Sơ đồ tư duy Mây và sóng dễ nhớ, ngắn gọn

Sơ đồ tư duy bài Mây và sóng Ngữ văn lớp 9 hay nhất, dễ nhớ, ngắn gọn với đầy đủ sơ đồ tư duy, tác giả, tác phẩm, dàn ý phân tích và bài văn phân tích mẫu giúp học sinh dễ dàng hệ thống hóa, củng cố kiến thức các tác phẩm trong chương trình Ngữ văn lớp 9.

859


A/ Tác giả Tác phẩm bài Mây và sóng

I. Tác giả

- R. Ta-go (1861-1941)

- Quê quán: sinh tại Kolkata, Tây Bengal, Ấn Độ, trong 1 gia đình quý tộc

- Tuy tài năng nhưng số phận Ta-go gặp nhiều bất hạnh

- Sự nghiệp sáng tác:

+ Ta- go làm thơ từ rất sớm và cũng tham gia các hoạt động chính trị và xã hội

+ Năm 14 tuổi ông được đăng bài thơ “Tặng hội đền tín đồ Ấn Độ giáo”

+ Vào năm 1913, ông trở thanh người Châu Á đầu tiên được trao Giải Nobel Văn học với tập “Thơ dâng”

+ Ta-go đã để lại cho nhân loại gia tài văn hóa đồ sộ: 52 tập thơ, 42 vở kịch, 12 bộ tiểu thuyết, khoảng 100 truyện ngăn, trên 1500 bức họa và nhiều bút kí, luận văn…

+ Một số tác phẩm tiêu biểu: Tập thơ Người làm vườn, tập Trăng non, tập Thơ dâng

- Phong cách sáng tác: những tác phẩm của ông thể hiện tinh thần dân tộc và dân chủ sâu sắc, tinh thần nhân văn cao cả và chất trữ tình triết lí nồng đượm; sử dụng thành công những hình ảnh thiên nhiên mang ý nghĩa tượng trưng, hình thức so sánh, liên tưởng vè thủ pháp trùng điệp.

II. Tìm hiểu chung tác phẩm

1. Thể loại: thể thơ văn xuôi

2. Xuất xứ, hoàn cảnh sáng tác

- “Mây và sóng” được viết bằng tiếng Ben-gan, in trong tập thơ Si-su (Trẻ thơ), xuất bản năm 1909 và được Ta-go dịch ra tiếng Anh, in trong tập Trăng non xuất bản năm 1915.

3. Bố cục

- Phần 1: (Từ đầu đến “xanh thẳm”): Cuộc trò chuyện của em bé với mây và mẹ

- Phần 2: (Còn lại): Cuộc trò chuyện của em bé với sóng và mẹ.

4. Giá trị nội dung

 - Thông qua cuộc trò chuyện của em bé với mẹ, bài thơ Mây và sóng của Ta-go ngợi ca tình mẫu tử thiêng liêng sâu sắc

- Bài thơ chứa đựng những triết lí giản dị nhưng đúng đắn về hạnh phúc trong cuộc đời

5. Giá trị nghệ thuật

- Sử dụng hình ảnh mang giàu chất trữ tình mang ý nghĩa biểu tượng

- Kết cấu bài thơ như một câu chuyện kể tạo ấn tượng thú vị với hình thức đối thoại lồng trong lời kể của em bé

- Nghệ thuật đối lập, ẩn dụ, nhân hóa….

B.Sơ đồ tư duy bài  Mây và sóng

Hỏi đáp VietJack

C. Dàn ý phân tích bài Mây và sóng

1. Lời mời gọi và phản ứng của em bé

a. Lời mời gọi của những người trên mây và sóng

- Lời mời gọi của mây và sóng:

+ Những người trên mây: “Bọn tớ chơi từ khi thức dậy cho đến lúc chiều tà. Bọn tớ chơi với bình minh vàng, bọn tớ chơi với vầng trăng bạc.

+ Những người trên sóng: “Bọn tớ ca hát từ sáng sớm cho đến hoàng hôn. Bọn tớ ngao du nơi này nơi nọ mà không biết từng đến nơi nao?”

⇒ Thế giới mà mây và sóng vẽ ra là thế giới diệu kì, bí ẩn, hấp dẫn, đặc biệt là đối với trẻ thơ

- Cách đến với mây và sóng:

+ Đến với mây: đến nơi tận cùng trái đất và đưa tay lên trời

+ Đến với sóng: đến rìa biển cả và nhắm nghiền mắt lại

- Nhận xét:

+ Lời mời gọi của mây và sóng: lời mời gọi hấp dẫn, thú vị, khơi gợi trí tò mò.

+ Cách đến với mây và sóng: rất dễ thực hiện, thú vị, hấp dẫn.

- Nghệ thuật: nhân hóa, sử dụng hình ảnh ẩn dụ đầy sức gợi.

⇒ “mây” và “sóng” là biểu tượng cho thế giới thần tiên kì ảo mà em bé tưởng tượng ra nhưng mây và sóng thú vị, cám dỗ trong cuộc sống thường ngày mà con người rất dễ bị thu hút.

b. Phản ứng của em bé trước lời mời gọi

- Ban đầu: em bé bị hấp dẫn bởi lời mời, bằng chứng là em bé hỏi lại:

+ Với mây: “Nhưng làm thế nào mình lên đó được?”

+ Với sóng: “Nhưng làm thế nào mình ra đó được?”

⇒ Phản ứng ban đầu của em bé là có thể hiểu được vì những lời mời ấy vô cùng thú vị, dễ hấp dẫn, đặc biệt là đối với trẻ con.

- Sau đó em từ chối lời mời: “Làm sao có thể rời mẹ mà đi được?”

⇒ Lời từ chối dễ thương nhưng đầy cảm động

- Lí do em bé từ chối lời mời vì em nghĩ tới mẹ em đang đợi và luôn mong muốn em bé ở nhà

⇒ mẹ chính là lí do khiến em bé từ chối những lời mời cám dỗ.

- Nghệ thuật đối thoại

⇒ Dù luyến tiếc cuộc vui nhưng sự từ chối lời mời gọi đã thể hiện tình yêu thương mẹ tha thiết của me bé lúc nào cũng nghĩ đến mẹ, luôn mong ở bên mẹ. mẹ với tình yêu thương dã trở thành sức mạnh, nguồn động lực cho em bé vượt qua những cám dỗ.

2. Trò chơi của em bé và mẹ

- Sau khi từ chối mây: “Con là mây và mẹ sẽ là trăng. Hai bàn tay con ôm lấy mẹ và mái nhà ta sẽ là bầu trời xanh thẳm”.

- Sau khi từ chối sóng: “Con là sóng và mẹ sẽ là bến bờ kì lạ”

- Đối với em bé: đó là trò chơi thú vị hơn, hay hơn những trò chơi ấy bắt nguồn từ tình yêu thương mẹ

⇒ hình ảnh thiên nhiên “mây”, “sóng” ở đây tượng trưng cho con thích vui chơi, hình ảnh trăng”, “bến bờ kì lạ” tượng trưng cho sự dịu dàng và tấm lòng bao la, tình yêu thương con không bến bờ

- Hai câu thơ cuối: Hai câu thơ là lời khẳng định tình mẫu tử thiêng liêng bất diệt đó là tình cảm lớn lao được nâng tầm vũ trụ. 

- Nghệ thuật: sử dụng hình ảnh biểu tượng, điệp ngữ, câu thơ giàu hình ảnh. 

⇒ Hình tượng em bé hiện lên vừa có những nét thơ ngây, đáng yêu đồng thời thể hiện sự thông minh, trí tưởng tượng phong phú và tình yêu thương mẹ thiết tha 

⇒ Tinh thần nhân văn của Ta-go ca ngợi vẻ đẹp tình mẫu tử. 

3. Triết lí bài thơ

- Con người không tránh khỏi những cám dỗ từ đời sống, nếu như không có điểm tựa vững chắc, con người sẽ rất dễ vướng vào những cám dỗ. Tình mẫu tử chính là một điểm tựa vững chắc trong đời người.

- Hạnh phúc đó không phải là những thứ quá xa vời, cũng không phải tự nhiên mà có, hạnh phúc luôn nằm ngay gần chúng ta, trong những điều giản dị hàng ngày, do chúng ta tạo ra. 

D. Bài văn phân tích  Mây và sóng

   Tình mẫu tử là tình cảm thiêng liêng và quý báu nhất. Có lẽ, cũng bởi vậy khi viết về mẹ, trong lòng mỗi người đều mang những cảm xúc riêng. Nhà thơ Chế Lan Viên đã từng viết rằng:

À ơi, một con cò thôi

Con cò mẹ hát cũng là cuộc đời

Tình mẹ thật bao la, tình mẹ thật dạt dào và cao cả. Bởi thế mà trong trái tim mỗi người con, mẹ luôn chiếm một vị trí quan trọng mà không gì có thể thay thế được. Ta-go đã viết nên những vần thơ mang nhiều cảm xúc như thế, tình mẫu tử, hơn hết là tình thương chính là cội nguồn cho mọi sự lựa chọn. Bài thơ Mây và sóng là một kiệt tác của ông, trở nên bất tử bởi những giá trị nhân văn cao đẹp.

   Mây và sóng là tên một bài thơ của nhà thơ Ấn Độ vĩ đại R. Tago (1861 – 1941), được in trong tập Trăng non bằng tiếng Anh năm 1915. Nếu tìm về nguyên tác bằng tiếng Ấn Độ thì Sisu có nghĩa là trẻ thơ và đã được xuất bản năm 1909. Điều này ghi nhận tình cảm trong sáng, cao thượng và sự quan tâm nhiều mặt của nhà thơ nổi tiếng này về thế giới trẻ thơ. Đây là một bài thơ hay, yếu tố tưởng tượng cao. Bài thơ gồm hai phần: Phần mây và phần sóng, nhưng không phải là để tả lại những cảnh mây và sóng mà chỉ là những câu chuyện do em bé tưởng tượng ra. Em bé đóng vai chính trong bài thơ, bên cạnh em còn có người mẹ. Mỗi phần của bài thơ được tạo ra bằng lời kể của em bé về những gì em biết, em nghe được.

   Qua trí tưởng tượng bay bổng, hồn nhiên và đáng yêu của em bé, thế giới cổ tích ấy hiện lên cùng những người sống trên mây và trong sóng. Với trẻ em, tất cả đều là bè bạn, tự tâm hồn non nớt, ngây thơ và trong sáng của các em đã nhân cách hóa mọi thứ xung quanh mình. Am hiểu về trẻ em và nét tâm lí ấy, nhà thơ Ra-bin-dra-nat Ta-go không nhân hóa mây và sóng mà để chính tâm hồn và trí tưởng tượng của các em thực hiện điều ấy. Em bé thấy “trên có người gọi con” và kể cho em nghe về cuộc sống thú vị trên đó: “Bọn tớ chơi từ khi thức dậy cho đến lúc chiều tà. Bọn tớ chơi với bình minh vàng, bọn tớ chơi với vầng trăng bạc”. Thế giới cổ tích ấy thật đẹp với những màu sắc lấp lánh, thân quen mà mỗi em nhỏ đều thích thú, ao ước. Đó là những người bạn hiền hòa, dịu dàng: “bình minh vàng” và “vầng trăng bạc”, là những người bạn mà mỗi ngày các em đều ngắm nhìn, đều ước ao. Trong trí tưởng tượng của trẻ thơ không có điều gì là không thể, và thế giới ấy chẳng hề xa vời mà rất gần gũi, có một con đường dẫn đến, có một người bạn đón mình đi. Em bé với nét tâm lí chung của tất cả trẻ nhỏ, còn ham chơi và đều thích chơi đã hỏi: “Nhưng làm thế nào mình lên đó được?” và nhận được câu trả lời tận tình chỉ dẫn của những người sống trên mây: “Hãy đến nơi tận cùng trái đất, đưa tay lên trời, cậu sẽ được nhấc bổng lên tận tầng mây”. Đây là những điều chỉ có các em, bằng trí tưởng tượng bay bổng mới có thể nghĩ ra và nhờ có sự hồn nhiên mới có niềm tin sâu sắc. Thế giới kì diệu với những người bạn từ thiên nhiên và con đường “nhập bọn vui chơi” của em bé còn là thế giới biển cả bao la với lời mời gọi của những người sống trong sóng: “Trong sóng có người gọi con” và họ kể cho em bé về những chuyến ngao du kì thú, hấp dẫn: “Bọn tớ ca hát từ sáng sớm cho đến hoàng hôn. Bọn tớ ngao du nơi này nơi nọ mà không biết từng đến nơi nao”. Có thể nói bầu trời và biển cả luôn là niềm yêu thích của trẻ thơ, và thú vị biết bao khi được ngao du, thám hiểm tất cả mọi nơi trong thế giới rộng lớn, bao la và vô cùng hấp dẫn ấy. Được vui vẻ ca hát, nhảy múa từ sớm tinh mơ cho đến lúc chiều tà, được ngao du đến những vùng đất mới lạ mà “không biết từng đến nơi nao”. Chính điều ấy đã hấp dẫn trẻ thơ, em bé hỏi ngay những người bạn mới của mình: “Nhưng làm thế nào mình ra ngoài đó được?” một lần nữa được chỉ dẫn tận tình: “Hãy đến rìa biển cả, nhắm nghiền mắt lại, cậu sẽ được làn sóng nâng đi”. Cũng như con đường đến chơi cùng đám mây, con đường đến chơi với sóng là phép màu diệu kì của thế giới tuổi thơ mà chỉ ở đó, với niềm tin mãnh liệt vào những câu chuyện cổ tích, những điểu mới lạ về thế giới bay bổng trong tiềm thức, trong trí tưởng tượng con đường mới có thể hiện ra chân thật, gần gũi với vẻ đẹp vô tận. Bằng trái tim non nớt của mình, thế giới cổ tích của em bé còn là thế giới có mẹ cùng vui chơi, cùng hóa thân. Cả hai lời mời gọi đều khiến em bé băn khoăn bởi bản tính ham chơi đặc trưng của trẻ nhỏ, nhưng cả hai lần em bé đểu từ chối và em nghĩ đến những trò chơi thú vị hơn. Đó là khi: “Con là mây và mẹ sẽ là trăng/ Hai bàn tay con ôm lấy mẹ, và mái nhà ta sẽ là bầu trời xanh thẳm”. Thế giới rộng lớn trên mây qua trí tưởng tượng của em bé có thể ở ngay trong nhà, nơi vòm mái trên kia che mưa chắn gió, nơi có mẹ yêu thương, chăm sóc. Em bé sẽ là những đám mây xanh trắng trên bầu trời bao la, còn mẹ là vầng trăng dịu mát, hiền hòa. Trong trò chơi thú vị này, em bé sẽ mãi quấn quýt, gần gũi bên mẹ. “Hai bàn tay ôm lấy mẹ” không chỉ là hình ảnh mây và trăng trên bầu trời mà còn thể hiện sự yêu thương, gắn bó của hai mẹ con. Cuộc đời con người có thể đi đến bất cứ đâu, trong bất kì hoàn cảnh nào, thì tình mẫu tử thiêng liêng ấy sẽ mãi là điểm tựa tinh thần vững chắc nhất. Điều lớn lao ấy trong trí tưởng tượng của em nhỏ được biểu hiện rất giản dị, đơn sơ nhưng lại vô cùng cảm động. Em sẽ là những ngọn sóng ngao du khắp bốn phương trời và mẹ sẽ là “bến bờ kì lạ” luôn chờ đón con ở bất cứ đâu. “Con lăn, lăn, lăn mãi rồi cười vang vỡ tan vào lòng mẹ.” Khi được vòng tay ấm áp của mẹ ôm ấp, vỗ về, mỗi đứa trẻ đều bình yên, hạnh phúc trong tiếng cười giòn giã.

   Với hình thức đối thoại lồng trong lời kể của em bé, qua những hình ảnh thiên nhiên giàu ý nghĩa tượng trưng, mây và sóng là hình ảnh thiên nhiên hiền hòa mà mỗi người trân trọng, hòa mình và cùng nhau chung sống. Những lời mời gọi không chỉ rủ em bé đi chơi mà còn tượng trưng cho những cám dỗ trong đời mà mỗi người sẽ gặp phải. Vượt qua tất cả những cảm dỗ ấy là sự trở về với những giá trị bền vững, tình mẫu tử thiêng liêng, tình gia đình ấm áp. Bởi thế, bài thơ Mây và sóng của Ra-bin-dra-nat Ta-go không chỉ là bài thơ viết về thiếu nhi, cho thiếu nhi, mà còn là bài học ý nghĩa về tình cảm bất diệt của con người. Thế giới cổ tích diệu kì, em bé tưởng tượng bằng sự bay bổng, hồn nhiên, cũng giống như vầng trăng trước sân từ bao đời của trẻ em Việt:

Trăng ơi... từ đâu đến?

Hay biển xanh diệu kì

Trăng tròn như mắt cá

Chẳng bao giờ chớp mi

Trẻ em, dù ở bất cứ đâu, với trí tưởng tượng bay bổng và lối tư duy hồn nhiên, ngây thơ đều dành tình yêu đặc biệt cho những người bạn của thế giới diệu kì. Một tiếng vọng từ rừng già, một lời mời gọi của thiên nhiên, một cậu sên chậm chạp hay bờ cát dài trắng phau đều là bạn bè của các em. Thế giới cổ tích luôn vun đắp cho các em những tình cảm, phẩm chất đáng quý. Hình ảnh bao trùm, choáng ngợp, sâu thẳm trong tâm hồn mỗi đứa trẻ không gì thay thế được chính là mẹ. Biết bao sự cám dỗ ở trên đời nhưng mẹ của con vẫn là vĩ đại nhất. Từ ngàn xưa, người Việt đã có câu:

Mẹ là mặt trời của ta

Ai không yêu mẹ thì ra đứng đường.

Hay:

Mẹ như một nhánh mạ gầy,

Hóa thân thành bát cơm đầy nuôi con.

   Sử dụng cấu trúc lồng ghép lời thoại giữa em bé và mẹ, đồng thời là cuộc nói chuyện của em với mây, với sóng, dưới lăng kính ngây thơ trong sáng mà rực rỡ sắc màu, một thế giới cổ tích hiện ra một cách hài hòa, tinh tế. Nơi đó có em, có mẹ, có mây, có sóng, có mái nhà em yêu thương. Với trí tưởng tượng phong phú, tư duy thông minh cùng trái tim đong đầy tình yêu thương, qua lời nhà thơ, em bé đã thể hiện sự cao cả, bất diệt của tình mẫu tử, đồng thời bày tỏ ước mơ được khám phá thiên nhiên, chinh phục thế giới bao la rộng lớn.  

   Bằng ngòi bút nhạy cảm và tâm hồn dào dạt tình yêu thương, Ta - go đã viết nên một bài thơ thắm đượm tình người. Chẳng cần tìm kiếm hạnh phúc và niềm vui ở đâu xa xôi hào nhoáng, chỉ cần những điều chân phương, ở cạnh người mẹ thân yêu, sống một cuộc sống không lo âu giữa mây gió, biển cả, đó chính là định nghĩa của hạnh phúc. Lời của em bé cũng như lời của tác giả, rằng bản thân con người chỉ thật sự an nhàn khi được sống trong tình yêu thương của mẹ, tình mẫu tử nồng cháy, bất diệt.

   Mây và sóng là các hiện tượng thiên nhiên cụ thể nhưng tạo ra được một khung không gian với chiều thời gian. Mây và sóng được nhân hóa trở thành những người bạn cùng trò chuyện rủ rê em bé, để từ đó em bé nói ra những suy nghĩ của mình về người mẹ, về tình mẹ con. Mây và sóng cũng gắn quyện với nhau, mãi mãi như tình mẹ con bất tử.

E. Một số lời bình về tác phẩm Mây và sóng

Tính độc đáo của bài thơ là ở cấu trúc bằng hai mẩu đối thoại giữa em bé với mây và sóng, và lồng vào đó là tiếng nói thủ thỉ của em với người mẹ yêu thương. Một bài thơ trong sáng và đẹp như mây, như sóng, nói về niềm sâu kín nhất của tâm hồn tuổi thơ. Yêu thiên nhiên, trí tưởng tượng phong phú, thích phiêu lưu mạo hiểm là đời sống tinh thần tuổi trẻ. Cánh chim còn non yếu chưa dám bay cao cùng mây, chưa thể đi xa cùng sóng, mặc dù em có nhiều mơ mộng, khao khát muốn đi tới mọi chân trời góc bể. 

[…]

Bài thơ Mây và sóng cho ta thấy vẻ đẹp tâm hồn cao thượng, tình cảm trong sáng và sự quan tâm nhiều mặt của nhà thơ lớn Ta-go với thế giới trẻ thơ. Bài thơ ghi lại một khát vọng đẹp của con người, khát vọng tự do, khát vọng khám phá những điều mới lạ. Nhưng mang tính nhân bản hơn cả là nó còn thể hiện một quan niệm hạnh phúc. Hạnh phúc chẳng ở đâu xa, hạnh phúc ở ngay trần thế này, trong vòng tay âu yếm của mẹ. 

(Theo Nguyễn Thị Minh Ngọc, trong R. Ta-go trong nhà trường)

Bài viết liên quan

859