Sơ đồ tư duy Tiếng nói của văn nghệ dễ nhớ, ngắn gọn

Sơ đồ tư duy bài Tiếng nói của văn nghệ Ngữ văn lớp 9 hay nhất, dễ nhớ, ngắn gọn với đầy đủ sơ đồ tư duy, tác giả, tác phẩm, dàn ý phân tích và bài văn phân tích mẫu giúp học sinh dễ dàng hệ thống hóa, củng cố kiến thức các tác phẩm trong chương trình Ngữ văn lớp 9.

557


A/ Tác giả Tác phẩm bài Tiếng nói của văn nghệ

I. Tác giả

- Nguyễn Đình Thi (1924-2003), quê ở Hà Nội.

- Là người nghệ sĩ đa tài, Nguyễn Đình Thi sáng tác nhiều thể loại: thơ, nhạc, văn xuôi, kịch, tiểu luận phê bình và ở thể loại nào cũng có những đóng góp đáng ghi nhận. 

- Trước cách mạng: ông là thành viên của tổ chức Văn hóa- cứu quốc

- Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật (1996)

II. Tìm hiểu tác phẩm

1. Thể loại: nghị luận

2. Xuất xứ, hoàn cảnh sáng tác

Tiểu luận Tiếng nói của văn nghệ được Nguyễn Đình Thi viết năm 1948, in trong cuốn Mấy vấn đề văn học (lí luận phê bình, xuất bản năm 1956).

3. Bố cục: 3 phần

- Phần 1: Từ đầu đến “của tâm hồn”: Nội dung phản ánh của văn nghệ.

- Phần 2: Tiếp theo đến “Tiếng nói của tình cảm”: Vai trò, ý nghĩa của văn nghệ đối với đời sống con người.

- Phần 3: Còn lại: Con đường đến với văn nghệ và sức mạnh diệu kì của nó.

4. Giá trị nội dung

Bài tiểu luận bàn về nội dung của văn nghệ và sức mạnh kì diệu của nó đối với đời sống của con người, giúp con người được sống phong phú hơn và tự nhiên hoàn thiện nhân cách tâm hồn mình.

5. Giá trị nghệ thuật

- Bài viết có bố cục khá chặt chẽ, được thể hiện qua hệ thống luận điểm logic, mạch lạc. Giữa các luận điểm vừa có sự tiếp nối tự nhiên vừa bổ sung, giải thích cho nhau.

- Cách viết giàu hình ảnh, ví von, cụ thể, sinh động.

B.Sơ đồ tư duy bài Tiếng nói của văn nghệ

Hỏi đáp VietJack

C. Dàn ý phân tích bài Tiếng nói của văn nghệ

1. Nội dung phản ánh của văn nghệ

- Là thực tại khách quan và nhận thức mới mẻ. 

- Văn nghệ phản ánh hiện thực cuộc sống nhưng văn nghệ không chỉ phản ánh khách quan cái hiện thực ấy mà còn biểu hiện cái chủ quan của người sáng tác – qua lăng kính của tác giả. 

Anh gửi vào tác phẩm một lá thư, một lời nhắn nhủ, anh muốn đem một phần mình góp vào đời sống chung quanh để làm nổi bật luận điểm này, tác giả đã đưa ra 2 dẫn chứng: 

+ Hai câu thơ tả cảnh mùa xuân tươi đẹp trong Truyện Kiều của Nguyễn Du – đây không chỉ là tả cảnh mùa xuân mà còn là sự rung động của Nguyễn Du trước cảnh mùa xuân đem đến cho người đọc sự sống, tuổi trẻ… 

+ Cái chết của nhân vật An-na Ca-rê-nhi-na khiến người đọc bâng khuâng, thương cảm. 

→ Người đọc đã nhận ra được tư tưởng, tình cảm của người nghệ sĩ gửi vào cái hiện thực cuộc sống ấy. Chính lời nhắn gửi toát lên từ hiện thực khách quan được biểu hiện trong tác phẩm đã đem đến cho người đọc một nhận thức mới mẻ. 

⇒ Phép lập luận phân tích cùng với những dẫn chứng tiêu biểu cụ thể, Nguyễn Đình Thi cho thấy: nội dung văn nghệ là phản ánh hiện thực. Hiện thực ấy mang tính hình tượng cụ thể, sinh động, là đời sống, tư tưởng, tình cảm của con người thông qua cái nhìn và tình cảm của người nghệ sĩ. 

2. Vai trò, ý nghĩa của văn nghệ đối với đời sống con người.

- Văn nghệ giúp cho con người có cuộc sống đầy đủ hơn, cảm thấy cuộc đời đẹp hơn và có ý nghĩa hơn: 

+ Văn nghệ giúp con người tự nhận thức chính bản thân mình, giúp ta sống đầy đủ, phong phú hơn cuộc sống của chính mình. 

+ Trong những trường hợp con người bị ngăn cách giữa cuộc sống, tiếng nói của văn nghệ là sợi dây buộc chặt họ với cuộc đời thường bên ngoài với tất cả những sự sống, hành động vui buồn, gần gũi. 

+ Văn nghệ góp phần làm tươi mát sinh hoạt khắc khổ hằng ngày, giữ cho đời vẫn tươi. Tác phẩm văn nghệ giúp cho con người vui lên, biết rung động và ước mơ trong cuộc đời còn vất vả, cực nhọc. 

+ Đem tới cả thời đại cách sống tâm hồn. 

⇒ Văn nghệ rất cần thiết đối với cuộc sống của mỗi người chúng ta. 

3. Con đường đến với văn nghệ và sức mạnh diệu kì của nó.

- Nghệ thuật là tiếng nói của tình cảm. 

- Chỗ đứng của văn nghệ chính là chỗ giao nhau giữa tâm hồn con người với cuộc sống sản xuất, chiến đấu; là ở tình yêu ghét, nỗi buồn vui trong đời sống tự nhiên với đời sống xã hội.

- Nghệ thuật là tư tưởng nhưng là tư tưởng đã được nghệ thuật hóa – tư tưởng cụ thể sinh động, lắng sâu, kín đáo chứ không lộ liễu, khô khan, áp đặt. 

⇒ Tác phẩm văn nghệ lay động cảm xúc, đi vào nhận thức, tâm hồn người đọc bằng con đường tình cảm. Qua tác phẩm văn nghệ, chúng ta sống cùng cuộc sống được miêu tả trong đó, được yêu ghét, buồn vui đợi chờ, cùng với các nhân vật và người nghệ sĩ.

D. Bài văn phân tích bài Tiếng nói của văn nghệ

   Chúng ta nhắc đến Nguyễn Đình Thi không chỉ với tư cách là một nhà thơ mà còn nhắc đến ông với tư cách là một nhà văn, nhà soạn kịch, sáng tác nhạc, một nhà lí luận phê bình văn học. Ông đã có rất nhiều đóng góp cho kho tàng văn chương Việt Nam. Về lĩnh vực lí luận phê bình nói riêng, Nguyễn Đình Thi đã ghi dấu ấn khó quên trong lòng bạn đọc bởi lối viết giản dị, giàu hình ảnh, tiêu biểu phải kể đến bài tiểu luận “Tiếng nói của văn nghệ”. Bài tiểu luận này được ông viết năm 1948 và in trong tập “Mấy vấn đề văn học” xuất bản năm 1956.

   Nguyễn Đình Thi đã chỉ ra nội dung của văn nghệ thông qua luận điểm mở đầu bài tiểu luận: “Tác phẩm nghệ thuật nào cũng xây dựng bằng những vật liệu mượn ở thực tại. Nhưng nghệ sĩ không những ghi lại cái đã có rồi mà còn muốn nói một điều gì mới mẻ. “Anh gửi vào tác phẩm một lá thư, một lời nhắn nhủ, anh muốn đem một phần của mình góp vào đời sống chung quanh”. Văn học luôn được chắp cánh từ hiện thực, đời sống thực tại trở thành vật liệu để các nghệ sĩ gửi gắm những thông điệp của mình. Ông đã đưa ra hai dẫn chứng được lấy từ hai tác phẩm nổi tiếng của hai tác giả vĩ đại để tăng tính thuyết phục cho luận điểm. Hai dẫn chứng đó là những câu thơ trong “Truyện Kiều” của đại thi hào Nguyễn Du và nhân vật An-na Ca-rê-nhi-na trong cuốn tiểu thuyết cùng tên của Lép Tôn-xtôi. Văn nghệ phản ánh cuộc sống chân thực, những con người, số phận trong tác phẩm văn học cũng phần nào phản ánh con người ngoài thực tế. Nhưng với đặc trưng là tính sáng tạo nên ngoài việc thể hiện chân thực cuộc sống trên những trang viết, người nghệ sĩ còn làm cho những hình ảnh, hình tượng trở nên sinh động hơn. Chỉ với hai câu thơ:

“Cỏ non xanh tận chân trời
 Cành lê trắng điểm một vài bông hoa”

   Nguyễn Du đã khiến bạn đọc “rung động với cái đẹp lạ lùng mà tác giả đã nhìn thấy trong cảnh vật, rung động với cảnh thiên nhiên mỗi mùa xuân lại như tái sinh, tươi trẻ mãi, và cảm thấy trong lòng ta có những sự sống tươi trẻ luôn tái sinh ấy”. Hiện ra trước mắt bạn đọc là bức tranh thiên nhiên tươi đẹp, hài hòa về màu sắc của mùa xuân tràn đầy sức sống. Trên nền cỏ xanh mướt đến mãi chân trời điểm xuyết “một vài” bông lê trắng, màu trắng tinh khôi ấy đã tạo điểm nhấn cho toàn bộ bức tranh. Hay về nhân vật An-na Ca-rê-nhi-na cũng khiến chúng ta “không còn cần biết gì thêm, mà vẫn còn ngồi mãi trước trang sách chưa muốn gấp, đầu óc bâng khuâng nặng những suy nghĩ”. Sự thành công của người nghệ sĩ chính là ở điều đó, chính là khi đã kết thúc tác phẩm, kết thúc cuộc đời, số phận của nhân vật mà người đọc còn tiếc nuối, rung cảm.

   Tác phẩm văn học không phải là những lí thuyết khô khan mà nó còn đem đến cho chúng ta những rung động, sự ngỡ ngàng trước những điều vốn rất quen thuộc. Tác giả Nguyễn Đình Thi thật xác đáng khi ông khái quát được: “Lời gửi của văn nghệ không những là một bài học luân lí hay một triết lí về đời người, hay những lời khuyên xử thế, hay một sự thực tâm lí, hoặc xã hội”. Thông qua văn nghệ, chúng ta biết được “bao nhiêu bộ mặt con người trước kia ta chưa nhìn thấy, bao nhiêu vẻ mới mẻ, bao nhiêu vấn đề mà ta ngạc nhiên tìm ra ngay trong tâm hồn chúng ta nữa”. Qua cách nhìn của người nghệ sĩ, hiện thực được hiện lên mang tính cụ thể và sinh động. Nó không chỉ đơn thuần là những gì xảy ra trong đời sống mà còn là những rung cảm, nhận thức của người sáng tạo và tiếp nhận.

   Văn nghệ có một sức mạnh kì diệu đối với đời sống con người: “Mỗi tác phẩm lớn như rọi vào bên trong chúng ta một ánh sáng riêng, không bao giờ nhòa đi, ánh sáng ấy bấy giờ biến thành của ta, và chiếu tỏa lên mọi việc chúng ta sống, mọi con người ta gặp, làm cho ta thay đổi hẳn mắt ta nhìn, óc ta nghĩ”. Văn nghệ giúp chúng ta có cái nhìn phong phú hơn, đúng đắn hơn với bản thân và cuộc đời. Nó làm cho cuộc sống con người luôn vui tươi qua những câu hát ru, hát ghẹo hay qua những buổi xem chèo,... Nó còn giúp con người vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, sự ngăn cách của hoàn cảnh, những cực nhọc, vất vả của cuộc sống. Không có văn nghệ, cuộc sống con người sẽ trở nên nghèo nàn, buồn tẻ. Một tiếng hát cất lên giữa buổi cày đồng nắng gắt cũng giúp nhân dân quên đi phần nào mệt mỏi để tiếp tục lao động, sản xuất và chiến đấu. Văn nghệ đã “truyền lại và gieo vào bóng tối” những cuộc đời lam lũ, cực nhọc một ánh sáng và lay động những tình cảm ở họ, giúp cho tâm hồn họ được sống. Văn nghệ không thể tồn tại xa lìa cuộc sống. Nó phản ánh đời sống tinh thần, là tiếng nói của “tình yêu ghét, niềm vui buồn, ý đẹp xấu trong đời sống thiên nhiên và đời sống xã hội” của con người.

   Nghệ thuật không thể nào thiếu tư tưởng. Tư tưởng trong văn nghệ “nảy ra” từ trong cuộc sống, và “thấm” trong tất cả cuộc sống. Tư tưởng của văn nghệ mang tính đặc thù, “không lộ liễu và khô khan”. Một câu thơ, một trang truyện, một vở kịch, một bức tranh, một bản đàn, làm cho cảm xúc chúng ta “rung động”, rồi sẽ khơi dậy trong trí óc ta “những vấn đề suy nghĩ”. Tư tưởng trong nghệ thuật được thể hiện một cách tinh tế, “náu mình yên lặng”. Vì thế, “một bài thơ hay không bao giờ ta đọc qua một lần mà bỏ xuống được”, nó níu giữ mãi trong lòng ta.

   Văn nghệ là một loại tuyên truyền “rất đặc biệt”. Văn nghệ “truyền điện” thẳng vào tâm hồn ta. Nó làm cho con người “vui buồn nhiều hơn, yêu thương và căm hờn được nhiều hơn, tai mắt biết nhìn, biết nghe thêm tế nhị, sống được nhiều hơn”. Nghệ thuật “giải phóng được cho con người”, nghệ thuật “xây dựng đời sống tâm hồn cho xã hội”. Thật vậy, tư tưởng là nơi cao quý mà tiếng nói của văn nghệ hướng tới. Có điều “văn nghệ là một thứ tuyên truyền, không tuyên truyền nhưng lại hiệu quả và sâu sắc hơn cả”. Văn nghệ là một thứ tuyên truyền bằng ngôn ngữ, hình tượng, cảm xúc..., nhưng nó “không tuyên truyền” bằng “tri thức trừu tượng”, nhà nghệ sĩ “không mở một cuộc thảo luận lộ liễu và khô khan với chúng ta về một vấn đề khoa học hay triết học”. Ví dụ, Truyện Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu đã lấy cuộc đời của Lục Vân Tiên và Kiều Nguyệt Nga để nói về trung, hiếu, tiết, hạnh, “một thứ tuyên truyền không tuyên truyền” là như vậy.

   Bài tiểu luận của Nguyễn Đình Thi thành công trước tiên do bố cục hết sức chặt chẽ, hợp lí và cách dẫn dắt vấn đề rất tự nhiên. Ngôn ngữ giàu hình ảnh, có nhiều dẫn chứng bằng thơ văn, bằng câu chuyện thực tế để khẳng định và tăng sức thuyết phục, sức hấp dẫn cho bài viết. Giọng văn toát lên thái độ chân thành, say sưa, giàu nhiệt huyết của tác giả. Qua bài viết này, chúng ta hiểu được nội dung tiếng nói của văn nghệ và sức mạnh kì diệu của nó đối với đời sống con người; đồng thời hiểu thêm cách viết một bài văn nghị luận văn học ngắn gọn, chặt chẽ và giàu hình ảnh.

E. Một số lời bình về tác phẩm Tiếng nói của văn nghệ

1. Theo tôi, trong văn học cần hội đủ ba yếu tố: giáo dục, nhận thức và thẩm mĩ. Nhưng không nên bị quá câu nệ vào điều này. Một nhà văn chân chính không bao giờ dạy đời mà bắt người ta phải suy ngẫm. Vì thế nền tảng của bất kì tác phẩm nào phải là chân lí được khắc họa bằng tất cả tài nghệ của nhà văn. Cần phải hát đúng giai điệu của thời đại mình và phải miêu tả nó một cách trung thực bằng những hình ảnh hấp dẫn, không chút giả tạo. […] Nỗi băn khoăn và trăn trở là cái nghiệp của nhà văn. Nếu chỉ có một điều trăn trở thì chưa đủ, cần phải thể hiện suy nghĩ và tình cảm để trong tác phẩm xuất hiện hạt nhân duy lí. Hòa quyện tình cảm với duy lí là điều không đơn giản. Tuy nhiên nhà văn không chỉ cần phải biểu hiện những cảm xúc của mình, mà hơn thế, phải biết khơi dậy ở người đọc những cảm xúc đó. 

(Lòng nhân ái cốt lõi của văn học, báo Văn nghệ, số 49 – 2004)

2. Bài thơ nói về thơ ca:

THƠ CA

Có công việc làm, hẳn có lúc ngừng tay

Có cuộc hành trình, phải có mươi phút nghỉ

Thơ vửa là nghỉ ngơi, vừa là việc đầy lao lực

Thơ là chỗ dừng chân, vừa là cuộc hành trình.

 

Thơ như bài hát ru, ngây ngất đầu giường thơ bé

Như mơ ước mùa cuân, như khát vọng chiến công

Tôi yêu thơ và thơ liền hiển hiện

Thơ sinh ra, tình yêu cũng đến cùng.

 

Khi tôi nhỏ, thơ giống như bà mẹ

Tôi lớn lên, thơ lại giống người yêu

Chăm sóc tuổi già, thơ sẽ làm con gái

Lúc từ giã cõi đời, kỉ niệm hóa thơ lưu.

 

Có lúc thơ như trái núi cao không thể tới,

Có lúc thành cánh chim sà đậu xuống lòng tay

 

Thơ như đôi cánh nâng tôi bay

Thơ là vũ khí trong trận đánh

Là tất cả, thơ ơi, chỉ trừ không chịu là yên tĩnh!

Tôi nguyện suốt đời trung thực sống cho thơ…

 

Là công việc tận cùng? Là rảnh rỗi bắt đầu?

Là cuộc hành trình ư? Hay chỉ là chỗ nghỉ?

Tôi chỉ biết với tôi, thơ vẫn là hai về:

Rảnh rỗi và việc làm; chỗ nghỉ với hành tinh…

(Ra-xun Gam-da-tốp, Đa-ghe-xtan của tôi, NXB Cầu vồng, Mát-x cơ-va, 1984)

Bài viết liên quan

557