cả nước, chỉ tiêu, điểm chuẩn của ngành y học dự phòng, y tế công cộng đều thấp. Tại ĐH Y Hà Nội, trong 3 năm 2017, 2018, 2019, điểm chuẩn của 2 ngành này luôn ở nhóm thấp nhất trường. Điểm chuẩn ngành y học dự phòng qua từng năm lần lượt là 24,5 điểm, 20 điểm và 21 điểm; ngành y tế công cộng là 23,75 điểm, 18,10 điểm và 19,9 điểm; trong khi đó, điểm chuẩn của ngành bác sĩ đa khoa lần lượt là 29,25 điểm, 24,75 điểm và 26, 75 điểm. Chỉ tiêu của hai ngành này cũng thấp. Đặc biệt là ngành y tế công cộng, chỉ giao động từ 30 - 50 chỉ tiêu/năm.

Còn chỉ tiêu ngành y học dự phòng tại các trường ĐH khác cũng không cao như Y Dược TP.HCM: 114, Y Dược Huế: 60, Y Dược Cần Thơ: 90, Y Dược Thái Nguyên: 50, Y khoa Vinh: 50, Y Dược Hải Phòng: 80, ĐH Nguyễn Tất Thành: 150. Ngành  y tế công cộng cũng trong tình trạng tương tự với chỉ tiêu của trường ĐH Y Dược TP.HCM: 85,  ĐH Y dược Huế: 50, ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch: 50,  ĐH Y Dược Cần Thơ: 30,  ĐH Y tế công cộng: 140.

Từ khảo sát trên có thể thấy hiện nay việc đào tạo nhân lực cho y học dự phòng, y tế công cộng chưa được chú trọng nhiều.

PGS. Nguyễn Văn Sơn khẳng định, nhu cầu y tế dự phòng lớn, sinh viên học xong có thể làm việc trong các trung tâm y tế dự phòng, bệnh viện. Tuy nhiên, do thực tế nhìn nhận ngành này thu nhập thấp, hơn nữa quan điểm đã tồn tại từ lâu trong người dân đã là bác sĩ thì phải chữa bệnh, phải biết mổ nên không mấy người mặn mà với chuyên ngành y tế dự phòng. Theo PGS. Nguyễn Văn Sơn, để điều chỉnh điều này, phải có chính sách của nhà nước khuyến khích, động viên người học, tuyên truyền về vai trò của ngành nghề được phân công trong xã hội từ khi người học còn ngồi trên ghế trường phổ thông.

Dịch COVID-19 lần này còn cho thấy một thực tế, những ngành như công nghệ sinh học rất quan trọng nhưng ở Việt Nam đang khan hiếm người học, người làm. Những trung tâm nghiên cứu sinh học của quốc gia trong đợt dịch như vậy cực kỳ cần thiết nhưng hiện nay ở nước ta chỉ đếm được trên đầu ngón tay.

NGHIÊM HUÊ
tienphong.vn – 12/05/2020

Bài viết liên quan

839
  Tải tài liệu