Tự chủ đại học trên giấy: Xóa bỏ hay 'quy hoạch' lại bộ chủ quản?

Tự chủ đại học đang được dư luận quan tâm. Trong đó, có ý kiến cho rằng cần xóa bỏ cơ quan chủ quản, nhưng ý kiến khác đề xuất cần sắp xếp “quy hoạch lại cơ quan chủ quản.

843
  Tải tài liệu

Trao đổi với Tiền Phong, TS. Đàm Quang Minh, Chủ tịch Hội đồng trường ĐH Phú Xuân (Huế) cho biết rất nhiều bộ, ngành đang là đơn vị chủ quản của nhiều trường. Ví dụ, Bộ Công Thương là cơ quan chủ quản của 34 trường đại học, cao đẳng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang quản lý 32 trường đại học, cao đẳng, Bộ Y tế chủ quản 11 trường.
Bên cạnh đào tạo các ngành thế mạnh theo quản lý của cơ quan chủ quản, các trường đại học, cao đẳng hiện nay cũng giảng dạy rất nhiều chuyên ngành khác nhau theo nhu cầu xã hội. Do đó, cơ chế chủ quản theo ngành bắt đầu bộc lộ bất cập. Vì các trường cơ bản đều hướng tới đa ngành, đa lĩnh vực.

Theo TS Đàm Quang Minh, việc phân bổ ngân sách cho các bộ rồi bộ phân tiếp cho trường trực thuộc là không phù hợp, khiến cho bộ máy cồng kềnh, thiếu tập trung vào nhiệm vụ quản lý.

Trong khi đó, việc đào tạo nhân lực và nghiên cứu khoa học - nhiệm vụ chủ yếu của trường đại học - mang tính phân vùng và khu vực hơn là phân ngành.

Do đó, TS. Đàm Quang Minh đề xuất hai nội dung liên quan đến bộ chủ quản. Đối với các trường ĐH do các bộ chủ quản (trừ công an, quân đội) nên giao về cho các địa phương quản lý. “Thực tế cho thấy, tư duy của các Bộ quản lý Hội đồng trường là tư duy quản lý hành chính. Như thế, các trường sẽ rất khó phát triển”, TS. Đàm Quang Minh nói.

Còn với các đại học vùng thì trung ương quản lý. Trung ương ở đây có thể là Bộ GD&ĐT.

Các trường chuyên ngành đặc thù như an ninh, quốc phòng sẽ là học viện, chỉ đào tạo những ngành mà các trường đại học khác không đào tạo được.

Rào cản từ cơ quan chủ quản

Còn GS.TS Trần Hồng Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, Chủ tịch Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam cho biết trong thực hiện tự chủ, điều quan trọng là phải xây dựng được mô hình quản lý hiệu quả hơn, tạo động lực cho sự phát triển của trường đại học. Đồng thời khắc phục được sự trì trệ, ỉ lại. Nếu xây dựng được mô hình tổ chức tốt thì có vai trò rất lớn để đảm bảo thắng lợi.

Điểm nổi bật của Luật giáo dục Đại học sử đổi (hay còn gọi là Luật 34) chính là tính tự chủ của các trường ĐH. Theo đó, các trường ĐH được tự quyết định và có trách nhiệm giải trình về hoạt động chuyên môn, học thuật, tổ chức, nhân sự, tài chính, tài sản và hoạt động.

Đối với tổ chức quản lý, Giáo sư Quân khẳng định nếu còn thực hiện cơ chế chủ quản thì chắc chắn chúng ta không thể tự chủ được. Còn chủ quản thì không có tự chủ. Vì làm gì cũng phải qua cơ quan chủ quản, kể cả những việc luật không cấm vẫn phải hỏi cơ quan chủ quản.

“Cơ quan chủ quản can thiệp vào việc tác nghiệp của các trường và hạn chế sự sáng tạo của các trường. Nó tạo ra sự ỷ lại vào cấp trên sẽ làm, sẽ giải quyết... cơ chế chủ quản sinh ra sự trì trệ của hệ thống. Hội đồng trường xác định rõ các chính sách của nhà trường, lựa chọn hiệu trưởng xứng đáng để giao quyền điều hành và theo dõi, kiểm tra đánh giá việc sử dụng quyền được giao đó”, GS. Trần Hồng Quân cho hay.

Như vậy, nếu thực hiện đầy đủ cơ chế hội đồng trường, xác định đúng vai trò của hội đồng trường thì không cần đến cơ chế Bộ chủ quản. Hội đồng trường chỉ có thể phát huy vai trò của mình đầy đủ và hoạt động có hiệu quả cao khi cơ chế bộ chủ quản được hoàn toàn xóa bỏ.

Theo GS Quân, trong tự chủ về quản lý thì Hội đồng trường được xem là vấn đề cốt lõi của tự chủ đại học. Do đó, yêu cầu phải xây dựng thiết chế quyền lực thực sự của Hội đồng trường đối với nhà trường. Hội đồng này phải có quyền lực thực với việc hình thành bộ máy, chiến lược phát triển, đội ngũ nhân sự... của nhà trường.

Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng, Nguyên Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương đã nhấn mạnh việc tự chủ đại học và tự do học thuật. Theo ông, đây là đặc điểm của một nền giáo dục thực chất, đúng nghĩa.

Cốt lõi của đổi mới giáo dục đại học để giáo dục đại học vươn lên ngang tầm quốc tế là tự chủ đại học. Trong tự chủ có 2 việc cần có đó là quyền của Hội đồng trường và bỏ cơ chế bộ chủ quản. Ở các nước phát triển họ đã làm từ lâu. Ở nước ta cho đến nay vẫn chưa có tự chủ đại học theo nghĩa đầy đủ của vấn đề này.

NGHIÊM HUÊ
tienphong.vn – 17/11/2020

Bài viết liên quan

843
  Tải tài liệu