Gỡ khó mùa tuyển sinh 2020 - cánh cửa đại học rộng mở hơn?

Ảnh hưởng của dịch Covid-19 cùng thay đổi trong phương án thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) 2020 dù là áp lực không nhỏ đối với học sinh, giáo viên, phụ huynh và các trường học, nhưng lại mở ra nhiều cánh cửa cho mùa tuyển sinh năm nay.

607
  Tải tài liệu

Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã chính thức ban hành Quy chế tuyển sinh năm 2020 với điều chỉnh một số điểm về kỹ thuật để khắc phục những bất cập của năm 2019 cùng với phương án thi tốt nghiệp THPT 2020. Dù không còn là kỳ thi THPT quốc gia nhưng thực chất quy mô và tính chất quan trọng của kỳ thi này không khác mọi năm. Đặc biệt, công tác nhân sự của kỳ thi đang được Bộ rất quan tâm để có thể đáp ứng yêu cầu nghiêm túc, trung thực, khách quan, công bằng và minh bạch.

Khi địa phương là đầu tàu thi tốt nghiệp

Tại buổi họp trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố về tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 vừa qua, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh, kỳ thi năm nay sẽ giao trách nhiệm toàn diện cho địa phương và sẽ có nhiều thay đổi trong tổ chức, thanh tra, giám sát… nhằm hạn chế thấp nhất tiêu cực từng xảy ra. Theo Bộ trưởng, các kỳ thi trước để xảy ra tiêu cực do có cá nhân thiếu trách nhiệm, kể cả người chịu trách nhiệm chính cũng bỏ bê nhiệm vụ được giao. Bởi vậy, năm nay, Chủ tịch UBND tỉnh, TP trực thuộc trung ương có trách nhiệm cao nhất.

Theo PGS.TS Mai Văn Trinh - Cục trưởng Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT, yêu cầu của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 là tăng cường hơn về tính tự chủ của các địa phương. Tuy nhiên, trách nhiệm của Bộ vẫn rất lớn trong việc chỉ đạo tổ chức kỳ thi; xây dựng quy chế, các văn bản hướng dẫn; tổ chức tập huấn nghiệp vụ tổ chức thi, nghiệp vụ thanh tra; xây dựng, cung cấp đề thi cho các hội đồng thi; cung cấp các phần mềm phục vụ thi dùng chung cả nước; tổ chức thanh tra, kiểm tra các khâu của kỳ thi.

Một điểm mới của kỳ thi năm nay là ngoài thanh tra cấp sở và bộ sẽ có sự tham gia của Thanh tra Chính phủ và thanh tra tỉnh. Điểm này gây băn khoăn cho địa phương về sự chồng chéo nhưng theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng, lực lượng thanh tra sẽ làm việc độc lập. TS. Trần Tiến Khoa - Hiệu trưởng trường Đại học Quốc tế - Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh cho rằng đây là giải pháp tốt và quan trọng để đảm bảo kỳ thi diễn ra nghiêm túc. Việc tăng cường thanh tra, giám sát với sự tham gia của lực lượng thanh tra chuyên môn ngoài ngành giáo dục là điều cần thiết và chắc chắn mang lại hiệu quả.

Đáng chú ý, công tác chấm thi năm nay hoàn toàn do địa phương thực hiện, cả trắc nghiệm và tự luận. Việc chấm thi phải thực hiện bảo đảm đúng quy trình, quy định trong Quy chế và đối sánh điểm thi trung bình các bài thi, môn thi thành phần với điểm trung bình môn học lớp 12 nhằm bảo đảm kết quả kỳ thi phản ánh đúng chất lượng dạy và học ở trường phổ thông. Theo PGS.TS Mai Văn Trinh, phải lưu ý công tác chấm thi bởi đây là khâu dễ phát sinh gian lận, tiêu cực.

Bài toán nhiều lời giải của các trường

Để chủ động gỡ khó công tác tuyển sinh năm nay, nhiều trường đại học, cao đẳng đã kịp thời cập nhật phương thức xét tuyển, thời gian nhận hồ sơ và hình thức đăng ký xét tuyển mới để tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh. Đến nay, các trường đại học trên cả nước đều đã công bố đề án tuyển sinh chính thức. Hầu hết các trường đều sử dụng nhiều phương thức xét tuyển khác nhau như xét tuyển bằng điểm thi THPT quốc gia và các phương thức kết hợp khác.

Điển hình là trường Đại học Quốc tế - Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh hiện là trường sử dụng nhiều phương thức tuyển sinh nhất với việc áp dụng đồng thời sáu phương thức: kết quả thi THPT; học sinh giỏi các trường THPT theo quy định của Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh; tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển; thi tuyển - kỳ kiểm tra năng lực do trường tổ chức; xét tuyển học bạ đối với học sinh có quốc tịch nước ngoài hoặc học sinh Việt Nam học chương trình THPT nước ngoài; xét tuyển kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.

Đây là năm đầu tiên trường Đại học Ngoại thương áp dụng phương thức xét tuyển kết hợp chứng chỉ quốc tế và kết quả học tập ba năm THPT và trường Đại học Bách khoa Hà Nội có ba phương thức tuyển sinh: xét tuyển thẳng, xét tuyển kết hợp và xét kết quả thi tốt nghiệp THPT. Bên cạnh phương thức xét tuyển học bạ lớp 12 theo tổ hợp ba môn, Đại học Công nghệ TP. Hồ Chí Minh, Đại học Nguyễn Tất Thành, Đại học Lạc Hồng… bổ sung phương thức xét tuyển học bạ ba học kỳ (gồm học kỳ 1 của lớp 12 và hai học kỳ của lớp 11).

Không chỉ vậy, Đại học Quốc gia Hà Nội còn sử dụng phương thức xét tuyển bằng các chứng chỉ quốc tế và Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh còn tổ chức hai đợt thi đánh giá năng lực (tháng Ba và tháng Bảy), sử dụng kết quả từ kỳ thi này tuyển đến 40% chỉ tiêu và có gần 30 trường đại học, cao đăng sử dụng kết quả kỳ thi này để xét tuyển. Nhiều trường khác tổ chức kỳ thi tuyển sinh riêng, trong đó trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh tổ chức kiểm tra năng lực xem như một trong những tiêu chí bắt buộc để tuyển sinh.

Chia sẻ về mùa tuyển sinh năm nay, Thạc sĩ Nguyễn Xuân Dung – Phó Trưởng phòng Truyền thông và Tuyển sinh của Đại học Công nghệ TP. Hồ Chí Minh cho rằng việc linh hoạt hình thức tuyển sinh không chỉ gỡ khó cho công tác tuyển sinh của các trường trong mùa dịch Covid-19, mà còn giúp học sinh chủ động hơn trong việc chọn trường, chọn ngành học cho mình dù phải nghỉ học ở nhà tránh dịch.

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT cũng khẳng định quyền tự chủ tuyển sinh của các trường đại học được tôn trọng. Ngoài ra, quy chế tuyển sinh 2020 cho phép thí sinh được đăng ký nguyện vọng không giới hạn.

Như vậy, con đường vào cánh cửa đại học, cao đẳng của học sinh, sinh viên năm nay dường như càng được mở rộng hơn nhiều sau những tháng ngày học tập bị gián đoạn vì dịch Covid-19.

TIẾN SƠN
baoquocte.vn – 13/06/2020

Bài viết liên quan

607
  Tải tài liệu