Sơ đồ tư duy Truyện Kiều của Nguyễn Du dễ nhớ, ngắn gọn

Sơ đồ tư duy bài Truyện Kiều của Nguyễn Du Ngữ văn lớp 9 hay nhất, dễ nhớ, ngắn gọn với đầy đủ sơ đồ tư duy, tác giả, tác phẩm, dàn ý phân tích và bài văn phân tích mẫu giúp học sinh dễ dàng hệ thống hóa, củng cố kiến thức các tác phẩm trong chương trình Ngữ văn lớp 9.

604


A/ Tác giả Tác phẩm bài Truyện Kiều của Nguyễn Du

I. Tác giả

1. Bản thân

- Nguyễn Du (1765 - 1820), tên chữ là Tố Như, hiệu là Thanh Hiên.

- Quê ở làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh.

- Nguyễn Du từ nhỏ có cuộc sống sung sướng, thông minh, giỏi văn chương. Nhưng lên 9 tuổi mồ côi cha và 12 tuổi mồ côi mẹ, cuộc sống của Nguyễn Du có nhiều biến đổi, phải sống tự lập từ đây.

- Nguyễn Du là người có kiến thức sâu rộng, am hiểu văn hóa dân tộc và văn chương Trung Quốc. Cuộc đời từng trải, đi nhiều, tiếp xúc nhiều đã tạo cho Nguyễn Du một vốn sống phong phú và niềm đồng cảm sâu sắc với những đau khổ của nhân dân. Nguyễn Du là một thiên tài văn học, một nhà nhân đạo chủ nghĩa lớn.

2. Gia đình

- Ông sinh ra trong một gia đình đại quý tộc có thế lực bậc nhất lúc bấy giờ. Cha là Nguyễn Nghiễm, đỗ Tiến sĩ, vừa là nhà nghiên cứu sử học vừa là nhà văn, nhà thơ và làm đến chức tể tướng trong triều. Anh trai cùng cha khác mẹ là Nguyễn Khản là người tài hoa, rất giỏi thơ phú, từng làm quan to dưới Triều Lê – Trịnh.

- Mẹ là Trần Thị Tần xuất thân bình dân, người xứ Kinh Bắc giỏi nghề ca xướng, là vợ thứ 3 và ít hơn chồng 32 tuổi. Từ thuở nhỏ, Nguyễn Du đã chịu nhiều ảnh hưởng của người mẹ.

3. Thời đại

- Nguyễn Du sống vào cuối triều Lê đầu triều Nguyễn. Đây là thời kỳ chế độ phong kiến khủng hoảng trầm trọng, giai cấp thống trị thối nát, đời sống xã hội đen tối. Nông dân nổi dậy nhiều nơi, đỉnh cao là khởi nghĩa Tây Sơn đánh đổ các tập đoàn phong kiến Lê, Trịnh, Nguyễn, quét sạch hai mươi vạn quân Thanh xâm lược.

4. Sự nghiệp văn học 

- Nguyễn Du để lại một di sản văn hóa lớn cho dân tộc gồm những tác phẩm bằng chứ Hán và chữ Nôm:

+ Tác phẩm chữ Hán: Thanh Hiên thi tập, Bắc hành tạp lục, Nam trung tạp ngâm.

+ Tác phẩm chữ Nôm: Truyện Kiều, Văn chiêu hồn.

II. Tìm hiểu chung về tác phẩm

1. Thể loại: Truyện thơ Nôm, gồm 3254 câu thơ lục bát.

2. Hoàn cảnh sáng tác, xuất xứ:

Truyện Kiều (Đoạn trường tân thanh) được sáng tác vào đầu thế kỉ XIX (khoảng 1805 - 1809).

- Nguyễn Du sáng tác Truyện Kiều có dựa trên cốt truyện Kim Vân Kiều truyện của Trung Quốc nhưng phần sáng tạo của Nguyễn Du là vô cùng lớn, mang đến sự thành công và sức hấp dẫn cho tác phẩm.

3. Bố cục: 3 phần:

- Phần 1: Gặp gỡ và đính ước

- Phần 2: Gia biến và lưu lạc

- Phần 3: Đoàn tụ

4. Giá trị nội dung 

- Giá trị hiện thực: Truyện Kiều là bức tranh hiện thực về xã hội phong kiến bất công, tàn bạo, phơi bày bộ mặt thối nát của tầng lớp thống trị và nỗi khổ đau của con người, đặc biệt là người phụ nữ.

- Giá trị nhân đạo: Nguyễn Du bộc lộ niềm cảm thương sâu sắc trước những đau khổ của con người, tố cáo xã hội và những thế lực đen tối đã chà đạp quyền sống của con người lương thiện. Ông trân trọng đề cao vẻ đẹp hình thức, nhân phẩm, tài năng và những khát vọng chân chính của con người về quyền sống, quyền hạnh phúc, tự do, công lí…

5. Giá trị nghệ thuật

- Tác phẩm là sự kết tinh thành tựu nghệ thuật văn học dân tộc trên các phương diện ngôn ngữ, thể loại, bút pháp nghệ thuật…

- Về ngôn ngữ: Tiếng Việt trong Truyện Kiều đã đạt tới đỉnh cao của ngôn ngữ nghệ thuật, có chức năng biểu đạt, biểu cảm và có giá trị thẩm mĩ. Ngôn ngữ kể chuyện có cả ba hình thức: trực tiếp (lời của nhân vật); gián tiếp (lời của tác giả); nửa trực tiếp (lời của tác giả nhưng mang suy nghĩ, giọng điệu của nhân vật).

- Về thể loại: nghệ thuật tự sự bằng thơ có sự phát triển vượt bậc, thể lục bát, được sử dụng nhuần nhuyễn đạt tới độ mẫu mực của thể lục bát cổ điển.

- Nghệ thuật tả người: Bút pháp ước lệ, chú ý miêu tả ngoại hình, hành động, tâm lí nhân vật làm hiện lên con người hành động và con người cảm nghĩ.

- Nghệ thuật tả cảnh thiên nhiên: miêu tả bức tranh chân thực và tả cảnh ngụ tình. Truyện Kiều đã trở thành một kiệt tác của văn học Việt Nam góp phần đưa tên tuổi của Nguyễn Du được vinh danh là một danh nhân văn hóa thế giới.

B.Sơ đồ tư duy bài Truyện Kiều của Nguyễn Du

Hỏi đáp VietJack

 C. Một số lời bình về tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du

1. Ngôn ngữ Truyện Kiều tựa hồ viên ngọc không có tỳ vết, như tiếng đàn không bao giờ bị lỡ nhịp ngưng cung.

(Kỳ tài diệu bút Thanh Hiên viễn quá Thanh Tâm)

2. “Truyện Kiều đã đem lại lòng tin cho mọi người về khả năng phong phú của Tiếng Việt, và Truyện Kiều đã có công khai sáng cho nhiều nhà văn, nhà thơ đời sau về phương diện sử dụng ngôn ngữ dân tộc trong sáng tác văn chương... Nguyễn Du đã thâu tóm được trong tác phẩm của mình tinh hoa của ngôn ngữ bác học với tinh hoa của ngôn ngữ bình dân, đã nhào nặn lại và góp phần nâng cao nó. Công đóng góp của Nguyễn Du về phương diện ngôn ngữ là có một không hai trong lịch sử.”

          (Nguyễn Lộc, Văn học Việt Nam nửa cuối thế kỷ XVIII - hết thế kỷ XIX)

Bài viết liên quan

604