Bài tập Sinh sản vô tính, hữu tính ở động vật có lời giải

Bài tập Sinh sản vô tính, hữu tính ở động vật có lời giải Sinh học lớp 11 với đầy đủ lý thuyết, phương pháp giải và bài tập có lời giải cho tiết sẽ giúp học sinh nắm được Bài tập Sinh sản vô tính, hữu tính ở động vật có lời giải

889
  Tải tài liệu

Bài tập Sinh sản vô tính, hữu tính ở động vật có lời giải

 

 

Câu 1: Tại sao chưa thể tạo ra được những cá thể mới từ tế bào hoặc mô của động vật có vú ?

Trả lời :

    Động vật có vú là nhóm động vật có tổ chức cơ thể tiến hoá nhất, nghĩa là tính biệt hoá (phân hoá về cấu tạo, chuyên hoá về chức năng) của các bộ phận trong cơ thể là cao cấp nhất. Đặc điểm trên góp phần làm hoàn thiện hoạt động chuyển hoá vật chất, giúp chúng thích nghi cao với điều kiện sống nhưng ngược lại cũng chính vì lí do này mà việc nuôi cấy mô, tế bào ở động vật có vú lại mất đi tính khả thi bởi mỗi mẫu nuôi cấy khi ở trạng thái biệt hoá cao không có khả năng “thoái lui”, trở về trạng thái chưa biệt hoá (khi mà tế bào tồn tại tính toàn năng) để bắt đầu cho một chu trình sống mới.

Câu 2: Sinh sản vô tính ở thực vật và động vật có điểm gì giống nhau ?

Trả lời :

   Sinh sản vô tính ở thực vật và động vật giống nhau ở những điểm sau :

   - Đều không có sự kết hợp giữa giao tử đực và giao tử cái.

   - Đều tạo ra cơ thể mới dựa trên cơ sở nguyên phân.

   - Đều tạo ra thế hệ con có đặc điểm di truyền giống nhau và giống hệt mẹ.

Câu 3: Sinh sản vô tính có ưu điểm và hạn chế gì ?

Trả lời :

   Ưu điểm của sinh sản vô tính :

   - Cá thể sống độc lập, đơn lẻ vẫn có thể tạo ra con cháu, vì vậy có lợi trong trường hợp mật độ quần thể thấp.

   - Tạo ra các cá thể mới giống nhau và giống cá thể mẹ về mặt di truyền, giúp duy trì các tính trạng tốt qua nhiều thế hệ.

   - Tạo ra những cá thể thích nghi tốt với môi trường sống ổn định, ít biến động.

   Hạn chế của sinh sản vô tính :

   - Vì thế hệ sau có đặc điểm di truyền và thích nghi giống hệt nhau nên khi điều kiện sống thay đổi đột ngột theo hướng bất lợi cho các đặc điểm thích nghi cũ thì sẽ dẫn đến tình trạng hàng loạt cá thể bị diệt vong, thậm chí là “xoá sổ” cả quần thể.

Câu 4: Vì sao trong ghép mô, dạng dị ghép (ghép mô giữa hai cơ thể có sự bất đồng về mặt sinh học) lại không thể thành công ?

Trả lời :

    Trong ghép mô, dạng dị ghép (ghép mô giữa hai cơ thể có sự bất đồng về mặt sinh học) khó thành công vì khi mô lạ ghép vào cơ thể người nhận thì do khả năng miễn dịch đối với những prôtêin lạ mà hàng rào tự vệ của người nhận mô ghép sẽ sản xuất ra kháng thể tiêu diệt hoặc ức chế sự phát triển của các tế bào mô ghép. Kết quả là mô ghép này sẽ không thể tồn tại và phát triển trên cơ thể người nhận.

Câu 5: Sinh sản vô tính ở động vật đa bào bậc thấp có gì khác biệt so với sinh sản vô tính ở động vật đa bào bậc cao ?

Trả lời :

    Ở động vật đa bào bậc thấp, cơ thể mới được hình thành từ một tế bào hoặc mô nào đó trên cơ thể gốc còn ở động vật đa bào bậc cao, hình thức sinh sản vô tính rất hiếm gặp, chỉ thể hiện trong giai đoạn phát triển phôi sớm (từ một phôi ban đầu tác thành 2 hoặc nhiều phôi, sau đó mỗi phôi phát triển thành một cơ thể mới nhờ nguyên phân) hoặc trinh sinh (Trong hình thức sinh sản đặc biệt này, giao tử cái (trứng) có thể phát triển thành một cơ thể mới mà không qua thụ tinh).

Hỏi đáp VietJack

Câu 6: Thụ tinh trong có ưu thế gì so với thụ tinh ngoài ?

Trả lời :

    Ở thụ tinh trong, tinh trùng được phóng thích một cách có định hướng vào cơ quan sinh dục của con cái nên các giao tử này sẽ có sức sống và được bảo vệ tốt hơn, khả năng tiếp cận với trứng cao hơn và do đó mà hiệu suất thụ tinh cũng cao hơn hẳn. Ngược lại, trong thụ tinh ngoài do tinh trùng phải bơi trong nước nên khả năng sống sót cũng như tiếp cận trứng kém hơn. Đây cũng là một trong những lý do giải thích tại sao động vật thụ tinh ngoài thường đẻ rất nhiều trứng.

Câu 7: Mang thai và sinh con ở thú có điểm nào ưu việt hơn so với sự đẻ trứng của các động vật khác ?

Trả lời :

   So với sự đẻ trứng ở các động vật khác thì mang thai và sinh con ở thú có một số ưu điểm sau :

   - Chất dinh dưỡng nuôi phôi được nhận trực tiếp từ cơ thể mẹ thông qua nhau thai. Đây là nguồn dinh dưỡng cực lớn và ổn định nên phôi thai phát triển rất tốt trong bụng mẹ.

   - Thai nhi phát triển trong bụng mẹ sẽ được tránh được các tác nhân gây hại như vật ăn thịt, sự thay đổi nhiệt độ, vi sinh vật,…Do đó khả năng sống sót của con non sẽ cao hơn hẳn so với các động vật đẻ trứng.

Câu 8: Trong quá trình tiến hoá, động vật chuyển từ đời sống dưới nước lên trên cạn sẽ gặp phải trở ngại gì về mặt sinh sản ? Trở ngại đó đã được khắc phục như thế nào ?

Trả lời :

    Khi chuyển từ nước lên cạn, thụ tinh ngoài sẽ không thực hiện được vì khi không có nước vây quanh, trứng sẽ bị khô, dễ bị hư hại do các tác nhân bên ngoài như ánh sáng, nhiệt độ, vi khuẩn,…. Để khắc phục trở ngại này, giới Động vật đã tiến hoá theo hướng chuyển từ thụ tinh ngoài sang thụ tinh trong ; đẻ trứng có vỏ bọc dày hoặc phôi thai phát triển trong cơ thể mẹ.

Câu 9: Vì sao nói giao phối tiến hoá hơn tự phối ?

Trả lời :

    Nói giao phối tiến hoá hơn tự phối vì trong giao phối có sự kết hợp giữa hai loại giao tử có nguồn gốc khác nhau nghĩa là có sự tổ hợp vật chất di truyền, tạo ra các biến dị tổ hợp mới, có giá trị ở thế hệ sau. Các biến dị tổ hợp này sẽ có phản ứng khác nhau trước những thay đổi của điều kiện môi trường nên khả năng thích nghi của thế hệ sau ở giao phối cũng vì thế mà cao hơn hẳn so với tự phối.

Câu 10: Quá trình sinh sản hữu tính diễn ra theo những hướng tiến hoá cơ bản nào ?

Trả lời :

   Sinh sản hữu tính tiến hoá theo một số hướng như sau :

   - Về phương thức thụ tinh : từ tự phối (tự thụ tinh) đến giao phối (thụ tinh chéo).

   - Về các hình thức sinh sản : từ đẻ trứng sang đẻ trứng thai rồi đến đẻ con.

Câu 11: Tại sao chưa thể tạo ra được những cá thể mới từ tế bào hoặc mô của động vật có vú ?

Trả lời :

    Động vật có vú là nhóm động vật có tổ chức cơ thể tiến hoá nhất, nghĩa là tính biệt hoá (phân hoá về cấu tạo, chuyên hoá về chức năng) của các bộ phận trong cơ thể là cao cấp nhất. Đặc điểm trên góp phần làm hoàn thiện hoạt động chuyển hoá vật chất, giúp chúng thích nghi cao với điều kiện sống nhưng ngược lại cũng chính vì lí do này mà việc nuôi cấy mô, tế bào ở động vật có vú lại mất đi tính khả thi bởi mỗi mẫu nuôi cấy khi ở trạng thái biệt hoá cao không có khả năng “thoái lui”, trở về trạng thái chưa biệt hoá (khi mà tế bào tồn tại tính toàn năng) để bắt đầu cho một chu trình sống mới.

Câu 12: Em hãy trình bày sơ lược cơ chế ngừa thai của viên uống tránh thai.

Trả lời :

    Thành phần chính của viên uống tránh thai chính là prôgestêron và ơstrôgen. Khi uống thuốc tránh thai hằng ngày, nồng độ các hoocmôn prôgestêron và ơstrôgen nhân tạo trong máu tăng cao dẫn đến hiện tượng ức chế ngược lên tuyến yên và vùng dưới đồi khiến hai bộ phận trên giảm tiết GnRH, LH và FSH. Khi nồng độ GnRH, LH và FSH giảm thì sẽ mất đi yếu tố kích thích trứng chín hay quá trình rụng trứng bị bất hoạt. Khi trứng không rụng thì khả năng gặp gỡ tinh trùng và trứng gần chạm đến mức 0. Điều đó cũng có nghĩa là chúng ta sẽ phòng tránh được việc mang thai ngoài ý muốn.

Câu 13: Rối loạn sản xuất hoocmôn FSH, LH, ơstrôgen và prôgestêron có ảnh hưởng đến quá trình rụng trứng hay không ? Tại sao ?

Trả lời :

    FSH và LH là hai hoocmôn của tuyến yên có vai trò kích thích nang trứng phát triển, làm cho trứng chín và rụng ; nồng độ prôgestêron và ơstrôgen trong máu lại có tác dụng điều hoà ngược lên sự sản xuất FSH, LH của tuyến yên. Do đó, sự rối loạn trong hoạt động sản xuất của cả 4 hoocmôn này đều ảnh hưởng đến quá trình rụng trứng.

Bài viết liên quan

889
  Tải tài liệu