ĐBSCL: Tăng trường CĐ, ĐH để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng

Với số lượng các trường cao đẳng, đại học hiện có thì khả năng đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực cho vùng ĐBSCL còn rất nhiều hạn chế.

1081
  Tải tài liệu

Đó là một trong những nhận định được Bộ GD-ĐT đưa ra trong hội nghị Quy hoạch phát triển nhân lực các tỉnh vùng Tây Nam Bộ giai đoạn 2011-2020 diễn ra ngày 4/12 tại TP Cần Thơ.  

Theo báo cáo của ông Nguyễn Văn Ngữ - Vụ trưởng Vụ Tài chính - Kế hoạch (Bộ GD-ĐT), số lao động ở ĐBSCL đã qua đào tạo tại các trường ĐH, CĐ, TCCN (đã được cấp bằng tốt nghiệp) có bằng sơ cấp chỉ 1,4%; có bằng trung cấp 2,2%; có bằng CĐ 0,9%; có bằng ĐH trở lên 2,1%.

“Qua các con số cho thấy, nguồn nhân lực có chất lượng đang ở tỷ lệ rất thấp so với cả nước”- ông Ngữ nhấn mạnh.

ĐBSCL hiện có 11 trường ĐH, 1 phân hiệu ĐH, 27 trường CĐ và 35 trường TCCN. Ở bậc ĐH tổng số sinh viên (SV) là 69.744 SV nhưng SV học ngành Nông lâm ngư chỉ 10,1%; còn bậc CĐ, có 48.922 SV nhưng chỉ có 4,7% SV học ngành Nông lâm ngư; ngành Y có 5% SV học ĐH và 3,2% SV học CĐ. 

Một thống kê khác cho thấy, số lượng SV theo học ngành Văn hóa - nghệ thuật và Thể dục thể thao ở vùng ĐBSCL là cực kỳ thấp. Trong khi bậc CĐ có 0,3% tương đương với 130 SV thì bậc ĐH chỉ có 0,1% tương đương với 88 SV theo học.

Theo ông Nguyễn Văn Ngữ, những con số trên cho thấy thời gian qua, cơ cấu ngành nghề đào tạo chưa đáp ứng được yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong vùng.

ĐBSCL là vựa lúa lớn nhất của cả nước, nông nghiệp và thủy sản là nghề chính của vùng nhưng SV theo học những ngành Nông lâm ngư tại các trường ĐH trong vùng khá thấp (10,1%). Số SV đăng ký vào nhóm ngành này lại ngày càng giảm.

Ngoài ra, đào tạo đội ngũ cán bộ ngành Y chỉ có duy nhất Trường ĐH Y dược Cần Thơ (5% SV) mới đáp ứng một phần nhỏ nhu cầu cán bộ y tế của vùng. Trong khi đó, ĐBSCL lại không có một trường CĐ, ĐH nào chuyên đào tạo các ngành nghề Văn hóa - Nghệ thuật.

Cũng theo ông Ngữ, về chỉ tiêu và kết quả tuyển sinh đào tạo giữa các trường ĐH trong vùng cũng khá chênh lệch nhau. Trong năm 2010, ĐH Cần Thơ tuyển 102%, Y dược Cần Thơ 108%, ĐH Tây Đô 110% nhưng ĐH Đồng Tháp chỉ 80,8%, ĐH An Giang 79,9%, ĐH Trà Vinh 25,7%.

Ông Ngữ nhìn nhận, do nhiều điều kiện khác nhau nên nhiều học sinh không về TPHCM hoặc các trường ngoài vùng học, vì thế nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực cho vùng chủ yếu phải dựa vào các trường trong địa bàn. Tuy nhiên, với số trường hiện có thì khả năng đáp ứng nhu cầu đào tạo nhân lực và nhu cầu học tập của nhân dân trong vùng còn hạn chế.

Trong khi đó, hệ thống các trường TCCN khó phát triển vì bậc đào tạo TCCN khó tuyển sinh, ngành nghề đào tạo chưa phù hợp với nhu cầu xã hội nên sau khi tốt nghiệp, SV khó tìm việc làm.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh nguồn nhân lực là 1 trong 3 trụ cột xây dựng, phát triển kinh tế (vốn, đất đai, con người) cho mỗi tỉnh, mỗi vùng, cả nước. Qua con số báo cáo của Bộ GD-ĐT thì số lượng SV học ngành Nông lâm ngư lại thấp trong khi vùng ĐBSCL lại phát triển kinh tế nông nghiệp và thủy sản, đó là điều bất hợp lý.

Bên cạnh đó, cả vùng không có một trường CĐ, ĐH chuyên đào tạo ngành Văn hóa -nghệ thuật, thể dục thể thao thì cũng là chuyện đáng bàn. Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương cần ngồi lại với nhau để tìm hướng đi, giải pháp cân đối cho những khó khăn trên.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cũng lưu ý thêm, các địa phương vùng Tây Nam Bộ có nét văn hóa- nghệ thuật của đồng bào dân tộc Khmer khá đặc sắc. Chính vì thế, việc mở rộng quy mô đào tạo HS, SV cũng như cán bộ người dân tộc Khmer cũng cần được quan tâm.

Tại hội nghị, đại diện Bộ GD-ĐT cũng cho biết, trong định hướng quy hoạch nguồn nhân lực cho vùng ĐBSCL giai đoạn 2011-2020, Bộ sẽ tập trung thực hiện mục tiêu sắp xếp lại và phát triển thêm mạng lưới trường học cho phù hợp.

Trong đó, tập trung đào tạo nguồn nhân lực theo nhu cầu xã hội, nâng cao trình độ ĐH; tăng số lượng các trường ĐH, CĐ, TCCN trong vùng một cách hợp lý (dự kiến thành lập thêm 10-12 trường ĐH, 22-24 trường CĐ, 10 trường TCCN); xây dựng các trường ĐH trong vùng theo hướng ứng dụng nghề nghiệp;

Các trường ĐH, CĐ cần chủ động, tích cực chuẩn bị các điều kiện mở thêm các ngành nghề “chuyên” cho vùng như thủy sản, chế biến sản phẩm sau thu hoạch, công nghệ sinh học nhằm đẩy mạnh cải tạo giống, cây trồng; các ngành liên quan đến thủy lợi; các chuyên ngành y tế…

Huỳnh Hải

Nguồn: dantri.com.vn

06/12/2010

Bài viết liên quan

1081
  Tải tài liệu