Sơ đồ tư duy bài thơ Con cò dễ nhớ, ngắn gọn

Sơ đồ tư duy bài Con cò Ngữ văn lớp 9 hay nhất, dễ nhớ, ngắn gọn với đầy đủ sơ đồ tư duy, tác giả, tác phẩm, dàn ý phân tích và bài văn phân tích mẫu giúp học sinh dễ dàng hệ thống hóa, củng cố kiến thức các tác phẩm trong chương trình Ngữ văn lớp 9.

537


A/ Tác giả Tác phẩm bài Con cò

I. Tác giả

- Chế Lan Viên (1920- 1989) tên thật là Phan Ngọc Hoan

- Quê quán: huyện Cam Lộ - tỉnh Quảng Trị nhưng ông lớn lên ở Bình Định

- Sự nghiệp sáng tác:

+ Trước Cách mạng tháng Tám, Chế Lan Viên nổi tiếng với phong trào thơ mới với tập thơ “Điêu tàn” (1937)

+ Với hơn 50 năm sáng tác, ông có nhiều tìm tòi ở những tập thơ hay gây được tiếng vang trong công chúng, Chế Lan Viên là một trong những tên tuổi hàng đầu của nền thơ hiện đại thế kỉ XX.

+ Năm 1996 ông được nhà nước trao tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.

- Phong cách sáng tác: Ông được đánh giá là một nhà thơ có phong cách và đặc sắc. Thơ ông lấp lánh vẻ đẹp trí tuệ, triết lí và khả năng sáng tạo hình ảnh.

II. Tìm hiểu chung tác phẩm

1. Thể loại: thơ tự do

2. Xuất xứ, hoàn cảnh sáng tác

Bài thơ Con cò được sáng tác năm 1962, được in trong tập Hoa ngày thường - chim báo bão (1967).

3. Bố cục

- Khổ 1: Hình ảnh con cò theo lời ru đến với tuổi thơ con, đó là biểu tượng cho cuộc đời lam lũ của mẹ

- Khổ 2: Hình ảnh con cò trong tiềm thức của con và theo con suốt cuộc đời dài rộng

- Khổ 3: Ý nghĩa lời ru qua hình ảnh con cò, con cò là biểu tượng cho tấm lòng người mẹ

4. Giá trị nội dung

Khai thác hình tượng con cò trong những câu hát, lời ru, bài thơ “Con cò” của Chế Lan Viên ngợi ca tình mẹ và ý nghĩa của lời ru trong cuộc đời mỗi con người.

5. Giá trị nghệ thuật

- Thể thơ tự do nhưng mang dáng dấp của thơ lục bát giàu cảm xúc, nhịp điệu

- Bài thơ mang âm điệu dân ca, sâu lắng, ngọt ngào như một điệu ru ấm áp

- Sự sáng tạo hình ảnh, biểu tượng gần gũi thân thuộc vẫn có khả năng hàm chứa ý nghĩa mới

B.Sơ đồ tư duy bài Con cò

Hỏi đáp VietJack

C. Dàn ý phân tích bài Con cò

1. Hình tượng con cò trong bài thơ

* Khổ thơ thứ nhất:

- Hình ảnh con cò trong thiên nhiên hiện lên trong lời ru:

+ Con cò bay lượn trên bầu trời yên ả

+ Con cò lặn lội kiếm ăn

- Hình ảnh con cò – đứa con thơ của mẹ:

+ Con cò đến với tuổi ấu thơ của con một cách vô thức.

* Khổ thơ thứ hai:

- Cánh cò trở thành người bạn đồng hành cùng với con trên chặng đường đời.

2. Tấm lòng của người mẹ thể hiện qua lời ru

* Khổ thơ thứ nhất:

- Trong lời ru có tình thương của mẹ.

- Mẹ luôn ở bên cạnh yêu thương và che chở cho con.

* Khổ thơ thứ hai:

- Lời ru thấm đẫm tình thương của mẹ.

- Cánh cò trở thành ý nghĩa biểu tượng về lòng mẹ.

- Lòng mẹ luôn theo con đến suốt cuộc đời.

* Khổ thơ thứ ba:

- Hình ảnh con cò mang ý nghĩa biểu tượng cho tấm lòng của mẹ.

- Mẹ lúc nào cũng ở bên con, dù lớn con vẫn là con của mẹ.

D. Bài văn phân tích Con cò

Ta đi trọn kiếp con người Cũng không đi hết mấy lời mẹ ru.

   Tôi đã từng nghe được ở đâu đó câu thơ thật hay viết về những tiếng ru của mẹ. Thật vậy, lời mẹ ru từ thuở ấu thơ, từ thuở ta còn trong nôi ấy dù có bao năm tháng lớn lên và trưởng thành thì vẫn còn đọng mãi nơi đáy lòng ta. Lời mẹ ru đã chắp cánh cho ta đến những chân trời xa, mơ về những ước mơ đẹp tươi ngày mai. Và lời ru ấy, được Chế Lan Viên đưa vào thơ mình thật tự nhiên, bình dị qua bài thơ “Con cò” thật cảm động và tình yêu thương vô bờ cũng như nét ý nghĩa lời hát ru của mẹ đối với mỗi người con.

   Chế Lan Viên là nhà thơ lớn có đóng góp rất nhiều trong nền văn học nước nhà trong thế kỷ XX. Ông là người có phong cách thơ khác lạ, vừa thông minh sắc sảo vừa sâu sắc, ý nghĩa, vừa hiện đại nhưng cũng rất dân gian cổ điển. Tác phẩm “Con cò” của ông là được viết theo thể tự do, linh hoạt, không theo một quy tắc nào cả, mỗi khổ thơ là những tưởng tượng phong phú thể hiện những suy nghĩ mang tính triết lý sâu sắc thể hiện thế giới quan của tác giả.

   Ngay mở đầu bài thơ là hình ảnh con cò qua lời hát ru của mẹ đến với tuổi ấu thơ của người con. Không khó có thể nhận thấy được xuyên suốt toàn bộ tác phẩm, tác giả Chế Lan Viên cũng đã xây dựng lên hình ảnh con cò có ý nghĩa biểu tượng cho chính tấm lòng người mẹ và ý nghĩa của lời hát ru trong cuộc đời của mỗi con người. Từ xưa đến nay thì hình ảnh con cò đã đi vào trong những câu thơ ca dao của người Việt Nam dường như cũng luôn mang rất nhiều ý nghĩa biểu tượng khác nhau. Ở trong bài thơ ta nhận thấy được hình ảnh con cò không lấy nguyên văn những câu ca dao xưa mà chỉ lấy ý, lấy hình mà thôi. Điều này như hướng người đọc đến một không gian thôn quê ngọt ngào, sâu lắng.

Con cò bay la

Con cò bay lả

Con cò cổng phủ,

Con cò Đồng Đăng…

Câu thơ được nhà thơ lấy ý từ câu ca dao xưa:

- Con cò bay lả bay la

Bay từ cổng phủ bay ra cánh đồng

- Con cò bay lả bay la

Bay từ cửa phủ bay về Đồng Đăng.

Hình ảnh con cò là hình ảnh quen thuộc, nó biểu tượng cho những người nông dân, những người phụ nữ, biểu tượng cho những người mẹ vất vả nhọc nhằn, lặn lội kiếm sống nhưng rất giàu đức hi sinh và có được phẩm giá cao quý. Thông qua bài thơ, thông qua lời ru của người mẹ ta như nhận thấy được hình ảnh con cò đã đến với tâm hồn trẻ thơ một cách vô thức. Thế nhưng qua những lời ru ngọt ngào vô cùng thiết tha ấy của người mẹ thì ta nhận thấy được chính điệu hồn dân tộc, lối sống ông cha ta cứ dần dần thấm sâu vào tâm hồn ngây thơ, non nớt của những đứa trẻ. Tất cả dần dần như những hình thành trong em ý thức về nguồn cội, về tình yêu quê hương, tình yêu đất nước. Quả thực thông qua đây chính là khởi đầu của con đường đi vào thế giới tâm hồn của mỗi người. Có thể đứa trẻ chưa hiểu và cũng chưa cần hiểu ý nghĩa của chính những lời ru ấy và chúng chỉ cần vỗ về trong những âm điệu ngọt ngào, một âm điệu như thật dịu dàng của lời ru để đón nhận bằng trực giác dường như cứ vô thức tình yêu và sự chở che của người mẹ hiền thân yêu:

Con chưa biết con cò, con vạc

Con chưa biết những cành mềm mẹ hát,

Sữa mẹ nhiều con ngủ chẳng phân vân….

Chế Lan Viên thật tài tình khi cũng đã sử dụng nghệ thuật đối lập tương phản giữa cánh cò và người con:

Cò một mình cò phải kiếm lấy ăn

Con có mẹ, con chơi rồi lại ngủ.

Hình ảnh con cò lúc nào cũng một mình, cô đơn, quanh năm suốt tháng, không kể ngày nắng hay ngày mưa kiếm ăn. Thế rồi ngược lại người con cũng lại nhận được sự chăm sóc thật chu đáo bằng tình yêu của người mẹ chứ không phải khổ như con cò. Thậm chí, người mẹ cũng cứ một tay bồng ẵm con, một tay vuốt ve dường như cũng cứ vỗ về con rồi mà người mẹ lúc này cũng cứ vẫn còn lo sợ người con sẽ hoảng hốt khi bắt gặp cánh cò gặp nạn trong giấc mơ qua lời ru của mẹ về cò:

Ngủ yên! Ngủ yên! Cò ơi, chớ sợ!

Cành có mềm, mẹ đã sẵn tay nâng!

Có thể nhận thấy được chính cách ngắt nhịp 2/2/2/2 đều đặn, đồng thời như cũng lại được kết hợp với điệp từ được dùng là ngủ yên như được nhắc lại hai lần và các dấu chấm cảm liên tiếp xuất hiện. Điều này cũng đã làm cho nhịp thơ trở nên ngọt ngào, nhẹ nhàng, thiết tha và cũng rất phù hợp với lời hát ru con của người mẹ: vỗ về, ầu ơ, chăm chút…. Thông qua đây ta nhận thấy được dường như người mẹ cứ như giúp cho người con có thể yên tâm, ngủ ngon trong giấc mơ đẹp.

   Với giọng thơ tâm tình, thủ thỉ và vô cùng tha thiết đưa nỗi của người mẹ hiền đã chuyển sang giọng triết lí, như đầy chiêm nghiệm sâu sắc:

Dù ở gần con

Dù ở xa con

Lên rừng xuống bể

Cò sẽ tìm con

Cò mãi yêu con

   Trên hành trình con đi, mẹ vẫn luôn bên cạnh. Dẫu khi gần, khi xa, dẫu khi lên rừng cao hay xuống bể sâu thì mẹ vẫn không ngại mà bên con. Bao vất vả, gian nan, bao ghềnh thác của đường đời mẹ không thắng nổi tình mẹ bao la, mẹ mãi cạnh bên con. Ở đây ta nhận thấy được nghệ thuật điệp từ, điệp cấu trúc, kết hợp nghệ thuật tương phản. Điều này cũng lại có tác dụng diễn tả tình cảm yêu thương con thật bao la và vô cùng rộng lớn của tình mẹ. Ta nhận thấy được rằng bất chấp mọi khoảng cách thời gian và không gian thì người mẹ luôn ân cần và che chở cho người con suốt cuộc đời.

Con dù lớn vẫn là con của mẹ

Đi hết đời lòng mẹ mãi theo con

   Một quy luật tất yếu và muôn đời của tình mẹ. Dù khi còn đã lớn, con đi theo tiếng gọi của khát vọng, của lý tưởng mình, dù hai mẹ con có xa cách bao nhiêu đi chăng nữa thì còn vẫn mãi là đứa trẻ bé bỏng của mẹ, cần có mẹ yêu thương và nâng đỡ. Mẹ mãi là điểm tựa bình yên, là nơi con có thể tìm về, nơi chào đón con khi con thất bại, con vấp ngã, khi còn phải đối mặt với những sóng gió, trái ngang của cuộc đời.

   Lời ru là mở đầu cũng là kết thúc cho bài thơ, Chế Lan Viên đã vận dụng ý thơ rất sáng tạo để khắc hoạ nên hình tượng cánh cò mộc mạc, giản dị mà rất gần gũi với đời sống mỗi người Việt ta:

Một con cò thôi

Con cò mẹ hát

Cũng là cuộc đời

Vỗ cánh qua nôi

Ngủ đi! Ngủ đi!

Cho cánh cò cánh vạc

Cho cả sắc trời

Đến hát

Quanh nôi.

   Ta nhận thấy được rằng cũng chỉ cần một con cò thôi cũng đã đủ chất chứa biết bao nhiêu tâm tình, ước vọng của mẹ dành cho con. Và còn lời ru chính là lòng mẹ đã nuôi dưỡng tâm hồn đứa con thêm trưởng thành. Hình ảnh con cò, lời ru, lòng mẹ chính là cuộc đời đó cũng chính là tâm hồn đất nước dân tộc hòa quyện giúp cho con khôn lớn thành người.

    Bài thơ “Con cò” với thể thơ tự do mang phong cách vừa hiện đại, vừa dân gian. Lời thơ thì vừa gần gũi, thân thuộc vừa mang tính triết lý, khiến người đọc phải suy ngẫm, thổn thức. Hình ảnh thơ nhiều độc đáo sáng tạo, thể hiện tình yêu thương bao la như trời biển của người mẹ dành cho con. Qua bài thơ người đọc càng thêm trân trọng tình mẫu tử thiêng liêng, cao quý. Mẹ là món quà vô giá mà ông trời đã ban tặng cho chúng ta trong cuộc đời này. “Con cò” xứng đáng là một thi phẩm xuất sắc viết về tình mẫu tử được giữ gìn và trân trọng. Có lẽ chính bởi giá trị nhân văn mà tác phẩm có được mà dù cho có bao thời gian đi nữa, thì phẩm còn mãi in sâu trong lòng người thưởng thức.

E. Một số lời bình về tác phẩm Con cò

1. Câu ca dao có hình ảnh con cò:

 Con cò bay lả bay la

Bay từ cửa phủ bay ra cánh đồng

Cha mẹ sinh đẻ tay không

Cho nên bay khắp tây đông kiếm mồi

Trước là nuôi cái thân tôi

Sau nuôi đàn trẻ, nuôi đời cò con.

2. Một số bài thơ viết về tình mẹ con:

MẸ

Xa mẹ mười năm đi khắp nước

Trăm quê chưa dễ thực quê nhà

Sáng nay mới thực về quê nhỉ:

Bóng mẹ già ai giống mẹ ta!

GỐC NHÃN CAO

Gốc nhãn vườn xưa cao khó hái

Tám mươi, nay mẹ hẳn lưng còng

Chắp đường Nam – Bắc con thăm mẹ

Hái một chùm ngon dâng mẹ ăn.

CANH CÁ TRÀU

Canh cá tràu mẹ thường hay nấu khế

Khế trong vườn thêm một tí rau thơm

Ừ, thế đó mà một đời xa cách mẹ

Ba mươi năm trở lại nhà, nước mắt xuống mâm cơm

(Chế Lan Viêm, Tuyển tập Chế Lan Viên, tập 1, NXB Văn học, Hà Nội, 1985)

 

Bài viết liên quan

537