Sơ đồ tư duy Tuyên bố thế giới về sự sống còn quyền được bảo vệ và phát triển của trẻ em dễ nhớ, ngắn gọn
Sơ đồ tư duy bài Tuyên bố thế giới về sự sống còn quyền được bảo vệ và phát triển của trẻ em Ngữ văn lớp 9 hay nhất, dễ nhớ, ngắn gọn với đầy đủ sơ đồ tư duy, tác giả, tác phẩm, dàn ý phân tích và bài văn phân tích mẫu giúp học sinh dễ dàng hệ thống hóa, củng cố kiến thức các tác phẩm trong chương trình Ngữ văn lớp 9.
A/ Tác giả Tác phẩm bài Tuyên bố thế giới về sự sống còn quyền được bảo vệ và phát triển của trẻ em
I. Tìm hiểu chung về tác phẩm
1. Thể loại: Văn bản nhật dụng.
2. Hoàn cảnh sáng tác, xuất xứ:
- Văn bản “Tuyên bố thế giới về sự sống còn, quyền được bảo vệ và phát triển của trẻ em” trích từ “Tuyên bố của Hội nghị cấp cao thế giới về trẻ em” họp tại Liên hợp quốc ngày 30-9-1990, in trong cuốn “Việt Nam và các văn kiện quốc tế về quyền trẻ em”
3. Bố cục: 4 phần:
- Phần 1: (Từ đầu đến… những kinh nghiệm mới): Khẳng định quyền được sống, quyền được phát triển của mọi trẻ em trên Trái đất, kêu gọi nhân loại hãy quan tâm nhiều hơn đến điều này.
- Phần 2: (Tiếp đến… phải đáp ứng): Những thách thức cho sự phát triển của nhiều trẻ em trên thế giới.
- Phần 3: (Tiếp đến… các nguồn tài nguyên đó): Những điều kiện thuận lợi để thế giới có thể đẩy mạnh việc quan tâm, chăm sóc trẻ em.
- Phần 4: (Còn lại): Nhiệm vụ cụ thể từng quốc gia về cả cộng đồng cần làm vì sự sống còn, quyền được bảo vệ và phát triển của trẻ em.
4. Giá trị nội dung
Văn bản phần nào cho ta thấy được thực trạng về cuộc sống của trẻ em trên thế giới hiện nay và tầm quan trọng của việc bảo vệ và chăm sóc trẻ em
5. Giá trị nghệ thuật
Văn bản được trình bày chặt chẽ khoa học và vô cùng hợp lí, toàn diện về các vấn đề được nêu ra
B.Sơ đồ tư duy bài Tuyên bố thế giới về sự sống còn quyền được bảo vệ và phát triển của trẻ em
C. Dàn ý phân tích bài Tuyên bố thế giới về sự sống còn quyền được bảo vệ và phát triển của trẻ em
1. Lời kêu gọi bảo vệ và nhận thức về trẻ em
- Hãy đảm bảo cho tất cả trẻ em một tương lai tốt đẹp hơn.
⇒ Mang tính quốc tế, vấn đề mang tính cấp thiết.
- Nhận thức về đặc điểm tâm sinh lí của trẻ em: Trong trắng, dễ bị tổn thương, còn phụ thuộc, hiểu biết, ham hoạt động, đầy ước vọng.
⇒ Phải được sống trong vui tươi, thanh bình, được chơi, được học, được phát triển...
⇒ Cách nhìn tiến bộ, nhân ái, có tinh thần trách nhiệm với tương lai thế giới.
2. Những thách thức cho sự phát triển của nhiều trẻ em trên thế giới
- Là nạn nhân của chiến tranh và bạo lực, phân biệt chủng tộc, xâm lược ...
- Chịu thảm hoạ của đói nghèo, khủng hoảng kinh tế bệnh dịch, mù chữ.
- Chết do suy dinh dưỡng, bệnh tật.
- Các từ: “Hàng ngày”, “mỗi ngày”; các từ chỉ số lượng: “vô số”, “hàng triệu trẻ em” cho chúng ta thấy rõ thực tế cuộc sống của nhiều trẻ em đang diễn ra hàng ngày.
⇒ Trẻ em chịu khổ cực nhiều mặt - là thách thức đối với các nhà lãnh đạo.
3. Cơ hội - những điều kiện thuận lợi để cộng đồng thế giới chăm sóc trẻ em
* Thế giới:
- Sự liên kết giữa các quốc gia.
- Có công ước về quyền trẻ em.
- Những cải thiện của bầu chính trị thế giới.
⇒ Đó là điều kiện thuận lợi giúp các quốc gia thực hiện quyền trẻ em.
- Vì sự đoàn kết, liên kết giữa các quốc gia để cùng nhau giải quyết một vấn đề sẽ tạo ra sức mạnh tổng hợp và toàn diện của cộng đồng.
* Việt Nam:
- Đất nước được hoà bình độc lập, tự do.
- Kinh tế văn hoá xã hội phát triển.
- Việt Nam là thành viên của nhiều tổ chức quốc tế...
⇒ Việc tạo cho trẻ em một cuộc sống tốt đẹp hơn không còn xa vời.
* Đảng, Nhà nước, các tổ chức xã hội, cá nhân đã luôn quan tâm tới vấn đề chăm sóc và bảo vệ trẻ em với nhiều hình thức, nhiều lĩnh vực như y tế, giáo dục, trường cho trẻ em khuyết tật, các bệnh viện nhi, các đợt khám chữa bệnh miễn phí cho trẻ em, làm từ thiện với những em nhỏ gặp hoàn cảnh khó khăn...
4. Nhịêm vụ - các giải pháp của cộng đồng quyết tâm vì quyền trẻ em
a. Nhiệm vụ:
- Tăng cường vị trí của phụ nữ và đảm bảo quyền bình đẳng nam - nữ.
- Tăng cường sức khoẻ và chế độ dinh dưỡng.
- Quan tâm tới trẻ em tàn tật và trẻ em có hoàn cảnh sống khó khăn.
- Xoá nạn mù chữ ở trẻ em.
- Đảm bảo an toàn khi mang thai và sinh đẻ.
- Khuyến khích trẻ em tham gia vào các hoạt động văn hoá xã hội.
⇒ Nhiệm vụ cụ thể, toàn diện, bao quát mọi lĩnh vực, mọi đối tượng, mọi gia đình ⇒ Bảo vệ trẻ em.
b. Các giải pháp:
- Đảm bảo sự tăng trưởng kinh tế và giải quyết nợ nước ngoài cho các nước.
- Các nước cần có nỗ lực liên tục, phối hợp đồng bộ trong hoạt động vì trẻ em.
- Giọng điệu dứt khoát, mạch lạc, rõ ràng, lập luận chặt chẽ ⇒ Thái độ quyết tâm hành động vì tương lai của trẻ thơ.
D. Bài văn phân tích Tuyên bố thế giới về sự sống còn quyền được bảo vệ và phát triển của trẻ em
Con người trước khi trưởng thành thì bản thân ai cũng có một tuổi thơ, cũng từng là trẻ em, ai cũng biết rằng đó chính là lúc chúng ta cần được quan tâm, chăm sóc và bảo bọc nhất. Và với bất kỳ một quốc gia nào trên thế giới thì trẻ em luôn luôn có những quyền chính đáng là quyền được sống, quyền được bảo vệ, quyền được phát triển và quyền được yêu thương. Chính vì thế trong hội nghị cấp cao thế giới về trẻ em họp ở trụ sở Liên hợp quốc, tại New York vào ngày 30-9-1990, đã đưa ra bản “Tuyên bố thế giới về sự sống còn, quyền được bảo vệ và phát triển của trẻ em” nhằm khẳng định việc bảo vệ quyền lợi, chăm lo đến trẻ em là một trong những vấn đề quan trọng, cấp bách và có ý nghĩa toàn cầu.
Mở đầu bản tuyên bố là lời kêu gọi khẩn thiết hướng tới toàn thể nhân loại vì mục đích “hãy bảo đảm cho tất cả trẻ em một tương lai tốt đẹp hơn” (Điều 1) - Điều 2 nói rõ vì ai, vì đối tượng nào, đối tượng ấy ra sao mà ra lời kêu gọi. Đó là tất cả trẻ em trên thế giới, một lớp người “trong trắng, dễ bị tổn thương và còn phụ thuộc”. Lớp người nhỏ tuổi ấy cần “phải được sống trong vui tươi, thanh bình, được chơi, được học và phát triển. Hòa bình, ấm no, hạnh phúc là điều kiện, là nhu cầu sống của trẻ em. Tính cộng đồng (rộng lớn), tính nhân đạo được thể hiện rất rõ và vô cùng sâu sắc.
Từ quan điểm chung về đặc điểm của quyền lợi trẻ em, văn bản đưa ra những vấn đề thực tế trong chặng đường đầu của cuộc phấn đấu không mệt mỏi, một chặng đường đầy thách thức. Tuy nhiên, thực tế cuộc sống thời thơ ấu của nhiều trẻ em lại không, như vậy. Lập luận bắt đầu được mở ra bằng phép tương phản có sức thu hút người nghe ở những luận cứ chứng minh giống như một bản cáo trạng, báo động một nguy cơ. Nguyên nhân thì có đến hai nhưng hậu quả chỉ có một. Nguyên nhân thứ nhất thuộc về chiến tranh, nghĩa là trái với điều kiện “hoà hợp”, còn nguyên nhân thứ hai thuộc về sự đói nghèo, nghĩa là không có cơ hội được “tương trợ” (ở phần đầu). Phần trình bày những nguyên nhân này, tuy về giọng điệu, về ngôn từ nói chung là trung tính, nhưng do việc sắp đặt các từ có dụng ý nên nhiều đoạn nhiều câu vẫn toát lên sắc thái căm phẫn và xót xa. Trẻ em bị săn đuổi từ nhiều phía, từ chiến tranh, bạo lực, nạn phân biệt chủng tộc, chế độ A-pác-thai, v.v. Trẻ em bị vứt ra ngoài lề của một xã hội không công bằng và vô cùng độc ác. Văn miêu tả ở đây thật xúc động: “Có những cháu trở thành người tị nạn, sống tha hương do bị cưỡng bức phải từ bỏ gia đình, cội rễ. Có những cháu khác lại chịu cảnh tàn tật hoặc trở thành nạn nhân của sự lãng quên, ruồng bỏ, đối xử tàn nhẫn và bóc lột...”. Còn nguyên nhân về nạn đói nghèo, cùng với cái nhìn khái quát là những nốt nhấn làm cho người đọc không thể dửng dưng: Ở nhiều nước đang phát triển, đặc biệt là những nước kém phát triển nhất phải chịu hai gánh nặng trên lưng, một là thuộc về sự đói nghèo truyền kiếp của cha ông (trong nước), còn một thuộc về “những tác động nặng nề của nợ nước ngoài”. Giọng văn phóng sự này đã bóc trần sự thật đắng cay, tủi nhục của dân các nước đó nói chung, của trẻ em nói riêng đến mức không còn tưởng tượng nổi. Hậu quả của hai nguyên nhân trên là “Mỗi ngày có tới 40 000 trẻ em chết” với đủ các lí do. Đọc đến đây ta liên tưởng đến câu văn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bản “Tuyên ngôn độc lập”: “Từ đó dân ta càng cực khổ, nghèo nàn. Kết quả là cuối năm ngoái sang đầu năm nay, từ Quảng Trị đến Bắc Kì, hơn hai triệu đồng bào ta bị chết đói”. Hai văn bản tuy gắn với hai hoàn cảnh khác nhau, nhưng sự xót thương vẫn chỉ là một. Và vấn đề giải phóng con người đối với nhân loại luôn là vấn đề bức xúc và phải đặt ra dưới bất kì hình thức nào, vì lí do nhân đạo, nhân văn của nó. Tuy nhiên, tình hình không chỉ một chiều, cái chiều tối tăm của bi kịch kiếp người. Chính con người đã mở ra những cơ hội, những tín hiệu lạc quan. Cơ hội ấy là sự thống nhất tư tưởng, nhận thức và tinh thần để có được một “Công ước về quyển trẻ em” trên toàn thế giới. Văn bản quan trọng này đối với trẻ em là kết quả của sự liên kết cả phương tiện và kiến thức của loài người, kết quả của sự hợp tác và đoàn kết quốc tế. Chúng ta đã và đang đẩy lùi hai nguyên nhân dẫn đến nguy cơ chiến tranh và chậm phát triển, về chiến tranh tức là về cỗ máy ăn thịt người lớn nhất và nhanh nhất, chúng ta đã tạo ra một bầu không khí chính trị cởi mở hơn, đối thoại thay cho đối đầu, ước mơ giải trừ quân bị vẫn đang tiếp tục được theo đuổi, v.v. Chúng ta đã tiến bộ một bước trong việc bảo vệ môi trường, sự công bằng hơn về xã hội và kinh tế. Chỉ có điều sự cải thiện tình hình tuy là đáng kể, nó làm cho sự gay gắt và căng thẳng có được giảm đi, nhưng những thách thức và nguy cơ vẫn còn nguyên đó.
Vì sự sống còn, phát triển của trẻ em, vì tương lai của toàn nhân loại, nhiệm vụ của chúng ta còn rất nặng nề. Là một văn bản nghị luận, toàn bộ phần “Nhiệm vụ” là sự ứng chiếu, rà soát so với mục tiêu (phần 1), chúng ta đã chặn đứng được nguy cơ (phần 2) đến mức độ nào? Sự liên kết tự nó tạo ra mối liên hệ kết dính cho cả bài văn. Chẳng hạn như vấn đề suy dinh dưỡng ở trẻ em nêu lên trong đề mục 6 (phần 2) được xem như nhiệm vụ hàng đầu ở phần 3 (đề mục 10) nói về nhiệm vụ: “Tăng cường sức khoẻ và chế độ dinh dưỡng của trẻ em là trách nhiệm hàng đầu, đồng thời cũng là một nhiệm vụ mà các giải pháp đã nằm trong tầm tay của chúng ta”. Các trẻ em tàn tật được nêu trong đề mục 4 (phần 2), được trở lại trong để mục 11 ở phần 3 “Trẻ em bị tàn tật và trẻ em có hoàn cảnh sống đặc biệt khó khàn cần phải được quan tâm chăm sóc nhiều hơn và được hỗ trợ mạnh mẽ hơn”, về những trẻ em “bị cưỡng bức phải từ bỏ gia đình, cội rễ” ở đề mục 4, được trở lại ở đề mục 15 “Cần tạo cho trẻ em cơ hội tìm biết được nguồn gốc lai lịch của mình”, v.v. Như vậy, nội dung mà phần “Nhiệm vụ” nêu ra không phải là chủ quan, duy ý chí, mà ngược lại nó rất cụ thể, thiết thực. Chương trình hành động này là hoàn toàn có cơ sở trong thực tế và có tính khả thi. Bản Tuyên bố của Hội nghị cấp cao thế giới về trẻ em, không chỉ mang tính chất “Tuyên bố” cuộc đấu tranh cho thế hệ tương lai của nhân loại đã khởi động và nó chỉ mới bắt đầu. Đó là “Tuyên bố” về cuộc đấu tranh vừa trước mắt và lâu dài của toàn nhân loại.
“Tuyên bố thế giới về sự sống còn, quyền được bảo vệ và phát triển của trẻ em” đã nêu ra những nhận thức đúng đắn và hành động phải làm vì quyền được sống và được phát triển, vì tương lai của trẻ em của toàn bộ các quốc gia trên toàn thế giới. Bản tuyên bố có sức thuyết phục lớn nhờ bố cục kết cấu chặt chẽ, lí lẽ lập luận sắc sảo, luận cứ toàn diện, cụ thể. Tất cả đã làm nên một bản tuyên bố có giá trị nhân đạo, tính cộng đồng và tính pháp lý to lớn, có sức lan tỏa mạnh mẽ, tác động sâu sắc đến nhận thức của người đọc, khuyến khích các hành động chung tay góp sức vì tuổi thơ của trẻ em trên toàn thế giới.
E. Một số lời bình về tác phẩm Tuyên bố thế giới về sự sống còn quyền được bảo vệ và phát triển của trẻ em
Những câu thơ nói về quyền được bảo vệ và chăm sóc đối với trẻ em:
1.
Trẻ em hôm nay – thế giới ngày mai
Trẻ em hôm nay – Thế giới ngày mai
Đó là vần thơ, cũng là câu hát
Niềm tin nhắn nủ mọi người
Thế kỉ XX sắp qua
Ta già thêm, trẻ em lớn dậy
Năm 2000 như lẵng hoa tươi
Trẻ em hôm nay – Thế giới ngày mai
Xin được nhắc ngàn lần hơn thế
Trái đất chưa im tiếng bom rơi
Trẻ em hôm nay – Thế giới ngày mai
Xin điệp khúc triệu lần hơn thế
Bao trẻ em còn đói rách trên đời
Bạn nhìn quanh bạn và tôi
Trẻ em đang khóc, đang cười và nói
Rộn ràng nghe tiếng của ngày mai.
(Phùng Ngọc Hưng)
Bài viết liên quan
- Sơ đồ tư duy Phong cách Hồ Chí Minh dễ nhớ, ngắn gọn
- Sơ đồ tư duy Đấu tranh cho một thế giới hòa bình dễ nhớ, ngắn gọn
- Sơ đồ tư duy Chuyện người con gái Nam Xương dễ nhớ, ngắn gọn
- Sơ đồ tư duy Chuyện cũ trong phủ chúa Trịnh dễ nhớ, ngắn gọn
- Sơ đồ tư duy Hoàng Lê nhất thống chí dễ nhớ, ngắn gọn