Tiến sĩ Lương Cao Đông, Hiệu trưởng Đại học Đại Nam, cho biết ba ngành học mới là Y khoa, Đông phương học (chuyên ngành Nhật Bản học), Ngôn ngữ và văn hóa Hàn Quốc. "Đây đang là 3 chuyên ngành được các bạn trẻ quan tâm", Tiến sĩ Cao Đông nói.
Khuôn viên trường Đại học Đại Nam.
Đối với ngành Y khoa, trường đầu tư xây dựng đồng bộ từ chương trình đào tạo, đội ngũ giảng viên đến hệ thống các phòng thí nghiệm, thực hành, hệ thống thực hành lâm sáng tại các bệnh viện lớn của Hà Nội... Sau 6 năm học tập và rèn luyện, các bác sĩ y khoa khi ra trường sẽ được trang bị khoa học cơ bản và y khoa cơ sở, kỹ năng lâm sàng và cộng đồng, kết hợp y học hiện đại với cổ truyền, khả năng tự học, tự chịu trách nhiệm, năng lực ngoại ngữ và nghiên cứu khoa học...
Đối với ngành Đông phương học - chuyên ngành Nhật Bản, trường sẽ đào tạo kiến thức nền tảng chuyên sâu về ngôn ngữ và văn hóa Nhật Bản (đạt chuẩn tiếng Nhật N2 đầu ra). Sinh viên sử dụng thành thạo 4 kỹ năng nghe - nói - đọc - viết tiếng Nhật ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Giảng viên Nhật Bản sẽ giảng dạy. Sinh viên có cơ hội trải nghiệm thực tập và làm việc từ 6 đến 12 tháng tại các doanh nghiệp lớn tại Nhật Bản với mức lương hấp dẫn.
Đối với ngành Ngôn ngữ và văn hóa Hàn Quốc, trường đào tạo cử nhân theo định hướng biên - phiên dịch, thương mại và du lịch. Để phục vụ cho công tác đào tạo và đảm bảo chất lượng đầu ra cho sinh viên, trường liên kết với nhiều đại học quốc tế và các doanh nghiệp Hàn Quốc lớn.
Ngoài ra, Đại học Đại Nam còn có những ngành nghề được xem là sẽ "lên ngôi" trong kỷ nguyên 4.0. Đó là Công nghệ thông tin, Xây dựng và kiến trúc, Quản trị khách sạn du lịch và lữ hành, Quản trị kinh doanh. Tuy nhiên, Y khoa - dược học, Điều dưỡng vẫn là ngành học thu hút sự quan tâm hàng đầu của sinh viên, là ngành nghề có cơ hội việc làm cao.
Sinh viên khoa Dược thực hành thí nghiệm tại trường
Thầy Cao Đông cho biết tất cả ngành học trong trường không chỉ tập trung vào kiến thức chuyên ngành mà còn vào 4 kỹ năng cơ bản (nghề nghiệp, mềm, ngoại ngữ và kỹ năng sống), để khi sinh viên ra trường có việc làm ngay và đáp ứng với thị trường lao động.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Nguyệt Loan cho biết, năm học 2020 - 2021, khoa Tài chính - Ngân hàng chú trọng phát huy thế mạnh trong việc định hướng nghề nghiệp, đảm bảo 100% việc làm cho sinh viên sau khi ra trường, cam kết mức lương từ 7 triệu đồng trở lên.
Sinh viên học theo chương trình đào tạo được xây dựng dựa trên sự phối hợp giữa nhà trường và doanh nghiệp. Đội ngũ giảng viên liên tục được cập nhật kiến thức, nghiệp vụ thực tế thông qua các hoạt động trao đổi, học hỏi với doanh nghiệp, tổ chức tín dụng... Từ năm thứ nhất, sinh viên đã được tiếp cận thực tế thông qua hoạt động học tập, thăm quan tại các ngân hàng, công ty tài chính, đầu tư...
Bên cạnh đó, Trung tâm thực hành Tài chính - Ngân hàng đã được đưa vào hoạt động, để thực hành thực tế các nghiệp vụ tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm... Đây cũng là nơi tổ chức các hội thảo khoa học, tọa đàm định hướng, chia sẻ thực tế nghề nghiệp giữa các chuyên gia, nhà khoa học, diễn giả đầu ngành, nhà tuyển dụng... với sinh viên và giảng viên của khoa.
Sinh viên khoa Tài chính ngân hàng đi thực tế
Bắt đầu từ năm 2020, khoa phối hợp với doanh nghiệp đưa phần mềm ngân hàng lõi vào giảng dạy cho sinh viên. Việc này tạo lợi thế lớn cho sinh viên Đại học Đại Nam khi ứng tuyển vào các ngân hàng, doanh nghiệp. Các ngân hàng sẽ không mất quá nhiều thời gian đào tạo lại, còn sinh viên sau tốt nghiệp có thể vào việc luôn mà không bỡ ngỡ.
Chính sách học bổng của khoa mang tính linh động. Trường dành học bổng khuyến tài 50% - 100% cho sinh viên năm thứ nhất và những thí sinh từng đạt thành tích cao trong cách lĩnh vực văn hóa, văn nghệ, thể thao...
Năm học 2020 - 2021, Đại học Đại Nam tuyển sinh ở 16 chuyên ngành đào tạo với 1.820 chỉ tiêu. Trường xét tuyển theo hai phương thức sau:
Thứ nhất, trường sử dụng kết quả 3 môn từ kỳ thi tốt nghiệp THPT (hoặc sử dụng kết quả thi 2 môn từ kỳ thi tốt nghiệp THPT và môn năng khiếu do Đại học Đại Nam tổ chức thi) theo tổ hợp đăng ký để xét tuyển. Ngưỡng đảm bảo chất lượng được Hội đồng tuyển sinh công bố trước 3/9. Đối với những thí sinh tốt nghiệp THPT từ năm 2019 trở về trước được sử dụng kết quả thi THPT quốc gia để xét tuyển.
Thứ hai, trường sử dụng kết quả 3 môn từ kết quả học tập lớp 12 THPT hoặc hai môn từ kết quả học tập lớp 12 THPT và môn năng khiếu do Đại học Đại Nam tổ chức thi theo tổ hợp đăng ký, để xét tuyển. Ngưỡng đảm bảo chất lượng: ngành Y khoa, Dược học phải có học lực lớp 12 xếp loại giỏi và tổng điểm 3 môn theo tổ hợp xét tuyển đạt từ 24 trở lên; ngành Điều dưỡng phải có học lực lớp 12 xếp loại khá trở lên và tổng điểm 3 môn theo tổ hợp xét tuyển đạt từ 19,5 điểm trở lên. Các ngành còn lại có tổng điểm 3 môn theo tổ hợp xét tuyển đạt từ 18 trở lên.
Ngoài ra, trường còn có phương thức xét tuyển thẳng những thí sinh đoạt giải nhất, nhì, ba các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia THPT, khoa học quốc gia THPT do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức và đã tốt nghiệp THPT; thí sinh đạt 2 năm Khá - Giỏi THPT và đã tốt nghiệp THPT. Về môn thi năng khiếu, trường áp dụng cho cả hai phương thức xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT và học tập THPT lớp 12.
Mức học phí sẽ đóng theo 10 tháng một năm học và từ 16 triệu một sinh viên một năm đến 65 triệu tùy vào từng chuyên ngành của trường.
Xem chi tiết chương trình "On EduTalk - Tư vấn tuyển sinh Đại học Đại Nam" tại đây.