Địa lí 12 Bài 33: Vấn đề chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo ngành ở Đồng bằng sông Hồng ( phần 2 )
Lý thuyết tổng hợp Địa lí 12 Bài 33: Vấn đề chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo ngành ở Đồng bằng sông Hồng ( phần 2 ) chọn lọc năm 2021 – 2022 mới nhất gồm tóm tắt lý thuyết và hơn 500 bài tập ôn luyện Địa 12. Hy vọng bộ tổng hợp lý thuyết Địa lí lớp 12 sẽ giúp học sinh củng cố kiến thức, ôn tập và đạt điểm cao trong các bài thi trắc nghiệm môn Địa lí 12.
Bài 33: Vấn đề chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo ngành ở Đồng bằng sông Hồng ( phần 2 )
A. Lý thuyết
1. Các thế mạnh chủ yếu của vùng.
a. Vị trí địa lí:
- Diện tích: 15.000 km2, chiếm 4,5% diện tích tự nhiên của cả nước.
- Dân số: 18,2 triệu người (2006), chiếm 21,6% dân số cả nước.
- Gồm 11 tỉnh, thành: Hà Nội, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Hà Tây, Hà Nam, Hưng Yên, Hải Dương,Bắc Ninh, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình.
- Giáp Trung du - miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ và vịnh Bắc Bộ.
→ Ý nghĩa:
+ Dễ dàng giao lưu kinh tế với các vùng khác và với nước ngoài.
+ Gần các vùng giàu tài nguyên.
b. Tài nguyên thiên nhiên:
- Diện tích đất nông nghiệp khoảng 760.000 ha, trong đó 70% có độ phì cao và trung bình, có giá trị lớn về sản xuất nông nghiệp.
- Khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa, có mùa đông lạnh làm cho cơ cấu cây trồng đa dạng.
- Tài nguyên nước phong phú, có giá trị lớn về kinh tế: nước sông (hệ thống sông Hồng và sông Thái Bình), nước ngầm, nước nóng, nước khoáng.
- Tài nguyên biển: bờ biển dài 400 km, vùng biển có tiềm năng lớn để phát triển nhiều ngành kinh tế (đánh bắt và nuôi trồng thuỷ sản, giao thông, du lịch)
- Khoáng sản không nhiều, có giá trị là đá vôi, sét cao lanh, than nâu, khí tự nhiên.
c. Điều kiện kinh tế - xã hội:
- Dân cư đông nên có lợi thế:
+ Có nguồn lao động dồi dào, nguồn lao động này có nhiều kinh nghiệm và truyền thống trong sản xuất, chất lượng lao động cao.
+ Tạo ra thị trường có sức mua lớn.
- Chính sách: có sự đầu tư của Nhà nước và nước ngoài.
- Cơ sở vật chất kĩ thuật và kết cấu hạ tầng phát triển mạnh (giao thông, điện, nước, thuỷ lợi, xí nghiệp, nhà máy…)
2. Các hạn chế chủ yếu của vùng
- Dân số đông, mật độ dân số cao (1.225 ng/km2 – cao gấp 4,8 lần mật độ dân số trung bình cả nước) gây sức ép về nhiều mặt, nhất là giải quyết việc làm.
- Thời tiết thất thường và thường có thiên tai: bão, lũ lụt, hạn hán…
- Sự suy thoái một số loại tài nguyên, thiếu nguyên liệu phát triển công nghiệp.
- Chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm, chưa phát huy thế mạnh của vùng.
3. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế:
a. Thực trạng:
Cơ cấu kinh tế đồng bằng sông Hồng đang có sự chuyển dịch theo hướng tích cực nhưng còn chậm.
- Giảm tỉ trọng khu vực I, tăng tỉ trọng khu vực II v à III.
- Trước 1990, khu vực I chiếm tỉ trọng cao nhất. Sau 1990, khu vực III chiếm tỉ trọng cao nhất.
b. Định hướng:
- Tiếp tục chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế: giảm tỉ trọng khu vực I, tăng tỉ trọng khu vực II và III.
- Chuyển dịch trong nội bộ từng ngành kinh tế:
+ Trong khu vực I:
Giảm tỉ trọng ngành trồng trọt, tăng tỉ trọng ngành chăn nuôi và thuỷ sản.
Trong trồng trọt: giảm tỉ trọng cây lương thực, tăng tỉ trọng cây thực phẩm và cây ăn quả.
+ Trong khu vực II: chú trọng phát triển các ngành công nghiệp trọng điểm dựa vào thế mạnh về tài nguyên và lao động.
+ Trong khu vực III: phát triển du lịch, dịch vụ tài chính, ngân hàng, giáo dục - đào tạo
B. Bài tập trắc nghiệm
Câu 1. Tỉnh nào sau đây không thuộc vùng đồng bằng sông Hồng?
A. Bắc Giang
B. Ninh Bình
C. Hải Dương
D. Hưng Yên
Đáp án: A
Giải thích: SGK/150, địa lí 12 cơ bản.
Câu 2. Thế mạnh về tự nhiên cho Đồng bằng sông Hồng có khả năng phát triển mạnh cây vụ đông là
A. đất đai màu mỡ
B. nguồn nước phong phú
C. có một mùa đông lạnh, kéo dài
D. ít có thiên tai
Đáp án: C
Giải thích: SGK/150, địa lí 12 cơ bản.
Câu 3. Phát biểu nào sau đây đúng về định hướng chuyển dịch cơ cấu trong ngành trồng trọt ở Đồng bằng sông Hồng?
A. Giảm tỉ trọng của cây thực phẩm, tăng cây lương thực.
B. Giảm tỉ trọng của cây lương thực, tăng cây thực phẩm.
C. Giảm tỉ trọng của cây công nghiệp, giảm cây lương thực.
D. Tăng tỉ trọng của cây lương thực, tăng cây công nghiệp.
Đáp án: B
Giải thích: SGK/153, địa lí 12 cơ bản.
Câu 4. Xu hướng chuyển dịch cơ cấu trong khu vực I của đồng bằng sông Hồng là
A. Giảm tỉ trọng của ngành trồng trọt, tăng tỉ trọng của ngành chăn nuôi và thủy sản
B. Giảm tỉ trọng ngành trổng trọt, tăng tỉ trọng ngành chăn nuôi, giảm tỉ trọng ngành thủy sản
C. Tăng tỉ trọng ngành trồng trọt, giảm tỉ trọng ngành chăn nuôi và thủy sản
D. Tăng tỉ trọng ngành trồng trọt và chăn nuôi, giảm tỉ trọng ngành thủy sản
Đáp án: A
Giải thích: SGK/153, địa lí 12 cơ bản.
Câu 5. Đặc điểm nổi bật về mặt dân cư – lao động của Đồng bằng sông Hồng là
A. dân số đông, nguồn lao động dồi dào và có trình độ.
B. nguồn lao động lớn nhất cả nước.
C. lao động có trình độ cao nhất cả nước
D. lao động tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn.
Đáp án: A
Giải thích: SGK/150, địa lí 12 cơ bản.
Câu 6. Điểm nào sau đây không đúng khi nói về biểu hiện của sức ép của dân số đối với việc phát triển kinh tế - xã hội ở Đồng bằng sông Hồng?
A. Phần lớn nguyên liệu cho công nghiệp phải đưa từ vùng khác đến.
B. Bình quân diện tích đất nông nghiệp trên đầu người thấp.
C. Việc giải quyết việc làm gặp nhiều nan giải, nhất là ở các thành phố.
D. Sản lượng lương thực bình quân đầu người thấp.
Đáp án: A
Giải thích: SGK/151, địa lí 12 cơ bản.
Câu 7. Phát triển và hiện đại hóa công nghiệp chế biến, còn các ngành khác và dịch vụ gắn với yêu cầu phát triển nông nghiệp hàng hóa là định hướng nào của vùng Đồng bằng sông Hồng?
A. Định hướng phát triển khu vực III.
B. Định hướng phát triển khu vực I.
C. Định hướng chung.
D. Định hướng phát triển khu vực II.
Đáp án: C
Giải thích: SGK/153, địa lí 12 cơ bản.
Câu 8. Nguồn lao động dồi dào, thị trường tiêu thụ rộng lớn là thế mạnh để vùng Đồng bằng sông Hồng
A. thúc đẩy ngành khai khoáng phát triển.
B. phát triển nhanh tốc độ đô thị hóa.
C. chuyển đổi cơ cấu kinh tế.
D. phát triển các ngành kinh tế.
Đáp án: D
Giải thích: SGK/150, địa lí 12 cơ bản.
Câu 9. Hậu quả của sự gia tăng dân số nhanh ở Đồng bằng sông Hồng là
A. rừng và đất lâm nghiệp ngày càng giảm.
B. đất thổ cư và đất chuyên dùng ngày càng thu hẹp.
C. diện tích đất canh tác bình quân đầu người ngày càng giảm.
D. diện tích đất nông nghiệp ngày càng được mở rộng.
Đáp án: C
Giải thích: SGK/151, địa lí 12 cơ bản.
Câu 10. Trọng tâm của định hướng chuyển dịch cơ cấu trong nội bộ từng ngành kinh tế ở Đồng bằng sông Hồng là
A. phát triển và hiện đại hóa nông nghiệp, gắn sự phát triển của nó với công nghiệp chế biến
B. phát triển và hiện đại hóa công nghiệp chế biến, còn các ngành khác và dịch vụ gắn với yêu cầu phát triển nông nghiệp hàng hóa.
C. phát triển và hiện đại hóa công nghiệp khai thác, gắn nó với nền nông nghiệp hàng hóa.
D. phát triển và hiện đại hóa công nghiệp chế biến và khai thác.
Đáp án: B
Giải thích: SGK/153, địa lí 12 cơ bản.
Câu 11. Thuận lợi của dân số đông ở đồng bằng sông Hồng đối với phát triển kinh tế là
A. lao động dồi dào, giải quyết được nhiều khó khăn về tự nhiên
B. nguồn lao động dồi dào, thị trường tiêu thụ rộng lớn.
C. nhiều lao động có kĩ thuật cao, phát triển nhiều khu công nghiệp.
D. lao động nông nghiệp đông, có nhiều vùng chuyên môn hóa cây trồng.
Đáp án: C
Giải thích: SGK/151, địa lí 12 cơ bản.
Câu 12. Vùng nào nước ta có lịch sử khai thác lãnh thổ lâu đời nhất?
A. Đông Nam Bộ.
B. Duyên Hải Nam Trung Bộ.
C. Đồng bằng sông Hồng.
D. Đồng bằng sông Cửu Long.
Đáp án: C
Giải thích: SGK/150, địa lí 12 cơ bản.
Bài viết liên quan
- Địa lí 12 Bài 32: Vấn đề khai thác thế mạnh ở Trung du và miền núi Bắc Bộ ( mức độ vận dụng )
- Địa Lí 12 Bài 33: Vấn đề chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo ngành ở Đồng bằng sông Hồng
- Địa lí 12 Bài 33: Vấn đề chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo ngành ở Đồng bằng sông Hồng ( mức độ vận dụng )
- Địa Lí 12 Bài 35: Vấn đề phát triển kinh tế - xã hội ở Bắc Trung Bộ
- Địa lí 12 Bài 35: Vấn đề phát triển kinh tế - xã hội ở Bắc Trung Bộ ( phần 2 )