Đào tạo sư phạm: Phải mạnh dạn giảm chỉ tiêu
Thủ khoa tốt nghiệp sư phạm thất nghiệp, điểm chuẩn vào sư phạm rơi xuống mức thấp nhất từ trước đến nay... Đó là thực tế đối với các trường ĐH, CĐ đào tạo sư phạm. Họ trăn trở giữa hai đầu: đầu vào không thu hút được người học, đầu ra không có việc làm.
Ngày, 27/12, Bộ GD&ĐT đã tổ chức hội nghị hiệu trưởng của 30 trường sư phạm trên cả nước để lắng nghe ý kiến của các trường cũng như đưa ra giải pháp trong thời gian tới.
Trăn trở
GS Đinh Quang Báo, nguyên hiệu trưởng ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết ông có nửa thế kỷ gắn bó với trường ĐH Sư phạm Hà Nội. “ĐH Sư phạm, kể cả trường ĐH Sư phạm Hà Nội vốn là cơ sở đào tạo sư phạm đứng đầu cả nước, mà sinh viên ra trường không có việc làm thì ai cũng buồn. Giống như sản xuất ra hàng hóa nhưng lại không có nhiều người mua. Trường ĐH là nơi sản xuất ra sản phẩm đào tạo mà không được dùng thì tất nhiên là vô cùng buồn” - GS Đinh Quang Báo chia sẻ.
Tuy nhiên, theo GS Báo vì “ế” nên sẽ không có người vào học, hoặc nếu có người vào thì chất lượng sẽ không cao. Như vậy, giống một phản ứng theo chuỗi đomino, những thầy giáo chất lượng không cao ra có việc làm thì chất lượng giáo dục phổ thông sẽ giảm dần. Cho nên không phải chỉ buồn cho các trường sư phạm mà là buồn cho quốc gia.
Lãnh đạo một trường ĐH Sư phạm khu vực miền Trung cho rằng, trước thực trạng của các trường sư phạm hiện nay, không chỉ các trường mà những người tâm huyết với giáo dục đều trăn trở. Sư phạm là máy cái, là nơi quyết định chất lượng phổ thông, nếu không quan tâm đúng mức, không có đột phá điều đó sẽ ảnh hưởng về lâu dài. Hiện nay, quy mô đào tạo giáo viên đang lớn hơn nhu cầu thực tế, dẫn đến thất nghiệp ngày càng tăng.
Theo GS.TS Phạm Hồng Quang, hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Thái Nguyên, gần đây nhiều sinh viên sư phạm không có việc làm hoặc làm không đúng ngành nghề, dẫn tới sự lãng phí. Tuy nhiên, vấn đề không phải do chế độ miễn học phí mà do quá nhiều trường đào tạo sư phạm, dẫn đến cung vượt cầu; chế độ đào tạo theo địa chỉ cũng làm tăng số giáo viên thiếu chất lượng; chưa đánh giá đúng nhu cầu xã hội đối với vị trí việc làm của giáo viên; việc cấp kinh phí cho các nhà trường sư phạm tính trên quy mô sinh viên sẽ làm cho tăng số sinh viên trong các nhà trường… Nguyên nhân việc đầu tư dàn trải hàng trăm trường sẽ khó đảm bảo chất lượng.
Tốn kém, không hiệu quả
Theo GS Đinh Quang Báo, để gỡ nút thắt đào tạo sư phạm hiện nay phải bắt đầu từ nguyên nhân vì sao sư phạm “ế”? Do một thời gian đào tạo tràn lan, không gắn giữa cung và cầu nên cung giờ lớn hơn cầu. “Vì vậy, lối thoát cho sư phạm cũng giống như lối thoát khi sản xuất hàng bị ế, người ta có nhiều cách như không sản xuất nữa, chuyển mặt hàng khác, giảm số lượng sản phẩm” - GS Báo nêu.
Tuy nhiên, ông cho rằng trong mấy cách này, cách nào cũng phải nghiên cứu nhu cầu thực tế. Bộ GD&ĐT phải có một khảo sát, dự báo, quy hoạch lại để cân đối cung cầu. Đấy là bài toán cốt lõi. Thời gian gần đây, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT có nhiều quyết tâm và đã có nhiều giải pháp để thực hiện việc này. Bộ trưởng đã giao cho một số trường ĐH khảo sát, dự báo để làm bài toán quy hoạch để Bộ có giải pháp tiếp theo.
“Giải pháp ngừng đào tạo không nên, đào tạo không có quy hoạch cũng không nên. Mà đào tạo theo sát nhu cầu thực tế. Trước mắt là đào tạo ra phải có việc làm, đồng thời vẫn khuyến khích đầu vào và cuối cùng là giải pháp căn cơ hơn nữa là chế độ lương của giáo viên tăng lên” - GS Đinh Quang Báo phát biểu. Còn đào tạo sư phạm như hiện nay, nhà nước mất ít mà phụ huynh mất nhiều. Trong khi đó, họ tốn kinh phí cho con đi học mà như quay xổ số.
Hiệu phó một trường ĐH sư phạm khu vực miền Trung cho rằng, cần nhanh chóng quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm. Có cú hích cho các trường phát triển để trả lại vị trí vốn có của trường sư phạm cũng như đúng với sự kỳ vọng với ngành giáo dục. Bỏ miễn học phí phải có lộ trình, ai có nhu cầu gắn bó với ngành thì phải tạo điều kiện đầu ra.
Vị lãnh đạo này cũng thừa nhận sinh viên sư phạm được miễn học phí nhưng lại không bị quy định chỉ tiêu đầu ra theo nhu cầu xã hội mà chỉ quy định xác định chỉ tiêu theo năng lực đào tạo của các trường. Không những thế, thời gian qua, quy mô các trường sư phạm phát triển nhanh, một số trường CĐ địa phương nhô lên thành trường ĐH nên dẫn đến tình trạng thừa giáo viên.
GS Phạm Hồng Quang đề xuất, cần dựa trên quy hoạch hệ thống sư phạm để tính toán vị trí việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp với cơ chế tuyển dụng tốt. Cần có chính sách tài chính cao hơn đối với sinh viên sư phạm để cải thiện môi trường sư phạm tạo sức hút mạnh cho sinh viên. Giảm số lượng và chuyên nghiệp hóa các cơ sở đào tạo giáo viên. GS Phạm Hồng quang kiến nghị, năm 2018 cần giảm mạnh chỉ tiêu đào tạo sư phạm trong các trường địa phương hoặc các trường chưa được kiểm định chất lượng, tránh lãng phí khi miễn học phí cho sinh viên sư phạm. Thậm chí, chỉ cho phép các trường sư phạm đã được kiểm định chất lượng tuyển sinh trong năm 2018. |
NGHIÊM HUÊ
Nguồn: tienphong.vn – 28/12/2017