Trường ĐH vẫn tuyển hệ TCCN
Vẫn “xin” chỉ tiêu
Lo giảng viên thất nghiệp
Cần lộ trình
Theo quy định của Bộ GD-ĐT, từ năm 2012, các trường ĐH không đào tạo hệ trung cấp chuyên nghiệp (TCCN). Thế nhưng, nhiều trường ĐH vẫn tìm cách níu giữ bậc học này.
Vẫn “xin” chỉ tiêu
Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM thông báo tuyển sinh 500 chỉ tiêu hệ TCCN với 6 ngành học, chỉ tiêu mỗi ngành từ 50-100. Ông Đỗ Văn Dũng, phó hiệu trưởng nhà trường, cho biết các năm trước, chỉ tiêu bậc TCCN nằm trong chỉ tiêu tuyển sinh chung của trường nhưng năm nay, bộ không cho các trường ĐH tuyển sinh hệ này nên trường chuyển cho Trường Trung học Kỹ thuật Thực hành (thuộc Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM) tuyển sinh, đào tạo. Đội ngũ giảng viên vẫn là các thầy cô dạy hệ TCCN của trường trước đây.
Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng cũng thông báo tuyển sinh 450 chỉ tiêu hệ TCCN ở 12 ngành trong năm nay. Theo một nhân viên phòng tuyển sinh, trường vẫn đang nhận hồ sơ và thời gian nhập học đợt 1 vào ngày 25-3, đợt 2 ngày 29-4. Khi được hỏi vì sao lại tuyển sinh hệ TCCN năm 2012, nhân viên này cho biết chỉ tiêu năm 2011 vẫn còn nên trường tuyển tiếp trong năm 2012.
Rất nhiều trường đã làm đơn xin duy trì hệ TCCN và đang hồi hộp chờ quyết định của bộ. Ông Nguyễn Xuân Hoàn, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp TPHCM, cho biết trường này “xin” bộ cho phép tiếp tục tuyển 5.000 chỉ tiêu hệ TCCN như năm ngoái vì nếu dừng ngay thì trường không trở tay kịp.
Ông Phạm Thái Sơn, Phó trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM, cũng cho biết tiền thân của trường này vốn là trường TCCN, chỉ tiêu tuyển sinh hệ TCCN chiếm 1/3 chỉ tiêu tuyển sinh toàn trường nên nếu phải dừng đào tạo hệ này sẽ ảnh hưởng rất lớn. Do vậy, trường tiếp tục “xin” tuyển 1.000 chỉ tiêu đào tạo hệ TCCN trong năm 2012.
Lo giảng viên thất nghiệp
Theo bà Nguyễn Thị Mai Bình, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Hùng Vương TPHCM, những năm trước trường đều tuyển mỗi năm khoảng 400-500 sinh viên TCCN. Nhưng nay, với quy định mới, trường dừng tuyển hệ này nên đành phải cắt bớt việc của đội ngũ giảng viên dạy hệ TCCN trước kia. Ông Nguyễn Xuân Hoàn đặt vấn đề: Mỗi năm Trường ĐH Công nghiệp TPHCM đào tạo khoảng 5.000 chỉ tiêu hệ TCCN. Hàng trăm giảng viên dạy TCCN sẽ đi đâu, làm gì nếu trường không duy trì hệ này? Bên cạnh đó, trang thiết bị dạy học phải bỏ đi rất lãng phí. Lãnh đạo Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM cũng đang rất bối rối.
“Nhiều năm nay trường phối hợp với quận Tân Phú đào tạo theo hình thức phân luồng hệ TCCN với cả ngàn chỉ tiêu. Trường cũng đang thực hiện kế hoạch đào tạo hệ TCCN, trung cấp nghề tại tỉnh Trà Vinh để cung cấp nguồn nhân lực đón đầu cho KCN Định An và các tỉnh miền Tây. Nếu bộ không cho phép tiếp tục đào tạo, hơn 100 giảng viên dạy hệ TCCN sẽ làm gì khi họ chưa đủ tiêu chuẩn để giảng dạy bậc ĐH, CĐ?” - ông Phạm Thái Sơn nói.
Do vậy, nhiều trường ĐH đang tính phương án duy trì hệ đào tạo TCCN nếu Bộ GD-ĐT vẫn không duyệt chỉ tiêu tuyển sinh năm 2012. Trường ĐH Công nghiệp TPHCM sẽ cấp tốc làm thủ tục xin mở trường TCCN độc lập để tiếp tục đào tạo, trong khi Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM đã tính đến phương án thành lập trường CĐ nghề.
Cần lộ trình Ông Đỗ Văn Dũng cho rằng việc để các trường ĐH tập trung đào tạo hệ ĐH là chủ trương đúng. Tuy nhiên, với một số trường nâng cấp từ trường TCCN, dạy nghề lên ĐH, chỉ tiêu tuyển sinh hệ này chiếm tỉ lệ lớn. Do đó, phải căn cứ lịch sử của từng trường để xét chỉ tiêu. Nếu không, nhiều giảng viên sẽ không có việc làm do chưa đạt tiêu chuẩn để dạy ngay ĐH. Còn theo ông Nguyễn Xuân Hoàn, cần có lộ trình để các trường chủ động sắp xếp trước khi ngưng đào tạo hệ TCCN, nếu cắt ngay hệ này thì các trường rất khó khăn. Ông Phạm Thái Sơn đề nghị nên để các trường ĐH duy trì hệ TCCN ở một số ngành đặc thù tại những khu vực đặc thù để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực cũng như phân luồng đào tạo. |
THÙY VINH
Nguồn: nld.com.vn