Phân tích văn bản “Bố của Xi-mông” của Guy-đơ Mô-pa-xăng.

Bộ tài liệu Văn mẫu lớp 9 gồm 500 bài văn mẫu hay nhất, đầy đủ nhất. Dưới đây là bài văn mẫu Cảm nhận về bài:  Phân tích văn bản “Bố của Xi-mông” của Guy-đơ Mô-pa-xăng.  ngữ văn lớp 9 được biên soạn mới nhất giúp các bạn học sinh học tốt môn văn 9 hơn.

3207
  Tải tài liệu

Phân tích văn bản “Bố của Xi-mông” của Guy-đơ Mô-pa-xăng.

A/ Dàn ý chi tiết

1. MỞ BÀI 

- Giới thiệu sơ lược tác giả, tác phẩm:

+ Guy đơ Mô-pa-xăng là nhà văn hiện thực vĩ đại của nước Pháp trong thế kỉ XIX, một bậc thầy về truyện ngắn với nội dung phản ánh sâu sắc hiện hiện thực xã hội Pháp nửa cuối thế kỉ XIX.

+ Đoạn trích là một phần của truyện ngắn Bố của Xi-mông, khắc họa thành công nét đẹp của các nhân vật Xi-mông, Blăng-sốt và Phi-líp

2. THÂN BÀI 

a) Luận điểm 1: Xi-mông - một đứa trẻ ngây thơ, hồn nhiên nhưng đầy nghị lực

- Xi-mông là một đứa trẻ đáng thương:

+ Một bé trai độ 7 - 8 tuổi, hơi xanh xao, rất sạch sẽ nhưng có vẻ nhút nhát.

+ Không biết bố là ai.

+ Bị lũ bạn trêu chọc, em rất đau khổ.

- Tâm trạng ở bờ sông:

+ Xi - mông ra bờ sông định tự tự.

+ Trước cảnh đẹp, trời ấm, ánh nắng mặt trời êm đềm, nước lấp lánh như ánh gương,... làm em quên đi chuyện đau khổ, chỉ muốn ngủ rồi muốn chơi đùa.

+ Em đuổi theo con nhái rồi vồ hụt, tóm được hai đầu chân sau, rồi bật cười. -> Tâm trạng vui đùa, bị cuốn hút bởi thiên nhiên.

+ Em nhớ mẹ, em lại khóc

-> Tâm trạng của một em bé hiện ra qua cảnh thiên nhiên đẹp, hành động và cử chỉ rất phù hợp với tâm lí lứa tuổi.

- Diễn biến tâm lí lứa tuổi được miêu tả tài tình:

+ Tâm trạng khi gặp bác Phi - líp và về nhà

• Như được dịp trút nỗi lòng đau khổ

• Mắt đẫm lệ, giọng nghẹn ngào, nấc buồn tủi.

-> Sự bất lực, tuyệt vọng của đứa bé.

+ Khi gặp mẹ: em la khóc, đau đớn, buồn tủi.

+ Hỏi bác Phi-líp: "Bác có muốn làm bố cháu không?" -> mong muốn có bố rất mãnh liệt.

=> Lời đối thoại rất tự nhiên, khát khao, ước mơ rất đáng thương, ngây thơ của Xi - mông dù là những điều bình dị nhất.

+ Sáng hôm sau đến trường.

• Xi-mông quát vào mặt chúng: "Bố tao tên là Phi - líp" -> sự hãnh diện, tự hào.

=> Niềm vui, niềm tự hào lớn cho em sức mạnh để sống và học tập.

b) Luận điểm 2: Bác Phi-líp - người thợ rèn có lòng nhân hậu, thương người, đáng quí trọng

- Được giới thiệu là một người:

+ Cao lớn, râu tóc quăn đen

+ Vẻ mặt nhân hậu, làm nghề thợ rèn.

+ Bàn tay chắc nịch, giọng ồm ồm.

- Khi gặp Xi-mông:

+ Đặt tay lên vai em, an ủi và đưa em về.

+ Lúc đầu suy nghĩ có thể đùa cợt với chị Blang - sốt nhưng khi gặp bác hiểu chị là người tốt, không thể đùa được.

=> Thương Xi-mông, cảm mến chị Blang-sốt.

- Trò chuyện và nhận làm bố của Xi-mông

=> Bác Phi-líp là người có lòng nhân hậu, thương người, đã cứu sống Xi-mông, nhận làm bố của Xi-mông, đem lại niềm vui cho em, thật đáng quí trọng.

c) Luận điểm 3: Blăng-sốt - người thiếu phụ đẹp, đức hạnh, trót lỡ lầm

- Từng là cô gái đẹp nhất vùng vì nhẹ dạ nên đã một lần lầm lỡ.

- Là một thiếu phụ, cao lớn, xanh xao, nghiêm nghị,

- Sống cùng đứa con trai Xi-mông trong ngôi nhà nhỏ, quét vôi trắng, hết sức sạch sẽ.

- Thái độ với khách: đứng nghiêm nghị… như muốn cấm đàn ông bước qua ngưỡng cửa. -> Thái độ nghiêm nghị khiến người khác không thể đùa cợt.

- Nỗi lòng với con:

+ Mặt đỏ bừng tái tê đến tận xương tủy, hôn con, nước mắt lã chã.

+ Lặng ngắt và quằn quại vì hổ thẹn

-> Thương và hiểu lòng con.

=> Nghệ thuật miêu tả, phân tích tâm lí cho thấy Blăng-sốt là một người thiếu phụ đẹp, đức hạnh, trót lỡ lầm, hoàn cảnh rất cần sự cảm thông.

3. KẾT BÀI 

- Khái quát lại giá trị nội dung và nghệ thuật của đoạn trích:

+ Nội dung: Khắc họa hình tượng cậu bé Xi-mông, cảm thông với những nỗi đau hoặc lỡ lầm của người khác, ca ngợi tình yêu thương và lòng nhân hậu của con người.

+ Nghệ thuật: Nghệ thuật kể chuyện tự nhiên, hấp dẫn; miêu tả diễn biến tâm trạng nhân vật đặc sắc.

B/ Sơ đồ tư duy

C/ Bài văn mẫu

Phân tích Bố của Xi-mông – mẫu 1

Những trang viết tuy chỉ là phần đầu của một truyện ngắn đã vô cùng sinh động và cảm động. Ở đó có sự sinh động của cuộc sống - cuộc sống diễn ra y như thật, tươi tắn, hồn nhiên. Còn cảm động vì nó thấm thía tình người, những đau khổ và ước mơ, những yêu thương và sẻ chia, đùm bọc. Tuy nhiên, đấy chỉ là một cái nhìn bao trùm tổng thể. Muốn phân tích nó, không có một cách nào khác hơn, với một tác phẩm tự sự là đi vào nhân vật và nhất là mối quan hệ giữa các nhân vật ấy với nhau. Đây là yếu tố tạo nên tính cách và hình thành mạch văn, cốt truyện.

Xi-mông, đứa trẻ không cha là nhân vật trung tâm không chỉ xuất hiện thường trực với tần số cao mà có tác dụng gắn kết các nhân vật còn lại như đám học trò nghịch ngợm, bác công nhân Phi-líp, người thiếu phụ rơi vào cảnh ngộ đáng thương. Xi-mông là đứa trẻ tự trọng, nhạy cảm, thông minh. Vì tự trọng em thấy việc không có cha của mình là nỗi bất hạnh lớn. Còn vì nhạy cảm và thông minh, Xi-mông bế tắc, không biết chia sẻ cùng ai ngoài việc tìm đến dòng sông để kết thúc cuộc đời bằng cái chết. Tất nhiên, những đặc điểm trên đây chỉ là một tính cách mới được hình thành.Bởi vậy những ý nghĩ đến với em, nhiều khi chỉ như cơn gió. Vừa khóc lóc xong, rất thèm được ngủ, nhưng bất chợt nhìn thấy một chú nhái màu xanh, Xi-mông đã quên hết mọi chuyện vừa qua, cả cơn thèm ngủ lúc này. Nhu cầu nghịch ngợm trỗi dậy ở em mạnh hơn bao giờ hết. "Em định bắt nó. Nó nhảy thoát. Em đuổi theo nó và vồ hụt ba lần liền". Ở đó có cả sự xuýt xoa và sung sướng đến bật cười khi tóm được con vật và nhìn nó "cố giãy giụa thoát thân". Nỗi bất hạnh, cơn thèm ngủ bỗng chốc qua đi không để lại dấu vết. Thậm chí, em còn nhớ rộng ra, liên tưởng miên man đến những thứ đồ chơi "làm bằng những mảnh gỗ hẹp đóng đinh chữ chi". Và kết thúc, không hiểu vì sao em lại nghĩ tiếp đến nhà mình, đến mẹ.

Nhận được một bàn tay tin cậy của một người đàn ông tin cậy, bác Phi-líp (lúc đầu Xi-mông chưa biết đó là ai), em thấy cần phải giãi bày nỗi niềm cay đắng xót xa với giọng điệu hờn tủi vì oan ức của mình để "người thợ cao lớn, râu tóc đen, quăn" thấu hiểu. Sự tin cậy ấy thật hồn nhiên khi hai bác cháu trở về như một cuộc dạo chơi vui vẻ "người lớn dắt tay đứa bé", như cha và con chẳng còn một chút gì là ưu tư phiền muộn nữa. Nhu cầu cần có một người cha ở Xi-mông mạnh mẽ đến mức chỉ cần một cái gì đó na ná như thế, hoặc tưởng tượng ra như thế, em đã hạnh phúc lắm rồi. Ảo tưởng của Xi-mông chỉ hoàn toàn biến mất khi em trở về với thực tại, một thực tại tàn nhẫn, phũ phàng qua câu nói và giọng nói của người thợ mới quen với mẹ Xi-mông: "Đây, thưa chị, tôi dắt về trả cho chị cháu bé bị lạc ở gần bờ sông" (Trong trí óc tuy còn non nớt của mình : Xi-mông cảm thấy mình đâu có bị lạc vì quên đường, mà em đang đứng trước một ngã ba không biết rõ con đường tiến thoái).Nhưng hi vọng ở em không tắt. Để giải thoát cho cảnh ngộ của mình, cũng là của mẹ (vừa hôn con vừa khẽ tuôn rơi nước mắt), một câu hỏi vụt hiện lên như một chiếc phao cứu người chết đuối lúc này là : "Bác có muốn làm bố cháu không ?" với bao tha thiết, hồi hộp, lo âu. Thời gian như ngừng lại, như nín thở. Phải đến lúc, bác Phi-líp đồng ý, đồng ý như một giao kèo, một cam đoan đồng thuận, Xi-mông mới thật yên tâm. "Thế nhé ! Bác Phi-líp, bác là bố cháu". Lần đến trường sau đó, Xi-mông đã trở thành một con người khác hẳn, đầy tự tin. Lời em nói với "thằng kia" không phải là câu nói thường tình. Đó là bao nhiêu căm hờn, uất ức bật ra. Xi-mông "quát vào mặt nó những lời này, như ném một hòn đá", những câu trả lời về bố mình là ai (dù em vì vội quên không hỏi họ của người ấy) : "Bố tao ấy à, bố tao tên là Phi-líp".

Trong ca dao Việt Nam, có một câu hài hước nhằm đả kích những ông thầy bói nói dựa ngày xưa "Số cô có mẹ có cha - Mẹ cô đàn bà, cha cô đàn ông". Nhưng, thực tình, nó đâu phải là vô nghĩa. Bởi trong cuộc đời này còn có bao nhiêu kẻ mồ côi cha hoặc mẹ (thậm chí cả hai). Câu nói hãnh diện của Xi-mông có sức sâu xoáy vào lòng người chính là những khát khao thật giản dị, thật bình thường là được "có mẹ", "có cha" như mọi người trong thiên hạ mà thôi. Tính nhân văn ở cách nghĩ trên đây còn là ước mơ của loài người mãi mãi.

Bác thợ Phi-líp là điểm tựa cho câu chuyện thương tâm mà thật ấm áp tình người. Hình như, trên một phương diện nào đó, con người bình thường, vô danh này là lương tâm của nhân loại. Cuộc gặp gỡ giữa bác với Xi-mông vừa ngẫu nhiên vừa là tất nhiên, quy luật thương người như thương mình. Câu hỏi đầu tiên với đứa bé đầy tâm sự (ngồi bên dòng sông, ngồi bên cái chết) âu yếm biết bao : "Có điều gì làm cháu buồn phiền đến thế, cháu ơi ?". Nhu cầu được chia sẻ, được gánh chịu, được bảo vệ đối với bác Phi-líp gần giống với một bản năng. Đó là một con người - đúng nghĩa - ở thái độ không thể thờ ơ, lạnh nhạt, quay lưng với nỗi khổ của con người, dù con người ấy chỉ là một sinh linh bé nhỏ, và cũng vô danh như bác.

Cái cách hành động của bác lúc đầu là một cách nghĩ rất đỗi ngây thơ, cốt chỉ là để an ủi và khích lộ đứa trẻ đứng lên: "Thôi nào... đừng buồn nữa, cháu ơi", "Người ta sẽ cho cháu.... một ông bố". Nhưng khi đến nhà của mẹ con Xi-mông rồi, nụ cười hồn nhiên và bao dung vì sao vụt tắt ? Làm sao có thể bỡn cợt được với một "cô gái cao lớn, xanh xao đứng nghiêm nghị trước cửa nhà mình". Đó là một giới hạn mà con người giàu tướng tượng nhất cũng không thể vượt qua.Bác Phi-líp cảm thấy mình không được phép bước qua ngưỡng cửa ngôi nhà ấy. Người đàn ông từng trải đã phải bối rối như một đứa trẻ thơ, dại dột một cách thật thà trước một vấn đề quá phức tạp mà anh ta đang gặp phải và không biết xử lí ra sao. Chỉ tới khi có được một cơ hội, ấy là câu nói thơ ngây (không hàm ý sâu xa nào) của đứa trẻ, bác mới vừa trả lời được Xi-mông vừa giải thoát được chính mình. "Bác công nhân nhấc bổng em lên, đột ngột hôn vào hai má em, rồi sải từng bước dài, bỏ đi rất nhanh". Sau này, con người có tấm lòng nhân hậu ấy còn chia sẻ với Xi-mông, đùm bọc và che chở cho Xi-mông đúng như một người cha tốt.Về nghệ thuật của đoạn văn, nên dựa vào tiêu chí nào để đánh giá ? Có thể xem nó là một tác phẩm tự sự thông thường, nhưng có lẽ, đúng hơn cần xác định : đây là truyện thiếu nhi. Viết về trẻ em và nói bằng giọng điệu trẻ em - cách nhìn và nghĩ ngây thơ nhất của loài người, ấy là đặc điểm bao trùm của nó. Về phương diện này, ta nên nghĩ đến thời thơ ấu của Goóc-ki, những tác phẩm tự truyện của Nguyên Hồng,...

Bố của Xi-mông dựa trên một cái mặt bằng như thế. Theo định hướng này, Xi-mông đúng là một nhân vật trung tâm. Người mẹ đáng thương Blăng-sốt là ngôi nhà của em, còn bác Phi-líp là bầu trời của em, ngôi nhà thì quen thuộc, thân yêu, còn bầu trời là cả một không gian mênh mông hi vọng. Tâm tình - nghĩa là bao nhiêu cay đắng, buồn vui, mơ ước, cả một thế giới tâm trạng về số phận con người - quy tụ vào những cảm nghĩ trẻ thơ. Những cảm nghĩ ấy trong sáng như bầu trời mà bất hạnh chỉ giống như một thứ mưa bóng mây. Đứa con không có cha không phải là một định mệnh nghiệt ngã suốt đời, rồi một lúc nào đó, nó không là một ám ảnh. Nhưng hình tượng nhân vật bé bỏng mà ta vừa nói trên đây là từ con mắt của người lớn nhìn vào. Do vậy, mà có sự tiết chế và chọn lọc để vừa khắc hoạ một tính cách trẻ thơ vừa phát hiện được ở chiều sâu những quy luật khách quan của cuộc sống. 

Lời văn dung dị, hồn nhiên như không được đẽo gọt đi thẳng vào khả năng cảm nhận trực tiếp của người đọc, để với người đọc sẽ hình thành một loại văn bản thứ hai từ những liên tưởng, rung động về cuộc sống mà chính bản thân Iĩnh trải nghiệm. Một tác phẩm hay cũng như cuộc chạy tiếp sức : người viết và người đọc cứ nối tiếp nhau đi trên một con đường không biết đâu là điểm giới hạn cuối cùng.

Phân tích Bố của Xi-mông – mẫu 2

Bố của Xi-mông là một truyện ngắn hiện thực khá hay của Guy-đơ Mô-pa-xăng. Truyện này nói lên nỗi đau khổ của em bé Xi-mông và mẹ em vì những thành kiến, thói tục cổ lỗ, khi Xi-mông không rõ bố mình là ai và niềm sung sướng tràn ngập khi em được nhận chú Phi-lip làm bố. Đặc biệt, truyện đã đề cao tấm lòng nhân hậu của Phi-lip người thợ rèn đáng quý mến.

Hành động nhận làm bố Xi-mông của chú bị một số người cười chê là khờ dại. Thật ra, đó là một việc làm nhân đạo, cao cả. Vì chính việc làm này đã mang lại nhiều sung sướng, hạnh phúc cho Xi-mông, cứu em thoát khỏi cái chết. Bởi lẽ ngay từ ngày đầu tiên đi học ở trường Xi-mông đã bị đám bạn bè độc ác, vô ý thức đùa cợt, trêu chọc về việc em không có bố. Bị chế giễu, bị đánh đập, Xi-mông tức giận ném đá vào bọn chúng rồi bỏ đi ra bờ sông. Em đã khóc ròng và nghĩ đến việc nhảy xuống sông cho chết đuối. Em ngắm đàn cá bơi lội, em bắt con nhái chơi, nhưng cái ý định tự tử ấy cứ lởn vởn mãi.Em lại khóc người em cứ run lên, em quỳ xuống và đọc kinh cầu nguyện như trước khi đi ngủ. Nhưng em không đọc hết được bài kinh vì những cơn nức nở lại dồn dập, xốn xang, choáng ngợp lấy em. Đang lúc đau khổ như thế thì Xi-mông gặp chú Phi-lip. Biết được tình cảnh của em, chú ấy đã dẫn em về nhà. Trước mặt mẹ Xi-mông chú đã trả lời câu hỏi của em mạnh mẽ và dứt khoát: "Có chứ, chú có muốn". Thế là lần thứ nhất chú Phi-lip đã cứu Xi-mông ra khỏi cơn tuyệt vọng giành em ra khỏi tay thần chết.Tuy nhiên đối với Phi-lip, lúc đầu chú nghĩ đây là một việc làm nhất thời, cố để an ủi cho Xi-mông trong phút giây thoát khỏi cơn tuyệt vọng. Nhưng sau đó, đến lúc Xi-mông đến nói với chú tại lò rèn: Bố Phi-lip này lúc nãy thằng con bác Mi-cốt bảo con rằng bố không phải là bố của con hẳn hoi vì bố không phải là chồng của mẹ. Lúc này, không còn là nhất thời nữa rồi! Vấn đề đặt ra trước chú Phi-lip lúc này là một vấn đề nghiêm túc. Xi-mông lại có thể đứng trước tình thế tuyệt vọng một lần nữa, nếu như chú Phi-lip xem lời nói của mình lần trước là lời nói đùa.

Chính các bác thợ rèn đồng nghiệp của chú Phi-lip, những vị thần khổng lồ ấy đã giúp chú vượt qua định kiến đối với mẹ Xi-mông. Chị ta lầm lỗi không phải là do lỗi ở chị ta, để đi đến quyết định cuối cùng: ngỏ lời cầu hôn với người phụ nữ đáng thương mến này. Việc làm của chú Phi-lip đã mang lại cho Xi-mông hạnh phúc thật sự, cậu bé nhờ có đủ nghị lực để tuyên bố với các bạn cùng lớp: Bố tớ là Phi-lip Reemi (bác thợ rèn) và bố tớ hứa sẽ kéo tai tất cả những đứa nào bắt nạt tớ.

Chú Phi-lip và các bác thợ rèn trong truyện ngắn này được Guy đờ Mô-pa-xăng miêu tả như các vị phúc thần. Chú đã giải thoát cho Xi-mông khỏi nỗi đau khổ của em và mang lại cho em hạnh phúc. Việc làm ấy cũng giúp cho mẹ Xi-mông thoát khỏi đau khổ do lầm lỡ. Chú Phi-lip và các bác thợ đã nói và làm theo tiếng gọi của lương tri, thoát khỏi những thành kiến hẹp hòi, cổ hủ. Việc làm của họ như là đại diện cho sự công bằng, cho lòng nhân ái, giúp cho các nhân vật bị đau khổ, bất hạnh khỏi đau khổ và có hạnh phúc.

Hình ảnh của họ thật đẹp, thật hào hùng mà cũng nhân hậu xiết bao. Có ý kiến cho rằng việc làm của chú Phi-lip: nhận làm bố của Xi mông và làm chồng của mẹ em bé này thật là khờ dại. Không đúng. Phải nói đây là một việc làm nhân đạo, cao cả, xuất phát từ một tấm lòng yêu thương rộng lớn, đồng cảm sâu sắc đối với cảnh ngộ đáng thương mến của Xi mông và của em bé này. Chú đã khơi dậy trong lòng người đọc tình cảm quý mến đối với việc làm tốt đẹp, thấm đẫm tình người của một người lao động nhân hậu, cao cả.

Phân tích Bố của Xi-mông – mẫu 3

Với hàng chục tiểu thuyết, khoảng 300 truyện ngắn, tên tuổi Mô-pa-xăng, nhà văn vĩ đại Pháp cuối thế kỷ XIX trở thành bất tử. Cuộc đời nhà văn là những trang buồn. Có lẽ vì thế nên ông mới viết về thân phận con người với nhiều cảm thương thân thiết thế?

Truyện ngắn Bố của Xi-mông kể về nỗi tủi nhục của một em bé “không có bố” với bao tình yêu thương, chứa chan tinh thần nhân đạo. Bé Xi-mông và mẹ em - chị Blăng-sốt, thật đáng thương; cuộc đời hai mẹ con để lại trong lòng độc giả nhiều thương cảm. Xi-mông là đứa con ngoài giá thú. Mẹ em là “một cô gái đẹp nhất vùng" đã bị lầm lỡ tình yêu… Hai mẹ con sống âm thầm trong một ngôi nhà nhỏ quét vôi trắng hết sức sạch sẽ. Người đàn bà này tên là Blăng-sốt, “cao lớn, xanh xao”, phải lao động cực nhọc để nuôi con trước cái nhìn ghẻ lạnh của người đời. Tuổi thơ của Xi-mông là những chuỗi ngày cô đơn trong ngôi nhà nhỏ, lạnh lẽo. Em thiếu tình thương và sự chăm sóc của bố. Trường học cũng không phải là cái nôi hạnh phúc của em. Tám tuổi, em mới được đến trường. Lớp học là nơi hội tụ của những đứa trẻ thô lỗ, cục cằn; cái ác cái xấu sớm ngự trị trong tâm hồn chúng. Xi-mông đau khổ, cay đắng bị lũ trẻ hạ lưu dùng những lời “ác độc” nhất, những tiếng cười khả ố nhất, giễu cợt nhất đẩy dồn em đến chân tường. Xi-mông phải tự vệ và đã bị lũ trẻ “quỷ quái” hành hạ suốt ngày này qua ngày khác. Người đọc đã hơn một thế kỷ nay không khỏi buồn phiền xót xa khi nghĩ về em Xi-mông bị bạn học cùng lớp làm cho đau đớn cả thể xác lẫn tâm hồn. Bị bọn trẻ "'xua đuổi”, bị đánh tơi tả, bé Xi-mông đau khổ, bế tắc hoàn toàn. Em phải chết. Em không thể sống trong tủi nhục vì “không có bố”. Dòng sông, nơi em sẽ đến tự tử có thể xoa dịu nỗi đau khổ và cô đơn của em? Một đứa bé 8 tuổi cảm thấy không thể sống trong nỗi đau khổ, nỗi nhục, phải nhảy xuống sông tự tử, thì bi kịch về thân phận con người đã lên đến cực điểm. Tình tiết này rất cảm động và điển hình cho nỗi đau khổ cô đơn của những em bé trên cõi đời vì một lí do nào đó mà “không có bố".

Xi-mông với bãi cỏ xanh, với chú nhái cạnh dòng sông được miêu tả đầy chất thơ. Thiên nhiên rất đẹp. Trời ấm. Ánh nắng êm đềm sưởi nóng cỏ. Nước lấp lánh như gương. Bãi cỏ xanh như chiếc nôi xoa dịu nỗi đau khổ cô đơn của em. Xi-mông ngắm dòng sông, em rất thèm được nằm ngủ trên bãi cỏ dưới nắng ấm. Con nhái màu xanh “giương tròn con mắt có vành vàng” hình như đã níu giữ chân em trước tử thần? Xi-mông được sống hồn nhiên trước cảnh sắc thiên nhiên. Nhưng nỗi đau về thân phận quá lớn. Đây là hình ảnh Xi-mông: “Người em rung lên, em quỳ xuống và em đọc kinh cầu nguyện như trước khi đi ngủ”. Em khóc nức nở. Em “chỉ khóc mà thôi". Em chẳng nhìn thấy gì nữa. Em đi dần đến tuyệt vọng. Mô-pa-xăng đã miêu tả tâm lý bé Xi-mông với tất cả tình thương xót. Ông chỉ cho mọi người thấy rằng, dù thiên nhiên có đẹp đến đâu, ngoại cảnh có đẹp đến đâu, con người vẫn bất hạnh, khó sống nổi trong cảnh ngộ cô đơn và thiếu tình thương, nhất là những đứa bé “không có bố". Một tình huống bất ngờ đã xảy đến. Chú thợ rèn “cao lớn, râu tóc đều quăn… nhân hậu” đã đến với Xi-mông. Chú đã "lau khô” đôi mắt đẫm lệ của em. Chú đã an ủi em với tình thương của một con người “có phép lạ”: “Thôi nào, nguôi đi nào, cháu bé, rồi đi với chú về nhà mẹ. Người ta sẽ cho cháu… một ông bố”. Một câu nói giản dị sẽ xoa dịu nỗi buồn nỗi cô đơn cho bé Xi-mông, và cả cho mẹ em - chị Blăng-sốt. Cảnh bé Xi-mông bất ngờ gặp chú thợ rèn bên bờ sông là cảnh rất cảm động. Em bé thơ ngây được sống, và người ta sẽ cho em “một ông bố". Đoạn đối thoại giữa chú thợ rèn và bé Xi-mông thấm đẫm tình cảm nhân đạo. Nước mắt khô dần trên má em; em đã được chú thợ rèn dắt tay đưa về với mẹ.

Tính cách bé Xi-mông được khắc họa đậm nét khi em gặp lại mẹ. Em hỏi chú thợ rèn: “Chú có muốn làm bố cháu không?”. Khi được chú thợ rèn nhấc bổng lên, hôn vào má em và nói: “Có chứ, chú có muốn" thì tâm hồn em “hoàn toàn khuây khỏa” và em đã khắc cái tên Phi-líp vào lòng, với niềm tự hào “có bố”. Câu nói của Xi-mông như một lời nguyền hẹn ước: “Chú Phi-líp, chú là bố cháu đấy nhé”. Có bố, đó là niềm hạnh phúc của mỗi em bé trên cõi đời. Có bố là có nơi nương tựa. “Con có cha như nhà có nóc" (Tục ngữ). Có bố tức là có quyền làm người. Có bố, tuổi thơ mới thực sự được sống hạnh phúc. Xi-mông đã hãnh diện tuyên bố với lũ bạn “như ném một hòn đá”: “Bố tao đấy, bố tao là Phi-líp”. Em đã có bố. Em cảm thấy mình đã lớn lên! Đó là niềm vui và hạnh phúc tuổi thơ! Đọc truyện Bố của Xi-mông, ai mà không xúc động? Mô-pa-xăng đã từng nếm bao cay đắng về thân phận mồ côi từ độ lên mười, nên ông đã dành cho bé Xi-mông và chị Blăng-sốt bao cảm thông về tình thương san sẻ. Tình cảm nhân đạo dào dạt trang văn của ông. Cái hay của đoạn văn là ở bút pháp tinh tế lấy cảnh để tả tình, là ở nghệ thuật đối thoại, là ở tình huống chú thợ rèn gặp bé Xi-mông ở bờ sông, chú thợ rèn gặp chị Blăng-sốt. “Không có bố thì đau khổ”, “Có bố thì hạnh phúc”. 

Như một chân lý giản dị, giàu nhân bản. Bé Xi-mông thật đáng thương và cũng rất đáng yêu!

Bài viết liên quan

3207
  Tải tài liệu