Giải KTPL 10 Bài 24: Nội dung cơ bản của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 về bộ máy nhà nước - Chân trời sáng tạo

Hoidapvietjack.com trân trọng giới thiệu: Lời giải bài tập Giáo dục Pháp luật 10 Bài 24: Nội dung cơ bản của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 về bộ máy nhà nước sách Chân trời sáng tạo hay nhất, chi tiết giúp học sinh dễ dàng làm bài tập KTPL 10 Bài 24.

461
  Tải tài liệu

Giải KTPL 10 Bài 24: Nội dung cơ bản của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 về bộ máy nhà nước

Mở đầu trang 161 Kinh tế và Pháp luật 10Em hãy liệt kê một số cơ quan nhà nước địa phương nơi em sinh sống và chia sẻ hiểu biết về cơ quan đó.

Trả lời

- Một số cơ quan nhà nước tại địa phương:

+ Ủy ban nhân dân cấp xã

+ Hội đồng nhân dân cấp xã

- Hiểu biết về Ủy ban nhân dân cấp xã:

+ Ủy ban nhân dân cấp xã là một cơ quan hành chính nhà nước của hệ thống hành chính Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

+ Chức năng: Là cơ quan thực hiện chức năng quản lý hành chính nhà nước, chấp hành nghị quyết của hội đồng nhân dân cùng cấp cũng như các văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên.

1. Cơ cấu tổ chức của bộ máy nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Câu hỏi trang 161 Kinh tế và Pháp luật 10Em hãy đọc tình huống sau và trả lời câu hỏi.

Tình huống. Trong giờ thảo luận môn Giáo dục kinh tế và pháp luật về nội dung cơ bản của Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 bộ máy nhà nước, V chia sẻ với T: “Theo tớ, Hiến pháp Việt Nam năm 2013 quy định về bộ máy nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam bao gồm nhiều cơ quan như Quốc hội, Chính phủ,….. và được tổ chức thành nhiều cấp khác nhau". T thắc mắc: "Vậy ngoài các cơ quan V đã nếu còn có các cơ quan nào khác và được phân cấp như thế nào?"

Câu hỏi: Nếu là V em sẽ trả lời T như thế nào?

Trả lời

- Nếu là V em sẽ trả lời: Ngoài các cơ quan vừa nêu còn các cơ quan khác như: cơ quan tư pháp (Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát); Hội đồng bầu cử quốc gia và Kiểm toán nhà nước, … và được tổ chức thành nhiều cấp khác nhau từ trung ương đến địa phương.

2. Cơ quan trong bộ máy nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Câu hỏi trang 162 Kinh tế và Pháp luật 10: Em hãy theo dõi thông tin dưới đây và thực hiện yêu cầu.

Thông tin 1. Quốc hội do cử tri cả nước bầu ra. Quốc hội là cơ quan nhà nước có vị trí đặc biệt quan trọng trong bộ máy Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tại Điều 69 Hiến pháp năm 2013 quy định: Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước.

Nhiệm vụ và quyền hạn của Quốc hội được quy định như sau: Làm Hiến pháp và sửa đổi Hiến pháp; làm luật và sửa đổi luật; Thực hiện quyền giám sát tối cao việc tuân theo Hiến pháp, luật và nghị quyết của Quốc hội; Quyết định mục tiêu, chỉ tiêu, chính sách, nhiệm vụ cơ bản phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; Quyết định chính sách cơ bản về tài chính, tiền tệ quốc gia; quy định, sửa đổi hoặc bãi bỏ các thứ thuế; Quyết định phân chia các khoản thu và nhiệm vụ chi giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương; Quyết định chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo của Nhà nước; Quy định tổ chức và hoạt động của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Toà án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, Hội đồng bầu cử quốc gia, Kiểm toán nhà nước, chính quyền địa phương và cơ quan khác do Quốc hội thành lập; Quyết định đại xá; Quyết định vấn đề chiến tranh và hoà bình; quy định về tình trạng khẩn cấp, các biện pháp đặc biệt khác bảo đảm quốc phòng và an ninh quốc gia;... (Điều 70 Hiến pháp năm 2013)

Thông tin 2. Hội đồng nhân dân là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân, do Nhân dân địa phương bầu ra, chịu trách nhiệm trước Nhân dân địa phương và cơ quan nhà nước cấp trên; Hội đồng nhân dân quyết định các vấn đề của địa phương do luật định; giám sát việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật ở địa phương và việc thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân.

(Điều 113 Hiến pháp năm 2013)

Câu hỏi:

- Chỉ ra vị trí của Quốc hội và Hội đồng nhân dân trong bộ máy nhà nước.

- Nêu các nhiệm vụ và quyền hạn của của Quốc hội và Hội đồng nhân dân. Cho ví dụ về nhiệm vụ và quyền hạn của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.

Trả lời

Yêu cầu số 1:

Vị trí của Quốc hội: là cơ quan nhà nước có vị trí đặc biệt quan trọng trong bộ máy Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Vị trí của Hội đồng nhân dân: là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân.

Yêu cầu số 2:

- Nhiệm vụ và quyền hạn của Quốc hội:

+ Làm Hiến pháp và sửa đổi Hiến pháp; làm luật và sửa đổi luật;

+ Thực hiện quyền giám sát tối cao việc tuân theo Hiến pháp, luật và nghị quyết của Quốc hội;

+ Quyết định mục tiêu, chỉ tiêu, chính sách, nhiệm vụ cơ bản phát triển kinh tế - xã hội của đất nước;

+ Quyết định chính sách cơ bản về tài chính, tiền tệ quốc gia; quy định, sửa đổi hoặc bãi bỏ các thứ thuế;

+ Quyết định phân chia các khoản thu và nhiệm vụ chi giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương;

+ Quyết định chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo của Nhà nước;

+ Quy định tổ chức và hoạt động của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Toà án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, Hội đồng bầu cử quốc gia, Kiểm toán nhà nước, chính quyền địa phương và cơ quan khác do Quốc hội thành lập;

+ Quyết định đại xá;

+ Quyết định vấn đề chiến tranh và hoà bình; quy định về tình trạng khẩn cấp, các biện pháp đặc biệt khác bảo đảm quốc phòng và an ninh quốc gia;...

Ví dụ: Quốc hội ban hành Luật giáo dục.

- Nhiệm vụ và quyền hạn của Hội đồng nhân dân:

+ Quyết định các vấn đề của địa phương do luật định;

+ Giám sát việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật ở địa phương và việc thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân.

Ví dụ: Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Nam ban hành Nghị quyết số 60/NQ-HĐND về Chương trình giám sát năm 2022.

Câu hỏi trang 163 Kinh tế và Pháp luật 10: Em hãy đọc thông tin dưới đây và thực hiện yêu cầu.

Thông tin 1. Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền hành pháp, là cơ quan chấp hành của Quốc hội. (Điều 94 Hiến pháp năm 2013)

Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội và báo cáo công tác trước Quốc hội,
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước. Nhiệm kì của Chính phủ theo nhiệm kì của Quốc hội. Khi Quốc hội hết nhiệm kì, Chính phủ tiếp tục làm nhiệm vụ cho đến khi Quốc hội khoá mới thành lập Chính phủ.

Chính phủ có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây: Tổ chức thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước; Trình dự án luật, dự án ngân sách nhà nước và các dự án khác trước Quốc hội; Thống nhất quản lí về kinh tế, văn hoá, xã hội, giáo dục, y tế, khoa học, công nghệ, môi trường, thông tin, truyền thông, đối ngoại, quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; Thống nhất quản lí nền hành chính quốc gia; thực hiện quản lí về cán bộ, công chức, viên chức và công vụ trong các cơ quan nhà nước; Bảo vệ quyền và lợi ích của Nhà nước và xã hội, quyền con người, quyền công dân; bảo đảm trật tự, an toàn xã hội;... (Điều 96 Hiến pháp năm 2013)

Thông tin 2. Ủy ban nhân dân ở cấp chính quyền địa phương do Hội đồng nhân dân cùng cấp bầu là cơ quan chấp hành của Hội đồng nhân dân, cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, chịu trách nhiệm trước Hội đồng nhân dân và cơ quan hành chính nhà nước cấp trên. Ủy ban nhân dân tổ chức việc thi hành Hiến pháp và pháp luật ở địa phương; tổ chức thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân và thực hiện các nhiệm vụ do cơ quan nhà nước cấp trên giao. (Điều 114 Hiến pháp năm 2013)

Câu hỏi:

- Cho biết vị trí của Chính phủ và Uỷ ban nhân dân trong bộ máy nhà nước.

- Nêu các nhiệm vụ và quyền hạn của của Chính phủ và Uỷ ban nhân dân. Cho ví dụ về nhiệm vụ và quyền hạn của Chính phủ và Uỷ ban nhân dân.

Trả lời

Yêu cầu số 1:

Vị trí của Chính phủ trong bộ máy nhà nước: Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền hành pháp, là cơ quan chấp hành của Quốc hội.

- Vị trí của Ủy ban nhân dân trong bộ máy hành chính quốc gia: là cơ quan chấp hành của Hội đồng nhân dân, cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, chịu trách nhiệm trước Hội đồng nhân dân và cơ quan hành chính nhà nước cấp trên.

Yêu cầu số 2:

- Nhiệm vụ và quyền hạn của Chính phủ:

+ Tổ chức thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước;

+ Trình dự án luật, dự án ngân sách nhà nước và các dự án khác trước Quốc hội;

+ Thống nhất quản lí về kinh tế, văn hoá, xã hội, giáo dục, y tế, khoa học, công nghệ, môi trường, thông tin, truyền thông, đối ngoại, quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội;

+ Thống nhất quản lí nền hành chính quốc gia; thực hiện quản lí về cán bộ, công chức, viên chức và công vụ trong các cơ quan nhà nước;

+ Bảo vệ quyền và lợi ích của Nhà nước và xã hội, quyền con người, quyền công dân; bảo đảm trật tự, an toàn xã hội;...

Ví dụ: Chính phủ đã ban hành Danh mục các quy hoạch được tích hợp vào quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh theo Nghị quyết số 110/NQ-CP; Danh mục các quy hoạch sản phẩm thuộc thẩm quyền của Thủ tướng theo Nghị quyết số 63/NQ-CP. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 3 chỉ thị, 2 quyết định và nhiều văn bản chỉ đạo nhằm đây nhanh tiến độ lập quy hoạch, giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện.

- Nhiệm vụ và quyền hạn của Ủy ban nhân dân:

+ Tổ chức việc thi hành Hiến pháp và pháp luật ở địa phương;

+ Tổ chức thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân và thực hiện các nhiệm vụ do cơ quan nhà nước cấp trên giao.

Ví dụ: UBND tỉnh Hà Nam ban hành Kế hoạch số 985/KH-UBND về việc triển khai thực hiện Nghị định số 116/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống ma túy, Luật Xử lý vi phạm hành chính về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh Hà Nam.

Câu hỏi trang 164 Kinh tế và Pháp luật 10Em hãy đọc thông tin dưới đây và thực hiện yêu cầu.

Thông tin. Toà án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp. Toà án nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ công lí, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. (Điều 102 Hiến pháp năm 2013)

Viện Kiểm sát nhân dân thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp. Viện Kiểm sát nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, góp phần bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất. (Điều 107 Hiến pháp năm 2013)

Câu hỏi: Em hãy nêu chức năng và nhiệm vụ của Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Cho ví dụ về chức năng của Tòa án nhân dân, Viện Kiếm sát nhân dân.

Trả lời

Chức năng và nhiệm vụ của Tòa án nhân dân: bảo vệ công lí, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Ví dụ: Tòa án nhân dân giải quyết các tranh chấp trong xã hội, xử lý các vi phạm pháp luật.

- Chức năng của Viện kiểm sát nhân dânthực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp. Viện Kiểm sát nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, góp phần bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất. Ví dụ: Viện kiểm sát nhân dân yêu cầu, kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền khắc phục, xử lý nghiêm minh vi phạm pháp luật trong hoạt động tư pháp.

Câu hỏi trang 164 Kinh tế và Pháp luật 10Em hãy đọc thông tin dưới đây và trả lời câu hỏi.

Thông tin. Chủ tịch nước là người đứng đầu Nhà nước, thay mặt nước Cộng hoà xã hội
chủ nghĩa Việt Nam về đối nội và đối ngoại. Chủ tịch nước do Quốc hội bầu trong
số đại biểu Quốc hội. Chủ tịch nước chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Quốc hội. Nhiệm kì của Chủ tịch nước theo nhiệm kì của Quốc hội. Khi Quốc hội hết nhiệm kì, Chủ tịch nước tiếp tục làm nhiệm vụ cho đến khi Quốc hội khoá mới bầu ra Chủ tịch nước. (Điều 86, 87 Hiến pháp năm 2013)

Câu hỏi:

- Chủ tịch nước có vị trí như thế nào trong bộ máy Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam?

- Theo em, tại sao Chủ tịch nước chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Quốc hội?

Trả lời

Vị trí của Chủ tịch nước: là người đứng đầu Nhà nước, thay mặt nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam về đối nội và đối ngoại.

- Chủ tịch nước chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Quốc hội vì: Chủ tịch nước do Quốc hội bầu trong số đại biểu Quốc hội, toàn bộ hoạt động của Chủ tịch nước chịu sự giám sát của Quốc hội.

Câu hỏi trang 165 Kinh tế và Pháp luật 10: Em hãy đọc các thông tin sau và thực hiện yêu cầu.

Thông tin 1. Hội đồng bầu cử quốc gia là cơ quan do Quốc hội thành lập, có nhiệm vụ tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội; chỉ đạo và hướng dẫn công tác bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. Hội đồng bầu cử quốc gia gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và các Uỷ viên. (Trích Điều 117 Hiến pháp năm 2013)

Thông tin 2. Kiểm toán nhà nước là cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuần theo pháp luật, thực hiện kiểm toán việc quản lí, sử dụng tài chính, tài sản công. Tổng Kiểm toán nhà nước là người đứng đầu Kiểm toán nhà nước, do Quốc hội bầu. Nhiệm kì của Tổng Kiểm toán nhà nước do luật định. Tổng Kiểm toán nhà nước chịu trách nhiệm và báo cáo kết quả kiểm toán, báo cáo công tác trước Quốc hội; trong thời gian Quốc hội không họp, chịu trách nhiệm và báo cáo trước Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. (Điều 118 Hiến pháp năm 2013)

Câu hỏi:

- Em hãy nêu chức năng của Hội đồng bầu cử quốc gia và Kiểm toán nhà nước.

- Trình bày cơ cấu tổ chức của Hội đồng bẩu cử quốc gia và Kiểm toán nhà nước.

Trả lời

- Hội đồng bầu cử quốc gia:

+ Chức năng: có nhiệm vụ tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội; chỉ đạo và hướng dẫn công tác bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.

+ Cơ cấu tổ chức của Hội đồng bầu cử quốc gia, gồm: Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và các Uỷ viên.

- Kiềm toán nhà nước:

+ Chức năng: thực hiện kiểm toán việc quản lí, sử dụng tài chính, tài sản công

+ Cơ cấu tổ chức của Kiểm toán nhà nước, gồm: Tổng kiểm toán, Kiểm toán trưởng và các phó kiểm toán trưởng.

Luyện tập

Luyện tập 1 trang 166 Kinh tế và Pháp luật 10: Em hãy cho biết các phát biểu sau đúng hay sai và nêu cơ sở pháp lí.

a. Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

b. Ngoài Toà án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân cũng có chức năng xét xử.

c. Chính quyền địa phương tổ chức và bảo đảm việc thi hành Hiến pháp và pháp luật tại địa phương.

d. Hội đồng bầu cử quốc gia là cơ quan do Chính phủ thành lập.

đ. Kiểm toán nhà nước hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.

Trả lời

- Ý kiến A. Đúng. Theo Hiến pháp 2013.

- Ý kiến B. Sai. Vì Viện Kiểm sát nhân dân không có chức năng xét xử.

- Ý kiến C. Đúng. Căn cứ theo Điều 112, Hiến pháp 2013.

- Ý kiến D. Sai. Vì: Hội đồng bầu cử quốc gia là cơ quan do Quốc hội thành lập.

- Ý kiến Đ. Đúng. Căn cứ theo Điều 118, Hiến pháp năm 2013.

Luyện tập 2 trang 166 Kinh tế và Pháp luật 10: Em hãy thảo luận nhóm vấn đề sau và đề xuất hành động.

Vấn đề: Là công dân nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, em cần thực hiện hành vi gì để góp phần bảo vệ, xây dựng bộ máy nhà nước?

Trả lời

Là công dân nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, em cần thực hiện hành vi để góp phần bảo vệ, xây dựng bộ máy nhà nước:

+ Tìm hiểu về bộ máy nhà nước và những người lãnh đạo bộ máy nhà nước.

+ Không lan truyền các thông tin sai lệch về các cơ quan trong bộ máy nhà nước.

+ Không bôi nhọ các vị lãnh đạo các cơ quan, không lan truyền những bài viết bôi nhọ các vị lãnh đạo.

+ Khi thấy các thông tin sai lệch cần báo cáo với người có thẩm quyền giải quyết.

+ Tránh xa các trang thông tin nói xấu chính quyền.

Luyện tập 3 trang 166 Kinh tế và Pháp luật 10: Em hãy đóng vai xử lí tình huống sau:

Tình huống. Chính quyền xã Y tổ chức cho nhân dân họp thảo luận, đóng góp ý kiến về việc xây dựng Nhà văn hoá xã. Biết tin, anh P rủ chị V cùng đi dự họp. Chị V từ chối và bảo:

- Tôi còn bận nhiều việc lắm, với lại, mình chỉ là người dân, có đóng góp ý kiến cũng không giá trị gì đâu. Chỉ có lãnh đạo xã mới là người quyết định mọi việc. Chúng ta chỉ cần làm theo là được.

Anh P tuy không đồng tình với suy nghĩ của chị V nhưng không biết lí giải thế nào để chị hiểu.

Nếu là anh P, em sẽ làm gì?

Trả lời

- Nếu là anh P, em sẽ khuyên chị V: nhà nước Việt Nam là nhà nước của dân, do dân, vì dân, nên ý kiến đóng góp của dân là vô cùng quan trọng và sẽ được lãnh đạo xem xét giải quyết và thực hiện. Là công dân chúng ta cần thực hiện quyền và nghĩa vụ đóng góp ý kiến để xây dựng đất nước.

Vận dụng

Vận dụng trang 166 Kinh tế và Pháp luật 10: Em hãy thiết kế một sản phẩm tuyên truyền nội dung cơ bản của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về bộ máy nhà nước.

Gợi ý: Hình thức thiết kế trên inforgraphic, cẩm nang ngắn, tờ gấp, ..

Trả lời

(*) Sản phẩm tham khảo

Pháp luật 10 Bài 24: Nội dung cơ bản của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 về bộ máy nhà nước - Chân trời sáng tạo (ảnh 1)

Bài viết liên quan

461
  Tải tài liệu