Đại học nào nên 'bắt cá bé'?

Tại hội nghị tổng kết 20 năm phát triển các trường ĐH, CĐ ngoài công lập mới đây, hiệu trưởng Trường ĐH quốc tế Hồng Bàng gây sóng gió với phát biểu khiến Phó Thủ tướngVũ Đức Đam phải đăng đàn để “sửa” tư duy “bắt cá bé”.

614
  Tải tài liệu

Sâu xa hơn trong việc ông hiệu trưởng này “đòi” cá bé là việc phân tầng trong đào tạo, một xu thế tất yếu trong việc phát triển giáo dục ĐH Việt Nam.

“Chỗ” của ngoài công lập?

Không phải ngẫu nhiên mà một trường đại học NCL thuộc diện lâu đời nhất và có quy mô đào tạo lớn nhất trong số các trường NCL hiện nay (với hơn 20 nghìn SV) như Trường ĐH quốc tế Hồng Bàng đã tự xếp mình ở vị trí "chiếu dưới".

“Ai cũng biết là có càng nhiều Ngô Bảo Châu càng tốt, càng có chất lượng nhưng bài toán chất lượng phải được giải trên cơ sở cân bằng” – ông Đặng Ứng Vận, hiệu trưởng Trường ĐH Hoà Bình ví von.

Theo ông Đặng Ứng Vận, thời gian qua sự mở rộng quá nhanh hệ thống các trường ĐH khiến cho các trường lâm vào thế cạnh tranh gay gắt trong khi chỉ tiêu đầu vào bị hạn chế thông qua việc xác định điểm sàn của kỳ thi 3 chung. Các trường nước ngoài đã khống chế thị trường con nhà giàu, các trường công khống chế thị trường các học sinh khá giỏi. Vậy trường tư chỉ còn khu vực học sinh trung bình yếu và gia đình trung lưu và nghèo có thu nhập tăng giảm theo đà phát triển hoặc suy thoái kinh tế của đất nước.

Do đó, ông Đặng Ứng Vận cho rằng: Một trong những thách thức đối với các trường NCL là xã hội yêu cầu cao nhưng không đủ nguồn lực và điều kiện để thực hiện.

Theo QĐ 07/2009/QĐ-TTg Ban hành điều kiện và thủ tục thành lập, đình chỉ hoạt động, sáp nhập, chia tách, giải thể trường ĐH, thì điều kiện để thành lập một trường ĐH là có tổng diện tích đất xây dựng trường không ít hơn 5ha, diện tích nhà đã xây dựng đư vào sử dụng đạt bình quân tối thiểu 9m2/ SV, trong đó diện tích học tập 6m2/ SV, diện tích nhà ở và sinh hoạt tối thiểu 3m2/SV, diện tích làm việc cho giảng viên tối thiểu 8m2/người, 25 SV/ giảng viên thạc sĩ…

Theo đúng quy chuẩn này thì với một trường có quy mô 10 nghìn sinh viên học phí tối thiểu cũng phải là 20 triệu đồng/ SV/ năm. “Trong khi đó mục tiêu của xã hội hoá không phải là hướng vào con nhà giàu (con cái họ được gửi đi học nước ngoài) mà là hướng tới những gia đình nghèo không có điều kiện cho con đi học nước ngoài, cũng như hướng tới nhu cầu học tập của số đông với tín dụng sinh viên 1 triệu đồng/ tháng” – ông Vận nhận xét.

Mâu thuẫn giữa việc đảm bảo chất lượng đòi hỏi đầu tư lớn trong khi học phí không thể tăng cao, vì tăng học phí cũng có nghĩa là giảm số sinh viên đầu vào.

Suy thoái kinh tế và lạm phát làm cho đời sống giảm sút, việc làm hạn chế, năng lực chu cấp cho việc học của con em càng bị hạn chế. Năng lực của các nhà đầu tư cũng giảm sút nghiêm trọng.

“Ở đây có vấn đề về chất lượng nhân lực đáp ứng yêu cầu của chính sách quốc gia. Vậy nhân lực cần cho mỗi giai đoạn phát triển phải có những tố chất gì, giáo dục, đặc biệt là giáo dục ĐH phải đảm nhận đến đâu?" - ông Vận đặt vấn đề.

Chấp nhận phân tầng để tầng thấp phát triển

Ông Đặng Ứng Vận nêu rõ quan điểm: Cần phải chấp nhận sự phân tầng về nhiệm vụ đào tạo dựa trên một hệ thống được đa dạng hóa để thích ứng với một nền giáo dục cho số đông và tạo điều kiện cho các trường NCL có cơ hội phát triển.

Theo ông Vận, giáo dục Việt Nam đang ở trong quá trình chuyển đổi rất cơ bản từ một nền giáo dục tinh hoa sang giáo dục cho số đông. Vì vậy cần có quan điểm quốc gia về chất lượng. Vậy chất lượng ở đây là gì?

Trả lời câu hỏi này, ông Vận cho rằng đó là sự đáp ứng nhu cầu. Nhu cầu nhân lực và nhân tài cho quốc gia, nhu cầu có nghề nghiệp và nhu cầu học tập. Cần phải chấp nhận đa dạng hóa, chấp nhận phân tầng để quyết định đầu tư của nhà nước, tập trung kinh phí nghiên cứu, chí phí đào tạo...

Phân tầng ĐH theo mục tiêu: nhân tài nhân lực và tố chất người lao động, đi vào chi tiết có thể là nhân lực sáng tạo công nghệ và giải pháp công nghệ, nhân lực khai thác công nghệ, nhân lực áp dụng công nghệ...

Theo ông Vận, lựa chọn nhiệm vụ cho phù hợp với năng lực của từng trường trong quá trình phát triển là giải pháp tối ưu hiện nay. Không làm quá sức mình nhưng cũng không làm việc dưới sức, tức là không bắt voi đi cày, để tránh lãng phí nhân lực chất lượng cao cũng như tạo cơ hội cho các cơ sở giáo dục tầng thấp có thể phát triển được.

Phân tầng GDĐH đã được đưa vào Luật Giáo dục ĐH. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8, BCH Trung ương khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT cũng đã nêu về vấn đề phân tầng ĐH. Theo đó, yêu cầu thực hiện phân tầng cơ sở GDĐH theo định hướng nghiên cứu và ứng dụng, thực hành.

Kinh nghiệm phân tầng GD ĐH của Mỹ

Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình chia sẻ kinh nghiệm phân tầng GDÐH tốt mà thế giới thường nhắc đến là phân tầng GDÐH của bang California (Mỹ) - được đề xuất cách đây nửa thế kỷ mà cho đến nay vẫn còn tác dụng.

Cụ thể, GDÐH công lập ở California chia ba tầng. Tầng trên cùng gồm 10 trường ÐH đẳng cấp cao nhất, nặng về nghiên cứu và đào tạo tiến sĩ, tuyển tốp 1/8 (12,5%) SV giỏi nhất của số học sinh tốt nghiệp THPT. Tầng giữa gồm 23 trường ÐH tầm trung, chỉ có quyền đào tạo đến bằng thạc sĩ, tuyển nhóm 1/3 (33,3%) số học sinh tốt nghiệp THPT kế tiếp. Tầng dưới bao gồm khoảng 110 trường CĐ cộng đồng nhận bất cứ học sinh nào muốn được học ÐH và học nghề.

Hiện nay hệ thống phân tầng này mở rộng ra cả các trường tư và các trường đào tạo nghề, là một hệ thống phân tầng khá hiệu quả mà cả thế giới học tập. Ở đây cần lưu ý là Nhà nước quy định cho các tầng GDÐH cả chức năng đào tạo và cả chất lượng tuyển sinh, không có chuyện các ÐH tầng trên tuyển sinh lấn sân của các trường ÐH tầng dưới.

“Khi điều hành hệ thống GDÐH theo đúng các ý tưởng nêu trên hy vọng chúng ta sẽ có một hệ thống GDÐH phát triển ổn định, các trường tầng cao tập trung vào chức năng đào tạo trình độ cao, các trường tầng thấp thực hiện chức năng đào tạo nhân lực thực hành đa dạng theo nhu cầu của nền kinh tế thị trường” – bà Bình nêu quan điểm.

Chi Mai
Nguồn: vietnamnet.vn

Bài viết liên quan

614
  Tải tài liệu