Phổ cập đại học: Đang từng bước “khai tử” các trường Cao đẳng

Phổ cập đại học: Đang từng bước “khai tử” các trường Cao đẳng

822
  Tải tài liệu

Tại hội nghị nghiệm thu đề tài "Nghiên cứu đề xuất các giải pháp cải cách công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên phổ thông" do nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình làm chủ nhiệm, đã đưa ra kiến nghị: Ngừng đào tạo bậc trung cấp và cao đẳng Sư phạm ngay trong năm học 2014-2015, giáo viên mầm non, tiểu học cũng phải tốt nghiệp đại học.

Đề tài dù chưa thực hiện ngay nhưng đã tác động mạnh đến tâm tư tình cảm của nhiều thanh niên đang học ở các trường cao đẳng. Trong bài viết này tác giả sẽ lý giải số phận của các trường Cao đẳng  trước chủ trương “phổ cập” đại học hiện nay.

Phổ cập đại học, cao học cho mọi đối tượng người lao động

Cách đây 38 năm (năm 1975), cán bộ phục vụ giảng dạy Đại học như: Cán bộ hướng dẫn thí nghiệm, cán bộ văn phòng, văn thư  đánh máy chỉ yêu cầu tốt nghiệp trung cấp.

Còn hiện nay (năm 2013) cán bộ hướng dẫn thí nghiệm (cũng làm các công việc như cách đây 38 năm)  hầu hết đã là thạc sĩ, có người là tiến sĩ. Số cán bộ văn phòng đang được “thạc sĩ hóa”, nhưng vẫn làm các công việc văn phòng, ngạch lương nhân viên hành chính.

Giai đoạn năm 1975 - 1985, đối tượng để được thi cao học ĐHSP Hà Nội phải là người có bằng đại học chinh qui loại giỏi, đa phần học viên đi thi là cán bộ giảng dạy các trường đại học, cao đẳng sư phạm. Giáo viên cấp III muốn đi học cao học phải là giáo viên xuất sắc  nằm trong diện quy hoạch của Sở giáo dục tỉnh.

Còn hiện nay, cử nhân hệ chức loại trung bình vẫn được học thạc sĩ, sau đó làm luận án tiến sĩ ở trường đại học. Trong các khu công nghiệp, đã có thạc sĩ làm việc như công nhân. Một số trường phổ thông trung học đã có giáo viên có học vị tiến sĩ giảng dạy cùng với giáo viên có bằng cao đẳng.

Tâm lý  học đại học, cao học bằng mọi giá

Trong một đất nước mà “ra ngõ gặp kỹ sư, thạc sĩ”, đến nỗi cô giáo mầm non (trước đây chỉ tốt nghiệp trung cấp) nay cũng học đại học (có  giáo viên mầm non hết sức tàn nhẫn) giáo viên dạy trung học cơ sở cũng có bằng tiến sĩ thì không một học sinh nào có bằng tốt nghiệp lớp 12 cam chịu mảnh bằng cao đẳng suốt đời.

Các học sinh trượt đại học, chấp nhận học cao đẳng (khi tuổi đời mới ngoài 20)  để kiếm sống chỉ là tạm thời. Vì vậy bằng cách này hay cách khác họ cũng cũng kiếm được bằng đại học qua các lớp đại học từ xa, đại học tại chức, đại học liên thông.

Sau khi tốt nghiệp đại học các đối tượng này vẫn tiếp tục làm công nhân và chờ đợi học cao học khi có điều kiện. Bộ giáo dục đã thực thi nhiều giải pháp nhằm giảm áp lực vào đại học như: Hướng nghiệp cho học sinh phổ thông, phân luồng học sinh vào học các trường cao đẳng nghề, tuyên truyền để các sinh viên học cao đẳng yên tâm học tập gắn bó với nghề.

Tương tự, nhà nước cũng đưa ra nhiều giải pháp hạn chế các quan chức bộ ngành (không có chức năng giảng dạy) khi làm hồ sơ xét phó giáo sư, đưa ra nhiều tiêu chí cao để họ khó đủ tiêu chuẩn trở thành giáo sư, phó giáo sư. Nhưng tất cả các giải pháp trên đều không khả thi. Số quan chức (không liên quan đến giảng dạy) được phong phó giáo sư vẫn tăng đều hàng năm, số sinh viên tìm cách lách luật đi học đại học, cao học không hề giảm.

Các “giải pháp” của Bộ Giáo dục đang vét cặn nguồn tuyển sinh của các trường Cao đẳng.

Giải pháp 1. Cho phép các trường đại học ngoài công lập và một số trường Đại học được tuyển sinh nhiều đợt. Đợt một vẫn tuyển theo “ba chung” tuyển đợt hai vào mùa xuân, để các trường tuyển đủ chỉ tiêu. Với mục tiêu tuyển đủ chỉ tiêu, các trường khi xét tuyển “sẵn sàng” hạ bớt tiêu chuẩn. Khi số học sinh tốt nghiệp phổ thông toàn quốc không đổi, số thí sinh trúng tuyển vào đại học càng tăng thì số học sinh  nộp hồ sơ vào các trường cao đẳng  sẽ giảm.

Giải pháp 2. Không tăng điểm sàn. Mặc dù đề thi năm 2013 dễ hơn năm 2012, nhưng Bộ vẫn giữ điểm sàn thấp như cũnên thí sinh có  nhiều cơ hội vào đại học.

Giải pháp 3. Tốt nghiệp cao đẳng muốn  học lên liên thông phải thi đại học. Với giải pháp này, nếu thí sinh muốn học lên đại học theo đường vòng (học cao đẳng sau đó thi liên thông đại học) để lấy bằng đại học phải mất đến 7 năm rưỡi (3 năm học cao đẳng, 3 năm chờ đợi để thi liên thông và 1,5 năm học liên thông).

Như vậy học cao đẳng phải chịu một quãng thời gian khá dài mới lấy được bằng đại học khiến thí sinh nản lòng và không mặn mà với hệ cao đẳng.

“Giải pháp độc đáo” của các trường đại học đào tạo hệ cao đẳng

Nhằm tăng quy mô đào tạo và đáp ứng nhu cầu học đại học của các thí sinh không đạt điểm sàn đại học, một số trường Đại học có đào tạo Cao đẳng đã đưa ra giải pháp “ba trong một”. Đó là xây dựng chương trình đào tạo Đại học tại chức như đại học liên thông.

Theo đó, sinh viên vào học hệ cao đẳng chính qui đồng thời cũng thi đại học Tại chức trường đó. Do xây dựng chương trình đào tạo các môn phù hợp hệ tín chỉ, nhiều môn hệ cao đẳng chính qui trùng các môn hệ đại học.

Các môn đã học ở hệ cao đẳng sẽ được sử dụng cho hệ đại học tại chức. Sinh viên học đại học tại chức chỉ học một số môn mà hệ cao đẳng chưa học. Nhờ cách sắp xếp thời khóa biểu hợp lý, cùng lúc sinh viên có thể dễ dàng vừa theo hệ cao đẳng chính qui vừa theo học đại học Tại chức mà không mất nhiều thời gian và kinh phí học tập.

Sau khi tốt nghiệp cao đẳng chính qui và đại học tại chức, họ đủ điều kiện thi vào cao học trường đó. Như vậy với phương án “ba trong một”,  sau 6 năm một sinh viên cao đẳng có thể lấy bằng thạc sĩ chính qui với một kinh phí rẻ nhất.

Nếu học cao đẳng ở các trường cao đẳng không có liên kết đào tạo đại học, ở xa trung tâm, xa các trường đại học, thì sinh viên cao đẳng mốn lấy bằng đại học như trên là vô cùng khó khăn, mất thời gian và tốn kém kinh phí học tập.

Với lợi thế của phương án “ba trong một”, các trường đại học cũng đang “tham gia” vét cạn nguồn tuyển sinh của các trường cao đẳng. Các trường cao đẳng đang có nguy cơ phải thu hẹp do không tuyển đủ chỉ tiêu, đời sống của các giáo viên các trường cao đẳng đang gặp khó khăn lại càng khó khăn hơn.

Tóm lại học đại học, thạc sĩ là nhu cầu chính đáng của mọi người, nó phù hợp với xu thế phát triển trong xã hội. Khi các “giải pháp”, biện pháp, qui định, thông tư mà bộ giáo dục ban hành như trình bày ở trên được thực thi,  cao đẳng chỉ còn  là đường cùng của thanh niên tốt nghiệp lớp 12.

Việc “phổ cập” đại học theo đề tài "Nghiên cứu đề xuất các giải pháp cải cách công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên phổ thông" do nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình thực sự đang từng bước “khai tử” các trường cao đẳng nói chung, cao đẳng sư phạm nói riêng. Làm thế nào để bảo đảm nguồn tuyển sinh cho  trên 300 trường cao đẳng là bài toán khó,  rất cần vào cuộc của những người có trách nhiệm.

PGS.TS Ngô Tứ Thành

Nguồn: laodong.com.vn

 

Bài viết liên quan

822
  Tải tài liệu