Cử nhân sư phạm dư thừa, giáo viên vẫn thiếu

Cử nhân sư phạm dư thừa, giáo viên vẫn thiếu

1053
  Tải tài liệu

Từ con số thừa 35.000 giáo viên bậc THCS và THPT cho thấy, phương pháp điều tra, dự báo, đánh giá nhu cầu tuyển sinh và nhu cầu sử dụng lao động ngành sư phạm hiện nay còn hạn chế.

Bản thân trường đại học (ĐH) Sư phạm Hà Nội, vốn là cái nôi đào tạo ra nhiều thế hệ giáo viên trong cả nước, mỗi năm cho "ra lò" khoảng 2.000 cử nhân sư phạm nhưng không hiểu sao vẫn có tình trạng "cử nhân đổ đi không hết", còn nhiều trường vẫn "than" thiếu giáo viên?

Mỗi năm thêm hàng ngàn cử nhân thất nghiệp

Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, PGS.TS.Nguyễn Văn Minh (Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Hà Nội) cho biết: "Chỉ tiêu tuyển sinh của trường bình quân đào tạo khoảng 2.000 học viên/năm. Tuy nhiên, trước thực trạng số lượng cử nhân sư phạm sau khi ra trường thất nghiệp ngày một đông, quan điểm của trường sẽ giảm dần chỉ tiêu trong những năm tới".

Cũng theo ông Nguyễn Văn Minh, cơ quan quản lý đã nhìn thấy thực trạng này. Vừa qua, trong buổi làm việc với lãnh đạo bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), Bộ cũng đã đặt vấn đề việc sắp xếp lại hệ thống các trường sư phạm, đồng thời có dự báo nguồn nhân lực để tương xứng với chỉ tiêu đào tạo.

Lý giải về con số 35.000 giáo viên thất nghiệp như báo Người Đưa Tin đã đăng, ông Minh cho rằng, hiện nay, vấn đề thống kê, dự báo quy hoạch nguồn nhân lực ngành sư phạm vẫn chưa được coi trọng. Trong khi đó, đội ngũ giáo viên của các hệ thống giáo dục cũng có xu thế bão hòa. Điều này dễ hiểu, vì bình quân một người đào tạo sư phạm ra đi dạy từ 20-25 năm, mà hiện nay lượng đào tạo sư phạm ra nhiều quá, không đủ cơ sở giáo dục để làm việc.

Tiếp nữa là vấn đề kế hoạch hóa gia đình, mỗi gia đình hiện nay chỉ sinh từ 1-2 con nên số học sinh vào trường học bắt đầu chững lại. Lượng học sinh không còn đông như những thập niên trước và lượng giáo viên dạy học cũng sẽ giảm đi.

Ông Minh cũng cho biết, hiện nay có sáu trường mang tên sư phạm: ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Sư phạm Hà Nội 2, ĐH Sư phạm TP.HCM, ĐH Sư Phạm Huế (trực thuộc ĐH Huế) ĐH Sư phạm Đà Nẵng (trực thuộc ĐH Đà Nẵng), ĐH Sư phạm Thái Nguyên (trực thuộc ĐH Thái Nguyên). Ngoài ra, còn một số khoa Sư phạm trực thuộc các ĐH như khoa Sư phạm ĐH Cần Thơ, khoa Sư phạm ĐH Vinh... Bên cạnh đó, những ĐH của các tỉnh cũng ồ ạt đào tạo ngành sư phạm. Điều này nói lên số lượng sinh viên đào tạo sư phạm từ các trường khác nhau là rất lớn; trong khi lượng cầu đã đủ thì thừa là dễ hiểu.

Khi PV đặt vấn đề hiện nay có tới 144 trường đào tạo ngành sư phạm, chỉ tiêu tuyển sinh tăng khiến số lượng cử nhân ra trường thất nghiệp càng đông, phải chăng cần sự quy hoạch lại các trường học ngành sư phạm, ông Nguyễn Văn Minh cũng thẳng thắn cho rằng: "Việc sắp xếp lại hệ thống các trường sư phạm, bộ GD&ĐT cũng đã có chủ trương. Quan điểm của trường là đồng ý với chủ trương này để sắp xếp lại cho có hệ thống, có chất lượng và nguồn nhân lực ra phù hợp với yêu cầu".

Người giỏi ít thi vào... sư phạm?

Một thực tế cho thấy, trong vài năm trở lại đây, điểm đầu vào của một số trường ĐH, CĐ đào tạo ngành sư phạm có chiều hướng giảm, nhiều trường phải lấy cả sinh viên nguyện vọng 2 mới đủ chỉ tiêu. Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Minh (Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Hà Nội) cho rằng: "Có nhiều nguyên nhân, một trong những nguyên nhân dễ thấy nhất khi rất nhiều cử nhân sư phạm ra trường với tấm bằng ưu nhưng vẫn loay hoay tìm việc làm khiến thế hệ sau ngao ngán. Còn riêng trường ĐH Sư phạm Hà Nội, nhiều năm nay vẫn không hạ điểm chuẩn. Thấp nhất hiện nay là khoa Sư phạm Kỹ thuật (khoảng 16 điểm), số lượng thi vào so với khoa khác không bằng, bởi vài năm trở lại đây giảm".

Nói về việc người giỏi ít thi vào sư phạm, ông Minh cho rằng: "Số học sinh xuất sắc ít vào các trường Sư phạm do lựa chọn nghề nghiệp trong tương lai của họ. Một số ngành nghề khác ra trường có thể thu nhập cao hơn Sư phạm. Thêm nữa là điều kiện phát triển của ngành nghề khác có nhiều điều kiện. Tuy nhiên, theo thống kê của bộ GD&ĐT, những năm qua, trường ĐH Sư phạm Hà Nội vẫn nằm trong top có thí sinh thủ khoa thi đầu vào".

Một nghịch lý khác từ chất lượng thi đầu vào hiện nay có phần giảm sút do vai trò của giáo viên chưa được coi trọng đúng mức. Ngày trước, sinh viên sư phạm ra trường được phân công việc đến các địa phương, còn giờ thì kể cả tốt nghiệp thạc sỹ nhưng vẫn có rất nhiều người không được đi dạy, phải làm trái ngành nghề, hoặc ở nhà chờ đợi, mà chờ cũng chưa biết bao giờ mới được làm nghề mình học.

Ngoài ra, do không được quan tâm đầu tư đúng mức, nhiều trường ĐH, CĐ Sư phạm ở địa phương đã được chuyển thành mô hình trường đa ngành, đào tạo thêm các ngành kinh tế, kỹ thuật khác nhằm thu hút thêm các nguồn lực của Nhà nước và xã hội để tăng cường cơ sở vật chất - kỹ thuật và cải thiện thu nhập cho cán bộ, giảng viên. Vì vậy, nhiệm vụ đào tạo giáo viên không còn được coi là trọng tâm, chất lượng đào tạo giáo viên ngày càng giảm sút và ngay cả công tác bồi dưỡng giáo viên hàng năm nhiều địa phương cũng thực hiện không tốt.

Thực trạng có quá nhiều trường đào tạo sư phạm dẫn đến hệ quả tranh nhau tuyển sinh để tồn tại, bất chấp thực lực như vừa qua cũng đã góp phần làm cho chất lượng giáo viên suy giảm, ngành sư phạm bị tai tiếng...

Nhiều sinh viên sư phạm vẫn mù tịt thông tin nghề nghiệpTheo ghi nhận của PV báo Người Đưa Tin, từ nhiều năm nay việc bố trí giáo viên tại một số địa phương vẫn mang giải pháp tạm thời, chắp vá và không bền vững. Theo đó, lượng giáo viên bậc THPT và THCS thì thừa còn giáo viên tiểu học và mầm non thì thiếu nghiêm trọng. Có hiện tượng ở nhiều tỉnh, đối với số giáo viên đang được gửi đào tạo theo nguồn kinh phí của tỉnh còn được "gợi ý" nên chủ động tự tìm việc làm ở các lĩnh vực khác, không nhất thiết phải tập trung hết vào sư phạm. Nhiều học sinh chọn lựa ngành sư phạm mà không cần biếtsau khi ra trường sẽ làm việc ở đâu.

Cao Tuân (nguoiduatin.vn)

Bài viết liên quan

1053
  Tải tài liệu