Vì sao phát triển Trường ĐH Y Dược TP.HCM thành ĐH?

Dư luận đang quan tâm vì sao Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến lại có đề nghị phát triển Trường đại học Y Dược TP.HCM thành đại học về sức khỏe.

5 849
  Tải tài liệu

Thực tế phát triển của trường này cho thấy đây là định hướng trong thời gian tới. Và ở đây sự thay đổi quan trọng là mô hình chứ không phải tên gọi.

Trường đại học (ĐH) Y Dược TP.HCM đã có đề án phát triển trường theo mô hình ĐH với các trường thành viên. Đề án này đã gửi Bộ Y tế 1 năm trước nhưng đến nay vẫn còn bị “vướng”.

5 năm hoặc vài năm nữa ?

Trong lễ khai giảng năm học mới của Trường ĐH Y Dược TP.HCM chiều 16.9, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã có đề nghị về việc phát triển Trường ĐH Y Dược TP.HCM thành ĐH Sức khỏe TP.HCM. Trong ĐH này sẽ gồm các trường như: Y, Nha, Dược, Y học cổ truyền, Kỹ thuật y khoa, Điều dưỡng... Theo Bộ trưởng, nhiệm vụ này trường đang “nợ” và ý tưởng này đã có từ 15 năm trước.

Cũng trong buổi lễ, Bộ trưởng đã nhắc nhở trường về việc gọi tên “ĐH” là không đúng. “Chỉ có thể là ĐH Sức khỏe, dưới đó có school (trường). Nhưng hiện nay dưới trường chỉ có khoa nên chúng ta chỉ có thể gọi là trường ĐH thôi, chưa thể gọi là ĐH và cái này Bộ GD-ĐT đã góp ý rồi”, bà Tiến nói.

Trước việc Trường ĐH Y Dược TP.HCM khai giảng, nhưng chỉ có sinh viên khoa Y tham dự, Bộ trưởng nói thêm: “Nhưng kể cả có tất cả các khoa thì cũng chỉ là Trường ĐH Y Dược TP.HCM thôi chứ chưa phải là ĐH. Các đồng chí phải đổi tên là ĐH Sức khỏe TP.HCM, trong đó có Trường Y và khoa này là một trường rồi, rồi Trường Nha, Trường Dược, Trường Y học cổ truyền...”.

Về việc phát triển trường, Bộ trưởng nói: “Có thể thay đổi thành ĐH Sức khỏe sớm nhất. Nếu chúng ta không đổi mới chúng ta sẽ tụt hậu so với Lào...”. Bộ trưởng nói thêm: “Theo tôi chỉ đổi tên lắp người còn vị trí quá chuẩn. Trường này xứng đáng là một trường ĐH y khoa lớn nhất cả nước”.

“Tôi đề nghị các khai giảng 5 năm sau hoặc vài năm nữa sẽ đổi thành khai giảng của ĐH Sức khỏe TP.HCM với các Trường Y, Trường Dược, Trường Nha...”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Quy định chuyển trường ĐH thành ĐH

Theo dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giáo dục ĐH, điều kiện để chuyển từ trường ĐH thành ĐH gồm: trường ĐH này phải đạt chuẩn kiểm định chất lượng; có ít nhất 5 trường thuộc trường ĐH được thành lập theo quy định; có nghị quyết của hội đồng trường; có ý kiến chấp thuận của cơ quan quản lý trực tiếp trường ĐH (trường công lập) và sự đồng thuận của nhà đầu tư đại diện ít nhất 75% tổng số vốn góp (trường tư thục); có văn bản chấp thuận của UBND cấp tỉnh nơi có trụ sở chính của trường.

Quy định không tạo điều kiện để phát triển thành ĐH

Hôm qua (17.9), trao đổi với PV Thanh Niên, PGS-TS Trần Diệp Tuấn, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược TP.HCM, cho biết trường đã có đề án gửi Bộ Y tế từ 1 năm trước.

Về quan điểm của đề án, ông Tuấn khẳng định: “Trường ĐH Dược TP.HCM sẽ phát triển từ mô hình “trường ĐH” thành mô hình “ĐH” với các trường thành viên. Quan trọng ở đây là mô hình ĐH chứ không phải tên gọi của nó”.

Theo PGS-TS Trần Diệp Tuấn, đề án phát triển mô hình của trường dựa theo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giáo dục ĐH (2018) thì vẫn còn “vướng”. Theo luật này thì ĐH sẽ gồm các trường thành viên, mà các trường thành viên phát triển từ khoa đòi hỏi có 3 chương trình đào tạo (3 chương trình giáo dục) nhưng khoa Y chỉ có một chương trình duy nhất là đào tạo bác sĩ y khoa. Tương tự, khoa Dược chỉ đào tạo dược sĩ, khoa Răng - Hàm - Mặt cũng không lên được trường vì chỉ đào tạo bác sĩ.

Trong khi đó, theo PGS-TS Tuấn, ở các nước có quy định khác về việc này. Ví dụ Harvard University (Mỹ) là một ĐH đa ngành, có nhiều trường thành viên và trong đó có Trường Y (Harvard Medical School). Trường Y này chỉ có duy nhất một chương trình đào tạo là bác sĩ đa khoa. Hay có những ĐH khác của Mỹ chỉ đào tạo về lĩnh vực sức khỏe nhưng vẫn gồm trường y, trường dược...

“Do vậy, việc yêu cầu khoa phải có 3 chương trình mới phát triển thành trường theo luật mới là vô lý. Quy định này chỉ đúng với những ngành khoa học tự nhiên khác, còn với ngành y sẽ không thực hiện được”, PGS-TS Tuấn nói.

Theo luật hiện hành, Trường ĐH Y Dược TP.HCM mới chỉ 2 khoa có thể phát triển lên trường: khoa Điều dưỡng kỹ thuật y học (6 chương trình đào tạo) và khoa Y tế công cộng (3 chương trình đào tạo). Còn lại 4 khoa lớn (Y, Dược, Răng - Hàm - Mặt, Y học cổ truyền) thì không đủ điều kiện lên trường vì mỗi khoa chỉ mới có một chương trình đào tạo.

Khi đề án này được hoàn thiện và gửi Bộ Y tế 1 năm trước, Trường ĐH Y Dược TP.HCM đề xuất phát triển khoa Y thành Trường Y. Tuy nhiên so với luật mới, việc này không còn phù hợp.

Sẽ nâng tầm vị thế của trường

“Một chiếc áo cũ có thể không phù hợp với sự phát triển, nên chăng hãy thay vào đó một chiếc áo mới hơn. Nhưng để 'thay áo' như thế thì đòi hỏi phụ thuộc vào sự phát triển của trường. Nếu lãnh đạo Bộ Y tế cảm thấy trường có sự phát triển mạnh mẽ nhiều năm qua, cảm thấy sự thay đổi từ trường ĐH thành ĐH thì hoàn toàn ủng hộ điều này. Nếu phát triển từ trường ĐH thành ĐH thì có sự năng động hơn, nâng tầm vị thế của trường hơn.

Bác sĩ Lâm Vĩnh Niên (Trưởng bộ môn hóa sinh, Khoa Y, Trường ĐH Y Dược TP.HCM)

Không nhất thiết phải đổi tên

Không nhất thiết phải đổi tên Trường ĐH Y Dược TP.HCM thành ĐH Sức khỏe vì thương hiệu, sự uy tín của trường tồn tại hàng chục năm qua, có uy tín rộng khắp Đông Nam Á cũng như thế giới. Chỉ cần phát triển Trường ĐH Y Dược TP.HCM thành ĐH Y Dược TP.HCM, đào tạo những ngành nghề liên quan đến y tế như điều dưỡng, y tế cộng đồng, nha khoa, y học cổ truyền...

Một bác sĩ công tác tại TP.HCM - Lê Thanh (ghi)

Hà Ánh
thanhnien.vn – 18/09/2019

Bài viết liên quan

5 849
  Tải tài liệu