Tùy tiện xét tuyển hệ cao đẳng thực hành

Công khai... làm sai (!?)

Hứa thật nhiều... thất hứa càng nhiều

859
  Tải tài liệu

Cùng với xét tuyển nguyện vọng bổ sung, thời điểm này hàng loạt trường tự biên tự diễn ra hệ cao đẳng (CĐ) thực hành để lôi kéo thí sinh. Đây là tên gọi mà ngay trong Luật Dạy nghề và Luật Giáo dục cũng không có và đặc biệt hơn nữa, các trường tự cho liên thông lên đại học (ĐH) để lấy bằng ĐH chính quy trong khi Bộ GD-ĐT lại cho rằng rất ít trường được liên thông từ CĐ nghề lên ĐH.

Công khai... làm sai (!?)

Nếu năm 2011 số trường ĐH, CĐ thuộc Bộ GD-ĐT quản lý công khai thông báo tuyển sinh hệ CĐ thực hành khoảng mười mấy trường thì năm nay số trường tuyển sinh hệ CĐ thực hành tăng đến chóng mặt.

Tại phía Nam, bên cạnh các trường như ĐH Kỹ thuật Công nghệ, ĐH Lạc Hồng thì có thêm hàng loạt trường công khai làm sai luật như ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM, ĐH Nguyễn Tất Thành, ĐH Công nghệ Đồng Nai, CĐ Văn hóa nghệ thuật du lịch Sài Gòn, CĐ Viễn Đông... thông tin tuyển sinh hệ CĐ thực hành.

Điểm chung dễ nhận thấy đối với hệ đào tạo này, các trường đều đánh bóng những lời quảng cáo như học phí thấp nhất với chất lượng tốt nhất, được liên thông lên ĐH chính quy và sau ĐH. Trường ĐH Lạc Hồng còn bao luôn việc làm khi sinh viên ra trường và cơ hội liên thông trực tiếp lên ĐH chính quy. Trường CĐ Văn hóa nghệ thuật du lịch Sài Gòn ngoài việc quảng bá tuyển sinh hệ CĐ thực hành còn kèm theo dòng chữ hấp dẫn “sau khi tốt nghiệp được liên thông lên ĐH, CĐ chính quy tại trường”.

Ngay cả Trường CĐ Nghề kỹ thuật công nghệ LaDec cũng tham gia cuộc đua bằng việc xét tuyển CĐ nghề và liên thông từ CĐ nghề lên ĐH. Trường CĐ Nghề kỹ thuật mỹ nghệ Việt Nam, Trường CĐ Kinh tế kỹ thuật miền Nam cũng thông báo tốt nghiệp CĐ nghề được liên thông lên ĐH chính quy.

Đáng nói hơn, Trường CĐ Viễn Đông TPHCM còn gây sốc hơn khi cho rằng tốt nghiệp CĐ nghề của trường sẽ được liên thông lên ĐH tốp trên như ĐH Ngoại thương, ĐH Kinh tế, ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM. Tuy nhiên, khi chúng tôi liên hệ xác minh, những trường trên khẳng định không tuyển liên thông CĐ nghề lên ĐH.

Trong khi đó, tại phía Bắc, nhiều trường còn quảng cáo quá đỗi hoành tráng. Để tạo sự chú ý đặc biệt, Trường CĐ Nghề công nghệ và kinh tế Hà Nội thông báo tuyển sinh hệ CĐ thực hành chất lượng cao. Sau khi tốt nghiệp được chuyển tiếp lên ĐH trong và ngoài nước. Chưa dừng lại đó, sinh viên sẽ được học chương trình đào tạo quốc tế của Pháp, Đài Loan, ấn Độ, Singapore và tốt nghiệp với bằng ĐH chính quy. Trường ĐH Nguyễn Trãi cũng quảng cáo chương trình CĐ thực hành hấp dẫn không kém khi cho rằng sinh viên tốt nghiệp được quyền học liên thông lên ĐH. Rầm rộ nhất có lẽ là Trường ĐH FPT khi quảng cáo chương trình CĐ thực hành hiện đại tại Việt Nam…

Hứa thật nhiều... thất hứa càng nhiều

Trong khi đó, theo Luật Dạy nghề, không có chương nào, từ nào nói đến cụm từ “CĐ thực hành” và chỉ nói rõ là “CĐ nghề”. Tại Điều 37, về văn bằng, chứng chỉ giáo dục nghề nghiệp nêu rõ “sinh viên học hết chương trình dạy nghề trình độ CĐ... được hiệu trưởng nhà trường cấp bằng tốt nghiệp CĐ nghề”. Và luật này cũng dành nguyên mục 3 để chỉ rõ về chương trình dạy nghề, mục tiêu, giáo trình và cơ sở dạy nghề trình độ CĐ nghề gồm: trường CĐ nghề, trường CĐ, trường ĐH có đăng ký dạy nghề CĐ.

Theo TS Nguyễn Trần Nghĩa, Hiệu trưởng Trường CĐ Nghề TPHCM: “Tôi không rõ tên gọi CĐ thực hành vì trong hệ thống đào tạo hiện nay chỉ có CĐ nghề (do Tổng cục Dạy nghề Bộ LĐTB-XH quản lý) và CĐ chính quy (do Bộ GD-ĐT quản lý). Cũng có thể các trường tự đặt ra để thêm phần hấp dẫn nhằm thu hút sự quan tâm của thí sinh”. Về vấn đề liên thông, TS Nghĩa cho rằng, hiện nay liên thông từ CĐ nghề lên ĐH chính quy rất khó vì các quy định đang còn lưng lửng. Thông tư liên tịch 27 giữa Bộ GD-ĐT và Bộ LĐTB-XH cũng chỉ mới thống nhất về chủ trương.

Trong khi đó, nhiều trường ĐH khi thông tin, tư vấn tuyển sinh vin vào Thông tư 27 (Thông tư liên tịch Bộ GD-ĐT và Bộ LĐTB-XH) ký vào ngày 28-10-2010 về hướng dẫn đào tạo liên thông từ trình độ trung cấp nghề, CĐ nghề lên trình độ CĐ, ĐH và mặc nhiên tự cho mình được phép liên thông từ CĐ thực hành, CĐ nghề lên ĐH. Tuy nhiên, Chương II, Điều 7 của Thông tư 27 có nói rõ thẩm quyền giao nhiệm vụ đào tạo liên thông từ trình độ trung cấp nghề, CĐ nghề lên trình độ CĐ và ĐH do Bộ trưởng Bộ GD-ĐT phê duyệt.

Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga, hiện nay bộ mới duyệt một vài trường được liên thông từ hệ CĐ nghề lên ĐH. Tuy nhiên, do hai hệ đào tạo có nội dung khác nhau rất nhiều (CĐ nghề học về thực hành, không thi tuyển, CĐ chính quy phải qua thi tuyển, chương trình đào tạo bao gồm lý thuyết và thực hành) nên trường nào muốn thực hiện liên thông phải làm đề án trình bộ và bộ xem xét thẩm định rồi mới cấp phép. Cũng theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, việc liên thông lên ĐH từ hệ CĐ nghề có những quy định rất khó nên chưa có nhiều trường được bộ cho phép. Do đó, trường nào làm sai bộ sẽ xử phạt nghiêm.

Như vậy, rõ ràng việc các trường tự đặt ra tên gọi và tuyển sinh đào tạo hệ CĐ thực hành là hoàn toàn vi phạm những quy định hiện hành về quản lý đào tạo. Đáng nói hơn, nhiều trường đã tự cấp giấy báo nhập học hệ CĐ thực hành cho những thí sinh đủ điểm xét tuyển các nguyện vọng bổ sung là sai so với Quy chế tuyển sinh.


Thanh Hùng

Nguồn: sggp.org.vn

Bài viết liên quan

859
  Tải tài liệu