Đào tạo ĐH: Khi "cung" vượt "cầu"

Đào tạo ĐH: Khi "cung" vượt "cầu"

773
  Tải tài liệu

Lợi dụng chủ trương "xã hội hóa giáo dục", vô khối đại gia đầu tư tiền của mở trường đại học. Nghĩ tưởng ngon xơi, bất chấp cơ sở vật chất thiếu thốn, không đủ điều kiện để "dạy tốt, học tốt", nhiều dự án thành lập trường đại học vẫn "lọt lưới" ra đời. Để chỉ dăm năm sau cả nước đã có thêm hàng chục trường đại học mới! Nhiều địa phương, chẳng có lý do gì để mở thêm trường trong khi nhiều cơ sở đào tạo có sẵn của trung ương đóng trên địa bàn đang "khát" sinh viên nhưng vẫn "khai trương mở lớp".

Thói đời, cung vượt quá cầu, thì sinh biến! Trường mở nhiều nhưng thiếu những điều kiện căn bản để bảo đảm chất lượng đào tạo, dù có dùng đủ mọi chiêu thức lôi kéo người học, nhưng vẫn trong cảnh "bắc nồi, chờ gạo"! Chỉ tiêu cho 700-800 sinh viên, nhưng hồ sơ đăng ký dự tuyển cũng chỉ được vài chục!

Nhiều năm qua, quy mô đào tạo ở các trường đại học nước ta không ngừng phát triển. Không ít trường có từ 40 - 50 nghìn sinh viên ở nhiều loại hình đào tạo. Chỉ tiếc "đông mà không mạnh", do chất lượng đào tạo đang trở thành mối băn khoăn của toàn xã hội! Chẳng phải chờ sự so sánh xếp hạng về chất lượng giáo dục của nước ta, so với các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới, người ta mới nhận diện về chất lượng đào tạo, chỉ nghe tiếng than phiền từ cơ sở sử dụng lao động đã thấy nao lòng!

Sinh viên ra trường phần đông học nhiều mà biết chẳng bao nhiêu! Yếu thực hành, thiếu kỹ năng làm việc và không ít người sau một thời gian ra trường phải đi đào tạo lại. Bởi vậy, nhiều nhà tuyển dụng, chỉ tìm người đã có nhiều năm kinh qua thực tiễn (?). Không ít sinh viên tốt nghiệp ra trường, do không tìm được việc làm đúng ngành nghề được đào tạo đã chuyển sang làm những việc "không liên quan". Thực tế ấy, tự nó đã làm cho tấm bằng đại học không còn danh giá nữa!

Bao giờ mới hết cảnh "cung" vượt "cầu" trong giáo dục? Xin thưa, cần phải sắp xếp lại mạng lưới các trường đại học, cao đẳng. Trên nguyên tắc chỉ để tồn tại nhưng cơ sở có đủ năng lực đào tạo, kiên quyết sáp nhập, thậm chí "xóa sổ" những trường yếu kém; đổi mới chương trình, phương pháp đào tạo đáp ứng nhu cầu thực tiễn cuộc sống, nhất là việc tiếp thu những kinh nghiệm đào tạo của các nước tiên tiến trên thế giới. Chỉ có như vậy mới chấm dứt đại nạn "được mùa, mất giá" hiện nay trong giáo dục!

LINH NAM
(Nguồn: nhandan.org.vn)

Bài viết liên quan

773
  Tải tài liệu