Sơ đồ tư duy Lục Vân Tiên gặp nạn dễ nhớ, ngắn gọn

Sơ đồ tư duy bài Lục Vân Tiên gặp nạn Ngữ văn lớp 9 hay nhất, dễ nhớ, ngắn gọn với đầy đủ sơ đồ tư duy, tác giả, tác phẩm, dàn ý phân tích và bài văn phân tích mẫu giúp học sinh dễ dàng hệ thống hóa, củng cố kiến thức các tác phẩm trong chương trình Ngữ văn lớp 9.

1064


A/Tác giả Tác phẩm bài Lục Vân Tiên gặp nạn

I. Tác giả

- Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888), tục gọi là Đồ Chiểu.

- Quê cha ở Thừa Thiên – Huế, ông được sinh tại quê mẹ ở Gia Định.

- Cuộc đời Nguyễn Ðình Chiểu gặp nhiều khổ đau, bất hạnh

- Không khuất phục trước số phận oan nghiệt, Nguyễn Đình Chiểu đã ngẩng cao đầu sống một cuộc sống có ích.

- Nguyễn Đình Chiểu là một nhà thơ lớn của dân tộc. Ông đã để lại nhiều áng văn chương có giá trị.

II. Tìm hiểu chung tác phẩm

1. Thể loại: Truyện thơ Nôm + Thể thơ: lục bát

2. Xuất xứ

Đoạn trích “Lục Vân Tiên gặp nạn” thuộc phần thứ hai của truyện “Lục Vân Tiên”. 

3. Bố cục: 2 phần

- Phần 1: (8 câu đầu): Tội ác của Trịnh Hâm.

- Phần 2: (Còn lại): Việc làm nhân đức và nhân cách cao cả của ngư ông.

4. Giá trị nội dung

Đoạn thơ nói lên sự đối lập giữa thiện và ác, giữa nhân cách cao cả và những toan tính thấp hèn, đồng thời thể hiện thái độ quý trọng và niềm tin của tác giả đối với nhân dân lao động.

5. Giá trị nghệ thuật

Lục Vân Tiên là một truyện thơ Nôm mang tính chất là một truyện kể dân gian: chú ý đến cốt truyện, còn nhân vật chủ yếu thể hiện bằng hành động hơn là miêu tả nội tâm. Nhân vật của Nguyễn Đình Chiểu còn là hoá thân cho lý tưởng hoặc thái độ yêu ghét của ông.

- Truyện mang màu sắc Nam Bộ cả về tính cách con người, cả về ngôn ngữ địa phương.

B.Sơ đồ tư duy bài Lục Vân Tiên gặp nạn 

Hỏi đáp VietJack

C. Dàn ý phân tích bài Lục Vân Tiên gặp nạn 

1. Tội ác của Trịnh Hâm

- Hoàn cảnh của Lục Vân Tiên: tiền hết, mù lòa, bơ vơ nơi đất khách.

- Trịnh Hâm mưu hại Vân Tiên dưới lớp vỏ “giúp đỡ”.

- Nguyên nhân: tính đố kị, ganh ghét tài năng, lo cho con đường tiến thân của mình ngay từ khi mới gặp Vân Tiên.

- Thái độ của Trịnh Hâm: so đo, tính toán, lo âu khi kết bạn với Vân Tiên, người được đánh giá là tài cao.

- Dù biết Vân Tiên bị mù nhưng Trịnh Hâm vẫn ra tay hãm hại, chứng tỏ sự độc ác dường như đã ngấm vào máu thịt, trở thành bản chất con người hắn.

⇒ Trịnh Hâm: độc ác, bất nhân, bất nghĩa.

2. Việc làm nhân đức của Ông Ngư

- Vân Tiên được Giao Long “dìu đỡ” và gặp được gia đình nhà ông Ngư cứu sống.

- Hành động: cả nhà nhốn nháo, hối hả lo chạy chữa để cứu sống Vân Tiên, mỗi người mỗi việc. Đó chính là tình cảm chân thành của gia đình ông Ngư đối với người bị nạn.

- Khi biết được tình cảnh của Vân Tiên:

+ Ông Ngư sẵn sàng cưu mang chàng.

+ Khi cứu mạng không cần đền đáp.

- Tấm lòng bao dung, vị tha, hào hiệp của ông Ngư đối lập với tính ích kỉ, nhỏ nhen, độc ác của Trịnh Hâm.

- Cuộc sống của gia đình ông Ngư: cuộc sống không danh lợi “rày doi mai vịnh vui vầy”, tránh xa những tính toan nhỏ nhen, ích kỉ.

⇒ Tác giả gửi gắm khát vọng, niềm tin vào cái thiện của người dân lao động. Lên án cái xấu, cái ác đang lấp sau những mũ cao, áo dài của bọn người có địa vị cao sang.

D. Bài văn phân tích Lục Vân Tiên gặp nạn 

Lục Vân Tiên là tác phẩm thơ Nôm tiêu biểu của Nguyễn Đình Chiểu dựng lên bức tranh đối lập giữa những người cương trực, khẳng khái, vị tha, trọng nghĩa hiệp như Lục Vân Tiên, Kiều Nguyệt Nga và những kẻ độc ác, đầy lòng đố kị, ghen ghét như Trịnh Hâm, Bùi Kiệm. Qua đó, ông bày tỏ quan niệm của mình về lẽ công bằng và cái thiện sẽ luôn chiến thắng cái ác. Đoạn trích “Lục Vân Tiên gặp nạn” đã thể hiện xuất sắc quan niệm ấy của nhà thơ.

Đoạn trích nằm ở phần thứ hai của truyện thơ. Trên đường về quê chịu tang mẹ, khóc nhiều nên Vân Tiên đã bị mù cả hai mắt, chàng và tiểu đồng bơ vơ nơi đất khách quê người. Đúng lúc này, Trịnh Hâm trên đường đi thi trở về gặp được hai người. Vì tâm địa xấu xa, ghen ghét, hắn đã không giúp bạn bè khi gặp hoạn nạn mà còn lập mưu hãm hại Vân Tiên. Hắn lừa tiểu đồng vào rừng rồi trói lại, giả bộ đưa Vân Tiên xuống thuyền, hứa sẽ đưa về nhà. Đợi lúc đêm xuống, hắn thực hiện tội ác của mình. Đoạn thơ thể hiện sự đối lập giữa cái thiện và cái ác, đồng thời gián tiếp gửi gắm lòng tin của tác giả đối với những người lao động bình thường.

Tám câu thơ đầu của đoạn trích miêu tả hành động tội ác của Trịnh Hâm:

Đêm khuya lặng lẽ như tờ,

Nghênh ngang sao mọc mịt mờ sương bay.

Trịnh Hâm khi ấy ra tay,

Vân Tiên bị gã xô ngay xuống vời.

Trịnh Hâm giả tiếng kêu trời,

Cho người thức dậy lấy lời phui pha.

Trong thuyền ai nấy kêu la,

Đều thương họ Lục xót xa tấm lòng.

Trong hoàn cảnh “đêm khuya lặng lẽ như tờ” - đêm hôm khuya khoắt, yên lặng không một tiếng động, người người còn đang say giấc nồng, Trịnh Hâm đã ra tay để hại Vân Tiên. Dường như đó là thời điểm thuận lợi để những kẻ xấu xa thực hiện tội ác của mình bởi chúng dễ dàng che giấu mọi hành vi tội lỗi. Vì tính độ kị, ghen ghét tài năng của Vân Tiên và lo lắng cho con đường tiến thân của mình, Trịnh Hâm đã ra tay phân tán thầy trò và bất ngờ khiến “Vân Tiên bị gã xô ngay xuống vời”. Không chỉ vậy, hắn còn vu khống “giả tiếng kêu trời” để mọi người thức dậy nghĩ rằng Vân Tiên tự mình bị ngã. Có thể nói, đó là hành động vừa bất nhân, bất nghĩa, vừa độc ác và gian xảo. Đó là hành động bất nhân bởi hắn đang tâm ác lòng hại người khác trong khi người ấy đang rơi vào hoàn cảnh hoạn nạn, không nơi nương tựa, bị mù hai mắt, bị lang băm lừa lấy hết tiền. Đó là hành động bất nghĩa bởi Vân Tiên từng là người bạn từng đàm đạo thơ văn, hứa hẹn đưa Vân Tiên về nhà. Đó còn là hành động độc ác, gian xảo bởi cái ác đã ăn vào máu thịt, đẩy con người ta vào đau đớn còn sẵn sàng phủi tay khiến người khác hiểu lầm. Chỉ với tám dòng thơ, bộ mặt của một kẻ độc ác, bất nhân, bất nghĩa đã được tái hiện một cách chân thực và toàn diện nhất.

Trịnh Hâm được khắc họa với tính cách tiểu nhân, lươn lẹo, cả sự độc ác, vô lương tâm thì cũng ở trong đoạn trích này, Nguyễn Đình Chiểu cũng đã xây dựng được những tấm lòng vị tha, nhân hậu của những con người rất đỗi bình thường song lại vô cùng trọng tình nghĩa. Mà cụ thể ở đây là gia đình của Ngư ông:

Hối con vầy lửa một giờ

Ông hơ bụng dạ, mụ hơ mặt mày

Nếu Trịnh Hâm lên cả một kế hoạch dài, diễn cả một vở kịch để hại người thì gia đình Ngư ông thấy người bị nạn, không hề suy tính, so đo mà dốc hết sức cứu người xa lạ. Các từ như “hối con”, “ông hơ bụng dạ”, “mụ hơ mặt mày” thể hiện được sự gấp gáp, khẩn trương của hành động cứu người. Dù không hề biết Vân Tiên là ai, nhưng gia đình ông lão vẫn tận lòng cứu giúp bằng cả tấm lòng. Nếu ở trên ta thấy ghê sợ với hành động nhẫn tâm của Hâm thì đến đoạn thơ này ta lại cảm động, thấy ấm lòng vì tấm lòng thương người của gia đình ông lão. Khi được gia đình Ngư ông cứu giúp, Vân Tiên đã rất cảm động trước những tấm lòng đẹp đó và trăn trở không biết lấy gì ra mà báo đáp thì câu nói của ngư ông càng làm cho vẻ đẹp phẩm chất của ông đáng được trân trọng:

Ngư rằng: Lòng lão chẳng mơ

Dốc lòng nhân nghĩa há chờ trả ơn

Đến đây, ta cũng có thể thấy được sự tương đồng trong quan điểm sống của Ngư ông và Lục Vân Tiên. Vân Tiên cũng quan niệm “Làm ơn há dễ trông người trả ơn”. Có lẽ, vì tấm lòng nhân đức, giúp người một cách vô tư mà Vân Tiên cũng được báo đáp, đúng như câu nói “Ở hiền gặp lành”. Ở lại với gia đình Ngư ông, Lục Vân Tiên đã cảm nhận được cái bình yên, tìm kiếm được ý nghĩa của cuộc sống, cũng suy nghĩ thông suốt được nhiều việc:

Nước trong rửa ruột sạch trơn

Một câu danh lợi cho sờn lòng đây

Rày doi mai vịnh vui vầy

Ngày kia hứng gió đêm này chơi trăng

Đoạn thơ thể hiện được sự thanh thản, vô tư khi sống cuộc sống chan hòa với thiên nhiên, những khúc mắc, những điều trăn trở, u uất trong lòng cũng được Vân Tiên gỡ bỏ “rửa ruột sạch trơn”. Và với Vân Tiên, danh lợi bây giờ cũng chỉ là thứ phù hoa, không thể “sờn lòng đây”. Cuộc sống ẩn dật, vui sống với cuộc sống lao động bình thường, nhịp sống của cuộc sống ẩn dật tự do tự tại mới thực sự là ý nghĩa.

Thơ văn của Nguyễn Đình Chiểu vẫn luôn luôn như thế, bình dị, nhẹ nhàng mà chạm đến bao trái tim người đọc bởi những ý nghĩa và giá trị đầy đẹp đẽ mà nó mang lại. “Lục Vân Tiên gặp nạn”- một thi phẩm được viết bằng thể thơ dân tộc bằng tất cả sự nhiệt huyết, lòng mong ước về một cuộc sống bình yên, tốt đẹp với những người lương thiện. Và cao hơn thế nữa là sự ca ngợi và khơi dậy lòng trắc ẩn trong trái tim mỗi chúng ta khi sống giữa đời sống hôm nay.

E. Một số lời bình về tác phẩm Lục Vân Tiên gặp nạn 

1. Lục Vân Tiên là một tiếng chửi, một lời ca, một ước mơ.

(Hoài Thanh)

2. Xã hội trong Lục Vân Tiên là một xã hội suy yếu, loạn lạc: bọn độc ác, phản trắc, trộm cướp nổi lên khắp nơi, hãm hại những người dân lương thiện; vua bất tài, gian thần lộng hành; giặc ngoài xâm lược; đất nước lâm nguy. (…) Ngòi bút của Nguyễn Đình Chiểu đã nghiêm khắc phê phán xã hội đã “Khiến dân đến nỗi sa hầm sẩy hang” đó. Nguyễn Đình Chiểu nói về nhân nghĩa, song đây không phải là nhân nghĩa chung chung, mà là nhân nghĩa gắn bó với dân thường, được người dân thường phù trợ. 

(Lê Chí Dũng, Từ điển văn học)

3. Lục Vân Tiên là một bản trường ca ca ngợi chính nghĩa, những đạo đức đáng quý, đáng trọng ở đời…

(Phạm Văn Đồng)

Bài viết liên quan

1064