TP.HCM: Nghịch lý đào tạo giáo viên mầm non
TP HCM hiện đang thiếu khoảng 2.000 giáo viên mầm non. Mỗi năm, cần thêm 1.000 người để đáp ứng nhu cầu nuôi dạy, chăm sóc trẻ của toàn TP. Tuy nhiên, các trường đào tạo giáo viên mầm non tại TP lại không được tăng chỉ tiêu
“Thông tư 57/2011 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) không cho phép các trường ĐH được đào tạo hệ trung cấp, gần đây còn cắt giảm chỉ tiêu khối ngành sư phạm. Thông tư này phù hợp với một số tỉnh, thành nhưng tại các TP lớn, nhất là TP HCM, thì không phù hợp khi tình hình năm nào cũng thiếu giáo viên (GV)” - PGS-TS Nguyễn Viết Ngoạn, Hiệu trưởng Trường ĐH Sài Gòn, cho biết.
Thiếu nhưng không cho tăng chỉ tiêu
Tại TP HCM hiện có 3 trường đào tạo GV mầm non (MN) là Trường ĐH Sư phạm, Trường ĐH Sài Gòn, Trường CĐ Sư phạm Trung ương. Theo đại diện các trường sư phạm, nếu bộ cho tăng chỉ tiêu thì mới mong giải quyết được việc thiếu GV, tuy nhiên mỗi trường lại gặp những khó khăn riêng.
Trong cuộc họp của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP HCM với Trường ĐH Sài Gòn ngày 7-5, đại diện nhà trường nêu thực tế từ năm 2013, đề án thành lập khoa trung cấp để đào tạo GVMN của trường đã được UBND TP chấp thuận và trình Bộ GD-ĐT nhưng đến nay, bộ vẫn không giải quyết.
Tại Trường CĐ Sư phạm Trung ương TP HCM, PGS-TS Lê Văn Tiến cho biết mỗi năm, trường tuyển khoảng 400 sinh viên hệ CĐ và 120 hệ trung cấp MN, nếu được tăng chỉ tiêu lên 2.000 sinh viên cũng chưa chắc đáp ứng đủ nhu cầu. Tuy nhiên, việc xác định chỉ tiêu lại phải căn cứ trên điều kiện cơ sở vật chất, giảng viên và việc thông qua chỉ tiêu với bộ không dễ.
Theo PGS-TS Nguyễn Kim Hồng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP HCM, trường nhận được đề nghị của Sở GD-ĐT TP về đào tạo GVMN, nhất là GV cho nhóm nhà trẻ. Đây là chủ trương phù hợp nhưng nhà trường phải đề nghị sở xin chỉ tiêu đào tạo riêng cho TP HCM vì trường không thể có đủ chỉ tiêu cho TP nhằm giải quyết tình trạng thiếu GVMN. “Trường ĐH Sư phạm TP HCM cũng như các ĐH khác, theo quy định của bộ không thể tổ chức đào tạo bậc học trung học nên việc đào tạo giáo viên có trình độ trung học nuôi dạy trẻ là không thể” - ông Hồng cho biết.
Tháo gỡ cách nào?
PGS-TS Nguyễn Viết Ngoạn cho rằng việc TP thiếu GV cũng còn do nguyên nhân ở cơ chế tuyển dụng. “Các trường công hiện còn phải tuyển GV theo hộ khẩu, rồi thi tuyển. Theo một khảo sát, có khoảng 84% sinh viên khối ngành sư phạm có việc làm, còn lại là trôi nổi. Những trường hợp này rơi vào cử nhân không có hộ khẩu TP. Do đó, vấn đề đặt ra là cơ chế tuyển dụng phải như thế nào để thu hút GV” - PGS Ngoạn nói.
Ông Ngoạn cho rằng việc đào tạo GVMN nói chung là phù hợp với điều kiện TP nhưng việc đào tạo vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng cấp bách do Bộ GD-ĐT chưa thống nhất với chủ trương của TP về việc tăng cường đào tạo GV. Do đó, cần phải có giải pháp để gỡ khó cho các trường sư phạm. Chẳng hạn, hệ trung cấp MN đào tạo theo hình thức tín chỉ rút ngắn được thời gian đào tạo, tiết kiệm được ngân sách cho TP, đáp ứng nhu cầu thiếu GVMN cấp bách nhưng lại chưa được bộ đoái hoài.
Ông Huỳnh Công Hùng, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP, cho rằng bộ chưa giải quyết kiến nghị của TP, của trường nhưng nhà trường không thể cứ ngồi đó và trông chờ mãi trong khi rất nhiều GV, các chủ trường, các trường MN ngoài công lập cần được bồi dưỡng. Ông Hùng đề nghị Trường ĐH Sài Gòn kết hợp với sở tiếp tục kiến nghị mạnh lên bộ. Đồng thời, tập trung nâng cao chất lượng đào tạo để giải quyết những vấn đề liên quan đến chăm sóc và giáo dục trẻ 6-18 tháng tuổi, chuẩn bị thực hiện thí điểm trong năm học tới.
Thiếu chỗ thực tập TS Trần Thị Phương, Trưởng Khoa Giáo dục MN Trường ĐH Sài Gòn, cho hay đối với chương trình giáo dục MN cho trẻ từ 6-18 tháng, trường cũng đã có chương trình đào tạo từ rất lâu, thậm chí chương trình đào tạo được xây dựng với trẻ 3 tháng vì quy định trước đây, người mẹ chỉ được nghỉ thai sản 4 tháng. Nhưng nghịch lý ở chỗ là không có nơi thực tập vì không có trường MN nào nhận trẻ từ 6-18 tháng |
Đặng Trinh
Nguồn: nld.com.vn