Xem xét điều chỉnh quy hoạch mạng lưới các trường ĐH, CĐ

Xem xét điều chỉnh quy hoạch mạng lưới các trường ĐH, CĐ

672
  Tải tài liệu

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, sáng nay, 26-9, tại Hà Nội,  Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập (NCL) Việt Nam tổ chức hội nghị tổng kết 20 năm phát triển mô hình giáo dục đại học, cao đẳng NCL. Trên cơ sở kết quả của hội nghị, Bộ Giáo dục- Đào tạo (GD-ĐT) sẽ có báo cáo đề xuất với Thủ tướng Chính phủ những giải pháp để tiếp tục phát triển các trường NCL trước quý 4-2013.

Sau 20 năm, hiện cả nước có hơn 80 trường đại học-cao đẳng NCL.  Các trường NCL chiếm 1/5 số trường đại học-cao đẳng cả nước và chiếm gần 1/7 số sinh viên cả nước. Hiện nay sinh viên NCL chiếm khoảng 13%, phát triển rất chậm so với mục tiêu. Tuy nhiên, vẫn có ý kiến nói phát triển như thế là quá nhanh, không bảo đảm chất lượng.

GS Trần Hồng Quân, Chủ tịch Hiệp hội đại học-cao đẳng NCL nêu, thực tế ở Việt Nam, từ năm 1993 bắt đầu mở trường đại học NCL. 15 trường thành lập đầu tiên đến nay về cơ bản đã có trụ sở khang trang. Những trường thành lập sau có điều kiện hơn, trong một vài năm đã hoàn tất trụ sở, như đại học Tân Tạo, quốc tế miền Đông, FPT…Một số trường đã có sinh viên quốc tế đến học (miền Đông, FPT, Kinh doanh và công nghệ Hà Nội..). Điều đó khẳng định chủ trương xã hội hóa GDĐH của Đảng, Nhà nước là đúng, có điều kiện để phát triển. Nhiều mô hình NCL đã được khẳng định. Tuy nhiên, hiện còn khoảng 15 trường khó khăn, trong đó có một số trường làm ăn không bài bản, sai phạm, chưa hút được sinh viên và gây bức xúc cho xã hội.

 
Điều đáng lo ngại là trong mấy năm gần đây, sinh viên vào trường NCL, hiện chỉ còn chiếm 12,7% tổng số sinh viên cả nước. Tốc độ phát triển các trường NCL trong những năm qua cũng chỉ bằng 1/3 các trường công lập.

Từ thực tế trên, các trường NCL kiến nghị Nhà nước cần thay đổi chính sách về đào tạo. Theo đó, không  bao cấp chi phí đào tạo cho trường công mà nên để trường công được phép thu học phí để bù chi phí đào tạo; Nhà nước sẽ đặt hàng để đào tạo không kể công lập hay NCL. “Đây là thay đổi đột phá, thực chất là xã hội hóa ngay trong trường công. Trong trường hợp này, sẽ có sự cạnh tranh về học phí. Học phí trường công và trường tư sẽ bình đẳng trong cạnh tranh vì Nhà nước không cấp chi phí đào tạo nữa”, GS Trần Hồng Quân đề xuất. Đây cũng là hướng thay đổi mới về cơ chế tài chính cho giáo dục mà Đề án đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đang được Bộ GD-ĐT chuẩn bị trình Trung ương.

Có 3 kiến nghị cụ thể đã được Hiệp hội đại học NCL nêu ra trong hội nghị sáng nay. Thứ nhất, Nhà nước cần triển khai thực hiện Nghị định 69 về chính sách hỗ trợ đất đai, thuế, chỉ tiêu tuyển sinh cho cac trường NCL. Thứ hai, thực hiện Luạt Giáo dục đại học, giao tuyển sinh cho các trường, không có điều kiện gì cả, đương nhiên Bộ GD-ĐT chịu trách nhiệm giám sát chất lượng đào tạo của các trường. Thứ 3, cho phép các tổ chức thành lập trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục độc lập, Hiệp hội sẵn sàng để thành lập trung tâm kiểm định giáo dục độc lập ngoài nhà nước.

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết, sự đóng góp của ĐH-CĐ NCL là rất quan trọng. “Đầu năm 2014, sẽ ban hành khung trình độ quốc gia, quy định cụ thể các bậc đào tạo, đáp ứng yêu cầu cạnh tranh của thị trường lao động, chuẩn bị cho việc mở cửa thị trường lao động khu vực ASEAN vào năm 2015. Theo đó, dù học công hay tư thì đều phải đáp ứng khung trình độ quốc gia để bảo đảm cơ hội việc làm. Lúc đó, đại học công lập và NCL sẽ bình đẳng”, ông Ga nhấn mạnh.

 
Cũng theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, hiện Bộ đã thành lập trung tâm kiểm định giáo dục độc lập của Đại học Quốc gia Hà Nội với những tiêu chí kiểm định độc lập, không phân biệt trường công hay tư, tạo cạnh tranh bình đẳng, không phân biệt giữa các trường. “Phải giải quyết những bất cập hiện nay trong nội bộ của một số trường đang gây bức xúc xã hội, làm ảnh hưởng đến sinh viên. Không cho phép mất môi trường xã hội. Về lâu dài, cần xác định chiến lược phát triển của nhà trường để phát triển lâu dài. Cần đặt ra thẳng thắn những vấn đề còn bất cập về cơ chế, chính sách, chiến lược phát triển, những thiếu sót hiện nay.. để xây dựng được nền tảng vững vàng cho phát triển giáo dục đại học NCL”, ông Ga kết luận.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT: Đề xuất Thủ tướng xem xét điều chỉnh quy hoạch mạng lưới các trường đại học cao đẳng trong cả nước


Để góp phần giúp các trường NCL khắc phục các khó khăn, Bộ trưởng  Phạm Vũ Luận cho biết, Bộ đã rà soát, đề xuất Thủ tướng xem xét điều chỉnh quy hoạch mạng lưới các trường đại học cao đẳng trong cả nước cho phù hợp với quy hoạch phát triển nhân lực quốc gia và của từng địa phương. Trình Thủ tướng ban hành quyết định để tháo gỡ khó khăn cho các trường NCL trong việc được hưởng ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp và các ưu đãi khác của nhà nước đối với các cơ sở thực hiện xã hội hóa; trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 49/2010/NĐ-CP về miễn giảm học phí, trong đó bổ sung nội dung cấp trực tiếp tiền miễn, giảm học phí đối với học sinh, sinh viên thuộc đối tượng chính sách học tại các cơ sở đào tạo NCL, qua đó tạo điều kiện tăng nguồn tuyển sinh cho các cơ sở này.

Cũng theo Bộ trưởng, theo đề nghị của các trường, trong đó có các trường NCL, Bộ đã điều chỉnh một số quy định trong tuyển sinh năm 2013 để tạo điều kiện cho các trường NCL thuận lợi trong tuyển sinh. Bộ cũng đề nghị các trường NCL xây dựng đề án tuyển sinh riêng. Nếu có được phương án khả thi, đảm bảo chất lượng nguồn tuyển, đảm bảo sự công bằng, minh bạch, không phát sinh khó khăn cho thí sinh, không tái diễn luyện thi, dạy thêm, học thêm tràn lan thì Bộ sẽ cho phép các trường thực hiện.

Cùng với việc tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện điều kiện đảm bảo chất lượng theo cam kết thành lập trường, kịp thời cảnh báo, yêu cầu các trường khắc phục sai sót, khiếm khuyết để nâng cao chất lượng đào tạo, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết tới đây sẽ có các chính sách ưu đãi đối với các cơ sở giáo dục đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận. 


PHAN THẢO

Nguồn: sggp.org.vn

 

Bài viết liên quan

672
  Tải tài liệu