Đào tạo chất lượng cao chưa có chuẩn
Cử nhân chất lượng cao chưa chắc làm đúng ngành được đào tạo, nhiều trường còn chưa thống kê được tỉ lệ sinh viên ra trường có việc làm.
Cùng với chương trình đào tạo bình thường, các trường ĐH còn đào tạo chương trình chất lượng cao (CLC). Theo đó, chỉ cần trúng tuyển vào trường, có nguyện vọng học, đủ khả năng đóng tiền sẽ được học chương trình này.
Có tiền là được học CLC và… gần cao
Từ năm 2006, ĐH Mở TP.HCM, ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM là những trường đầu tiên trong cả nước triển khai đào tạo chương trình CLC. Theo cam kết, chương trình này cung cấp cho người học các dịch vụ đào tạo tốt nhất nhằm tạo ra môi trường học tập, nghiên cứu khoa học, sinh hoạt, tu dưỡng, rèn luyện theo chuẩn quốc tế với chi phí hợp lý. Đồng thời, các trường cam kết sinh viên sẽ được học với giảng viên giỏi có uy tín; lớp học có sĩ số ít (25-50 sinh viên/lớp); phòng học tiện nghi với máy lạnh, âm thanh, đường truyền Internet tốc độ cao; được tạo điều kiện tốt nhất trong việc sử dụng thư viện, phòng thí nghiệm; được trang bị thêm về ngoại ngữ, kỹ năng mềm…
Sau đó, nhiều trường tiếp tục mở rộng chương trình này như ĐH Ngoại thương, ĐH Luật TP.HCM, ĐH Kinh tế TP.HCM… Đến năm học 2013-2014, Bộ GD&ĐT cho phép các trường ĐH xây dựng mô hình chương trình đào tạo CLC với học phí tương ứng để trang trải chi phí đào tạo. Ngay lập tức, chương trình này được nhân rộng thêm nhiều trường khác như: ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), ĐH Kinh tế-Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM), ĐH Tài chính-Marketing TP.HCM…
Tuy nhiên, chưa hề có quy định chung về tiêu chí nên mỗi trường có mỗi cách tuyển khác nhau nhưng điều kiện tiên quyết vẫn là… có tiền để chi trả học phí. PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, cho biết đối tượng xét tuyển ngoài thí sinh đã trúng tuyển kỳ thi tuyển sinh ĐH, trường còn xét tuyển thí sinh trong cả nước có giấy chứng nhận với tổng điểm tương ứng điểm trúng tuyển vào từng ngành. Còn sinh viên học chương trình này của Trường ĐH Kinh tế-Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM) phải có đơn đăng ký và trường sẽ kiểm tra trình độ tiếng Anh đầu vào.
Trong khi đó, Trường ĐH Luật TP.HCM ngoài đào tạo cử nhân chính quy CLC ngành luật gồm nhóm các chuyên ngành luật thương mại - dân sự - quốc tế - hành chính - tư pháp thì còn đào tạo lớp tăng cường theo chuẩn CLC nhóm các chuyên ngành luật thương mại - dân sự - quốc tế. Theo PGS-TS Trần Hoàng Hải, Phó Hiệu trưởng, lớp tăng cường theo chuẩn là lớp được trường bồi dưỡng trình độ tiếng Anh, nếu đáp ứng điều kiện thì sinh viên sẽ được trường tuyển bổ sung vào lớp cử nhân chính quy CLC!
Chưa nắm vững số lượng SV làm đúng ngành nghề
Để thu hút sinh viên vào học chương, các trường đều hứa là khi sinh viên tốt nghiệp sẽ được trường hỗ trợ giới thiệu việc làm đúng chuyên ngành đào tạo tại các doanh nghiệp trong và ngoài nước hoặc được ưu tiên bố trí đơn vị thực tập và giới thiệu việc làm trong quá trình học tập và sau khi tốt nghiệp. Thậm chí được ưu tiên xem xét tiếp nhận làm giảng viên của trường…
Tuy nhiên, dù sinh viên được đào tạo chương trình CLC với điều kiện tốt nhất nhưng PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, cho hay thống kê qua hai khóa tốt nghiệp chỉ có 81% sinh viên có việc làm ngay sau khi ra trường, trong đó sinh viên đi làm có mức lương khởi điểm 3-5 triệu đồng chiếm 31%, còn lương 6-8 triệu đồng chiếm 63%. Còn TS Lê Thị Thu Thủy, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Ngoại thương, cho biết: “Theo số liệu thống kê thì có trên 90% sinh viên CLC của trường có được việc làm sau khi tốt nghiệp. Vì việc làm đa dạng nên cũng không biết các em có làm đúng ngành nghề như đã học hay không. Tuy nhiên, mô hình này chúng tôi đã đáp ứng được nhu cầu xã hội, minh chứng là hằng năm số lượng sinh viên đăng ký chương trình này đều tăng”.
Trong khi đó, đào tạo CLC để được xã hội đánh giá cao, sinh viên tốt nghiệp dễ dàng tìm việc làm đúng ngành đào tạo nhưng Trường ĐH Mở TP.HCM vẫn chưa nắm được tỉ lệ việc làm của sinh viên khi tốt nghiệp chương trình CLC. Đại diện trường này cho rằng do sinh viên không cung cấp lại nên trường không có thông tin để kiểm chứng. Chính vì vậy mà trường cũng không biết sinh viên trường mình ra trường có làm việc đúng chuyên ngành được đào tạo hay không. Ngay cả Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM dù thống kê được tỉ lệ việc làm nhưng làm đúng ngành hay không thì không chắc!
Học phí cao ngất ngưởng Học phí Trường ĐH Mở TP.HCM là 21 triệu đồng/năm và cam kết không thay đổi trong suốt khóa học. Các trường ĐH Tài chính-Marketing TP.HCM, ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM quy định học phí là 22 triệu đồng/năm. Trường ĐH Kinh tế-Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM) cũng thu 22 triệu đồng/năm nhưng mỗi năm sẽ điều chỉnh tăng 3 triệu đồng nên năm cuối sẽ phải đóng 31 triệu đồng. Còn Trường ĐH Kinh tế TP.HCM có học phí 25 triệu đồng/năm. Trong khi đó, Trường ĐH Luật TP.HCM có nhiều mức thu nhất. Đối với các lớp CLC, năm nay thu 17,64 triệu đồng nhưng năm sau tăng lên 22,24 triệu đồng, còn từ năm 2015 sẽ có mức học phí mới. Đối với lớp đào tạo tăng cường theo chuẩn CLC, năm nay thu 23,814 triệu đồng, năm kế tiếp thu 30,024 triệu đồng và từ năm 2015 trở đi sẽ thông báo mức thu sau. Bằng cấp mỗi trường mỗi khác Trường ĐH Ngoại thương khẳng định bằng tốt nghiệp và bảng điểm của sinh viên sẽ được ghi là chương trình CLC nhằm làm rõ phương thức đào tạo so với các chương trình khác. Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) còn đang bàn tính bằng cấp cho sinh viên ra trường có ghi rõ hệ đào tạo CLC hay không để phân biệt với đại trà. Còn các trường ĐH Tài chính-Marketing TP.HCM, ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, ĐH Mở TP.HCM… thì chỉ thể hiện chương trình CLC trong bảng điểm cấp kèm theo bằng tốt nghiệp. |
QUỐC DŨNG
Nguồn: phapluattp.vn