Sơ đồ tư duy Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga dễ nhớ, ngắn gọn
Sơ đồ tư duy bài Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga Ngữ văn lớp 9 hay nhất, dễ nhớ, ngắn gọn với đầy đủ sơ đồ tư duy, tác giả, tác phẩm, dàn ý phân tích và bài văn phân tích mẫu giúp học sinh dễ dàng hệ thống hóa, củng cố kiến thức các tác phẩm trong chương trình Ngữ văn lớp 9.
A/ Tác giả Tác phẩm bài Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga
I. Tác giả
- Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888), còn gọi là Đồ Chiểu, quê cha ở xã Bồ Điều, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên- Huế, nhưng sinh tại quê mẹ ở làng Tân Thới, tỉnh Gia Định (nay là Thành phố Hồ Chí Minh).
- Cuộc đời Nguyễn Đình Chiểu gặp nhiều trắc trở gian truân. Nhưng vượt lên nỗi đau, cuộc đời ông lại là bài học lớn về nghị lực sống, sống để cống hiến cho đời, tấm gương sáng ngời về lòng yêu nước và tinh thần bất khuất chống ngoại xâm.
+ Bị mù đôi mắt, nhưng Nguyễn Đình Chiểu vẫn vươn lên sống và làm nhiều việc có ích: dạy học, bốc thuốc, sáng tác thơ văn.
+ Khi giặc Pháp xâm lược Nam Bộ, Nguyễn Đình Chiểu đã nêu cao lập trường kháng chiến, bất hợp tác với giặc, giữ vững khí tiết, sáng tác thơ văn để khích lệ tinh thần chiến đấu của nhân dân.
- Tác phẩm tiêu biểu: Truyện Lục Vân Tiên, Dương Từ - Hà Mậu, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc,…
II. Tìm hiểu chung tác phẩm
1. Thể loại: Truyện thơ Nôm + Thể thơ: lục bát
2. Xuất xứ:
Đoạn trích Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga nằm ở phần đầu của Truyện Lục Vân Tiên.
3. Bố cục: 2 phần:
- Phần 1: (14 câu đầu): Lục Vân Tiên đánh cướp.
- Phần 2: (Còn lại): Cuộc trò chuyện giữa Lục Vân Tiên và Kiều Nguyệt Nga.
4. Giá trị nội dung
Đoạn trích “Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga” đã khắc họa những phẩm chất tốt đẹp của hai nhân vật trung tâm: Lục Vân Tiên tài ba, dũng cảm, trọng nghĩa, khinh tài, Kiều Nguyệt Nga hiền hậu, nết na ân tình. Qua đó thể hiện khát vọng hành đạo giúp đời của tác giả Nguyễn Đình Chiểu
5. Giá trị nghệ thuật
Đoạn trích thành công với thể thơ lục bát dân tộc, nghệ thuật kể chuyện, miêu tả rất giản dị, mộc mạc, giàu màu sắc Nam Bộ
B.Sơ đồ tư duy bài Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga
C. Dàn ý phân tích bài Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga
1. Hình tượng nhân vật Lục Vân Tiên
- Lục Vân Tiên là nhân vật chính của tác phẩm.
- Là chàng trai tài, giỏi, cứu cô gái thoát khỏi tình huống nguy hiểm.
- Chàng trai ấy vừa rời trường học, muốn thi thố lập công danh nhưng gặp phải bọn cướp hãm hại dân lành liền hành hiệp trượng nghĩa.
- Đối đầu với lũ cướp rất đông với gươm giáo sáng ngời, Lục Vân Tiên vẫn dũng cảm đánh cướp.
- Lục Vân Tiên bộc lộ tính cách anh hùng, tài năng giúp đời và tấm lòng vị nghĩa.
- Đối xử với Kiều Nguyệt Nga rất chính trực, hào hiệp, trọng nghĩa khinh tài, rất nhân hậu và có văn hóa:
+ Thấy hai cô gái chưa hết hãi hùng, Vân tiên “động lòng” an ủi, ân cần hỏi han.
+ Chàng nghĩ cho thân phận nữ nhi của Kiều Nguyệt Nga.
+ Khi Kiều Nguyệt Nga mong muốn trả ơn, chàng chỉ: “nghe nói liền cười”, đối với chàng hành động trượng nghĩa không phải là để trả ơn mà với chàng, làm việc nghĩa như là bổn phận, lẽ tự nhiên.
⇒ Nguyễn Đình Chiểu đã khắc họa Lục Vân Tiên mang cốt cách nghĩa sĩ thời loạn với cử chỉ, hành động, ngôn ngữ và cách ứng xử cao đẹp, đó là cách cư xử của một tinh thần hiệp nghĩa của các bậc hảo hán.
2. Hình tượng nhân vật Kiều Nguyệt Nga
- Kiều Nguyệt Nga đáp lại đầy đủ các câu hỏi thăm ân cần của Lục Vân Tiên (tên, quê quán, gia cảnh, nguyên do sự tình).
- Trình bày rõ ràng, khúc chiết các vấn đề, có thưa gửi.
- Cách dùng từ ngữ: văn vẻ, dịu dàng, mực thước.
- Cách xưng hô (quân tử - tiện thiếp), khiêm nhường thể hiện niềm xúc động, cảm kích.
⇒ Kiều Nguyệt Nga là người con gái khuê các, nết na, dịu dàng, mực thước và có học thức.
- Nàng tìm cách trả ơn Vân Tiên dù biết rằng có đền đáp bao nhiêu cũng không đủ.
⇒ Kiều Nguyệt Nga là người ân tình “ơn ai một chút chẳng quên”.
⇒ Kiều Nguyệt Nga hiện lên là một nhân vật có lòng tự tôn và đức hạnh.
D. Bài văn phân tích Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga
Yêu thích Lục Vân Tiên không phải vì văn chương chải chuốt, nghĩa lí thâm trầm như “Truyện Kiều”, mà trước hết vì đoạn trích thể hiện khát vọng hành đạo giúp đời của Nguyễn Đình Chiểu và khắc họa phẩm chất đẹp đẽ của hai người trẻ tuổi - Lục Vân Tiên tài ba dũng cảm, trọng nghĩa khinh tài; Kiều Nguyệt Nga nết na, nhân hậu, ân tình. Tất cả những vẻ đẹp ấy của đoạn thơ phù hợp với phong cách sống, với ước mơ, khát vọng giản dị mà trong sáng của nhân dân ta, mãi mãi dạy chúng ta bài học đạo đức thiết thực và cao cả biết bao. Điều đó được thể hiện rõ nét qua đoạn trích “Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga”.
Đoạn trích nằm ở phần đầu của truyện. Tác phẩm được viết vào khoảng đầu những năm 50 của thế kỉ XIX, dài hơn hai nghìn câu thơ, theo thể lục bát, kết cấu theo kiểu truyền thống. Đoạn trích thể hiện khát vọng hành đạo giúp đời của tác giả và khắc họa những phẩm chất đẹp đẽ của hai nhân vật: Chàng thư sinh Lục Vân Tiên – người mang trong mình tràn đầy lí tưởng của tuổi trẻ nhiệt huyết, trọng nghĩa khinh tài, cán cân của công lí, sẵn sàng ra tay trừng trị cái xấu, cái ác, bênh vực cái đẹp, cái yếu đuối, bất hạnh; Còn Kiều Nguyệt Nga lại là một tiểu thư khuê các, dịu dàng, xinh đẹp, hiền hậu, nết na, ân tình.
Trước hết là hình tượng nhân vật Lục Vân Tiên – một nhân vật lí tưởng của cái đẹp: dũng cảm, tài ba, đầy khí phách. Trên đường trở về quê nhà, Vân Tiên thấy bọn cướp Phong Lai đang giở trò cướp bóc, làm hại dân lành, chàng liền ra tay tương trợ đánh tan cái xấu, cái ác. Hình ảnh Lục Vân Tiên hành hiệp trượng nghĩa được tái hiện rất cụ thể trong hành động và lời nói khi chiến đấu với bọn giặc:
Vân Tiên ghé lại bên đàng,
Bẻ cây làm gậy nhằm làng xông vô/
Kêu rằng: “Bớ đảng hung hồ,
Chớ quen làm thói hồ đồ hại dân.”
Cụm từ “nhằm làng xông vô” đã thể hiện rõ tính cách không hề run sợ của Lục Vân Tiên. Chàng đã không nề hà, không so sánh thiệt hơn, không quan tâm mình đang ở thế yếu, một mình chống lại rất nhiều người. Thêm nữa, nhà văn đã sử dụng nhiều động từ như ghé, bẻ, nhằm, xông đã góp phần diễn tả cái dứt khoát, cái khẩn trương trong từng động tác của nhân vật. Càng chứng tỏ nhân vật là người trượng nghĩa, không ngại gian khổ. Trong khi đánh bọn cướp, Lục Vân Tiên không ngừng la mắng “bớ đảng hung đồ- Chớ quen làm thói hồ đồ hại dân. Có thể thấy không chỉ ở hành động mà cả trong lời nói của mình, Lục Vân Tiên cũng thể hiện rõ khí chất của một anh hùng. Chàng không khoan nhượng với cái ác, lúc nào cũng vì dân, vì chính nghĩa. Trong văn học ta từng thấy chàng Đôn-ki hô-tê cũng có lòng nhân từ và sẵn sàng nghênh chiến với cối xay gió. Lục Vân Tiên với sức mạnh và tài nghệ của mình cũng thể hiện được phẩm chất anh hùng:
Vân Tiên tả đột hữu xông
Khác nào Triệu Tử phá vòng Đương Dang
Lâu la bốn phía vỡ tan
Đều quang gươm giáo tìm đàng chạy ngay
Phong Lai trở chẳng kịp tay
Bị Tiên một gậy thác rày thân vong.
Như vậy, với nghệ thuật so sánh tương phản, tác giả đã tái hiện không khí cuộc đấu tranh giữa Lục Vân Tiên với bọn cướp Phong Lai hết sức cam go, quyết liệt. Qua đó chúng ta thấy Lục Vân Tiên hiện lên là một người anh hùng dũng cảm, không sợ hiểm nguy và thấy việc nghĩa thì ra tay giúp đỡ. Phải chăng đó là cái đức, cái tài và cái dũng của bậc anh hùng trong con người Lục Vân Tiên, đã chiến thẳng được thế lực bạo, dù chúng rất hung bạo, dữ dằn. Đó cũng chính là giá trị nhân đạo, nhân sinh sâu sắc mà cụ đồ Chiểu muốn gửi gắm nơi người đọc.
Bên cạnh sức mạnh và có tấm lòng vị nghĩa, Lục Vân Tiên còn là người nhân hậu, từ tâm. Chàng chính trực, hào hiệp và mẫu mực. Khi tên cướp bỏ đi, Lục Vân Tiên chưa đi mà chàng còn nán lại, lắng nghe tiếng khóc vọng ra từ trong xe và động lòng trắc ẩn. Đến đây, Nguyễn Đình Chiểu đã để cho người đọc tự nhìn ra tính cách của nhân vật thông qua cách mà hai nhân vật chính đối đáp với nhau:
Hỏi: “Ai than khóc ở trong xe này?”
Câu hỏi của Lục Vân Tiên từ tốn, giản dị thể hiện sự quan tâm một cách nhẹ nhàng, nồng hậu và rất mực lịch sự. Muốn giúp người con gái bị hại nhanh chóng hồi tâm, chàng đã hỏi thêm:
Tiểu thơ con gái nhà ai
Đi đâu đến nỗi mang tai bất kì
Nếu quan điểm của nhà Nho là phải lập công danh thì với Lục Vân Tiên chàng chỉ muốn cứu người, giúp người. Hành động đánh lại đám cướp để cứu Kiều Nguyệt Nga xuất phát từ mong muốn giản dị mà lớn lao ấy. Có thể nói, chính tấm lòng nhân hậu đã khiến Lục Vân Tiên có những hành động như vậy. Thật đáng quý biết bao nhiêu.
Khi biết Kiều Nguyệt Nga định xuống xe lạy tạ, chàng nhất mực từ chối vì giữ lễ tiết:
Khoan khoan ngồi đó chớ ra
Nàng là phận gái, ta là phận trai?
Đặc biệt chàng còn khiêm tốn không chịu nhận vật trả ơn: “Làm ơn há dễ trông người trả ơn”. Cuối cùng, hai người cùng xướng họa với nhau một bài thơ rồi nhẹ nhàng từ biệt ra đi, không vấn vương, nuối tiếc. Đến đây, chúng ta thấy Lục Vân Tiên là con người rất mực tâm lí, có nghĩa khí, giữ đúng phép tắc của Nho gia, coi thường tiền tài, vật chất. Phải chăng, đối với chàng làm việc nghĩa như là bổn phận, trách nhiệm và vốn lẽ tự nhiên phải làm. Vì thế, ở cuối đoạn trích, có hai câu thơ đã nêu bật được quan niệm về người anh hùng của tác giả:
Nhớ câu kiến ngãi bất vi
Làm người thế ấy cũng phi anh hùng
Người anh hùng là người lấy việc nghĩa khí lên làm đầu. Nếu thấy việc nghĩa mà không làm thì không phải là người anh hùng. Đây cũng chính là quan niệm về người anh hùng của tác giả. Qua đó, tác giả thay mặt nhân dân thể hiện niềm ước mong: trong thời buổi loạn lạc, hỗn loạn, cái xấu cái ác hoành hoành những con người tài đức, dám ra tay cứu nạn giúp đời như Lục Vân Tiên thật đáng quí, đáng trân trọng biết bao.
Ngoài nhân vật Lục Vân Tiên ta cũng không thể không nhắc đến Kiều Nguyệt Nga. Nàng là một người con gái nề nếp, có học thức. Nguyệt Nga vốn là khuê môn, lệnh các, xuất thân từ con nhà quyền quý. Nhưng không vì thế mà nàng tỏ ra kiêu ngạo, hợm hĩnh. Đứng trước ân nhân của mình nàng hết sức khiêm nhường, cách nói năng kiêm xưng, gọi Vân Tiên là “quân tử”, tự gọi mình là “tiện thiếp”, hành động nhún mình “lạy, thưa”. Qua đó cho thấy nàng là người con gái có học thức, thông minh, mực thước trong lời ăn tiếng nói. Không chỉ vậy nàng con sống hết sức khuôn phép theo lễ nghĩa phong kiến. Theo lời cha mẹ, nàng đến tận miền Hà Khê để định bề nghi gia nghi thất không quản đường sá xa xôi, gặp biết bao hiểm nguy, vất vả. Nàng quả là người con có hiếu!
Là một người có học, nên Nguyệt Nga hiểu những quy tắc lễ nghĩa phong kiến, nhưng nàng vẫn muốn ra khỏi xe để đa tạ ơn cứu mạng của Lục Vân Tiên. Cho thấy tấm lòng biết ơn sâu sắc của nàng. Đáng quý hơn cả là nàng ý thức sâu sắc rằng không bạc vàng nào có thể xứng với ân nghĩa kia, qua đó cho nàng là người rất coi trọng tình nghĩa. Kiều Nguyệt Nga là kết tinh cho vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ truyền thống. Nàng không chỉ gia giáo, nết na, có học thức mà còn rất đằm thắm, nghĩa tình.
Dưới ngòi bút của Nguyễn Đình Chiểu, nhân vật Lục Vân Tiên mang cốt cách của tráng sỹ thời loạn, coi cái chết nhẹ tựa lông hồng, trọng nghĩa khinh tài, sống và hành động theo phương châm “Giữa đường dẫu thấy bất bằng mà tha”. Dẫu còn bị ảnh hưởng bởi quan niệm phong kiến “nam nữ thụ thụ bất thân” song ngôn ngữ, cử chỉ, hành động của chàng rất đẹp, rất anh hùng. Lòng thương người, chí quả cảm và tinh thần vị nghĩa của chàng đậm màu sắc đạo lý của dân tộc ta.
Gần hai thế kỉ trôi qua, nhân vật Lục Vân Tiên vẫn được nhân dân ta yêu mến, hâm mộ. Tinh thần chiến đấu kiên cường của đồng bào miền Nam trong cuộc đấu tranh chống phong kiến và đế quốc trong hơn thế kỉ qua đã làm cho ta cảm nhận sâu sắc vẻ đẹp lí tưởng của người anh hùng Lục Vân Tiên. Tấm gương sáng chói ấy mãi mãi là một minh chứng hùng hồn về sức mạnh thẩm mĩ của thi ca, của truyện thơ Lục Vân Tiên mà nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu đã để lại cho đời. Tinh thần nghĩa hiệp của Lục Vân Tiên như viên ngọc quý sáng bừng lên dư vị ngòi bút sắc nhọn của Nguyễn Đình Chiểu:
Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm,
Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà.
E. Một số lời bình về tác phẩm Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga
1. Tuy chỉ là hỏi đáp nhưng lời hỏi của Vân Tiên chứng tỏ chàng quang minh chính đại. Lời hỏi dõng dạc, cái gì cũng muốn rõ ràng: muốn phân định ranh giới nam nữ rõ ràng, muốn biết rõ lí lịch cô gái, nguyên nhân mắc nạn, phân biệt thứ bậc tớ, thầy. Ngay hành động anh hùng chàng cũng không muốn nhập nhằng với việc làm ơn. Đó là một nhân cách sáng ngời. Một lí tưởng làm người anh hùng truyền thống theo quan niệm Nho giáo. Nụ cười của chàng mới thật hiền lành, đáng yêu biết bao. Chỉ có hỏi đáp mà tính cách Vân Tiên hiện lên thật đẹp đẽ và độc đáo.
(Trần Đình Sử, Đọc văn học văn)