Nâng cáo chất lượng giáo dục, đào tạo ở Trường Sĩ quan Đặc Công năm 2022

Nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo ở Trường Sĩ quan Đặc Công năm 2022, mời các bạn đón xem

237


Nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo ở Trường Sĩ quan Đặc Công năm 2022

Trường Sĩ quan Đặc công (tiền thân là Trường Bổ túc cán bộ Đặc công) được thành lập ngày 20/7/1967. Trải qua 55 năm xây dựng, chiến đấu, phát triển và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, trực tiếp là của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Binh chủng Đặc công, Nhà trường luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, nhất là nhiệm vụ giáo dục, đào tạo, đáp ứng đòi hỏi về nguồn nhân lực trong xây dựng, phát triển lực lượng và nghệ thuật tác chiến Đặc công, góp phần xây đắp nên truyền thống: “Đặc biệt tinh nhuệ - Anh dũng tuyệt vời - Mưu trí táo bạo - Đánh hiểm thắng lớn” của Binh chủng Đặc công Anh hùng.

Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Nhà trường đã đào tạo được hàng nghìn cán bộ chỉ huy tham mưu, nhân viên chuyên môn kỹ thuật trực tiếp tham gia chiến đấu trên khắp các chiến trường, trong nhiều cuộc tiến công, chiến dịch lớn, như: Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân (năm 1968); chiến dịch Đường số 9 - Nam Lào (năm 1971); chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (năm 1975), góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Bước vào thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Nhà trường tập trung ổn định tổ chức biên chế, củng cố cơ sở vật chất dạy học, từng bước đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp giảng dạy, hoàn thành tốt nhiệm vụ đào tạo, bổ túc cán bộ, đáp ứng nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc, cùng quân và dân cả nước bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc và làm tròn nghĩa vụ quốc tế. Hiện nay, Nhà trường thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, hạ sĩ quan chỉ huy, nhân viên chuyên môn kỹ thuật Đặc công cho toàn quân; đào tạo lực lượng chống khủng bố và cán bộ đặc công cho Bộ Công an và các nước bạn; sẵn sàng làm nhiệm vụ A2, chống khủng bố, tác chiến bảo vệ chủ quyền biển, đảo và thực hiện các nhiệm vụ trên giao. Với những thành tích xuất sắc, Nhà trường được Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (năm 2014) và nhiều phần thưởng cao quý.

Để đạt được những thành tích đó, các thế hệ cán bộ, giáo viên, học viên, nhân viên, chiến sĩ của Nhà trường đã luôn đoàn kết, thống nhất, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, quyết tâm đổi mới, sáng tạo, vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ giáo dục, đào tạo mà Binh chủng và Quân đội giao cho. Từ kết quả đạt được Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường rút ra một số kinh nghiệm, đồng thời cũng là những chủ trương, giải pháp đã, đang thực hiện có hiệu quả, nhằm không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, đó là:

Tập trung xây dựng cấp ủy, tổ chức đảng các cấp trong sạch, vững mạnh để nâng cao năng lực lãnh đạo thực hiện tốt nhiệm vụ giáo dục, đào tạo. Đây là giải pháp quan trọng, giữ vai trò nền tảng để Nhà trường hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Để thực hiện tốt nội dung này, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường chỉ đạo các cơ quan, khoa giáo viên và đơn vị quán triệt, thực hiện nghiêm nghị quyết, chỉ thị của trên về công tác xây dựng Đảng. Tập trung giáo dục, làm cho các cấp ủy, tổ chức đảng và mọi cán bộ, đảng viên kiên định chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, trung thành với mục tiêu, lý tưởng của Đảng. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tư tưởng, kết hợp tốt giữa “xây” và “chống”, lấy “xây” làm nhiệm vụ cơ bản; trong đó, lấy thực hiện Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị (khóa XIII) về tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Nghị quyết số 847-NQ/QUTW, ngày 28/12/2021 của Quân ủy Trung ương về Phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân trong tình hình mới làm cơ sở ngăn chặn có hiệu quả những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, nhất là đối với đội ngũ cấp ủy, cán bộ chủ trì các cơ quan, khoa, đơn vị.

Thường xuyên kiện toàn cấp ủy các cấp đủ số lượng, có chất lượng tốt; coi trọng việc bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực, phương pháp, tác phong công tác và kinh nghiệm thực tiễn cho đội ngũ bí thư, cấp ủy viên các cấp, nhất là năng lực ra nghị quyết và cụ thể hóa nghị quyết. Thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ; duy trì nghiêm các chế độ, nền nếp sinh hoạt đảng và đề cao tinh thần tự phê bình, phê bình của cán bộ, đảng viên. Đồng thời, bổ sung, hoàn thiện quy chế lãnh đạo của cấp ủy các cấp, nhất là đối với các mặt công tác trọng yếu, bảo đảm chặt chẽ, đúng nguyên tắc; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng với phương châm “Giám sát phải mở rộng, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm”. Nội dung tập trung vào việc lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ giáo dục, đào tạo, gắn với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị (khóa XIII). Quá trình tiến hành phải bảo đảm chặt chẽ, công tâm, khách quan; coi trọng kiểm tra, giám sát tổ chức đảng, cán bộ chủ chốt ở những vị trí công tác dễ xảy ra tiêu cực, v.v. Phấn đấu, hằng năm có 90% trở lên các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên hoàn thành tốt và xuất sắc nhiệm vụ.

Huấn luyện vượt hàng rào thép gai

Coi trọng bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn và phương pháp sư phạm cho đội ngũ giảng viên. Đội ngũ giảng viên là chủ thể của hoạt động dạy học, là lực lượng có vai trò trực tiếp trong định hướng, điều khiển toàn bộ hoạt động lĩnh hội tri thức và rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp cho học viên. Vì vậy, Nhà trường quán triệt, thực hiện nghiêm Quyết định số 89/QĐ-TTg, ngày 18/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, quản lý các cơ sở giáo dục đại học đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019 - 2030”; Đề án “Xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục trong Quân đội đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trong Quân đội giai đoạn 2020 - 2030”. Trong đó, chú trọng đẩy mạnh việc chuẩn hóa đội ngũ giảng viên và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo chất lượng cao, chuyên gia đầu ngành giỏi bằng nhiều hình thức, như: đề nghị với trên sắp xếp, bố trí cho cán bộ, giáo viên luân phiên đi thực tế ở các đơn vị để nâng cao kiến thức thực tiễn; lựa chọn cán bộ, giảng viên có đủ năng lực, trình độ cử đi đào tạo sau đại học, bồi dưỡng ngoại ngữ, tin học tại các học viện, nhà trường trong và ngoài Quân đội1; tổ chức tốt các lớp tập huấn nghiệp vụ sư phạm, hội thi chủ nhiệm bộ môn, giảng viên dạy giỏi. Đồng thời, duy trì tốt nền nếp, chất lượng hoạt động nghiệp vụ sư phạm, như: hoạt động dự giảng, giảng thử, giảng mẫu, thông qua bài giảng theo mô hình “Nhà trường thông minh”,… để bồi dưỡng, nâng cao trình độ, năng lực và phương pháp sư phạm cho giảng viên. Nhờ đó, đội ngũ giảng viên của Nhà trường luôn ổn định, có cơ cấu hợp lý, phẩm chất chính trị, đạo đức và lòng say mê, yêu mến nghề nghiệp; có năng lực giảng dạy chuyên sâu theo phương pháp dạy học hiện đại để phát huy tính sáng tạo của người học trong quá trình lĩnh hội tri thức; biết ứng dụng công nghệ và sử dụng hiệu quả phòng học chuyên dùng, chuyên ngành, góp phần nâng cao hiệu quả của quá trình dạy học.

Chủ động đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp dạy học. Để đảm bảo yêu cầu về lượng kiến thức của từng bậc học theo chuẩn quốc gia và không ngừng nâng cao tính “Cơ bản, hệ thống, thống nhất, chuyên sâu” trong giáo dục, đào tạo, quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng: “Tiếp tục đổi mới đồng bộ mục tiêu, nội dung, chương trình, phương thức, phương pháp giáo dục và đào tạo theo hướng hiện đại, hội nhập quốc tế”2, các nghị quyết của Trung ương về giáo dục, đào tạo và Nghị quyết số 627-NQ/ĐU, ngày 19/02/2013 của Đảng ủy Binh chủng về “Nâng cao chất lượng huấn luyện giai đoạn 2013 - 2020 và những năm tiếp theo”, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường chủ trương: đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp theo hướng phát triển năng lực người học. Theo đó, Nhà trường chỉ đạo Phòng đào tạo, các cơ quan, khoa giáo viên phối hợp xây dựng nội dung, chương trình khung theo hướng: tăng cường thời gian thực hành huấn luyện đêm, dã ngoại, rèn luyện ngoại khóa “cường độ cao”; giảm thời gian huấn luyện phần đại cương từ 30% xuống 25%, huấn luyện chuyên ngành tăng từ 70% lên 75%; kết hợp chặt chẽ giữa đào tạo với rèn luyện thể lực, dạy, học ngoại ngữ, tin học, v.v. Qua đó, nâng cao khả năng tư duy sáng tạo, phương pháp, tác phong chỉ huy, kỹ năng mềm cho học viên, đáp ứng tốt yêu cầu thực tế đơn vị cơ sở. Với phương châm ‘‘thiết thực, cơ bản, vững chắc’’, Nhà trường đã bổ sung nội dung kỹ thuật, chiến thuật chống khủng bố, tác chiến A2, tác chiến đảo xa, đáp ứng tốt yêu cầu thực tiễn đặt ra. Về phương pháp: huấn luyện đội ngũ chiến thuật kết hợp tập bài tập trung từ hình thức chiến thuật cấp tổ, trung đội, đại đội; từ cấp tiểu đoàn vận dụng hình thức tập bài cơ bản, tập bài ứng dụng. Về huấn luyện kỹ thuật: các khoa tổ chức lên lớp giới thiệu, sau đó phân chia thành các điểm tập, tổ chức cho học viên luyện tập từ cơ bản, nâng cao đến tập tổng hợp. Đối với các nội dung có tính chất phức tạp, đòi hỏi độ chính xác cao của các chuyên ngành Biệt động, Đặc công nước, Võ thuật, sử dụng lực lượng mẫu để giới thiệu. Sử dụng hiệu quả các phòng học chuyên dùng, chuyên ngành, các phòng tập thể lực, võ, phòng huấn luyện chiến thuật mô phỏng, phòng huấn luyện bắn súng để tổ chức huấn luyện, luyện tập cho học viên sát thực tế.

Kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục, đào tạo với nghiên cứu khoa học. Nhận thức rõ vai trò quan trọng của công tác nghiên cứu khoa học đối với việc nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh phong trào nghiên cứu khoa học của cán bộ, giảng viên với chính sách hỗ trợ gắn với tiêu chí giảng viên, cán bộ quản lý giỏi; bảo đảm cơ bản đầy đủ các loại vật chất, phương tiện, tài liệu phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học; chỉ đạo chặt chẽ việc đăng ký, xét duyệt, nghiệm thu các nội dung theo đúng quy định. Nhờ đó, các đề tài khoa học, giáo trình, tài liệu, sáng kiến cải tiến kỹ thuật đạt chất lượng tốt, nổi bật là đề tài phát triển nghệ thuật tác chiến Đặc công đã được ứng dụng hiệu quả trong thực tiễn, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo cũng như thực tiễn huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu ở các đơn vị. Từ năm 2012 đến nay, Nhà trường đã thực hiện 15 đề tài khoa học (cấp ngành: 06; cấp cơ sở: 09); 118 sáng kiến (cấp Nhà nước: 01; cấp ngành: 06; cấp cơ sở: 111); biên soạn 69 giáo trình và nhiều tài liệu đưa vào giảng dạy phù hợp với từng đối tượng, đáp ứng tốt mục tiêu giáo dục, đào tạo.

Phát huy kết quả đạt được, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường tiếp tục nêu cao tính chủ động, sáng tạo, không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, xây dựng Nhà trường vững mạnh toàn diện “cách mạng, chính quy, tiên tiến, mẫu mực”, tô thắm truyền thống Trường Sĩ quan Đặc công Anh hùng.

Đại tá, TS. NGUYỄN XUÂN BÌNH, Hiệu trưởng Nhà trường

Bài viết liên quan

237