Nỗi lo chất lượng đào tạo khi ĐH ngoài công lập mở ngành y,dược
Nỗi lo chất lượng đào tạo khi ĐH ngoài công lập mở ngành y,dược
Những ngày gần đây, việc Trường đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội (ĐH KD và CN HN) được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) cho phép đào tạo ngành Y đa khoa và Dược học trình độ đại học (ĐH) hệ chính quy thu hút sự chú ý của dư luận xã hội. Đây không phải trường ngoài công lập đầu tiên được đào tạo ngành y, dược trình độ ĐH và câu chuyện này khiến nhiều chuyên gia, nhà quản lý lo ngại về chất lượng đào tạo.
Tuyển đầu vào thấp
Lý giải việc cho phép mở ngành, Bộ GD và ĐT cho biết, trong nhiều năm qua nhà nước hầu như không mở thêm cơ sở đào tạo y dược nào, trong khi nhu cầu nhân lực ngành y, dược lớn cho nên cần đa dạng hóa từ nhiều nguồn, trong đó có tư nhân, đầu tư nước ngoài. Đối với Trường ĐH KD và CN HN đã có đề nghị mở ngành y, dược từ hơn hai năm trước. Đến nay, nhà trường đã chuẩn bị đủ các điều kiện về cơ sở vật chất cũng như đội ngũ giảng viên theo quy định để mở ngành. Bộ Y tế cũng phối hợp kiểm tra và có công văn ủng hộ Trường ĐH KD và CN HN mở ngành sau khi hoàn thiện các nội dung theo góp ý của đoàn thẩm định. Vì vậy, lãnh đạo Bộ GD và ĐT quyết định cho trường mở ngành y, dược.
Đại diện Trường ĐH KD và CN HN cho biết, việc mở ngành y, dược của trường là phù hợp quy hoạch phát triển cơ sở đào tạo ngành y tế tại Quyết định số 816/QĐ-BYT ngày 16-3-2012 của Bộ Y tế phê duyệt “Quy hoạch phát triển nhân lực y tế giai đoạn 2012-2020", trong đó Bộ Y tế nêu: Vùng đồng bằng sông Hồng, khuyến khích thành lập trường hoặc khoa y, dược ngoài công lập đào tạo bậc ĐH. Theo GS Trần Phương, Hiệu trưởng Trường ĐH KD và CN HN, trường đã đầu tư 65 tỷ đồng xây dựng cơ sở vật chất gồm 37 phòng học, phòng làm việc và trang, thiết bị. Về đội ngũ, nhà trường đã có 47 giảng viên cơ hữu có trình độ GS, PGS, TS hoặc bác sĩ chuyên khoa… GS, TSKH Lê Anh Tuấn, nguyên Giám đốc Sở Y tế Hà Nội làm chủ nhiệm khoa Y; PGS, TS Lê Văn Truyền, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế làm chủ nhiệm khoa Dược; Trung tướng Chu Tiến Cường, nguyên Cục trưởng Quân y (Bộ Quốc phòng) phụ trách phòng khám đa khoa. Ngoài ra, trường ký hợp đồng thực hành với bốn bệnh viện, hai công ty dược. Dự kiến, trường tuyển sinh theo kết quả kỳ thi THPT quốc gia với tổng ba môn xét tuyển từ 20 điểm trở lên.
Đáng chú ý, Trường ĐH KD và CN HN không phải là cơ sở đào tạo ngoài công lập duy nhất được Bộ GD và ĐT cho phép đào tạo khối ngành y, dược. Hiện nay, cả nước có 21 cơ sở đào tạo y khoa, trong đó có năm trường ngoài công lập; 21 cơ sở đào tạo dược, trong đó có 14 trường ngoài công lập. Nhiều trường ngoài công lập đã được Bộ GD và ĐT cho phép mở khối ngành y, dược từ những năm trước đây như: Trường ĐH Võ Trường Toản (Hậu Giang), Trường ĐH Tân Tạo (Long An), Trường ĐH Duy Tân (Đà Nẵng), Trường ĐH Thành Tây và Trường ĐH Thành Đô (Hà Nội)… Trên trang thông tin điện tử của nhiều trường ngoài công lập, điểm trúng tuyển năm 2015 ngành y, dược chỉ 15 điểm, bằng điểm sàn như: ngành Dược của Trường ĐH Thành Tây; ngành Điều dưỡng, Dược của Trường ĐH quốc tế Hồng Bàng (TP Hồ Chí Minh). Thậm chí, một số trường ĐH ngoài công lập tuyển sinh ĐH khối ngành y, dược chỉ thông qua xét tuyển học bạ THPT như: Trường ĐH Công nghệ Miền Đông (Đồng Nai), Trường ĐH Thành Tây, Trường ĐH Thành Đô, Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, Trường ĐH Đại Nam (Hà Nội)... Việc các trường xét tuyển học bạ THPT có thể dẫn đến tình trạng thí sinh có điểm thi dưới điểm sàn của Bộ GD và ĐT đều có thể đăng ký xét tuyển.
Băn khoăn về chất lượng đầu ra
Thực trạng đào tạo khối ngành y, dược của các trường ngoài công lập khiến nhiều chuyên gia, nhất là các chuyên gia y tế lo ngại. GS, TSKH Phạm Mạnh Hùng, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam cho rằng, khi đào tạo đội ngũ thầy thuốc trong đó có bác sĩ, điều dưỡng, nữ hộ sinh… điều quan trọng nhất là ngay từ ngày đầu sinh viên phải gắn bó với nghề nghiệp của mình. Môi trường tốt nhất để gắn bó chính là bệnh viện, nơi người bệnh đang chịu đau đớn, cần sự thương yêu của cán bộ y tế. Cho nên trong đào tạo cán bộ y tế phải có bệnh viện. Nghề y rất đặc biệt, gắn với sức khỏe, tính mạng người bệnh cho nên cơ sở vật chất để đào tạo đòi hỏi những điều đặc biệt.
Nhiều chuyên gia giáo dục và y tế cũng nhìn nhận: Trong đào tạo y, dược, không phải có giảng đường, giảng viên là xong mà nó phụ thuộc rất nhiều vào cơ sở thực hành. Ngoài cơ sở thực hành trong trường, sinh viên phải được thực hành trong môi trường bệnh viện và tiếp xúc với người bệnh. Một giảng viên Trường ĐH Y Hà Nội cho rằng: Đào tạo một bác sĩ đa khoa tại ĐH Y Hà Nội mất sáu năm, ngày học hai buổi, sáng thực hành, chiều lý thuyết, đêm còn đi trực, gấp ba lần thời gian học so với các trường khác. Dù được đào tạo bài bản trong một ngôi trường có lịch sử đào tạo hơn 100 năm nhưng với sáu năm học bác sĩ đa khoa, thêm ba năm bác sĩ nội trú thì sau khi ra trường sinh viên cũng chỉ làm được một số công việc chứ chưa thể chịu trách nhiệm hoàn toàn việc khám, điều trị. “Việc cấp phép cho các trường ngoài công lập đào tạo y, dược là vấn đề đáng lo ngại về chất lượng đầu ra” - giảng viên này chia sẻ.
Trong khi đó, từ thực tiễn quản lý đơn vị điều trị hàng đầu của cả nước, PGS, TS Nguyễn Tiến Quyết, nguyên Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho rằng: “Y, dược là ngành đặc thù gắn với tính mạng và sức khỏe con người, cho nên nếu dễ dãi trong đào tạo có thể phải trả giá bằng sinh mạng con người. Với ngành y, điểm số đầu vào đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Nếu tuyển sinh với mức đầu vào thấp, khoảng 20 điểm cho ba môn học, thì rất khó để đào tạo chất lượng”. Thực tế, từ trước đến nay Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức chủ yếu chỉ nhận bác sĩ nội trú của Trường ĐH Y Hà Nội vào làm việc.
Chia sẻ với báo chí, Phó Cục trưởng Khoa học Công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế) Nguyễn Minh Lợi cho rằng: Bộ GD và ĐT cần chỉnh sửa thông tư xác định tiêu chí mở ngành tuyển sinh theo hướng bổ sung những quy định cụ thể về các điều kiện chuyên môn theo đề xuất chính thức của Bộ Y tế. Quá trình thẩm định cho mở ngành y, dược cần bổ sung các chuyên gia độc lập có nhiều kinh nghiệm về đào tạo nhân lực y tế theo từng ngành, lĩnh vực cụ thể… Khi nào cả Bộ GD và ĐT lẫn Bộ Y tế bảo đảm chắc chắn cơ sở đào tạo đã đáp ứng đủ điều kiện mới cho phép mở ngành. Trong khi đó, Bộ GD và ĐT cho biết, đến nay chưa có sinh viên y của các trường ngoài công lập tốt nghiệp cho nên cũng chưa có đánh giá cụ thể chất lượng đầu ra. Hằng năm, Bộ GD và ĐT đều yêu cầu tất cả các trường báo cáo để làm điều kiện cho quản lý và mở ngành. Năm 2014, Bộ GD và ĐT rà soát tổng thể việc đào tạo trình độ ĐH và đã dừng tuyển sinh đối với 207 ngành của 71 trường, trong đó có sáu trường thuộc lĩnh vực y dược bị dừng tuyển sinh. Hiện nay, Bộ GD và ĐT đang sửa đổi Thông tư 08/TT-BGDĐT về việc mở ngành đào tạo, trong đó đề nghị Bộ Y tế đưa ra các tiêu chí về đội ngũ giảng viên cũng như cơ sở thực hành thực tập. Năm học 2015-2016, Bộ GD và ĐT cùng Bộ Y tế đã họp và ra biên bản thống nhất về việc kiểm tra liên ngành đối với một số trường để đánh giá công tác đào tạo các ngành y dược.
GIANG SƠN, HOÀNG MINH
Nguồn: nhandan.org.vn