Loay hoay bài toán chất lượng hay số lượng bác sĩ

Loay hoay bài toán chất lượng hay số lượng bác sĩ

742
  Tải tài liệu

Bộ Y tế và Bộ GD-ĐT hiện bất đồng về mở ngành đào tạo y tế, đây chỉ là “bề nổi” bởi hiện nay thực trạng đào tạo ngành Y tràn lan khiến nhiều người lo ngại rằng sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng của ngành đặc thù - cứu người.

Mở ngành ồ ạt, chênh lệch điểm chuẩn

Chưa có bao giờ đào tạo ngành Y - dược lại bùng nổ như hiện nay, hiện cả nước có hơn 100 trường đào tạo từ trung cấp đến đại học. Cụ thể, tính đến cuối năm 2012, cả nước có 26 cơ sở đào tạo nhân lực y tế trình độ ĐH, 74 trường CĐ và 44 trường trung cấp và dạy nghề.

Mở ồ ạt ngành Y - dược có thể với lý do, qua kết quả khảo sát hiện trạng nhân lực y tế tại Việt Nam cho thấy, tỷ lệ cán bộ y tế so với dân số là 40,5 người/10.000 dân, nghĩa là thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Đáng chú ý là tỷ lệ về số bác sĩ trên số dân chỉ là 6,59 bác sĩ/10.000 dân. Số cán bộ y tế dự phòng tuyến tỉnh hiện nay chỉ đáp ứng được 2/3 nhu cầu, với tuyến huyện vào khoảng 1/2 nhu cầu.

Tuy nhiên, đối với ngành y, việc nở rộ trường như vậy không những không giúp giải quyết được vấn đề số lượng và chất lượng nhân lực cho ngành, mà còn gây thêm nỗi băn khoăn về chất lượng đào tạo. Bởi, những trường mới mở ngành Y - dược là những trường ĐH ngoài công lập và đào tạo đa ngành như ĐH Thành Tây, ĐH Tân Tạo, ĐH Võ Trường Toản, ĐH Trà Vinh, ĐH Tây Đô, ĐH Lạc Hồng, ĐH Nguyễn Tất Thành, ĐH Đại Nam...

Có thể nhìn thấy ngay về chất lượng “bác sĩ” của những trường này khi ra trường bởi điểm chuẩn xét tuyển đầu vào quá thấp. Cụ thể, ĐH Tây Đô xét tuyển ngành Dược học, Điều dưỡng chỉ ở mức 13 - 14 điểm; ĐH Tây Đô, ngành Dược học, Điều dưỡng cũng là 13 - 14 điểm. Thậm chí, mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển thí sinh ở khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ của ngành Dược học chỉ là 12 và ngành Điều dưỡng là 13 điểm; ĐH Trà Vinh, ngành Y tế công cộng là 13 - 14 điểm; Tương tự, mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển ngành Dược của nhiều trường ĐH ngoài công lập khác cũng chỉ bằng điểm sàn. ĐH Lạc Hồng có nhỉnh hơn đôi chút là ngành Dược học khối A - B là 16 - 17 điểm; ĐH Tân Tạo xét tuyển ngành Bác sĩ Đa khoa 21 điểm…

Trong khi đó, điểm chuẩn các trường ĐH công lập có bề dày đào tạo ngành Y điểm chuẩn cao "ngất ngưởng". Điển hình nhất là sự kiện trường ĐH Y Hà Nội, mức điểm chuẩn ngành Bác sĩ đa khoa là 27,5 điểm; Học viện Quân y với điểm trúng tuyển cụ thể là: khối A (thí sinh nam miền Bắc 27,0 điểm; nam miền Nam 26,0 điểm; nữ miền Bắc 28,0 điểm; nữ miền Nam 27,5 điểm); khối B (nam miền Bắc 27,0 điểm; nam miền Nam 26,0 điểm; nữ miền Bắc 28,0 điểm; nữ miền Nam 27,5 điểm); Trường ĐH Y dược TPHCM và ĐH Dược Hà Nội mức điểm trúng tuyển cũng lên tới 27 điểm. Các ngành Bác sĩ đa khoa tại trường ĐH Y Hải Phòng và trường ĐH Y Thái Bình điểm trúng tuyển cũng lên tới 25,5 điểm. Ngành có điểm cao nhất của trường ĐH Y khoa Vinh cũng là Bác sĩ đa khoa với 23 điểm. Trường ĐH Y - dược Huế cũng lấy tới 26 điểm ngành Bác sĩ đa khoa.

Không dám tăng chỉ tiêu vì chất lượng

Một vị GS.VS đầu ngành của ngành giáo dục theo dõi những vấn đề trên đã thốt lên: “Chỉ có ở Việt Nam mới có chuyện mở đào tạo ngành Y tràn lan như hiện nay. Học ngành Y có nhiệm vụ quan trọng và thiêng liêng là cứu người nên cần phải có những người giỏi vào học, cần phải có đào tạo bài bản, chuyên nghiệp, của đội ngũ thầy giáo giỏi. Ở nước ngoài, đào tạo ngành Y rất quan trọng, thậm chí họ còn yêu cầu sinh viên ngành Y phải thề trước khi học nghề. Bên cạnh đó, thời gian đào tạo của họ kéo dài từ 8 - 10 năm chứ không phải là 6 năm như Việt Nam hiện nay”.

Nhắc lại sự kiện điểm chuẩn trường ĐH Y Hà Nội vừa qua, nếu trường ĐH Y Hà Nội dự kiến điểm trúng tuyển từ 27,5 điểm trở lên sẽ thừa khoảng 112 chỉ tiêu. Nhưng chỉ nâng thêm nửa điểm, trường sẽ thiếu khoảng hơn 40 chỉ tiêu. Do đó, để cứu những thí sinh đạt 9 điểm/môn vẫn không đỗ và tránh bức xúc dư luận xã hội, trường đã có công văn gửi Bộ GD-ĐT, Bộ Y tế đề xuất cho trường thêm 150 chỉ tiêu đào tạo hệ ngoài ngân sách dành cho thí sinh từ 26 đến 27,5 điểm. Đề xuất nhấn mạnh đây chỉ là giải pháp tình thế cho năm nay chứ không phải là thông lệ. Bộ Y tế tán đồng với phương án này, tuy nhiên, Bộ GD-ĐT không chấp thuận và cho phép trường tự quyết định đưa ra mức điểm chuẩn. Cuối cùng trường đã quyết định mức điểm 27,5.

Là cơ sở đào tạo uy tín, các bác sĩ ra trường đều có trình độ cao nhưng tại sao trường ĐH Y Hà Nội không dám tăng chỉ tiêu tuyển sinh, PGS.TS Nguyễn Đức Hinh - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Nhà trường không thể tăng chỉ tiêu đào tạo vì liên quan đến chất lượng, liên quan đến cơ sở vật chất, con người và liên quan đến trách nhiệm của ngành y với xã hội. Khác với đào tạo nhiều ngành khác, chỉ cần 2-3 giảng đường là hàng trăm SV có thể ngồi để các thầy cô diễn thuyết, các SV tự nghiên cứu sách vở tài liệu, trong khi SV ngành Y liên quan mật thiết đến bệnh viện, việc thực tập… thế nên chúng tôi không thể nào cứ mở ra đào tạo tràn lan. Mở một trường ĐH đã khó, mở trường y còn khó hơn rất nhiều”.

Không đồng ý cho ĐH Y Hà Nội đào tạo hệ ngoài ngân sách bởi vì trước đây Bộ GD-ĐT đã có văn bản không cho các trường đào tạo hệ ngoài ngân sách.

Được biết ngày 29/5/2013, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã ký quyết định cho phép trường Đại học Nguyễn Tất Thành đào tạo thêm 2 ngành mới bậc đại học là ngành Công nghệ Kỹ thuật Hóa học và Dược học.

So sánh giữa 2 cơ sở đào tạo sẽ nhận thấy rất lãng phí nếu Trường ĐH Y Hà Nội lại không mở lớp để đào tạo các em có điểm cao. Trong khi đó, chất lượng đào tạo của ĐH Y Hà Nội tốt hơn rất nhiều so với các trường ĐH Y khác, thậm chí khá cách biệt với các trường ĐH ngoài công lập. Các nhà quản lý không nên cào bằng về đào tạo ngành học đặc thù này.

Hơn nữa, hiện nay, sự bất đồng giữa Bộ Y tế và Bộ GD-ĐT về thẩm định mở ngành đào tạo y tế đã làm vấn đề đào tạo nhân lực ngành Y thêm rắc rối, bất cập về vấn đề chất lượng và số lượng. Vấn đề này cần có sự bàn thảo rõ ràng.

Hồng Hạnh

Nguồn: dantri.com.vn

Bài viết liên quan

742
  Tải tài liệu