đọc thông tin dưới đây và nêu sự kiện tiêu biểu (nổi bật) của tỉnh đồng tháp trong kháng chiến chống Mĩ ( nêu sự kiện thông ko cần giải thích , dài dòng)
II. ĐỒNG THÁP TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG MĨ, CỨU NƯỚC (1954
– 1975)
1. Đấu tranh giữ gìn lực lượng, tiến tới phong trào Đồng Khởi (1955 – 1960)
a) Bối cảnh lịch sử
Sau Hiệp định Giơnevơ năm 1954, cách mạng Việt Nam chuyển sang giai đoạn mới – giai đoạn cả nước thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà.
Thi hành nghiêm chỉnh Hiệp định, từ giữa tháng 8 đến cuối tháng 10/1954, cán bộ và chiến sĩ ta hoạt động ở miền Trung và Đông Nam Bộ tập trung về Đồng Tháp Mười và vùng nội khu tập kết ở Cao Lãnh để lên tàu tập kết ra Bắc.
Cuối năm 1956, theo chỉ đạo của Liên Tỉnh uỷ miền Trung Nam Bộ, Tỉnh uỷ Sa Đéc được chia ra để thành lập Tỉnh uỷ Kiến Phong và Tỉnh uỷ Sa Đéc – Tam Cần – Vĩnh Long.
Đến tháng 8/1957, ta hợp nhất ba tỉnh Sa Đéc, Tam Cần và Vĩnh Long thành tỉnh Vĩnh Long. Từ đây đến tháng 8/1974, các huyện phía nam sông Tiền của tỉnh Sa Đéc (cũ) được đặt dưới sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ Vĩnh Long.
Trong khi đó, đế quốc Mĩ ra sức phá hoại Hiệp định, hất cẳng Pháp, lập chính quyền Việt Nam Cộng hoà (còn gọi là chính quyền Sài Gòn) do Ngô Đình Diệm đứng đầu, nhằm biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự. Từ đầu năm 1955, chính quyền Ngô Đình Diệm bắt đầu triển khai các hoạt động khống chế, kìm kẹp nhân dân, thực hiện chính sách “tố cộng", "diệt cộng”.
Về tổ chức chính quyền, chúng thành lập tỉnh Phong Thạnh trên phần đất phía bắc sông Tiền, sau đổi thành Kiến Phong với 6 quận (Hồng Ngự, Đồng Tiến, Thanh Bình, Cao Lãnh, Kiến Văn và Mỹ An); sáp nhập phần đất phía nam sông Tiền của tỉnh Sa Đéc vào Vĩnh Long.
Về mặt quân sự, chúng mở nhiều chiến dịch tấn công vào các vùng căn cứ cách mạng, đàn áp các giáo phái đối lập,...
Đến đầu năm 1959, với việc ban hành “Luật 10/59”, Mĩ – Diệm đã đặt những người cộng sản ra ngoài vòng pháp luật, thẳng tay đàn áp, bắt giam và giết hại quần chúng cách mạng.
– Tình hình Đồng Tháp sau Hiệp định Giơnevơ có gì mới?
b) Phong trào đấu tranh của quân dân Đồng Tháp
Để bảo vệ thành quả cách mạng, chống lại sự vi phạm hiệp định của địch, từ đầu năm 1955 đến năm 1959, ở Đồng Tháp đã có hàng trăm cuộc đấu tranh lớn nhỏ đòi chính quyền Ngô Đình Diệm phải tôn trọng và thi hành hiệp định, đòi các quyền tự do, dân sinh, dân chủ, chống bắt lính, chống bầu cử quốc hội bù nhìn,...
Trước tình hình Mĩ – Diệm tăng cường đàn áp, khủng bố cách mạng, được cấp trên hướng dẫn, Tỉnh uỷ quyết định thành lập các đơn vị vũ trang hoạt động dưới danh nghĩa giáo phái. Mặt khác mở nhiều đợt vũ trang tuyên truyền, kết hợp với du kích, cơ sở quần chúng để tiêu diệt bọn ác ôn, tề xã, công an, gián điệp, tiến lên đấu tranh vũ trang,...
Ngày 26/9/1959, tại Giồng Thị Đam – Gò Quản Cung, một đại đội của Tiểu đoàn 502 đã diệt gọn hai đại đội thuộc Trung đoàn 43 Sư đoàn 23 chủ lực Việt Nam Cộng hoà.
Trong những tháng cuối năm 1959 và đầu năm 1960, quân và dân Kiến Phong – Sa Đéc liên tục tiến công và nổi dậy giành quyền làm chủ. Đặc biệt, đêm 19/12/1959, phân đội đặc công của Tiểu đoàn 502 đã đánh sập Tháp Mười tầng – đài quan sát tầm xa của địch, mở một địa bàn căn cứ rộng lớn, liên hoàn từ Cao Lãnh, Mỹ An đến biên giới Việt Nam – Campuchia.
Tháng 12/1959, sau Hội nghị quán triệt Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng, Liên Tỉnh ủy miền Trung Nam Bộ chủ trương phát động các tỉnh đồng loạt khởi nghĩa.
Tính đến cuối năm 1960, toàn tỉnh Kiến Phong giải phóng hoàn toàn xã Thanh Mỹ, giải phóng cơ bản và giành quyền làm chủ với mức độ khác nhau ở 8 xã khác. Vùng giải phóng hình thành thế liên hoàn từ biên giới xuống tới vùng hậu Thanh Bình, Cao Lãnh, Mỹ An. Các huyện phía nam sông Tiền, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy Vĩnh Long đã nổi dậy đồng khởi vào ngày 14–9–1960, giải phóng cơ bản 6 xã. Vùng chữ V huyện Châu Thành trở thành căn cứ địa vững chắc.
Ngày 20/12/1960, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời, đảm đương sứ mệnh, tiếp tục thúc đẩy cách mạng miền Nam tiến lên. Ở Đồng Tháp, Mặt trận tỉnh được thành lập tháng 11–1961, tạo nên khí thế phấn khởi trong cán bộ, chiến sĩ và nhân dân.
Phong trào Đồng khởi trên địa bàn Đồng Tháp đã thu được những thành quả gì?
2. Đấu tranh chống chiến lược chiến tranh đặc biệt (1961 – 1965) của Mĩ
a) Đấu tranh chống kế hoạch bình định, gom dân lập ấp chiến lược
của địch
Từ giữa năm 1961, Mĩ – Diệm thực hiện kế hoạch Xtalây – Taylo nhằm bình định miền Nam Việt Nam trong 18 tháng. Đây là kế hoạch thuộc giai đoạn một trong chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của Mĩ, trong đó lập ấp chiến lược được coi là quốc sách. Đến cuối năm 1962, địch đã xây dựng được 79 ấp chiến lược, một số khu dinh điền trên toàn tỉnh Kiến Phong.
Trong 6 tháng đầu năm 1963, tại huyện Thanh Bình, địch đã hoàn thành về cơ bản việc gom dân lập ấp chiến lược. Tại huyện Hồng Ngự, địch dồn được hàng ngàn dân các xã Thường Lạc, Thường Phước, Bình Thạnh, Long Thuận, Phú Thuận, Long Khánh, An Bình, Tân Hộ Cơ,... Tại Cao Lãnh, địch lập ấp chiến lược ven thị xã, đóng đồn lấn chiếm ở các xã Mỹ Xương, Mỹ Thọ, Mỹ Hiệp. Ngoài ra, địch còn lập được 6 điểm dinh điền, lập vành đai ấp chiến lược ở ven sông Nha Mân và sông Cái Tàu,...
Đối phó với âm mưu, thủ đoạn của địch, cả hai Tỉnh uỷ Kiến Phong và Vĩnh Long đều chủ trương đấu tranh vũ trang kết hợp đấu tranh chính trị. Dưới sự lãnh đạo của các đảng bộ địa phương, quần chúng nhân dân Đồng Tháp đã tiến hành nhiều cuộc đấu tranh, tiêu biểu là các cuộc đấu tranh ngày 4/10/1960 ở các huyện Hồng Ngự, Thanh Bình, Mỹ An, Cao Lãnh (gồm 4 000 người kéo vào thị xã Cao Lãnh); cuộc đấu tranh ngày 7–01–1961 ở các huyện trong tỉnh Kiến Phong (gồm 6 000 người); cuộc đấu tranh ngày 5/3/1961 với quy mô toàn tỉnh (khoảng 14 000 người),...
Kết hợp với đấu tranh chính trị, các lực lượng vũ trang của tỉnh cũng tổ chức nhiều trận đánh. Chỉ riêng trong tháng 3/1961, Đại đội 271 đã phá tan khu dinh điền Sa Rài (Hồng Ngự); Tiểu đoàn 502 diệt gọn trung đội biệt kích của Chi khu Mỹ An và phục kích diệt một đại đội, đánh thiệt hại một đại đội khác, bắn rơi 2 máy bay tại Thiện Mỹ (Cao Lãnh); nhân dân các xã mới giải phóng của huyện Hồng Ngự xây dựng xã, ấp chiến đấu, cùng bộ đội địa phương và du kích đánh lui nhiều cuộc càn quét, tái chiếm của địch,...
Trong năm 1963, ta mở liên tiếp ba đợt tấn công phá ấp chiến lược. Sau ba đợt tấn công, ta đã chuyển từ thế bị động sang thế chủ động tấn công, ngăn chặn được âm mưu dồn dân lập ấp của địch, mở rộng và củng cố vùng giải phóng....
b) Đấu tranh chống kế hoạch Giônxơn – Mác Namara
Không thực hiện được mục tiêu kế hoạch Xtalây – Taylo, Mĩ – Diệm buộc phải chuyển sang thực hiện kế hoạch Giônxơn – Mác Namara, bình định miền Nam có trọng điểm trong hai năm (1964 –1965) với biện pháp chủ yếu là dùng lực lượng quân sự mạnh, càn quét đánh bật lực lượng ta ra xa, tạo điều kiện đóng đồn lấn chiếm để gom dân, chủ yếu là khoanh dân tại chỗ lập ấp chiến lược, lập “vành đai trắng”.
Trong năm 1964, tỉnh mở cao điểm hoạt động mùa khô, tấn công liên tục và toàn diện. Các lực lượng vũ trang của tỉnh đánh nhiều trận, loại khỏi vòng chiến đấu hàng nghìn tên, bắn cháy nhiều máy bay, xe M113, tàu chiến, diệt và bức rút hàng chục đồn, giải phóng nhiều vùng nông thôn,...
Cùng với hoạt động quân sự, các cấp uỷ Đảng trong tỉnh còn chỉ đạo phát động phong trào đấu tranh chính trị rộng khắp (mít tinh, biểu tình, vận động nguỵ quân về với cách mạng,...). Phong trào xây dựng xã, ấp chiến đấu được đẩy mạnh dưới nhiều hình thức. Công tác xây dựng, phát triển tổ chức Đảng trên địa bàn tỉnh, chăm lo đời sống nhân dân trong vùng giải phóng thu được nhiều kết quả khả quan, góp phần cùng quân dân toàn miền Nam đánh bại chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của Mĩ.
– Nêu thủ đoạn triển khai chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của Mĩ – chính quyền Sài Gòn trên địa bàn Đồng Tháp.
– Quân dân Đồng Tháp đã góp phần đánh bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” như thế nào?
3. Đấu tranh chống chiến lược chiến tranh cục bộ (1965 – 1968) và chiến lược Việt Nam hoá chiến tranh (1969 – 1973) của Mĩ
a) Góp phần Đánh bại chiến lược “Chiến tranh cục bộ” (1965 – 1968)
của Mĩ
Đến đầu năm 1965, trước sự phá sản của chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, đế quốc Mĩ chuyển sang tiến hành chiến lược mới, gọi là “Chiến tranh cục bộ” ở miền Nam, ồ ạt đưa quân Mĩ và quân đồng minh vào tham chiến.
Năm 1966, chính quyền Việt Nam Cộng hoà khôi phục lại tỉnh Sa Đéc, gồm có bốn quận: Lấp Vò, Đức Thịnh (gồm cả tỉnh lị Sa Đéc), Đức Thành, Đức Tôn.
Tại Kiến Phong và Sa Đéc, Mĩ thiết lập thêm nhiều trận địa pháo, tăng cường tàu chiến tuần tiễu trên sông Tiền, sông Hậu, kinh An Long; xây dựng nhiều căn cứ, trung tâm huấn luyện biệt kích, sân bay dã chiến, tiến hành hàng ngàn cuộc hành quân càn quét vào các vùng căn cứ, vùng giải phóng của ta.
Trong năm 1965, mặc dù tình hình mới biến chuyến phức tạp, gây cho ta không ít khó khăn, ta cũng chủ động tổ chức đánh một số trận, tiêu diệt hàng trăm tên, rút ra được nhiều kinh nghiệm chiến trường quý báu,...
Sang năm 1966, các lực lượng vũ trang Kiến Phong tác chiến 584 trận, loại khỏi vòng chiến đấu hàng ngàn tên (trong đó nhiều lính Mĩ), phá huỷ hàng chục máy bay, tàu chiến, xe M113, thuyền bay,... của địch.
Tại các huyện phía nam sông Tiền, dưới sự chỉ đạo của Tỉnh uỷ Vĩnh Long, ta cũng hoạt động rất mạnh, tổ chức đánh nhiều trận lớn. Điển hình là ngày 17/6/1966, Tiểu đoàn 857 nổ súng, chiến đấu quyết liệt với hai tiểu đoàn thuộc Trung đoàn 16/F9 và tiểu đoàn biệt động quân số 43 của địch. Trong tháng 11/1966, tiểu đoàn tập kích địch ở xã Tân Xuân (Sa Đéc); tập kích Liên đội 3 bảo an tại xã Mỹ An Hưng,...
Sau cuộc phản công chiến lược mùa khô lần thứ nhất (1965 – 1966) bị thất bại nặng, cuối năm 1966 đầu năm 1967, Mĩ mở cuộc phản công chiến lược lần thứ hai nhằm giành thắng lợi trong kế hoạch hai gọng kìm “tìm diệt” và “bình định”.
Để đối phó, ta phát triển thế trận chiến tranh nhân dân rộng khắp, tiến công kẻ thù bằng ba mũi giáp công chính trị, quân sự, binh vận. Trong năm 1967, lực lượng vũ trang của tỉnh đã đánh 418 trận lớn nhỏ, loại khỏi vòng chiến đấu hàng ngàn tên, phá huỷ hàng chục máy bay, xe pháo, thu nhiều vũ khí, đạn dược, quân trang, quân dụng,... của địch.
Tháng 12/1967, Bộ Chính trị Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương mở cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, lấy đô thị làm mục tiêu chính, nhằm đánh bại chiến lược “chiến tranh cục bộ”.
Trước khi nổ ra cuộc Tổng tiến công và nổi dậy, tỉnh thành lập thêm tiểu đoàn 502B, 4 đại đội độc lập, nhiều trung đội, đại đội dân quân du kích. Tỉnh uỷ chỉ đạo gấp rút củng cố các cơ sở quần chúng, nắm cơ sở binh vận và cơ sở nội ứng, chuẩn bị khởi nghĩa.
Do điều kiện chuẩn bị gặp khó khăn nên đêm 31/01/1968 (mùng 2 Tết), ta mới nổ súng tấn công vào thị xã Cao Lãnh, chậm hơn một ngày so với quy định nổ súng của toàn Miền.
Cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 diễn ra tại Đồng Tháp theo hai đợt. Đợt một từ ngày 31/01/1968 đến ngày 4/5/1968; đợt hai từ ngày 5/5/1968 đến tháng 7/1968. Trong điều kiện lực lượng tại chỗ của địch có số quân nhiều hơn ta gấp 10 lần, có hệ thống phòng thủ vững chắc trong thị xã, thị trấn, ta vẫn kiên quyết tấn công, tuy chưa chiếm được thị xã, thị trấn nhưng quân dân trong tỉnh đã góp phần cùng toàn Miền và cả nước làm nên thắng lợi Tết Mậu Thân 1968, buộc đế quốc Mĩ phải xuống thang chiến tranh và chấp nhận đàm phán với ta tại Hội nghị Paris (Pháp). – Việc quân Mĩ và Đồng minh trực tiếp tham chiến ở miền Nam Việt Nam tạo nên thử thách thế nào đối với quân dân Đồng Tháp?
– Quân dân Đồng Tháp đã làm gì để góp phần đập tan hai cuộc phản công mùa khô 1965 – 1966 và 1966 – 1967 của địch?
– Cho biết diễn biến chính và ý nghĩa của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 trên địa bàn Đồng Tháp.
b) Góp phần Đánh bại chiến lược “Việt Nam hoá chiến tranh” của Mĩ (1969 – 1973)
Từ năm 1969, Mĩ chuyển sang thực hiện chiến lược “Việt Nam hoá chiến tranh” nhằm xây dựng, trang bị tối đa cho quân đội và chính quyền Sài Gòn để từng bước rút dần quân Mĩ khỏi miền Nam Việt Nam.
Trong hoàn cảnh gay go ác liệt, Đảng bộ tỉnh vẫn giữ vững truyền thống bám đất, bám dân, bám chiến trường, vượt qua mọi gian khổ hi sinh, lãnh đạo quân và dân trong tỉnh phát động cao trào tiến công, nổi dậy mạnh mẽ.
Liên tục từ năm 1969 đến năm 1972, các lực lượng vũ trang tỉnh đã tác chiến đánh địch hàng ngàn trận lớn nhỏ, loại khỏi vòng chiến đấu hàng chục ngàn tên (trong đó có hàng ngàn lính Mĩ và lính các nước đồng minh của Mĩ), phá huỷ nhiều phương tiện chiến tranh, tiêu diệt hàng trăm lượt đồn bốt, thu nhiều súng đạn và khí tài quân sự,...
Thắng lợi trong giai đoạn này của quân và dân trong tỉnh đã góp phần cùng cả nước đập tan về cơ bản chiến lược “Việt Nam hoá chiến tranh” của đế quốc Mĩ.
Quân dân Đồng Tháp đã góp phần đánh bại chiến lược “Việt Nam hoá chiến tranh” như thế nào?
4. Đấu tranh chống chiến dịch phá hoại Hiệp định Pari, tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh (1973 – 1975)
a) Đánh bại chương trình “tràn ngập lãnh thổ” của chính quyền Sài Gòn (1973 – 1974)
Do bị thất bại nặng nề trong thực hiện chiến lược “Việt Nam hoá chiến tranh” ở miền Nam cùng những thiệt hại lớn trong cuộc tập kích chiến lược 12 ngày đêm bằng không quân vào Thủ đô Hà Nội, ngày 27/01/1973, đế quốc Mĩ buộc phải kí Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam.
Tuy nhiên, Mĩ – chính quyền Sài Gòn vẫn ngoan cố phá hoại Hiệp định, kéo dài chiến tranh. Chúng thực hiện chương trình “tràn ngập lãnh thổ”, ra sức lấn chiếm vùng giải phóng, đồng thời tăng cường cướp bóc, vơ vét, bắt lính, khủng bố, kìm kẹp quần chúng trong vùng chúng tạm thời kiểm soát. Ta kiên quyết đánh trả, bẻ gãy hầu hết các mũi lấn chiếm của địch, giữ vững vùng giải phóng và mở rộng quyền kiểm soát ra vùng tranh chấp. Liên tiếp trong ba cao điểm của cuộc tấn công mùa khô năm 1974, ta đã mở rộng vùng giải phóng, nối liền từ Mỹ An lên Hồng Ngự và với các tỉnh.
Để tạo thế gắn bó giữa các vùng, tháng 8/1974, Trung ương Cục Miền Nam giải thể tỉnh Kiến Phong, thành lập tỉnh Sa Đéc và tỉnh Long Châu Tiền.
b) Tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh (năm 1975)
Trong hai ngày 15 và 16/4/1975, Tỉnh uỷ Sa Đéc họp khẩn cấp tại Khu căn cứ Xẻo Quýt, tập trung thảo luận Nghị quyết đặc biệt và Mệnh lệnh Tổng công kích, Tổng khởi nghĩa của Trung ương Cục, đề ra những biện pháp đặc biệt nhằm động viên tối đa tinh thần, lực lượng, tập trung tấn công địch để phối hợp, hưởng ứng Chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng Sài Gòn – đầu não của địch.
11 giờ 30 ngày 30/4/1975, mặt trận Sài Gòn toàn thắng. Tổng thống Việt Nam Cộng hoà Dương Văn Minh buộc phải tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, quân địch ở các nơi hoang mang rệu rã. Ban chỉ huy chiến dịch của Tỉnh lệnh cho hai Tiểu đoàn 502A và 502B phối hợp cùng lực lượng địa phương, du kích và lực lượng chính trị của quần chúng từ nhiều mũi tiến vào thị xã Sa Đéc.
Đến 7 giờ sáng ngày 1/5/1975, quân ta đã tiếp quản và làm chủ hoàn toàn thị xã Sa Đéc. Các vùng lân cận cũng nhanh chóng được giải phóng.
Ở thị xã Cao Lãnh, Tiểu đoàn 3 của tỉnh phối hợp cùng lực lượng biệt động, du kích chia làm ba mũi tiếp cận thị xã từ chiều ngày 30/4. Đến 22 giờ cùng ngày, quân ta tiếp quản và làm chủ hoàn toàn thị xã Cao Lãnh.
Đêm ngày 30/4 và ngày 1/5/1975, các huyện Hồng Ngự, Thanh Bình của tỉnh Long Châu Tiền cũng được giải phóng.
Ngày 1/5, ta giải phóng các huyện Mỹ An, Kiến Văn, Châu Thành, Lấp Vò. Ngày 2/5, ta giải phóng chi khu Đức Thành (Lai Vung). Hết ngày 2/5, hầu hết tỉnh Sa Đéc được giải phóng.
Riêng tại huyện Chợ Mới, tàn quân Việt Nam Cộng hoà gồm hàng chục nghìn tên từ các nơi còn ngoan cố rút về “tử thủ” ở khu vực chùa Tây An. Tỉnh ủy Sa Đéc cấp tốc điều ba tiểu đoàn và một chi đoàn xe thiết giáp lên Chợ Mới, phối hợp lực lượng tại chỗ vừa bao vây chia cắt đánh địch, vừa phối hợp lực lượng chính trị, binh vận kêu gọi địch đầu hàng. Sáng ngày 6–5, ta huy động lực lượng đồng loạt siết chặt vòng vây và tấn công địch, giải phóng huyện Chợ Mới.
Cuộc kháng chiến chống Mĩ, cứu nước của nhân dân Đồng Tháp đến đây giành thắng lợi hoàn toàn.
Sau 30 năm trường kì kháng chiến (1945 – 1975), nhân dân trong tỉnh đã góp phần cùng nhân dân cả nước đánh đuổi thực dân Pháp và đế quốc Mĩ, giành độc lập dân tộc, đưa nhân dân ta bước vào kỉ nguyên mới – kỉ nguyên độc lập, tự do và thống nhất đất nước.