Năm 2021, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam nhất định sẽ phải đào tạo đa ngành

Năm 2021, Học viện Thanh thiếu niên nhất định sẽ phải đào tạo đa ngành, mời các bạn đón xem:

423


Năm 2021, Học viện Thanh thiếu niên nhất định sẽ phải đào tạo đa ngành

GDVN-Trong những năm tới, định hướng của Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam sẽ mở đa ngành nghề, có thể chỉ tiêu không nhiều nhưng nhất định phải nhiều ngành nghề.

Thực trạng hiện nay rất nhiều trường đại học và nhiều ngành đào tạo không tuyển được sinh viên. Không chỉ trường tốp giữa, tốp dưới mà ngay cả các trường tốp trên nhiều ngành truyền thống, có thế mạnh đào tạo của trường vẫn không tuyển được.

Điều này gây khó khăn cho các trường trong tuyển sinh, dẫn đến tình huống có ngành "tay trái" thì điểm chuẩn rất cao, nhưng những ngành thuộc về "sứ mệnh", thế mạnh, truyền thống của trường chỉ lấy ở mức 16 đến 17 điểm cho một tổ hợp.

Phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Trần Thị Tuyết Nhung - Phó giám đốc phụ trách kiêm Trưởng phòng Đào tạo Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam về vấn đề tuyển sinh vào đào tạo các ngành nghề hiện nay của Học viện.

PV: Xin bà cho biết hiện nay Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam đang tuyển sinh đào tạo các ngành nghề nào, tuyển sinh ra sao?

Tiến sĩ Trần Thị Tuyết Nhung: Hiện tại Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam chúng tôi đang đào tạo 7 ngành trình độ cử nhân, trong đó có Công tác Thanh thiếu niên, đây là ngành truyền thống của Học viện, và trên cả nước chỉ có duy nhất ở đây đào tạo ngành này.

Ngoài ra còn ngành Công tác xã hội; Ngành xây dựng Đảng và chính quyền Nhà nước; Quản lí Nhà nước; Quan hệ công chúng; Ngành Luật; Riêng ngành Tâm lí học mới được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép tuyển sinh và đào tạo từ năm 2020, có thể nói đây là một ngành mới của Học viện.

Về trình độ Cao học, hiện nay Học viện đang đào tạo 2 ngành là Xây dựng Đảng và chính quyền Nhà nước; Ngành Công tác xã hội.

Tiến sĩ Trần Thị Tuyết Nhung - Phó giám đốc phụ trách đào tạo, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam. Ảnh: Tùng Dương.

Về hình thức tuyển sinh, Học viện áp dụng quy định giống như các trường đại học trong cả nước, xét theo kết quả kì thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông, phương thức thứ 2 là xét kết quả học bạ trong 3 năm cấp III. Về mức điểm xét tuyển hàng năm, có năm điểm trúng tuyển vào học viện lên tới 22 điểm, còn trung bình mấy năm gần đây là 16 đến 18 điểm cho 1 ngành.

PV: Có ý kiến cho rằng sinh viên không đỗ vào trường nào khác thì mới chấp nhận vào học tại Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam, bà có chia sẻ gì về quan điểm này?

Tiến sĩ Trần Thị Tuyết Nhung: Những sinh viên xét tuyển vào Học viện đã có sự xác định ngay từ đầu, đều là nguyện vọng 1, rất nhiều em sau khi thông báo có điểm thi rất cao nhưng vẫn quyết định chọn Học viện để theo học, ngay như ngành Luật, mỗi năm cũng có hơn một trăm sinh viên theo học mặc dù điểm đầu vào một số trường đại học ngang nhau.

Theo tôi, chất lượng đội ngũ giảng viên các ngành và nhất là ngành Luật rất cao, những năm gần đây Học viện luôn được sự quan tâm của Ban Bí thư Trung ương Đoàn về nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, chú trọng đầu ra nên đã cho tiếp nhận rất nhiều Tiến sĩ về đây giảng dạy. Hiện tại, giảng viên cơ hữu của Học viện là 160 người cho 7 ngành đào tạo, trong đó có 6 Phó giáo sư và hơn 50 Tiến sĩ.

Về quy mô đào tạo, yêu cầu của Ban Bí thư Trung ương Đoàn là phải luôn quan tâm đến chất lượng, chính vì vậy trung bình mỗi năm chúng tôi tiếp nhận khoảng trên 800 sinh viên, riêng năm nay khoảng hơn 1.000 sinh viên theo học cho 7 ngành đào tạo. Nếu nhìn ở góc độ một cơ sở đào tạo thì số lượng sinh viên như vậy là hơi ít, nhưng đây là một cơ sở giáo dục công lập hưởng một phần ngân sách từ Trung ương Đoàn, học phí hiện nay tính theo tín chỉ đào tạo, trung bình vào khoảng 9 triệu 800 nghìn đồng cho 1 năm học.

Theo tôi mức học phí này là phù hợp bởi sinh viên tại Học viện khá đa dạng từ các vùng miền núi, vùng sâu vùng xa, từ các thành phố lớn trong cả nước. Ngoài ra, các sinh viên được hỗ trợ một phần kinh phí ở kí túc xá của Học viện, chất lượng ở rất tốt, có thang máy, máy điều hòa… nhưng mỗi em chỉ phải đóng 250 nghìn đồng cho 1 tháng.

PV: Sau 4 năm học tại Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam, sinh viên tốt nghiệp sẽ làm những công việc gì, thưa bà?

Tiến sĩ Trần Thị Tuyết Nhung: Với ngành truyền thống của Học viện là ngành Công tác thanh thiếu niên, sau khi tốt nghiệp, sinh viên sẽ làm việc tại các tổ chức chính trị xã hội, cụ thể là tổ chức Đoàn các cấp từ trung ương đến địa phương. Với ngành này, trung bình hàng năm tuyển sinh khoảng 120 sinh viên, có nhiều năm con số này lên đến 200 em theo học.

Sở dĩ đông sinh viên theo học ngành này bởi hiện nay nhu cầu xã hội cần khá nhiều nhân lực, trong các khối doanh nghiệp, các ngân hàng…cũng đều có tổ chức Đoàn. Đặc biệt, nếu các em thi ngạch công chức của tổ chức Đoàn thì không thể thiếu được yêu cầu về văn bẳng chứng chỉ công tác Đoàn.

Tuy nhiên, có nhiều sinh viên theo học ngành Xây dựng Đảng chính quyền Nhà nước, hoặc ngành Công tác xã hội, nhưng đã học tại đây các em đều được học thêm một Chứng chỉ về nghiệp vụ Đoàn- Hội- Đội, đây cũng là chứng chỉ theo Đề án của Chính phủ đã phê duyệt, khi đã có chứng chỉ này về địa phương là các em đã có thể tham gia các công tác Đoàn.

PV: Bà có thể cho biết về chức năng nhiệm vụ chính của Học viện thanh thiếu niên Việt Nam?

Tiến sĩ Trần Thị Tuyết Nhung: Nhiệm vụ đào tạo của Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam từ khi thành lập năm 1956 cho đến nay là bồi dưỡng cán bộ Đoàn các cấp, đây có thể nói là nhiệm vụ chính. Từ thời điểm đó, Đoàn thanh niên chính thức có một hệ thống đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cán bộ chuyên trách, đáp ứng đòi hỏi của phong trào thanh thiếu niên, nhi đồng cả nước.

Trải qua nhiều thời kỳ, năm 2001, Ban Bí thư Trung ương Đoàn đã trình Bộ chính trị phê duyệt đề án hoàn thiện Bộ máy tổ chức của Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam theo hướng thống nhất quản lý và nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, thông tin khoa học về các vấn đề thanh thiếu nhi, phục vụ đắc lực hơn cho công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi cả nước.

Từ năm 2001 đến nay, Trung ương Đoàn và Học viện đã tập trung đầu tư và nâng cao chất lượng dạy và học, nâng cao chất lượng nghiên cứu và phục vụ, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, hoàn thiện chương trình đào tạo, từng bước đưa Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam hoà nhập vào hệ thống giáo dục Đại học quốc dân.

Hàng năm, học viện còn có nhiệm vụ bồi dưỡng, đào tạo về công tác Đoàn, Xây dựng Đảng, Nhà nước và Pháp luật… cho hàng trăm cán bộ của nước bạn Lào sang học tại học viện, hiện nay đã đến khóa 25

Ngoài ra hàng năm, nước bạn Campuchia cũng cử nhiều cán bộ sang học viện để bồi dưỡng nghiệp vụ về Hội liên hiệp Thanh niên. Các chương trình đào tạo này đều theo dự án của Chính phủ 2 nước giao cho Học viện đào tạo.

Ngành Công tác Thanh thiếu niên là ngành học đào tạo cán bộ làm công tác thanh thiếu niên nắm vững hệ thống kiến thức và kỹ năng công tác thanh thiếu niên; có khả năng nghiên cứu, tham mưu, đề xuất với các cấp uỷ Đảng và chính quyền về các chính sách liên quan đến thanh thiếu niên.

PV: Thực trạng hiện nay, các ngành được coi là truyền thống, sứ mệnh của nhiều trường đại học công lập thường có ít sinh viên đăng kí theo học, xin bà cho biết Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam có phải đối diện với thực trạng này hay không, và hướng phát triển trong những năm tới của Học viện ra sao?

Tiến sĩ Trần Thị Tuyết Nhung: Định hướng của Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam vẫn theo mục đích đào tạo các ngành nghề truyền thống của Học viện đúng với chức năng và nhiệm vụ ban đầu. Ngoài ra để phát triển hội nhập hơn trong những năm tới, chúng tôi sẽ mở thêm đa ngành nghề đào tạo giống như các trường đại học trong cả nước. Có thể chỉ tiêu không nhiều nhưng nhất định phải nhiều ngành nghề.

Theo tôi, nguồn nhân lực xã hội cần cũng chỉ ở mức độ vừa phải, nếu chúng ta đào tạo quá nhiều sẽ dẫn đến việc dư thừa, hay còn gọi là thất nghiệp sau khi ra trường. Vậy nên chúng tôi hy vọng mỗi ngành sẽ phục vụ khoảng hơn 100 sinh viên mỗi năm.

Dự kiến theo lộ trình mở thêm ngành nghề từ nay cho đến năm 2025 và tầm nhìn đến 2030, chúng tôi đào tạo thêm 5 ngành Cao học nữa là Quan hệ công chúng; Ngành Tâm lí học và Quản lí công; Luật; Công tác Thanh niên.

Về đào tạo đại học, ở nhóm ngành kinh tế sẽ có thêm: Quản trị kinh doanh; Tài chính ngân hàng; Kinh tế quốc tế; Tài chính doanh nghiệp; Kế toán kiểm toán; Marketing; Kinh tế phát triển; Quản trị nhân lực.

Với nhóm Công nghệ thông tin, chúng tôi sẽ mở thêm: Công nghệ thông tin; Khoa học dữ liệu ứng dụng; Truyền thông đa phương tiện tiếp cận dưới góc độ của Công nghệ thông tin, chứ không phải ngành truyền thông; ngành Hệ thống thông tin quản lí; An ninh mạng.

Ở nhóm ngành Ngoại ngữ, đây là nhóm ngành rất có tương lại trong thời hội nhập 4.0, vậy nên chúng tôi sẽ mở đào tạo tiếng Anh, tiếng Nhật và tiếng Trung. Ngoài ra sẽ có thêm Quản trị Du lịch và Lữ hành. Và để đáp ứng như cầu giảng dạy, Học viện sẽ có lộ trình tuyển dụng các giảng viên trình độ cao.

PV: Có ý kiến cho rằng xét tuyển đầu vào Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam ở mức 16 điểm là thấp so với mặt bằng hiện nay, vậy chất lượng đào tạo sẽ ra sao, thưa bà?

Tiến sĩ Trần Thị Tuyết Nhung: Về chất lượng đầu ra, theo tôi cần phải được đánh giá bởi các nhà tuyển dụng thì mới chính xác, nhưng qua rất nhiều khóa sinh viên đã ra trường có đến 90% đều đã tìm được việc làm, trong số đó có hơn 50% làm đúng ngành đã được đào tạo, được các nhà tuyển dụng đánh giá cao. Theo tôi, trình độ hay năng lực của một con người không thể đánh giá hết qua một kì thi, nhiều em có học bạ cấp III rất đẹp nhưng vì “lí do” nào đó khi thi lại chỉ đạt 16 - 17 điểm, như vậy không thể coi em đó là yếu kém được.

Trân trọng cảm ơn Tiến sĩ Trần Thị Tuyết Nhung!

Bài viết liên quan

423