Sơ đồ tư duy Tôi và chúng ta dễ nhớ, ngắn gọn
Sơ đồ tư duy bài Tôi và chúng ta Ngữ văn lớp 9 hay nhất, dễ nhớ, ngắn gọn với đầy đủ sơ đồ tư duy, tác giả, tác phẩm, dàn ý phân tích và bài văn phân tích mẫu giúp học sinh dễ dàng hệ thống hóa, củng cố kiến thức các tác phẩm trong chương trình Ngữ văn lớp 9.
A/ Tác giả Tác phẩm bài Tôi và chúng ta
I. Tác giả
- Lưu Quang Vũ (1948- 1988)
- Quê quán: xã Thiệu Cơ, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ nhưng quê gốc lại ở phường Hải Châu, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng
- Cuộc đời và sự nghiệp sáng tác:
+ Từ 1965 đến 1970, ông nhập ngũ, phục vụ trong Quân chủng Phòng không - Không quân đến thời kì này thơ Lưu Quang Vũ bắt đầu nở rộ.
+ Từ 1978 đến 1988: Lưu Quang Vũ làm biên tập viên Tạp chí Sân khấu, bắt đầu sáng tác kịch nói, vở kịch đầu tay của tác giả là Sống mãi tuổi 17
+ Tác phẩm tiêu biểu: Hồn Trương Ba da hàng thịt, Linh hồn của đá, Chiếc ô công lý…
- Phong cách sáng tác:
+ Thơ Lưu Quang Vũ không chỉ bay bổng, tài hoa mà còn giàu cảm xúc, trăn trở, khát khao. Anh còn là tác giả của nhiều truyện ngắn mang đậm phong cách riêng, kịch đi sâu vào những vấn đề nổi cộm của đời sống
II. Tìm hiểu chung tác phẩm
1. Thể loại: kịch
2. Xuất xứ, hoàn cảnh sáng tác
Đoạn trích thuộc cảnh ba của vở kịch Tôi và chúng ta (vở kịch gồm 9 cảnh) – một vở kịch phản ánh cuộc đấu tranh gay gắt cũ- mới để phát triển.
3. Bố cục
Phần 1 (từ đầu… tăng lên ít nhất gấp năm lần): Giám đốc Hoàng Việt cùng Lê Sơn triển khai kế hoạch kinh doanh mới.
- Phần 2 (tiếp… các đồng chí giải tán): kế hoạch vấp phải sự phản đối của phó giám đốc Nguyễn Chính, trưởng phòng Hoàng Việt.
- Phần 3 (còn lại): Phản ứng của mọi người khi kế hoạch được quyết định thi hành
4. Giá trị nội dung
Đoạn trích đã làm nổi bật vấn đề đổi mới trong sản xuất, đem lại lợi ích cho đất nước và mọi người. Thông qua đó, tác giả muốn nhấn mạnh rằng muốn phát triển, cần phá bỏ cách suy nghĩ lạc hậu, mạnh dạn đổi mới phương thức tổ chức, lề lối hoạt động.
5. Giá trị nghệ thuật
- Cách xây dựng tình huống kịch giàu kịch tính
- Nghệ thuật khắc họa rõ cách nhân vật được sử dụng thành công
B.Sơ đồ tư duy bài Tôi và chúng ta
C. Dàn ý phân tích bài Tôi và chúng ta
1. Tình huống kịch và những mâu thuẫn cơ bản
- Tình huống kịch:
+ Tình trạng ngưng trệ sản xuất ở xí nghiệp đòi hỏi có cách giải quyết, Giám đốc Hoàng Việt quyết định công bố kế hoạch sản xuất mở rộng và phương án làm ăn mới ⇒ Tuyên chiến với cơ chế quản lý phương thức tổ chức lỗi thời do Nguyễn Chính và Trương là tiêu biểu.
- Mâu thuẫn cơ bản giữa 2 tuyến:
+ Hoàng Việt (giám đốc) và Sơn (kĩ sư): Tư tưởng mới, tiến bộ, dám nghĩ, dám làm
+ Phòng tổ chức lao động, tài vụ (biên chế, tiền lương) quản đốc phân xưởng: Bảo thủ, trì trệ, máy móc
2. Nhân vật
- Giám đốc Hoàng Việt:
+ Người lãnh đạo có tinh thần trách nhiệm cao, năng động, dám nghĩ, dám làm.
+ Thẳng thắn, trung thực kiên quyết đấu tranh với niềm tin vào chân lý.
- Kĩ sư Lê Sơn:
+ Có năng lực, trình độ chuyên môn giỏi, gắn bó nhiều năm cùng xí nghiệp
+ Sẵn sàng cùng Hoàng Việt cải tiến toàn diện hoạt động xí nghiệp
- Phó Giám đốc Chính và giám đốc phân xưởng Trương:
+ Máy móc, bảo thủ, nhiều mánh khoé.
+ Dựa vào cơ chế nguyên tắc chống lại sự đổi mới, khéo xu nịnh.
3. Ý nghĩa của mâu thuẫn kịch và cách kết thúc tình huống
- Cuộc đấu tranh giữa 2 phái: đổi mới và bảo thủ
⇒ Phản ánh tính tất yếu và gay gắt những tình huống xung đột kịch nêu lên là vấn đề nóng bỏng của thức tế đời sống sinh động.
- Thông qua cách kết thúc tình huống ⇒ Khẳng định cuộc đấu tranh mới-cũ, tiến bộ- lạc hậu, trì trệ rất gay go nhưng nhất định những gì tiến bộ sẽ thắng.
D. Bài văn phân tích Tôi và chúng ta
Điều duy nhất không thay đổi trong cuộc sống này lại chính là sự đổi thay. Xã hội biến thiên không ngừng đòi hỏi ở chúng ra rất nhiều biến chuyển. Mọi sự thay đổi ấy đều phải trải qua cả một quá trình đấu tranh giữa nên hay không nên thay đổi, giữa những cái cũ từ lâu vẫn vậy và những cái mới vừa được đề xuất. Diễn tả cuộc đấu tranh gay gắt ấy, đoạn trích “Tôi và chúng ta” trích từ vở kịch cùng tên đã ghi lại những diễn biến cao trào trong cuộc xung đột trực tiếp giữa khát khao phải đổi mới và sự bảo thủ cố hữu.
Lấy bối cảnh xí nghiệp Thắng Lợi trong những năm 80 của thế kỉ XX, bằng ngòi bút kịch nhạy bén, sắc sảo, Lưu Quang Vũ đề cập đến một vấn đề có tính thời sự nóng hổi trong cuộc sống đương thời, đáp ứng được đòi hỏi của đông đảo người xem trong thời kì xã hội chuyển động mạnh mẽ theo hướng đổi mới. Nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ đã tập trung phản ánh cuộc đấu tranh gay gắt để thay đổi phương thức tổ chức, lề lối hoạt động ở xí nghiệp Thắng Lợi: Giữa một bên là tư tưởng bảo thủ khư khư giữ lấy những nguyên tắc, quy chế đã lạc hậu mà đại diện là Phó giám đốc Nguyễn Chính, quản đốc Trương, thanh tra Trần Khắc; với một bên là tư tưởng đổi mới, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích của mọi người, đại diện là Giám đốc Hoàng Việt, kíp trưởng phân xưởng, kĩ sư Lê Sơn và đa số anh chị em công nhân... Đặt trong đời sống tác phẩm ra đời, vở kịch có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Với chiến thắng năm 1975 đất nước hoàn toàn độc lập, thống nhất, lịch sử chuyển mình sang trang mới. Nhiệm vụ chính trị hàng đầu của nước ta từ đây là: khôi phục, cải tạo và không ngừng phát triển nền kinh tế để xây dựng đất nước giàu mạnh, xã hội phồn vinh. Nhưng thực hiện nhiệm vụ ấy là không hề đơn giản và vấp phải không ít những khó khăn.
Một trong số đó là cuộc đấu tranh gay gắt giữa cái cũ và cái mới đặt trong một tình huống đặc biệt: phương thức sản xuất và cơ chế quản lí đã cũ kĩ, lạc hậu, bộc lộ ra ở số lượng sản phẩm, sự trì trệ của xí nghiệp, đời sống công nhân vất vả, phải “lo bện thừng gia công kiếm thêm” để sống lay lắt qua ngày. Từ hiện thực ấy, có những con người đã khao khát đổi thay, khao khát đổi mới phương thức tổ chức và lề lối hoạt động. Cuộc đấu tranh đó cũng cam go và quyết liệt như cuộc đấu tranh của toàn dân tộc ta ở thời kì trước, cuộc đấu tranh đã được tái hiện trong vở kịch Bắc Sơn là mâu thuẫn giữa địch và ta. Mặc dù một bên là mâu thuẫn giữa toàn dân tộc với thế lực ngoại xâm, một bên là xung đột trong chính nội bộ lực lượng tham gia sản xuất, dựng xây đất nước nhưng đều là những mâu thuẫn gay gắt, đấu tranh một mất, một còn. Đó là lí do vì sao khi đồng chí phó giám đốc nói tới “làm thêm kế hoạch hai, kế hoạch ba” bên cạnh “kế hoạch chính thức” thì Hoàng Việt đã thẳng thắn nói: “Một xí nghiệp làm ăn chính quy chỉ cần một kế hoạch. Xí nghiệp chúng ta chỉ có một kế hoạch, nhưng là kế hoạch do chúng ta định ra. Kế hoạch sẽ không còn ở mức hiện nay. Trước mắt, kế hoạch sẽ tăng lên ít nhất năm lần”. Đó là tuyên bố hùng hồn trực tiếp cho thấy quyết tâm đối mới toàn diện. Trong cuộc đấu tranh giữa cái cũ và cái mới không có chỗ cho sự thỏa hiệp, không thể đặt một vài cái mới, một vài kế hoạch tạm bên cạnh cái cũ trì trệ vẫn còn vẹn nguyên khiến xí nghiệp, dù nhiều kế hoạch nhưng không cái nào hiệu quả.
Đấu tranh giữa cái cũ và cái mới, trước hết được Lưu Quang Vũ khắc họa là cuộc đấu tranh diễn ra giữa những con người mạnh dạn đổi mới với những kẻ mang tư tưởng bảo thủ, lạc hậu. Một bên là trưởng phòng tổ chức lao động nhất định chỉ tuyển dụng theo “biên chế trên cho chúng ta”, một bên là Giám đốc Hoàng Việt và kĩ sư Lê Sơn với kế hoạch “mở rộng mặt hàng và nguồn tiêu thụ, trang bị thêm những loại máy mới”, cần thêm từ “ba tới năm trăm công nhân nữa”. Một bên là bà trưởng phòng tài vụ nhất định “không chịu chi” dù đã có chữ kí của giám đốc khiến cho việc sửa chữa vật tư thiết bị mãi không thể thi hành. Bà là người luôn luôn “đợi chờ”. Với con người ấy, việc trung thành với các nguyên tắc cứng nhắc chưa đủ, ngay cả việc thực hiện những nguyên tắc chưa có trong một văn bản nào cũng là không được phép. Đây là nhân vật biểu hiện rất rõ cho lối sống giáo điều. Bên còn lại là giám đốc quyết đoán, dám nghĩ dám làm với câu nói: “Nếu không thi hành, sẽ có người khác làm thay chị”. Đó là cuộc đấu tranh giữa một bên là cái cũ “bình quân cào bằng”, “người chăm và kẻ lười được đối xử như nhau, người tài năng và kẻ dốt nát đều hưởng chung một mức quyền lợi, thậm chí những kẻ không làm gì cả, chỉ ngồi phán, lại được vị nể hơn những người đã vất vả cống hiến” với một bên thực hiện “hưởng lương khoán theo sản phẩm” “ai càng làm được nhiều sản phẩm sẽ được hưởng lương càng cao, ai làm tồi sẽ bị phạt bằng tiền”. Những người cố chấp giữ khư khư cái cũ, đặc biệt là quản đốc Trương – người giữ một vị trí không làm gì cả vì thế lại càng phản đối kịch liệt. Mặc dù luôn miệng khẳng định vị trí của mình là một vị trí vô cùng quan trọng, nhưng ngay khi trả lời về công việc của quản đốc, Trương đã phải ngắt quãng: “Dạ, là…, là…” bởi không phải ông không biết đó là một công việc an nhàn mà ngược lại, chính vì đó là việc an nhàn, hữu ích cho bản thân nên lại càng muốn giữ dù nó không đóng góp gì cho xí nghiệp nói riêng, cho công cuộc phát triển sản xuất nói chung. Tương tự với các nhân vật khác của phái bảo thủ cũng vậy, khi họ bộc lộ quan điểm và phản đối gay gắt kế hoạch đổi mới không chỉ vì dè chừng, e ngại, sợ sệt việc này sẽ làm hoạt động sản xuất thêm trì trệ mà vì họ nhận thấy điều này ảnh hưởng đến lợi ích của họ.
Cuộc đấu tranh giữa cái cũ và cái mới còn được Lưu Quang Vũ tập trung khắc họa qua cuộc đối thoại giữa Việt và Chính. Trong hai vị lãnh đạo xí nghiệp này, ai cũng có những lí lẽ riêng và đều có luận điệu sắc sảo. Từ việc khẳng định Hoàng Việt mới chính là “người đang ngủ mê”, Nguyễn Chính đưa ra hàng loạt những dẫn chứng: Hoàng Việt đã “làm đảo lộn hàng loạt lề thói, vi phạm hàng loạt nguyên tắc”. Mặc dù Nguyễn Chính nằm trong tuyến nhân vật phản diện nhưng chúng ta không thể phủ nhận những điều bây giờ anh ta nói hoàn toàn là sự thật, và nếu thiếu bản lĩnh, không đủ quyết đoán khi nghe những lời này, Hoàng Việt sẽ sợ hãi mà chùn bước. Nhưng không, kế hoạch này của anh không phải kế hoạch đề ra trong lúc bốc đồng mà đã được nghiên cứu và trăn trở suy nghĩ. Hoàng Việt bộc lộ trực tiếp quan điểm của mình trong cuộc họp “sai một năm tìm hiểu và củng cố lại xí nghiệp” chứ không phải hành động nóng vội, cẩu thả. Vì thế, anh mới có thể điềm tĩnh nói mình sẽ giải thích với cấp trên như vừa giải thích trong cuộc họp. Ngay cả khi Nguyễn Chính lấy những quy định nghiêm ngặt làm lá chắn, Hoàng Việt đã ngay lập tức khẳng định: “Những quy định từ lâu đã thành bất hợp lí, phục vụ cho một cơ chế quản lí đã cũ kĩ, lạc hậu”. Đây là sự thật mà Nguyễn Chính không phải không biết. Thế nên, khi nói đến vai trò của cơ chế ấy, Nguyễn Chính chỉ nói đến thâm niên tồn tại “đã mấy chục năm nay”, chỉ nói đến “hạt gạo đồng chí ăn, cái áo đồng chí mặc” và “cả chính con người đồng chí nữa đã được rèn luyện và trưởng thành trong cơ chế ấy”, chứ không hề nói cơ chế ấy đã khiến bao nhiêu công nhân “phải lo bện thừng gia công kiếm thêm”, họ không thể “sống mà không lo chết đói, không làm bậy”. Rồi cũng như bà trưởng phòng tài vụ, vị phó giám đốc sử dụng lí do “không có trong nghị quyết Đảng ủy xí nghiệp. Đảng ủy chưa quyết định” và sử dụng quyền hành của bản thân làm lá chắn cuối cùng. Đó là khi cái tôi đã nuốt trọn một con người, với cương vị là một vị phó giám đốc, thay vì cùng giám đốc tìm ra những kế hoạch cải thiện đời sống của công nhân viên trong xí nghiệp thì Nguyễn Chính lại sử dụng quyền hành như một thứ rào chắn ngăn cản kế hoạch đổi mới và cũng từng “đánh đổ bốn đời giám đốc”. Nhưng vị giám đốc thứ năm này bằng tài năng, tinh thần trách nhiệm và sự thấu hiểu đời sống của công nhân lao động, những cá nhân làm nên tập thể vẫn kiên quyết đấu tranh với niềm tin vào chân lí.
Cuộc đấu tranh giữa cái cũ và cái mới một phần nào đó cũng được thể hiện qua nhân vật Lê Sơn, đó là sự đấu tranh trong mỗi một con người. Lê Sơn là một vị kĩ sư có tài, đầu óc thông minh và đã gắn bó lâu năm với xí nghiệp, cũng chính là người đưa ra phương án làm ăn mới của xí nghiệp. Nhưng phương án ban đầu ấy là cái chí thỏa lòng, chỉ được nói ra và trình bày riêng với Hoàng Việt như một sự trải lòng. Khi được mời trình bày trong cuộc họp, chính Lê Sơn rất e ngại, rụ rè và cho rằng nó “không thể thực hiện được”. Đó là do trong con người anh, một mặt khao khát đổi mới, một mặt lại cảm thấy chơi vơi khi rời khỏi cơ chế cũ đã “bền vững mấy chục năm nay”. Trong cuộc đấu tranh ấy, hiển nhiên cái mới đã chiến thắng, nên Lê Sơn dù nói: “Ngay cả Cô–péc–ních cũng có lúc không dám công bố những ý kiến của mình” thì anh vẫn trình bày kết quả của sự tính toán kĩ lưỡng, cẩn thận.
Hay khi khẳng định mình nhát, “nếu người ta dọa thiêu tôi trên giàn lửa thì tôi cũng đành phải nói là trái đất không quay” thì cuối cũng anh cũng dũng cảm quyết định sẵn sàng cùng Hoàng Việt tiến hành cải cách mà “không bỏ cuộc”. Đó là sự chiến thắng của cái mới khi đấu tranh với cái cũ trong con người Lê Sơn, là dấu hiệu lạc quan cho biết kết quả của cuộc đấu tranh gay gắt này trong tương lai.
Cuộc đấu tranh giữa cái cũ và cái mới mà Lưu Quang Vũ thể hiện trong tác phẩm của mình đến hôm nay vẫn còn vẹn nguyên giá trị. Sống là chiến đấu. Chiến đấu với những cái cũ kĩ, lạc hậu để tìm ra con đường mới phù hợp với sự phát triển của xã hội. Chiến đấu với chính mình để không ngừng vươn lên, kiên trì với cái mới phù hợp để trở thành những “hạt” kiên cường, có thể nảy mẩm từ những mảnh đất cằn cõi, từ khe hở ban công, để cái tôi ấy cùng tạo nên một “chúng ta” vững mạnh.
E. Một số lời bình về tác phẩm Tôi và chúng ta
Tính hiện đại và thời sự là điểm nổi bật trong kịch Lưu Quang Vũ. Ông đã thành công và nổi tiếng với những vở diễn tả cuộc đấu tranh giữa những người đại diện cho một cách nghĩ mới, mang tư tưởng dân chủ với một tác phong làm việc mới và những lực lượng bảo thủ, đại diện cho cái cũ, cái lạc hậu. Kịch của ông đi sâu vào những vấn đề nổi cộm trong đời sống nên cuốn hút sự quan tâm của dư luẫn xã hội, đặc biệt trong thời kì đầu của công cuộc đổi mới đất nước tạo nên “hiện tượng Lưu Quang Vũ” làm sống lại và sôi động kịch trường trong nhiều năm trời thu hút hoạt động của nhiều đoàn nghệ thuật. […] Kịch Lưu Qung Vũ rất giàu chi tiết đa nghĩa, đó là điểm mạnh trong vở diễn của ông. Cũng như trong truyện ngắn, các tác phẩm sân khấu của Lưu Quang Vũ bên cạnh sự quyết liệt, vạch trần đến cùng cái xấu và cái ác, còn có chất thơ, chất trữ tình, được thể hiện ngay ở đầu tác phẩm.
(Theo Vũ Thanh, trong Từ điển thuật ngữ văn học)