Sơ đồ tư duy bài thơ Ánh trăng dễ nhớ, ngắn gọn

Sơ đồ tư duy bài Ánh trăng Ngữ văn lớp 9 hay nhất, dễ nhớ, ngắn gọn với đầy đủ sơ đồ tư duy, tác giả, tác phẩm, dàn ý phân tích và bài văn phân tích mẫu giúp học sinh dễ dàng hệ thống hóa, củng cố kiến thức các tác phẩm trong chương trình Ngữ văn lớp 9.

2008


A/ Tác giả Tác phẩm bài Ánh trăng

I. Tác giả

- Nguyễn Duy (1948) quê ở Thanh Hóa.

- Ông thuộc thế hệ nhà thơ quân đội trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước.

- Sau chiến tranh, Nguyễn Duy vẫn say sưa và tiếp tục con đường thơ của mình. Thơ ông ngày càng đậm đà, ổn định một phong cách, một giọng điệu “quen thuộc mà không nhàm chán.

- Thơ ông giàu chất triết lý, thiên về chiều sâu nội tâm với những trăn trở, day dứt, suy tư.

II. Tác phẩm

1. Thể loại, phương thức biểu đạt chính

Thể loại: Thơ 5 chữ

Phương thức biểu đạt chính: biểu cảm, tự sự

2. Xuất xứ, hoàn cảnh sáng tác

Xuất xứ: Bài thơ in trong tập Ánh trăng (1984)

Hoàn cảnh ra đời: Bài thơ ra đời năm 1978, ba năm sau ngày giải phóng tại Thành phố Hồ Chí Minh. Nguyễn Duy thuộc thế hệ nhà thơ quân đội trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước. Đây là thế hệ từng trải qua bao thử thách, gian khổ của chiến tranh, từng sống gắn bó với thiên nhiên tình nghĩa. Nhưng khi được sống trong cuộc sống hòa bình, giữa những tiện nghi hiện đại, người ta dễ quên những gian lao, tình nghĩa của một thời đã qua. Bài thơ Ánh trăng được viết trong bối cảnh cảm xúc đó, là một lần “giật mình” của Nguyễn Duy trước sự lãng quên ấy.

3. Chủ đề

4. Bố cục

- Khổ 1,2, 3: Kí ức về vầng trăng

- Khổ 4,5,6: Suy ngẫm về vầng trăng

5. Giá trị nội dung

- Bài thơ là lời nhắc nhở về những năm tháng gian lao đã qua của cuộc đời người lính gắn bó với thiên nhiên, đất nước, bình dị, hiền hậu. từ đó gợi nhắc người đọc thái độ sống “uống nước nhớ nguồn”, ân nghĩa thủy chung cùng quá khứ.

6. Giá trị nghệ thuật

- Giọng điệu tâm tình, tự nhiên, kết hợp giữa yếu tố trữ tình và tự sự.

- Hình ảnh giàu tính biểu cảm, hình tượng

B.Sơ đồ tư duy bài Ánh trăng

Hỏi đáp VietJack

Hỏi đáp VietJack

C. Dàn ý phân tích bài Ánh trăng

1. Mở bài

- Giới thiệu những nét cơ bản về tác giả (tên, phong cách sáng tác/cuộc đời), tác phẩm (chủ đề/ hoàn cảnh sáng tác/ nội dung/ nghệ thuật).

- Nêu nhận xét, cảm nhận của bản thân

2. Thân bài

a. Nhan đề bài thơ: Ánh trăng

- Ánh trăng -> tia sáng gợi nhắc, đánh thức, soi rọi vào nơi khất lấp trong tâm hồn con người.

- Ánh trăng hướng con người đến với lẽ sống tốt đẹp; biết ơn, thủy chung…

- Hình tượng nghệ thuật -> ánh sáng của lương tâm

b. Kí ức về vầng trăng

- Khổ 1: Quá khứ sống hài hòa cùng thiên nhiên tươi đẹp. Từ khi còn nhỏ đến lúc trưởng thành đều gắn liền với vầng trăng. Trăng thành tri kỉ

   + Giọng kể tâm tình, điệp ngữ “hồi”, “với”

   + Không gian rộng lớn: “đồng, sông, bể, rừng”

- Khổ 2: Mối quan hệ gắn bó giữa con người với thiên nhiên

   + Phép so sánh -> sự hồn nhiên, trong sáng, cao đẹp của vầng trăng.

   + Từ “ngỡ” báo hiệu sẽ có sự chuyển mạch cảm xúc, tâm trạng

- Khổ 3: Hoàn cảnh sống thay đổi, tâm tình con người cũng thay đổi

   + Vầng trăng thành “người dưng”, phép so sánh -> sự xót xa, chạnh lòng.

c. Suy ngẫm về vầng trăng

- Khổ 4: Bước ngoặt của sự việc, cuộc gặp gỡ bất ngờ giữa người và trăng

   + Từ láy “thình lình”, “đột ngột” + phép đảo ngữ đèn điện tắt thình lình

   + Động từ “vội”, “bật tung”

   + Vầng trăng tròn: vẫn vẹn nguyên và thủy chung

- Khổ 5: cuộc gặp gỡ giữa trăng và người -> nhân vật trữ tình đối diện với góc khuất trong tâm hồn, nhìn nhận lại lương tâm

   + “rưng rưng” : xúc động nghẹn ngào, hối hận

   + “đồng”, “bể” : quá khứ hồn nhiên, đẹp đẽ

- Khổ 6: suy ngẫm về hình ảnh vầng trăng

   + “tròn vành vạnh” : quá khữ nghĩa tình vẹn nguyên, vẻ đẹp bình dị, vĩnh hằng

   + “im phăng phắc” : sự bao dung, làm cho con người phải suy ngẫm

   + “giật mình” : sự bình tỉnh của nhân cách, trở về với lương tâm tốt đẹp.

   + Giong thơ trầm lắng

d. Khái quát nghệ thuật

   + Giọng điệu tâm tình, tự nhiên, kết hợp giữa yếu tố trữ tình và tự sự

   + Hình ảnh thơ vừa cụ thể vừa khái quát, giàu tính biểu cảm, hình tượng

3. Kết bài

- Đánh giá ý nghĩa bài thơ, nêu cảm nhận chung

D. Bài văn phân tích Ánh trăng

Nguyễn Duy là nhà văn trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mĩ. Thơ ông giàu chát triết lý, thường hướng về chiều sâu nội tâm. Một trong những bài thơ tiêu biểu cho phong cách sáng tác ấy của ông là bài thơ “Ánh trăng”. Bài thơ được sáng tác năm 1978, khi những người lính đã trở về với cuộc sống đời thời được ba năm. Đến với "Ánh Trăng" của Nguyễn Duy, ta lại bắt gặp một tư tưởng thấm đẫm giá trị nhân văn; trăng ở đây là ánh trăng của quá khứ thuỷ chung, bất diệt; là người bạn nghĩa tình, tri kỉ; là bài học sâu sắc.

Nhan đề “Ánh trăng” là một nhan đề thơ mộng, giàu ý nghĩa. Ánh trăng không chỉ là vẻ đẹp thơ mộng của thiên nhiên bình dị, hồn nhiên, trong sáng mà nó còn là thứ ánh sáng kì diệu. Ánh sáng ấy có thể soi rọi vào góc tối của con người, đánh thức lương tâm của con người, làm sáng bừng lên cả một quá khứ đầy ắp những kỉ niệm đẹp đẽ, thân thương. Thứ ánh sáng trong trẻo, dịu hiền của trăng hướng con người ta đến với lẽ sống tốt đẹp, đạo lí “uống nước nhớ nguồn”. Ánh trăng xuất hiện xuyên suốt bài thơ, là một hình tượng nghệ thuật mang nhiều ý nghĩa sâu sắc trong tác phẩm.

Mở đầu bài thơ là kí ức của tác giả về vầng trăng.

"Hồi nhỏ sống với đồng

với sông rồi với bể

Hồi chiến tranh ở rừng

vầng trăng thành tri kỉ"

Lời thơ thủ thỉ, tâm tình như đang kể cho chúng ta nghe những kỉ niệm quá khứ giữa người và trăng. Điệp ngữ "hồi” gợi ra quãng thời gian dài của kí ức, từ lúc ấu thơ cho đến những năm tháng trưởng thành. Cứ mỗi lần từ “hồi” vang lên là những kỉ niệm thân thương lại như sóng ào ạt xô về trong một khoảng không gian bao la, rộng lớn. Cái không gian ấy là "đồng'', là ''sông'', là ''bể", là một không gian còn khó khăn nhưng êm đềm, bình dị, con người được hòa mình với thiên nhiên trong niềm hạnh phúc ngọt ngào. Điệp từ "với" lặp lại ba lần càng tô đậm sự gắn kết giữa con người với thiên nhiên, với vũ trụ, với vầng trăng tình nghĩa. Ở hai câu thơ đầu, nhà thơ đã cho người đọc chúng ta thấy hình ảnh vầng trăng đang được trải ra trong cái không gian êm đềm, hạnh phúc, đẹp đẽ của tuổi thơ. Những kí ức tuổi thơ thật đẹp làm sao! Nhà thơ Trần Đăng Khoa cũng có một tuổi thơ gắn liền với ông trăng sáng tỏ:

Trăng ơi… từ đâu đến?

Hay từ cánh rừng xa

Trăng hồng như quả chín

Lửng lơ lên trước nhà

Hai câu thơ tiếp theo kể nhắc đến chuyện lúc chiến tranh, ánh trăng lại cùng người lính trải qua biết bao những năm tháng gian khổ của đất nước, để vượt lên mọi khó khăn, mọi sự tàn phá của quân thù và cùng trở thành “tri kỉ”. Nghệ thuật nhân hóa đã khẳng định mối quan hệ tình nghĩa giữa vầng trăng với con người, làm cho trăng và người xích lại gần nhau, gắn bó với thấu hiểu nhau hơn. Khi ở chiến trường đầy khó khăn, thiếu thốn, người chiến sĩ vẫn có “trăng” bên cạnh để chia sẻ ngọt bùi, đồng cam cộng khổ, cùng hân hoan trong niềm vui chiến trắng, cùng khắc khoải, bồn chồn trong nỗi nhớ nhà, nhớ quê. Hình ảnh này gợi nhắc đến câu thơ của Phạm Tiến Duật:

“Nằm ngửa nhớ trăng, nằm nghiêng nhớ bến

Nôn nao ngồi dậy nhớ lưng đèo”

Chính vì vậy mà, những ngày tháng tuổi thơ, những năm tháng kháng chiến đã trở thành kí ức chan hoà, tình nghĩa với nhân vật trữ tình.

Mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên và vầng trăng còn được thể hiện rõ hơn trong khổ thơ thứ hai

"Trần trụi với thiên nhiên

hồn nhiên như cây cỏ

ngỡ không bao giờ quên

cái vầng trăng tình nghĩa."

Từ láy “trần trụi” cùng với phép liên tưởng đầy nghệ thuật "trần trụi với thiên nhiên" , kết hợp với lối so sánh độc đáo "hồn nhiên như cây cỏ" đã cho người đọc ấn tượng với mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên dường như không có khoảng cách, sống gắn bó, hòa quện với nhau. Vầng trăng trong sáng, vô tư như tuổi thơ, thật thà, chân chất như lòng nhiệt huyết sục sôi của người lính trẻ. Vì vậy mà, nhân vật trữ tình đã tự hứa với lòng mình sẽ không bap giờ quên vầng trăng tình nghĩa ấy. Câu thơ như bị ngưng lại bởi từ “ngỡ”, nó báo trước một bước chuyển biến trong câu chuyện cũng như tâm tình của nhà thơ.

Chiến tranh tàn khốc qua đi, đời sống con người yên ổn hơn nhưng lúc này lòng người cũng không còn như xưa nữa.

"Từ hồi về thành phố

quen ánh điện cửa gương

vầng trăng đi qua ngõ

như người dưng qua đường"

“Từ hồi về thành phố” tức là từ khi chiến tranh qua đi, những gian khổ lùi lại, con người được sống trong hòa bình, sung túc, tiện nghi: “ánh điện”, “cửa gương”. Con người đã vô tình quên đi ánh sáng tự nhiên, vầng trăng tri kỉ năm nào nay chỉ còn là “người dưng qua đường”. Đau đớn, xót xa thay! Phép so sánh, nhân hóa đã diễn tả sự thật nghiệt ngã đến đau lòng. Vầng trăng kia vẫn luôn hiện hữu, đồng hành cùng con người nhưng con người đã quên trăng. Câu thơ mang ý nghĩa khái quát, khi hoàn cảnh sống thay đổi thì con người có thể quên đi những gian khổ, nhọc nhằn, quên đi quá khứ nghĩa tình.

Tuy nhiên, cuộc sống luôn nằm ngoài những ngẫu nhiên nằm ngoài dự đoán, toan tính của con người. Con người đã gặp lại vầng trăng trong một tình huống bất ngờ:

"Thình lình đèn điện tắt

phòng buyn-đinh tối om

vội bật tung cửa sổ

đột ngột vầng trăng tròn"

Từ láy “thình lình”, “đột ngột” đã miêu tả cái bất ngờ, ngẫu nhiên ấy. Đó là khi đèn mất, phòng tối, con người vốn đã quen với ánh trăng không thể chịu được tối tăm nơi căn phòng hiện tại. Hai động từ liên tiếp “vội, bật tung” đã diễn tả sự khó chịu và hành động khẩn trương của con người khi tìm nguồn sáng. Chính khoảnh khắc ấy đã tạo nên bước ngoạt trong mạch cảm xúc của nhân vật trữ tình. Vầng trăng đột ngột xuất hiện, tròn đầy, vẹn nguyên, thủy chung như thuở nào. Điều đó khiến người lĩnh ngỡ ngàng, bối rối:

"Ngửa mặt lên nhìn mặt

có cái gì rưng rưng

như là đồng, là bể

như là sông là rừng"

Nhà thơ lặng lẽ đối diện với vầng trăng trong tư thế im lặng, có phần thành kính: "ngửa mặt lên nhìn mặt". Người và trăng đối diện hay chính người đang đối diện với lòng mình, với những ân tình quá khứ mà mình đã quên lãng. Gặp lại vầng trăng, người lính “rưng rưng” xúc động. Đó là sự xúc động của những niềm thương, nỗi nhớ, của những lãng quên, lạnh nhạt với người bạn cố tri. Hình ảnh “sông”, “bể” được lặp lại cùng với phép so sánh và điệp cấu trúc “như là” gợi nhắc về những kỉ niệm của quá khứ gian lao, của thiên nhiên, đất nước bình dị. Trăng – đó là tuổi thơ, là kỉ niệm êm đềm, đẹp đẽ. Chính ánh sáng dịu hiền của trăng đã đánh thức bao tâm tình vấn vương bị bỏ quên trong góc tối tâm hồn người lính. Ta chợt nhớ đến lời thơ của Đoàn Minh Hải:

 

“Khéo trách người sao quá phũ phàng

Lãng quên bao yêu thương tình tư”

Đến khổ thơ cuối, nhân vật trữ tình bộc lộ những suy ngẫm của mình về hình ảnh vầng trăng. Chắc hẳn, người lính ấy đã nhận ra giá trị cũng như vẻ đẹp vầng trăng- người bạn năm nào của mình:

"Trăng cứ tròn vành vạnh

kể chi người vô tình

ánh trăng im phăng phắc

đủ cho ta giật mình"

Hình ảnh “trăng tròn vành vạnh” tượng trưng cho quá khứ nghĩa tình thủy chung, vẹn nguyên, bất diệt. Thế mà con người từ bao giờ lại lãng quên đến vô tình. Trăng lặng lẽ nhưng rất nhân hậu, bao dung, không oán hờn, không trách móc người bạn đã từng quay lưng với mình. Chính cái im lặng nghiêm khắc, cái sự cao thượng ấy lại khiến cho bản thân con người phải “giật mình” thức tỉnh. Cả bài thơ không có nhân xưng, đến câu thơ cuối nhân vật trữ tình xưng “ta” nhữ một lời nhận lỗi, tạ tội với vầng trăng. Cái “ta giật mình” thật đáng quý biết bao! Nó thể hiện sự suy nghĩ, trăn trở, tự đấu tranh với chính mình để sống tốt hơn, tìm lại cái đẹp trong tâm hồn. Con người giật mình trước ánh trăng lặng lẽ là sự thức tỉnh của nhân cách, trở về với lương tâm trong sạch, tốt đẹp. Dòng thơ cuối dồn nén biết bao niềm tâm sự, lời sám hối, ăn năn đầy day dứt, cũng giống như câu thơ cuối bài thơ

Bài thơ có cách tổ chức câu thơ đặc biệt: không viết hoa chữ cái đầu dòng, chỉ viết hoa chữ cái đầu tiên trong khổ thơ; toàn bài chỉ có một dấu phẩy và một dấu chấm kết thúc. Điều đó giúp diễn tả dòng cảm xúc của nhân vật trữ tình được tuôn chảy, liền mạch. Bài thơ như một câu chuyện nhỏ viết theo thể thơ năm chữ, biến đổi nhịp điệu linh hoạt, giọng thơ trầm lặng, suy tư, kết hợp hài hòa yếu tố tự sự và trữ tình… góp phần quan trọng trong việc truyền tải thông điệp mà nhà thơ gửi gắm. Nhờ đó bài thơ đi vào lòng người một cách tự nhiên, thấm thía vô cùng.

Giản dị mà sâu sắc, bài thơ như một lời tự nhắc nhở về những năm tháng gian lao đã qua của người lình gắn bó với thiên nhiên, đất nước bình dị, hiền hậu. Bài thơ có ý gợi nhắc mọi người thái độ sống “Uống nước nhớ nguồn”, ân nghĩa, thủy chung cùng quá khứ gian khổ, hào hùng, tình nghĩa. Đây không phải là câu chuyện riêng của một người mà là câu chuyện chung của cả một thế hệ, của chính chúng ta.

E. Một số lời bình về tác phẩm Ánh trăng

* Bài thơ viết về ánh trăng mà nói chuyện đời; chuyện tình nghĩa. Tác giả chọn một lối viết giản dị, dễ hiểu.

… Qua bài thơ, tác giả đối thoại với chính mình và thủ thỉ tâm sự với bạn đọc. Cái lối của bài thơ là sự chân thành, sự rung động của một khoảnh khắc tâm tình rất thật.

(Nguyễn Bùi Vợi, Báo Văn nghệ số 16, ngày 19/04/1996)

Bài viết liên quan

2008