Bài 19: Cấu tạo và chức năng các thành phần của tế bào
Bài 19: Cấu tạo và chức năng các thành phần của tế bào
Bài 19: Cấu tạo và chức năng các thành phần của tế bào
Phần 1: Giải Sách Giáo Khoa
Hoạt động & Câu hỏi
Mở đầu trang 67 Bài 19 KHTN lớp 6: Tuy có kích thước nhỏ nhưng tế bào có thể thực hiện được các quá trình sống cơ bản. Vậy tế bào được cấu tạo từ những thành phần nào và chúng có chức năng gì để có thể giúp tế bào thực hiện những quá trình sống đó?
Lời giải:
Mỗi tế bào đều được cấu tạo từ các thành phần cơ bản là:
- Màng tế bào: bao bọc tế bào chất và tham gia vào quá trình trao đổi chất giữa tế bào và môi trường
- Tế bào chất: là nơi diễn ra các hoạt động sinh hóa của tế bào
- Nhân: là nơi chứa vật chất di truyền và là trung tâm điều khiển các hoạt động của tế bào
→ Nhờ các cấu tạo này mà tế bào có thể thực hiện được các quá trình sống.
Câu hỏi 1 trang 67 Bài 19 KHTN lớp 6: Quan sát hình 19.1 và đọc thông tin mục I, nêu các thành phần chính của tế bào và chức năng của chúng.
Lời giải:
Các thành phần chính của tế bào và chức năng của chúng:
Tên thành phần |
Chức năng |
Màng tế bào |
- Bao bọc khối tế bào chất. - Tham gia vào quá trình trao đổi chất giữa tế bào và môi trường. |
Tế bào chất |
- Là nơi diễn ra hầu hết các hoạt động sống (trao đổi chất, chuyển hóa năng lượng, tạo chất để tăng trưởng,…) của tế bào. |
Nhân/vùng nhân |
- Là nơi chứa vật chất di truyền. - Là trung tâm điều khiển mọi hoạt động sống của tế bào. |
Câu hỏi 2 trang 67 Bài 19 KHTN lớp 6: Trên màng tế bào có rất nhiều lỗ nhỏ li ti. Em hãy dự đoán xem vai trò của những lỗ nhỏ này là gì?
Lời giải:
Những lỗ nhỏ li ti trên màng tế bào giúp tế bào có thể trao đổi chất với môi trường.
Hoạt động 1 trang 68 Bài 19 KHTN lớp 6:
Lời giải:
So sánh sự giống và khác nhau giữa tế bào nhân sơ và tế bào nhân thực:
|
Tế bào nhân sơ |
Tế bào nhân thực |
Giống |
- Đều có cấu tạo từ ba thành phần chính là: màng tế bào, tế bào chất, nhân hoặc vùng nhân |
|
Khác |
- Nhân không có màng bao bọc - Chưa có hệ thống nội màng - Các bào quan chưa có màng bao bọc |
- Nhân có màng bao bọc - Có hệ thống nội màng - Các bào quan đã có màng bao bọc |
Câu hỏi 3 trang 68 Bài 19 KHTN lớp 6: Quan sát hình 19.3, lập bảng so sánh sự giống và khác nhau về thành phần cấu tạo giữa tế bào động vật và tế bào thực vật.
Lời giải:
So sánh tế bào thực vật và tế bào động vật
|
Tế bào động vật |
Tế bào thực vật |
Giống |
- Đều là tế bào nhân thực - Đều có cấu tạo từ các thành phần chính là màng tế bào, tế bào chất và nhân |
|
Khác |
- Không có thành tế bào
- Không bào nhỏ hoặc không có - Không có lục lạp |
- Thành tế bào được cấu tạo từ cellulose - Không bào lớn và nhiều - Có lục lạp |
Câu hỏi 4 trang 68 Bài 19 KHTN lớp 6: Những điểm khác nhau giữa tế bào động vật và tế bào thực vật có liên quan gì đến hình thức dinh dưỡng của chúng? Cấu trúc nào của tế bào thực vật giúp cây cứng cáp dù không có hệ xương nâng đỡ như ở động vật?
Lời giải:
- Điểm khác nhau giữa tế bào động vật và tế bào thực vật có liên quan đến hình thức dinh dưỡng của chúng:
+ Tế bào thực vật có lục lạp chứa diệp lục giúp hấp thu năng lượng ánh sáng Mặt Trời để tổng hợp chất hữu cơ trong quá trình quang hợp → Thực vật có hình thức dinh dưỡng tự dưỡng.
+ Tế bào động vật không có lục lạp → Động vật có hình thức dinh dưỡng dị dưỡng.
- Thực vật cứng cáp dù không có hệ xương nâng đỡ như ở động vật vì tế bào thực vật có thành tế bào bao bọc bên ngoài màng tế bào. Thành tế bào được cấu tạo bằng cellulose cứng chắc có chức năng quy định hình dạng, đảm bảo độ cứng cáp cho tế bào thực vật nói riêng và cơ thể thực vật nói chung.
Em có thể 1 trang 69 Bài 19 KHTN lớp 6: Tạo mô hình mô phỏng tế bào thực vật và tế bào động vật
Lời giải:
- Khi tạo tế bào thực vật cần cho túi nylon vào hộp nhựa → tạo cho tế bào thực vật có hình chữ nhật. Khi tạo tế bào động vật không cần cho vào hộp nhựa → tạo cho tế bào động vật có hình cầu đặc trưng.
- Gelatine dùng để mô phỏng tế bào chất.
- Có thể dùng một số loại rau củ để mô phỏng các bào quan: sử dụng ớt chuông xanh để tạo thành thành tế bào thực vật, sử dụng quả cà chua nhỏ để làm nhân, sử dụng hạt đậu đỏ để làm ti thể, sử dụng hạt đậu xanh để làm lục lạp, sử dụng một lát khoai tây để làm không bào, sử dụng lát hành tây và lát cắt cải tím để tạo ra cấu trúc lưới nội chất xung quanh nhân.
Phần 2: Lý thuyết bài học
Với tóm tắt lý thuyết Khoa học tự nhiên lớp 6 Bài 19: Cấu tạo và chức năng các thành phần của tế bào hay nhất, chi tiết sách Kết nối tri thức với cuộc sống giúp học sinh nắm vững kiến thức trọng tâm, ôn luyện để học tốt KHTN 6.
I. Cấu tạo của tế bào
→Tế bào được cấu tạo từ các thành phần chính như sau:
- Màng tế bào: là thành phần có ở mọi tế bào, bao bọc tế bào chất. Màng tế bào tham gia vào quá trình trao đổi chất giữa tế bào và môi trường.
- Tế bào chất: nằm giữa màng tế bào và nhân hoặc vùng nhân. Là nơi diễn ra các hoạt động trao đổi chất của tế bào.
- Nhân hoặc vùng nhân: chứa vật chất di truyền, là trung tâm điều khiển các hoạt động sống của tế bào.
II. Tế bào nhân sơ và tế bào nhân thực
- Tế bào nhân sơ:
+ Chưa có nhân hoàn chỉnh
+ Vật chất di truyền gọi là vùng nhân
+ Tế bào chất không có hệ thống nội màng
+ Chỉ có bào quan duy nhất là ribosome
- Tế bào nhân thực:
+ Có nhân hoàn chỉnh
+ Vật chất di truyền nằm trong nhân được bao bọc bởi màng nhân
+ Tế bào chất được chia thành nhiều khoang
+ Có hệ thống nội màng
+ Có các bào quan có màng bao bọc
III. Tế bào động vật và tế bào thực vật
- Giống nhau:
+ Đều là tế bào nhân thực
- Khác nhau:
+ Tế bào thực vật có thành tế bào, lục lạp và không bào lớn
Phần 3: Bài tập trắc nghiệm
Với 10 bài tập trắc nghiệm Khoa học tự nhiên lớp 6 Bài 19: Cấu tạo và chức năng các thành phần của tế bào có đáp án và lời giải chi tiết đầy đủ các mức độ sách Kết nối tri thức giúp học sinh ôn luyện trắc nghiệm KHTN 6.
Câu 1: Thành phần nào dưới đây không thuộc thành phần cấu tạo chính của tế bào?
A. Màng tế bào B. Tế bào chất
C. Thành tế bào D. Nhân/vùng nhân
Lời giải Thành tế bào là cấu trúc có ở các tế bào vi khuẩn và tế bào thực vật, không có ở tế bào động vật nên không thuộc thành phần cầu tạo chính.
Đáp án: C
Câu 2: Quan sát tế bào bên và cho biết mũi tên đang chỉ vào thành phần nào của tế bào.
A. Màng tế bào. B. Chất tế bào.
C. Nhân tế bào. D. Vùng nhân.
Lời giải Ở sinh vật nhân sơ, nhân chưa có màng bao bọc nên gọi là vùng nhân.
Đáp án: D
Câu 3: Quan sát tế bào bên và cho biết mũi tên đang chỉ vào thành phần nào của tế bào.
A. Màng tế bào. B. Chất tế bào.
C. Nhân tế bào. D. Vùng nhân.
Lời giải Ở sinh vật nhân thực, nhân đã có màng bao bọc để hình thành nhân hoàn chỉnh.
Đáp án: C
Câu 4: Loại bào quan có ở tế bào nhân sơ là?
A. Ti thể B. Lục lạp C. Ribosome D. Không bào
Lời giải Ribosome là loại bào quan duy nhất có ở tế bào nhân sơ.
Đáp án: C
Câu 5: Thành phần nào dưới đây không có ở tế bào nhân thực?
A. Màng nhân B. Vùng nhân
C. Chất tế bào D. Hệ thống nội màng
Lời giải Tế bào nhân thực đã có màng nhân bao bọc vật chất di truyền nên đã có nhân hoàn chỉnh nên không gọi là vùng nhân.
Đáp án: B
Câu 6: Tế bào động vật không có bào quan nào dưới đây?
A. Ti thể B. Không bào C. Ribosome D. Lục lạp
Lời giải Lục lạp là bào quan chỉ có ở thực vật làm nhiệm vụ quang hợp.
Đáp án: D
Câu 7: Nhân/vùng nhân của tế bào có chức năng gì?
A. Tham gia trao đối chất với môi trường
B. Là trung tâm điều khiển mọi hoạt động của tế bào
C. Là nơi diễn ra các hoạt động sống của tế bào
D. Là nơi tạo ra năng lượng cung cấp cho mọi hoạt động của tế bào
Lời giải Nhân/vùng nhân là nơi chứa thông tin di truyền và là trung tâm điều khiển mọi hoạt động của tế bào.
Đáp án: B
Câu 8: Thành phần nào giúp lục lạp có khả năng quang hợp?
A. Carotenoid B. Xanthopyll
C. Phycobilin D. Diệp lục
Lời giải Diệp lục có khả năng chuyển hóa quang năng thành hóa năng để tổng hợp chất hữu cơ.
Đáp án: D
Câu 9: Một số loài động vật vẫn tồn tại không bào. Các không bào đó có chức năng gì?
A. Chứa sắc tố B. Co bóp, tiêu hóa
C. Chứa chất thải D. Dự trữ dinh dưỡng
Lời giải Không bào ở động vật thường tồn tại ở các loài nguyên sinh vật như trùng biến hình, trùng giày,… và có chức năng co bóp, tiêu hóa.
Đáp án: B
Câu 10: Thành tế bào ở thực vật có vai trò gì?
A. Tham gia trao đổi chất với môi trường
B. Là nơi diễn ra các hoạt động sống của tế bào
C. Quy định hình dạng và bảo vệ tế bào
D. Tham gia cấu tạo hệ thống nội màng
Lời giải Thành tế bào bao bọc bên ngoài màng tế bào, quy định hình dạng và bảo vệ tế bào.
Đáp án: C