Sơ đồ tư duy Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ dễ nhớ, ngắn gọn

Sơ đồ tư duy bài Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ Ngữ văn lớp 9 hay nhất, dễ nhớ, ngắn gọn với đầy đủ sơ đồ tư duy, tác giả, tác phẩm, dàn ý phân tích và bài văn phân tích mẫu giúp học sinh dễ dàng hệ thống hóa, củng cố kiến thức các tác phẩm trong chương trình Ngữ văn lớp 9.

644


A/ Tác giả Tác phẩm bài Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ

I. Tác giả

- Nguyễn Khoa Điềm (1943), quê ông ở Thừa Thiên Huế trong gia đình trí thức cách mạng.
 - Nguyễn Khoa Điềm là gương mặt tiêu biểu trong thế hệ các nhà thơ chống Mĩ.

- Thơ Nguyễn Khoa Điềm không cầu kì về hình thức, câu chữ tự nhiên, đời thường, lời thơ nhẹ nhàng, tha thiết nhưng cũng đậm chất suy tư, dồn nén cảm xúc, thể hiện tâm tư của người trí thức tham gia vào cuộc chiến đấu của nhân dân.

- Tác phẩm tiêu biểu: “Đất ngoại ô” (thơ, 1973), “Cửa thép” (kí, 1972), “Mặt đường khát vọng” (trường ca, 1974)….

II. Tìm hiểu chung tác phẩm

1. Thể loại: Thơ tự do

2. Hoàn cảnh sáng tác, xuất xứ:

- Bài thơ được Nguyễn Khoa Điềm sáng tác năm 1971 – những năm tháng quyết liệt của cuộc kháng chiến chống Mĩ. Giai đoạn này, cuộc sống của bộ đội và nhân dân ta trên các chiến khu rất gian nan, thiếu thốn. Ở những chiến khu miền rừng núi, cán bộ và nhân dân ta vừa bám rẫy, bám rừng vừa gia tăng sản xuất, vừa sẵn sàng chiến đấu bảo vệ căn cứ.

3. Bố cục: 3 phần:

- Phần 1: (11 câu đầu): Lời ru khi mẹ giã gạo.

- Phần 2: (11 câu tiếp): Lời ru khi lao động sản xuất.

- Phần 3: (12 câu cuối): Lời ru khi mẹ cùng dân làng tham gia chiến đấu.

4. Giá trị nội dung

Bài thơ là khúc hát ru, cũng là lời tâm tình tha thiết của người mẹ Tà – ôi đối với đứa con yêu đang từng ngày lớn lên trên lưng mẹ. Bài thơ bộc lộ tình yêu thương đằm thắm của người mẹ đối với con, tình cảm gắn bó với quê hương, với cuộc sống lao động và chiến đấu nơi núi rừng chiến khu, dù còn gian nan vất vả; đồng thời gửi gắm ước vọng con mau lớn khôn, khỏe mạnh, trở thành công dân của một đất nước tự do.

5. Giá trị nghệ thuật

Bài thơ như những điệp khúc của lời ru vừa ngọt ngào, trìu mến vừa tha thiết, mãnh liệt, với mỗi khúc ru lại mở ra một trường cảm xúc mới. Bài thơ có nhiều hình ảnh đẹp, giàu sức biểu đạt và biểu cảm.

B.Sơ đồ tư duy bài Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ

Hỏi đáp VietJack

C. Dàn ý phân tích bài Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ

1. Tình cảm của người mẹ Tà-ôi trong khúc hát ru thứ nhất

- Hình ảnh người mẹ dân tộc Tà-ôi xuất hiện trong công việc vô cùng vất vả, nặng nhọc:

+ Hình ảnh “nhịp chày nghiêng” giàu giá trị tạo hình, gợi lên vóc dáng nghiêng nghiêng trong công việc của mẹ.

+ Hình ảnh “giấc ngủ em nghiêng” gợi về một giấc ngủ chao nghiêng, đung đưa theo nhịp chày của mẹ.

+ Giữa những hình ảnh liệt kê: “mồ hôi, vai gầy” để đặc tả, tô đậm sự vất vả trong lao động của mẹ.

- Giữa những công việc vất vả như thế, tình yêu thương mẹ dành cho con càng thêm sâu sắc: 

+ Hình ảnh “vai mẹ gầy” gợi vóc dáng mẹ gầy, lam lũ của mẹ nhưng cũng chính đôi vai gầy ấy cũng chính là chiếc gối đưa con vào giấc ngủ êm.

+ Câu thơ “lưng đưa nôi và tim hát thành lời” là hình ảnh mới lạ của bà mẹ Tà-ôi đưa nôi cho con bằng tấm lưng và hát bằng cả trái tim yêu thương sâu lắng.

- Trong lời ru của mẹ, mẹ đã gửi gắm, mong muốn bao điều tốt đẹp cho con:

+ Mẹ thương con, yêu con sâu sắc và tình thương của mẹ cứ lớn dần và được chuyển hóa, mở rộng sang tình thương bộ đội.

+ Hình ảnh “hạt gạo trắng ngần” mẹ mơ gợi lên một cuộc sống no đủ, êm đềm sẽ đến với con.

+ Hình ảnh “vung chày lún sân” cho thấy mẹ không chỉ mong con có một cuộc sống no đủ mà còn ước con khỏe mạnh, lao động giỏi.

⇒ Khúc hát ru thứ nhất đã cho thấy tấm lòng bao la, vĩ đại của người mẹ, mẹ vừa là mẹ, vừa là gia đình, vừa là người mẹ của kháng chiến, của đất nước.

2. Lời ru khi lao động sản xuất

- Hình ảnh “lưng núi thì to mà lưng mẹ nhỏ” là một hình ảnh tương phản:

+ Gợi thiên nhiên, khung cảnh mênh mông, heo hút của núi rừng Ka-lưi.

+ Gợi vóc dáng nhỏ bé, hao gầy của mẹ trong lao động, sản xuất.

⇒ Câu thơ đã nhấn mạnh sự nhọc nhằn, vất vả của mẹ.

- Tác giả đã sáng tạo hình ảnh ẩn dụ “Mặt trời của mẹ” để diễn tả tình yêu thương vô bờ bến của mẹ:

+ “Mặt trời của bắp” đó là mặt trời thực của thiên nhiên, của vũ trụ tỏa hơi ấm đến muôn nơi.

+ “Mặt trời của mẹ” là sự sáng tạo độc đáo, ẩn dụ cho con. Mẹ muốn nói con chính là nguồn sáng, là niềm hạnh phúc, sự ấm áp của đời mẹ.

- Từ tình thương con, mẹ mở rộng sang tình thương bộ đội và sang cả buôn làng.

- “Hạt bắp lên đều” ẩn dụ cho cuộc sống no đủ mà mẹ mong ước.

- Câu thơ “mai sau con lớn, phát mười Ka-lưi” gợi về một ngày rất gần, con sẽ trưởng thành, khỏe mạnh phi thường, đem sự no ấm cho muôn làng.

⇒ Ước mơ và tình yêu của mẹ cứ mở rộng dần đã cho thấy tấm lòng, sự hi sinh vĩ đại của mẹ.

3. Lời ru khi mẹ cùng dân làng tham gia chiến đấu

- Hình ảnh liệt kê “chuyển lán”, “đạp rừng” gợi hình ảnh người mẹ đang bảo vệ căn cứ, di chuyển lực lượng để kháng chiến lâu dài với tinh thần quyết tâm vào lòng tin thắng lợi:

+ Hình ảnh liệt kê: “anh trai cầm súng”, “chị gái cầm chông”, “mẹ địu em đi”:

+ Gợi lên một gia đình, dân tộc đang anh dũng đứng lên chống kẻ thù chung.

+ Cho thấy sự lớn mạnh, trưởng thành vượt bậc của quân đội ta trong cuộc kháng chiến chống Mĩ. Chúng ta tập hợp được một lực lượng đông đảo, thuộc mọi tầng lớp từ già trẻ, gái trai cùng tham gia chiến đấu.

⇒ Từ tình thương con mẹ mở ra tình yêu quê hương, đất nước. Từ tình cảm gia đình riêng tư mẹ hòa hợp với tình cảm chung rộng lớn của dân tộc, đất nước.

- Xuất phát từ tình cảm lớn lao, tấm lòng cao cả ấy, mẹ đã mơ về con những ước mơ lớn lao, vĩ đại:

+ Mẹ mơ “được thấy Bác Hồ” là mẹ mong muốn cho con sớm trưởng thành và tìm thấy được chân lí, con đường đúng đắn.

+ Ước mơ tha thiết nhất, mãnh liệt nhất của mẹ là con được “làm người Tự do”, sống trong một dân tộc làm chủ được vận mệnh của mình.

⇒ Qua lời ru, lần lượt hiện lên những công việc, tấm lòng của người mẹ. Người mẹ ấy bền bỉ trong công việc lao động và quyết tâm trong công cuộc bảo vệ đất nước.

D. Bài văn phân tích Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ

Từ xa xưa, tình mẫu tử đã trở thành đề tài quen thuộc của văn học, là nguồn cảm hứng sáng tác bất tận của các nhà văn, nhà thơ. Trong kho tàng văn học Việt Nam, nhắc đến tác phẩm viết về tình cảm thiêng liêng cao đẹp này không thể không nhắc tới bài thơ “Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ” của Nguyễn Khoa Điềm. Bài thơ là lời tâm tình tha thiết của người mẹ Tà-ôi. Qua đó bộc lộ tình yêu thương sâu sắc của mẹ dành cho con, tình cảm gắn bó với quê hương, với cuộc sống lao động và chiến đấu trong cuộc kháng chiến chống Mỹ nhiều gian khổ.

      “Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ” ra đời vào năm 1971, ngay trong những năm tháng quyết liệt của kháng chiến chống Mỹ. Bài thơ không những là tác phẩm tiêu biểu trong tập “Đất và khát vọng” của Nguyễn Khoa Điềm mà còn là lời ru đầy ngọt ngào, da diết dành cho những em bé lớn lên trên lưng mẹ. Những lời ru chan chứa tình thương ấy đã mở ra một không gian mới đậm đà bản sắc của người Tà-ôi. Xuyên suốt bài thơ là hình ảnh người mẹ dân tộc địu đứa con nhỏ trên lưng trong mọi công việc, mọi giai đoạn cùng nhau vượt qua bao gian khổ của cuộc sống và chiến đấu, thể hiện sự gắn bó khăng khít và sâu nặng của tình mẹ con. Mở đầu bằng lời ru nhịp nhàng yêu thương của mẹ:

Em cu Tai ngủ trên lưng mẹ ơi

Em ngủ cho ngoan đừng rời lưng mẹ.

Không giống như những đứa trẻ khác, những em bé Tà-ôi nằm ngủ trong tấm nôi địu trên lưng mẹ. Câu thơ cất lên lời hát thân thương vỗ về lại như lời tâm tình nhắn nhủ âu yếm, đưa em bé vào giấc ngủ say nồng để mẹ yên tâm lao động sản xuất, phục vụ sự nghiệp chiến đấu đang giai đoạn nước sôi lửa bỏng:

Mẹ giã gạo mẹ nuôi bộ đội

Nhịp chày nghiêng giấc ngủ em nghiêng.

Nhà thơ vẽ lên trước mắt người đọc một khung cảnh tuyệt đẹp và đầy cảm động. Nhịp thơ 3/4 nhẹ nhàng đều đều giống như nhịp ru à ơi trên cánh võng nhỏ, tạo cảm giác ngọt ngào tha thiết. Từ “nghiêng” được điệp lại hai lần trong cùng một câu tái hiện chân thực hình ảnh người mẹ vừa giã gạo vừa địu con. Hiện thực cuộc chiến nhiều khó khăn gian khổ, mẹ yêu quê hương nên tham gia phục vụ kháng chiến, giã gạo để nuôi các chú bộ đội.

Thế nhưng, tình yêu mẹ dành cho con chưa bao giờ vơi bớt, ngay trong hoàn cảnh ấy, mẹ vẫn yêu thương con da diết. Nỗi vất vả nhọc nhằn hiện lên ở cả mẹ và con:

Mồ hôi mẹ rơi má em nóng hổi

Vai mẹ gầy nhấp nhô làm gối

Lưng đưa nôi và tim hát thành lời

Mặc dù trong hoàn cảnh vất vả, mẹ phải địu em ở trên lưng để làm việc nhưng tình yêu của mẹ dành cho con vô cùng sâu sắc. Hai mẹ con đều cùng chung nhịp đập, cùng chung trái tim, cùng chung nhịp chày giã gạo của mẹ. Đôi vai gầy của mẹ “nhấp nhô làm gối”, “lưng làm nôi” và “tim hát thành lời”. Nếu ở đoạn thơ thứ nhất là hình ảnh mẹ làm lụng chăm chỉ để nuôi bộ đội kháng chiến thì đến khổ thơ thứ hai, hình ảnh người mẹ địu con tỉa bắp trên núi Ka-lưi lại khắc họa người mẹ làm công việc lao động sản xuất của người dân ở nơi chiến khu. 

Trong mọi thời điểm, dù mẹ làm việc gì, tình yêu bao la ấy vẫn vẹn nguyên đầy thiêng liêng, xúc động. Ngay cả những ngày leo đèo tỉa bắp, trái tim bao dung của mẹ vẫn dịu dàng ngân vang khúc hát ru cho A-kay, bởi vì em chính là nguồn sống, là động lực mạnh mẽ của mẹ:

Mặt trời của bắp thì nằm trên núi

Mặt trời của mẹ em nằm trên lưng.

Nguyễn Khoa Điềm đã khéo léo lồng ghép hình ảnh ẩn dụ “mặt trời” mang lại những rung động sâu sắc, ngợi ca tình mẫu tử thiêng liêng, cao đẹp. Mặt trời của bắp rạng rỡ ánh dương trên núi cao. Mặt trời của mẹ lại chính là con. Con là mặt trời tỏa nắng, soi rọi và sưởi ấm trái tim mẹ, là hạnh phúc là cội nguồn sự sống và sức mạnh của mẹ. Bắp lớn lên nhờ ánh sáng mặt trời tự nhiên. Mẹ sống và chiến đấu vì mặt trời trên lưng – con yêu của mẹ. Khúc hát ru vẫn nhịp nhàng đầy da diết, tình yêu của người mẹ Tà-ôi tiếp tục lắng sâu trong những mơ ước nhỏ nhoi gửi gắm. Từng lời thơ, từng nhịp ngắt nghỉ đều giúp chúng ta cảm nhận được sự dịu dàng bao la của tấm lòng người mẹ:

Ngủ ngoan a-kay ơi

Ngủ ngoan a-kay hỡi

Những lời ru được nhắc đi nhắc lại trong da diết như một điệp khúc yêu thương:

Con mơ cho mẹ hạt gạo trắng ngần

Mai sau con lớn vung chày lún sân…

Con mơ cho mẹ hạt bắp lên đều

Mai sau con lớn phát mười Ka-lưi

Những năm tháng kháng chiến chống Mỹ đầy gian nan, khốc liệt. Điểm tựa của mẹ chính là con. Dù nhỏ bé, dù chưa thể cất tiếng thành lời, con vẫn là động lực giúp mẹ vượt mọi khó khăn, thử thách để sống, lao động và tham gia kháng chiến. Ước mong của mẹ giản đơn, mộc mạc nhưng vô cùng cao đẹp.

      Mẹ mong con yêu bình an khôn lớn, trở thành một chàng trai khỏe mạnh. Mai này có đủ sức mạnh “vung chày lún sân”, “phát mười Ka-lưi”. Con trong mơ ước của mẹ dường như thấp thoáng dáng hình sử thi của những người anh hùng trong thần thoại. Đồng thời cũng giống như hình ảnh quy tụ sức mạnh dân tộc từ ngàn đời xưa. Ước mơ của người mẹ Tà-ôi vừa chứa đựng mong muốn cho con một cuộc đời bình an, hạnh phúc vừa gửi gắm khát vọng tương lai thắng lợi của kháng chiến. Điều này được thể hiện vô cùng rõ ràng trong lời ru khép lại bài thơ:

Con mơ cho mẹ được thấy Bác Hồ

Mai sau con lớn làm người Tự do…

Yêu quê hương, mẹ ước mơ về một ngày thống nhất đất nước. Mẹ sinh ra trong đói nghèo, nô lệ, mẹ trưởng thành trong muôn vàn gian khổ chiến tranh, con lại là nguồn sống của mẹ. Vì thế ước vọng lớn nhất của mẹ là con được trở thành công dân của đất nước tự do thống nhất. Tình cảm ấy thật thiêng liêng, cảm động. Đó là giấc mơ tình thương, giấc mơ về ấm no, hạnh phúc, giấc mơ chiến thắng.

Bài thơ khép lại nhưng âm điệu ngọt ngào vẫn còn ngân vang mãi. Nguyễn Khoa Điềm đã thành công xây dựng kết cấu bài theo khúc ru. Lời thơ như những lời ru ngọt ngào, giọng thơ tha thiết cùng nhiều từ gọi, từ xưng hô trìu mến (ơi, hỡi) và nhịp thơ chầm chậm. Ngoài ra tác giả kết hợp nhuần nhuyễn bút pháp miêu tả và biểu cảm, sử dụng khéo léo nhiều hình ảnh thơ đẹp, giàu sức biểu cảm. Từ đó tái hiện chân thực hiện thực sống và chiến đấu gian khổ của đồng bào dân tộc trong kháng chiến chống Mỹ. Đặc biệt, bài thơ thể hiện sâu sắc tình yêu thương con và ngợi ca vẻ đẹp của những người mẹ Tà-ôi, gắn bó và tình nguyện hi sinh để đóng góp chung vào công cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Bài thơ Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ xứng đáng là bài ca lòng mẹ Việt Nam. Mọi đứa con chỉ có thể lớn lên bằng dòng sữa, bằng lời ru, tình thương của mẹ. Bài thơ của Nguyễn Khoa Điềm là tượng đài tráng lệ về bà mẹ Việt Nam Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang. Nó nhắc nhở mỗi chúng ta ghi sâu trong lòng tình cảm kính yêu và biết ơn người mẹ hiền của mỗi chúng ta, tự hào về bà mẹ Việt Nam.

E. Một số lời bình về tác phẩm Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ

1. Cả một chiến dịch đánh Mĩ như đổ dồn lên những vần thơ. Hình tượng người mẹ Tà-ôi được nâng lên thành hình tượng người mẹ Tổ quốc. Khoác lên vai mẹ, giờ đây là một nhiệm vụ mới, một tư thế tầm vóc mang tính thời đại – thời đại lịch sử cách mạng Việt Nam. 

(Nhà văn và tác phẩm trong nhà trường, Ngô Thị Bích Phượng)

2. Đoạn thơ nói về hình ảnh người mẹ trong kháng chiến:

Chợ xa mẹ gánh mớ rau xanh

Thêm bó truyền đơn gọi đấu tranh

Bãi cát vàng thau in bóng mẹ

Chiều về… Hòn Nẹ… biển reo quanh!

Sóng hãy gầm lên, gió thét lên!

Triều dâng! Chèo mạnh, thuyền ơi thuyền!

Vui chăng, hỡi mẹ, đời vui đó:

Cờ đỏ ta lay động mọi miền!

Nhưng một đêm mưa, ướt bãi cồn

Lính về, lính trói cả hai con

Máu con đỏ cát đường thôn lạnh

Bóng mẹ ngồi trông, vọng nước non!

Ôi bóng người xưa, đã khuất rồi

Tròn đôi nấm đất trắng chân đồi

Sống trong cát, chết vùi trong cát

Những trái tim như ngọc sáng ngời!

Đốt nén hương thơm, mát dạ Người

Hãy về vui chút, mẹ Tơm ơi!

Nắng tươi xóm ngói, tường vôi mới

Phấp phới buồm going, nắng biển khơi…

(Mẹ Tơm – Tố Hữu)

Bài viết liên quan

644