Phân tích bài thơ Ánh trăng của Nguyễn Duy.

Bộ tài liệu Văn mẫu lớp 9 gồm 500 bài văn mẫu hay nhất, đầy đủ nhất. Dưới đây là bài văn mẫu Cảm nhận về bài:  Phân tích bài thơ Ánh trăng của Nguyễn Duy.  ngữ văn lớp 9 được biên soạn mới nhất giúp các bạn học sinh học tốt môn văn 9 hơn.

549
  Tải tài liệu

Phân tích bài thơ Ánh trăng của Nguyễn Duy.

A/ Dàn ý chi tiết

1, Mở bài: Giới thiệu tác giả, tác phẩm:

-  Nguyễn Duy là một trong những nhà thơ trẻ thời kháng chiến chống Mỹ. Sau 1975, những sáng tác của ông càng trở nên sâu sắc, đa nghĩa, thể hiện sự đa diện của cuộc sống.

-  Bài thơ nói tới hình ảnh quen thuộc trong thi ca, nhưng với một hơi thở hiện đại, mang nhiều suy tư, ý nghĩa ánh trăng trở nên khác biệt.

2, Thân bài

a, Con người trong quá khứ hòa mình với thiên nhiên, vầng trăng là tri kỉ

- Kí ức tuổi trẻ sống chan hòa với thiên nhiên, sống chân chất giản dị:

+ Lúc còn nhỏ: “sống với đồng”, “với sông”, “với bể”.

+ Trong thời chiến tranh: ở rừng, cuộc sống khó khăn thiếu thốn, tuy vất vả nhưng vẫn đầy nét thơ mộng vì có trăng làm tri kỷ.

⇒ thiên nhiên nuôi dưỡng tâm hồn con người trở nên thơ ngây, trong trẻo: “trần trụi”, “hồn nhiên” không đắn đo suy nghĩ, không toan tính thiệt hơn. Trong khó khăn con người sống đùm bọc nhau, che chở cho nhau như rừng như núi che chở cho quân dân khỏi kẻ thù.

- Hình ảnh trăng lúc đó là vầng trăng “tình nghĩa”, vầng trăng bầu bạn, vầng trăng hi vọng: theo chân con người trong những buổi hành quân, soi sáng con đường những đêm tối, đem lại cảm giác bình yên, an ủi như người thân.

b, Con người ở hiện tại lãng quên quá khứ

- Hoàn cảnh hiện tại: ở thành phố đầy đủ tiện nghi với “ánh điện cửa gương”, nhà cao tầng.

- Vị trí của trăng hiện tại: “Như người dưng qua đường”, trở nên nhỏ bé, xa lạ.

⇒ Thủ pháp nghệ thuật đối lập giữa hai khổ thơ đầu với khổ thơ thứ ba tạo sự khác biệt, thay đổi một cách chớp nhoáng của hoàn cảnh sống, của lòng người.

c, Sự đối diện giữa trăng và người

- Hoàn cảnh: mất điện, sự tiện nghi của cuộc sống hiện đại đột ngột biến mất, quay trở về thuở quá khứ khó khăn, tăm tối ⇒ nhân vật mở cửa sổ và thấy vầng trăng tròn, tỏa sáng.

⇒ Tác giả sử dụng một loạt tính từ, động từ mạnh: thình lình, tối om, vội, bật tung, đột ngột.

- Sự đối diện giữa nhân vật với vầng trăng như đối diện với chính mình, với quá khứ:

+ Tư thế đối mặt: Ngửa mặt lên nhìn mặt

+ Vầng trăng gợi lại những kỉ niệm trong quá khứ: đồng, bể, sông, rừng – mỗi địa điểm gắn với đường đời của nhân vật đều có ánh trăng làm bạn.

+ Cảm xúc: trăng là hiện thân của tất cả những gì đã qua trong quá khứ, là tuổi thơ, là chiến tranh gian khổ nhưng hào hùng, là sự hi sinh xương máu nhưng đánh đổi lấy cuộc sống hiện tại tự do, đủ đầy. Nhân vật đã lãng quên tất cả, mải mê hưởng thụ cuộc sống mới, đến khi nhìn lại thì như đánh mất một phần bản thân mình, xúc động và hối hận.

d, Sự nhắc nhở, thức tỉnh con người không được quên giá trị truyền thống, không được quay lưng với quá khứ

- Sự bất biến của quá khứ, của giá trị truyền thống: Trăng vẫn luôn “tròn vành vạnh”, là vầng trăng của sự bao dung, tha thứ (“kể chi người vô tình”). Trăng không biết nói, cũng như quá khứ không biết trách móc kẻ vô tình: “kể chi”.

- Sự giật mình thức tỉnh của nhân vật: không ai trách móc anh ta, nhưng tự bản thân anh đã nhận ra sai lầm của mình khi lãng quên quá khứ, bao gồm cả những gì tốt đẹp, trong trẻo lẫn khó khăn, mất mát.

- Liên hệ so sánh với câu nói nổi tiếng của nhà thơ Gamzatov: “Nếu anh bắn vào quá khứ bằng súng lục thì tương lai sẽ bắn vào anh bằng đại bác”

3, Kết bài: Khái quát giá trị bài thơ:

- Bài thơ cho thấy những ý nghĩa khác của hình ảnh vầng trăng: vầng trăng còn mang ý nghĩa như một chứng nhân lịch sử, chứng kiến cuộc sống của con người trong quá khứ.

- Bài thơ giàu tính triết luận, răn dạy con người không được lãng quên quá khứ, ghi nhớ nó với lòng biết ơn và lấy nó làm động lực phấn đấu cho tương lai.

B/ Sơ đồ tư duy

C/ Bài văn mẫu

Phân tích bài thơ Ánh trăng – mẫu 1

Bài thơ “Ánh trăng” được Nguyễn Duy sáng tác năm 1978 và được đưa vào tập thơ “Ánh trăng. Tập này đã được tặng giải A của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1984. Thông qua hình tượng nghệ thuật “Ánh trăng” và cảm xúc của nhà thơ, bài thơ đã diễn tả những suy ngẫm sâu sắc về thái độ của con người đối với quá khứ gian lao, tình nghĩa.Cuộc đời của mỗi con người dù đi đâu về đâu cũng không bao rời xa vầng trăng tình nghĩa. Chỉ có con người có lúc lãng quên trăng, chứ trăng bao giờ cũng ở bên người, sẵn sàng cùng người sẻ chia tâm sự. Chính vì thế, đối với ai trăng cũng sẵn sàng làm tri kỉ. Đối với Nguyễn Duy cũng vậy:

“Hồi nhỏ sống với đồng

với sông rồi với bể

hồi chiến tranh ở rừng

vầng trăng thành tri kỉ”

Thể thơ năm chữ với nhịp điệu linh hoạt thể hiện sự vận động của không gian – thời gian. Cái hay là bằng hình ảnh không gian (đồng-sông-bể-rừng) diễn tả sự vận động của thời gian: quá trình trưởng thành của tác giả (nhỏ-trưởng thành-đi chiến đấu)… Trong quá trình ấy, kỉ niệm đẹp biết bao con người sống với thiên nhiên, với trăng chan hòa, gắn bó không gì ngăn cách được. Từ “với” được điệp lại ba lần nhằm diễn tả một thời niên thiếu đi nhiều, được cảm nhận những vẻ đẹp kì thú của thiên nhiên: ngắm trăng trên đồng quê, trên dòng sông, trên bãi bồi. Vì vậy những kỉ niệm thời niên thiếu vui cùng trăng, sống với trăng đã trở thành những ấn tượng khắc sâu trong tâm trí không thể phai mờ.Trưởng thành rồi đi chiến đấu trên những nẻo đường hành quân, phải lặn lội trong rừng sâu núi thẳm, trăng là bạn đồng hành đã chia sẻ ngọt bùi, cùng hân hoan trong niềm vui chiến thắng hoặc cùng ngậm ngùi, bồn chồn với nỗi nhớ nhà, nhớ quê. Nên trăng là tri kỉ, là nghĩa tình.Khổ thơ thứ hai là tiếng lòng hoài niệm về những năm tháng gian lao đã qua của cuộc đời người lính gắn bó với thiên nhiên đất nước bình dị, hiền hậu:

“Trần trụi với thiên nhiên

hồn nhiên như cây cỏ

ngỡ không bao giờ quên

cái vầng trăng tình nghĩa”

Vì tâm hồn người chiến sĩ vô tư hồn nhiên trải lòng ra với thiên nhiên nên không gì ngăn cách được. Con người lúc bấy giờ, cuộc sống lúc bấy giờ chân thật, vô tư, không lọc lừa, không có những toan tính mà sống tự nhiên “hồn nhiên như cây cỏ”, coi thiên nhiên là nhân vật, là con người. Vầng trăng là biểu tượng đẹp của những năm tháng ấy, đã trở thành “vầng trăng tri kỉ”, “vầng trăng tình nghĩa” ngỡ không bao giờ có thể quên. Một ý thơ lay động tâm hồn, như một sự thức tỉnh lương tâm đối với những kẻ vô tình: “ngỡ không bao giờ quên”. Từ “ngỡ” như một điểm nhấn, mang tính dự báo là sẽ quên, trong đó như có lời tác giả tự trách mình…

“Từ hồi về thành phố

quen với ánh điện của gương

vầng trăng đi qua ngõ

như vầng trăng qua đường”

Ở thành phố đầy đủ tiện nghi vật chất, ở buyn đinh cao ốc, quen với ánh điện cửa gương, hoàn cảnh sống đã thay đổi con người cũng dễ đổi thay, có lúc trở nên vô tình, có kẻ trở thành “ăn ở bạc”. Cuộc sống hiện tại chói lòa ánh điện đã làm lu mờ ánh sáng hiền dịu của vầng trăng. Trăng được nhân hóa đi qua ngõ mà như người dưng qua đường. Tác giả xây dựng hai hình ảnh đối lập giữa vầng trăng tri kỉ của quá khứ với vầng trăng với vầng trăng “như người dưng qua đường” trong hiện tại. Sự đối lập này diễn tả sự đổi thay trong tình cảm của con người. Trước bao vinh hoa phú quý, người ta có thể phản bội lại chính mình, thay đổi tình cảm với nghĩa tình đã qua. Và đó cũng là một quy luật của cuộc sống tình cảm của con người. Nhà thơ Tố Hữu cũng đã có lần viết:

“Mình về thành thị xa xôi

Nhà cao nào thấy núi đồi nữa chăng

Phố đông còn nhớ bản làng

Sáng đèn còn nhớ mảnh trăng giữa rừng?”

Trăng đâu cao xa, trăng gần gũi, thân thương, trăng là nghĩa tình, là tri kỉ, không bao giờ phản bội. chỉ có con người hờ hững với trăng. Nguyễn Duy tự vấn, tự trách mình vô tình, coi trăng như “người dưng qua đường”.Kết cấu của bài thơ có chút kịch tính khi chuyển qua khổ thứ tư gây bất ngờ, đột ngột:

“Thình lình đèn điện tắt

phòng buyn đinh tối om

vội bật tung cửa sổ

đột ngột vầng trăng tròn”

Tình huống mất điện đột ngột trong đêm là chuyện hiếm gặp ở thành phố ta trong những năm tháng ấy (1978) khiến tác giả vốn đã quen với ánh sáng, không thể chịu nổi cảnh tối om nơi phòng buyn-đinh “vội bật tung cửa sổ” rồi “đột ngột vầng trăng tròn”. Các từ “vội”, “bật tung”, “đột ngột” diễn tả trạng thái cảm xúc mạnh mẽ, bất ngờ. Ánh trăng tròn hiện lên giữa bầu trời sừng sững, giữa bầu trời ấy đâu phải khi “đèn điện tắt” mới có? Cũng như những tháng năm quá khứ, vẻ đẹp của đồng, sông, bể, rừng không bao giờ mất đi. Chỉ có điều con người có nhận ra hay không mà thôi.Và trong cái khoảnh khắc “đột ngột” đối diện với trăng ấy, ân tình xưa “rung rung” sống dậy, thổn thức lòng người:

“Ngửa mặt lên nhìn mặt

có cái gì rung rung

như là đồng là bể

như là sông là rừng”

Từ “mặt” được dùng với nghĩa gốc và nghĩa chuyển – mặt trăng, mặt người – trăng và người cùng đối diện đàm tâm. Với tư thế “ngửa mặt lên nhìn mặt” người đọc cảm nhận sự lặng im, thành kính và trong phút chốc cảm xúc dâng trào khi gặp lại vầng trăng: “có cái gì rưng rưng”. Rưng rưng của những niềm thương nỗi nhớ, của những lãng quên lạnh nhạt với người bạn cố tri; của một lương tri đang thức tỉnh sau những ngày đắm chìm trong cõi u mê mộng mị; rưng rưng của nỗi ân hận ăn năn về thái độ của chính mình trong suốt thời gian qua. Một chút áy náy, một chút tiếc nuối, một chút xót xa đau lòng, tất cả đã làm nên cái “rưng rưng”,cái thổn thức trong sâu thẳm trái tim người lính.Và trong phút giây nhân vật trữ tình nhìn thẳng vào trăng – biểu tượng đẹp đẽ của một thời xa vắng, nhìn thẳng vào tâm hồn của mình, bao kỉ niệm chợt ùa về chiếm trọn tâm tư. Kí ức về quãng đời ấu thơ trong sáng, về lúc chiến tranh máu lửa, về cái ngày xưa hồn hậu hiện lên rõ dần theo dòng cảm nhận trào dâng, “như là đồng là bể, như là sông là rừng”. Đồng, bể, sông, rừng,những hình ảnh gắn bó nơi khoảng trời kỉ niệm.Cấu trúc song hành của hai câu thơ, nhịp điệu dồn dập cùng biện pháp tu từ so sánh, điệp ngữ và liệt kê như muốn khắc họa rõ hơn kí ức về thời gian gắn bó chan hòa với thiên nhiên, với vầng trăng lớn lao sâu nặng, nghĩa tình, tri kỉ. Chính thứ ánh sáng dung dị đôn hậu đó của trăng đã chiếu tỏ nhiều kỉ niệm thân thương, đánh thức bao tâm tình vốn tưởng chừng ngủ quên trong góc tối tâm hồn người lính. Chất thơ mộc mạc chân thành như vầng trăng hiền hòa, ngôn ngữ hàm súc, giàu tính biểu cảm như “có cái gì rưng rưng”,đoạn thơ đã đánh động tình cảm nơi người đọc.Khổ thơ cuối cùng mang nhiều ý nghĩa đưa tới chiều sâu tư tưởng mang tính triết lý:

“Trăng cứ tròn vành vạnh

kể chi người vô tình

ánh trăng im phăng phắc

đủ cho ta giật mình”

Hình ảnh “trăng cứ tròn vành vạnh” là tượng trưng cho quá khứ nghĩa tình, thủy chung, đầy đặn, bao dung, nhân hậu. Trăng không trách móc, hờn giận “người vô tình”vì đó là vầng trăng độ lượng, khoan dung, là truyền thống nhân hậu của dân tộc.Hình ảnh “Ánh trăng im phăng phắc” cũng là hình ảnh của lương tâm nghiêm khắc nhắc nhở từ chính sự im lặng của mình về sự thủy chung, gắn bó với quê hương, với thiên nhiên và con người. Chính cái im phăng phắc của vầng trăng đã đánh thức con người, làm xáo động tâm hồn người lính năm xưa. Con người “giật mình” trước ánh trăng là sự bừng tỉnh của nhân cách, là sự trở về với lương tâm trong sạch, tốt đẹp. Đó là lời ân hận, ăn năn day dứt, làm đẹp con người. Mạch cảm xúc của bài thơ lắng kết trong cái “giật mình” cuối bài thơ. Đây là sự ăn năn tự trách để nhắc nhở mình phải sống có nghĩa tình đừng quên ân tình của quá khứ dù bất kì hoàn cảnh nào.Với giọng điệu tâm tình tự nhiên, hình ảnh giàu tính biểu cảm, “Ánh trăng” nhắc nhở con người về lẽ sống ân tình thủy chung với thiên nhiên đất nước. từ đó, ta thêm trân trọng quá khứ, có thái độ sống “uống nước nhớ nguồn”.Tố Hữu trong bài thơ Việt Bắc đã từng nhắc đến vầng trăng nghĩa tình, thủy chung ấy. Một sự kiện chính trị đã chuyển hoá thành thơ ca theo cách tâm tình hoá chính là một đặc trưng của lối thơ trữ tình – chính trị của Tố Hữu. Việc “dời đô” (Việt Bắc là thủ đô kháng chiến – Tố Hữu gọi là “Thủ đô gió ngàn”) đã thành câu chuyện ân tình chung thủy của người cách mạng với rừng núi chiến khu, với đồng bào, với quá khứ, với chính mình.Đôi trai gái xưng hô theo lối rất dân gian: Ta – mình. Nỗi băn khoăn lớn nhất của ta và mình trong cuộc chia tay giã bạn là ân tình – chung thuỷ:

“Mình về thành thị xa xôi

Nhà cao, còn thấy núi đồi nữa chăng?

Phố đông, còn nhớ bản làng

Sáng đèn, còn nhớ mảnh trăng giữa rừng?

Mình đi, ta hỏi thăm chừng

Bao giờ Việt Bắc tưng bừng thêm vui”

“Mình về mình có nhớ ta” đã là chuyện chung thuỷ! Nhưng “mình đi mình có nhớ mình” thì ân tình chung thuỷ đã được đẩy tới một mức thật sâu. Mình đi khỏi Việt Bắc là đi khỏi thời gian khổ, nơi gian khổ, có thể mình quên ta phụ ta. Nhưng mình có nhớ chính mình chăng, có phụ chính mình được chăng? Nơi phố đông, sáng đèn có còn nhớ đến những tháng ngày vất vả, gian lao, nghĩa tình, thủy chung nơi rừng núi? Những câu hỏi thâm thúy ân tình như vậy đã giúp Tố Hữu dân gian hoá, truyền thống hoá một vấn đề của cách mạng, vấn đề của hôm nay. Người ra đi cũng trả lời, cũng ghi lòng tạc dạ với một tinh thần như thế. Thế nhưng, khi đến với bài thơ Ánh trăng của Nguyễn Duy, ta bòng “giật mình” hiểu ra, người ra đi năm ấy đã vội quên lời dặn dò của người ở lại năm xưa mất rồi.Hình ảnh vầng trăng và người lính là hai hình tượng vốn có sự gắn kết bền chặt trong thi ca. Có lẽ, không gian chiến đấu của người lính thường là nơi rừng núi, không gian lặng lẽ, chỉ có trăng là sự vật rực rỡ nhất, gợi nhớ nhất, lặng lẽ đi vào tâm hồn người lính như một nguồn sống bất tận. Trong bài thơ Đồng chí, nhà thơ chính hữu đã có những lời thơ thật hay:

“Đêm nay rừng hoang sương muối

Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới

Đầu súng trăng treo.”

Ba câu thơ vừa mang nét mờ ảo lại mang nét tả thực, có thể nói nó chính là cái táo bạo mới mẻ và nhà thơ khám phá. Đây là bức tranh đẹp về tình đồng chí, là biểu tượng cao cả về cuộc đời người chiến sĩ. Hình ảnh “rừng hoang sương muối” gợi sự khốc liệt, khắc nghiệt đến ghê rợn của thiên nhiên, của chiến tranh. Đối lập với thực tại khắc nghiệt ấy là hình ảnh bầu trời đêm “đầu súng trăng treo” vừa rất thực vừa rất lãng mạn:“Súng” và “trăng” – hai hình ảnh tưởng như đối lập song lại thống nhất hòa quyện – là cứng rắn và dịu êm – là gần và xa – là thực tại và mơ mộng – là chất chiến đấu và chất trữ tình – là chiến sĩ và thi sĩ.Hiếm thấy một hình tượng nào vừa đẹp,vừa mang đầy đủ ý nghĩa như “Đầu súng trăng treo” của Chính Hữu. Đây là một phát hiện, một sáng tạo bất ngờ về vẻ đẹp bình dị và cao cả trong tâm hồn người chiến sĩ. Khoảng cách giữa bầu trời và mặt đất chưa bao giờ lại gần đến thế nó chỉ cách nhau một chữ “treo” mà thôi. Phải chăng ngoài ý nghĩa lãng mạn nhà thơ còn muốn thể hiện một ý nghĩa sâu xa khác? Đó chính là mong muốn khát vọng về một ngày mai hòa bình và hạnh phúc? Sau đêm nay ngày mai bình minh sẽ ló dạng xua tan đi những cái buốt giá của thời gian và không gian?

Có thể nói ba câu thơ cuối cùng của bài thơ như một lời kết nhẹ nhàng và lắng đọng trong tâm trí của người chiến sĩ cũng như độc giả. Nó đã gợi cho người đọc biết bao nhiêu ấn tượng bao nhiêu suy nghĩ đặc sắc. Đó là ánh sáng của tự do, của độc lập mà chúng ta hướng tới trong một tương lai không xa.Với giọng điệu tâm tình tự nhiên, hình ảnh giàu tính biểu cảm. “Ánh trăng” của Nguyễn Duy như một lời tự nhắc nhở về những năm tháng gian lao đã qua của cuộc đời người lính gắn bó với thiên nhiên, đất nước bình dị, hiền hậu. Bài thơ ý nghĩa gợi nhắc, củng cố ở người đọc thái độ sống uống nước nhớ nguồn, ân nghĩa thủy chung cùng quá khứ. Vì vậy, bài thơ dung những lời lẽ, tình đời, tình người vẫn vấn vương cùng người đọc.

Phân tích bài thơ Ánh trăng – mẫu 2

“Văn chương chân chính dù sáng tác ở thời đại nào cũng góp phần gợi mở, định hướng giá trị sống cho con người hiện tại.” Quả thật vậy, mỗi tác phẩm văn học đều mang trong mình những bài học nhân sinh sâu sắc và tác phẩm “Ánh trăng” của nhà thơ Nguyễn Duy cũng là một tác phẩm văn học chân chính khi gửi gắm tới bạn đọc bài học có giá trị muôn thời – bài học về lối sống ân nghĩa, thủy chung.Tác phẩm “Ánh trăng” được Nguyễn Duy sáng tác năm 1978 khi đất nước đã giải phóng được khoảng ba năm. Bước ra khỏi cuộc sống chiến đấu gian khổ đề sống những ngày tháng hòa bình, độc lập, con người ta thường dễ dàng lãng quên đi những quá khứ gian lao mà tình nghĩa của một thời. Bởi vậy, để nhắc nhở chính mình cũng như mọi người, Nguyễn Duy đã sáng tác nên bài thơ này,Mở đầu tác phẩm, tác giả đưa người đọc trở về sống trong những ngày tháng quá khứ với những kỷ niệm khó phai:

“Hồi nhỏ sống với đồng

với sông rồi với bể

hổi chiến tranh ở rừng

vầng trăng thành tri kỷ”

Sự xuất hiện của những hình ảnh “đồng”, “sông”, “bể”, “rừng” gợi cho ta liên tưởng đến khoảng không gian bao la, khoáng đạt. Không gian ấy cứ mỗi lúc được mở rộng hơn trước mắt chúng ta. Kèm theo đó là sự lớn khôn, trưởng thành của nhân vật trữ tình. Mới ngày nào chỉ là một đứa trẻ hồn nhiên nô đùa trên đồng ruộng sông nước quê hương vậy mà giờ đã trở thành người lính trường thành xông pha trận mạc gian khổ. Gắn bó thân thiết cùng với người lính, “vầng trăng trở thành tri kỷ”, luôn đồng hành, chia ngọt sẻ bùi cùng người lính trong suốt những đêm dài chiến dịch. Bởi vậy mà người lính năm xưa đã từng khẳng định:

“ngỡ không bao giờ quên

cái vầng trăng tình nghĩa”

“Ngỡ” có nghĩa là nghĩ, là tin, là tưởng. Nói ra điều này chứng tỏ người lính luôn tin tưởng rằng tình cảm gắn bó giữa mình và trăng sẽ mãi mãi bền chặt, không thể tách rời. tuy nhiên ngỡ không bao giờ quên có nghĩa là đã có lúc trót quên. Câu thơ mang chút ngậm ngùi, xót xa bởi những tình cảm gắn bó tưởng chừng không bao giờ thay đổi vậy mà giờ đã đổi thay. Dòng hồi tưởng về quá khứ khép lại nhưng cũng lại mở ra một bước ngoặt mới, tạo bước đệm để thể hiện được tư tưởng bài thơ.Chiến tranh kết thúc, người lính rời xa núi rừng gian khổ về với cuộc sống phố phường hiện đại, nơi có “ánh điện”, “cửa gương” xa hoa, hào nhoáng. Cuộc sống ấy hoàn toàn đối lập với cuộc sống kháng chiến gian khổ, thiếu thốn trước đây của người lính. Nhưng sự thay đổi về hoàn cảnh sống ấy lại tới một sự đổi thay khác – sự đổi thay trong lòng người:

“vầng trăng đi qua ngõ

như người dưng qua đường”

“Người dưng” là người xa lạ không quen biết và đau đớn hơn là người dưng ấy lại đã từng là tri kỷ một thời. Thế mới biết sức mạnh cuộc sống vật chất ghê gớm đến mức độ nào. Nó có thể làm thay đổi cả lương tâm con người. Quên đi trăng đồng nghĩa với việc người lính đã quên đi quá khứ gian lao mà nghĩa tình, quên đi mất mát hi sinh của dân tộc, quên đi chính bản thân mình với những lý tưởng cao đẹp của một thời tuổi trẻ. Thế nhưng, một tình huống đã xảy ra:

“Thình lình đèn điện tắt

phòng buyn – đinh tối om

vội bật tung cửa sổ

đột ngột vầng trăng tròn”

Từ láy “đột ngột” được đảo lên đầu câu nhấn mạnh thái độ ngạc nhiên, ngỡ ngàng của người lính khi gặp lại vầng trăng tròn vành vạnh trên bầu trời thành phố. Có thái độ ấy còn bởi vì bấy lâu nay người lính đã quên trăng, coi trăng là xa lạ nhưng vầng trăng vẫn hiện diện, vẫn thủy chung với con người một cách vẹn nguyên như thuở còn gian khó. Trong giây phút gặp lại “cố nhân” ấy, người lính có hành động “ngửa mặt lên nhìn mặt”. Tác giả không viết “ngửa mặt lên nhìn trăng” bởi lẽ ông đã thực sự coi trăng là một con người trong cuộc hội ngộ không hẹn trước. Chính trong lúc ấy, nhà thơ lại thấy “rung rung” bao nỗi niềm xúc cảm, muốn nói mà chẳng thể cất thành lời. Một lần nữa , các hình ảnh “đồng”, “sông”, “rừng”, “bể” lại một lần nữa xuất hiện mở ra những trang ký ức quá khứ nghĩa tình năm xưa. Trăng giờ đây hiện lên là biểu tượng cho vẻ đẹp vĩnh hằng của thiên nhiên, đất nước; cho một thời quá khứ nghĩa tình; cho một thời tuổi trẻ với bao lí tưởng sống tốt đẹp.Đoạn thơ cuối kết tinh những suy ngẫm của người lính về vầng trăng:

“Trăng cứ tròn vành vạnh

kể chi người vô tình

ánh trăng im phăng phắc

đủ cho ta giật mình.”

Cấu trúc “cứ…kể chi…” gợi ra hình ảnh người và trăng trong trạng thái đối lập tương phản” trăng mãi thủy chung, nguyên vẹn dù con người có bội bạc, lãng quên. Nghệ thuật nhân hóa góp phần nhấn mạnh vẻ đẹp vĩnh hằng của thiên nhiên đất nước. Trong cuộc gặp gỡ, trăng không một lời trách mắng mà chỉ “im phăng phắc”. Phép nhân hóa khiến ta liên tưởng đến hình ảnh của vị quan tòa tuy bao dung độ lượng nhưng vô cùng nghiêm khắc khiến con người phải giật mình. Cái “giật mình” ở đây là cái giật mình đầy ý nghĩa. Người lính “giật mình” là bởi đã nhận ra được lỗi lầm của bản thân, những vô tình, sai phạm đáng trách. “Giật mình” còn do sự ăn năn, hối lỗi, xấu hổ trước vầng trăng tình nghĩa vẫn vẹn nguyên, tự thấy bản thân cần phải thay đổi cách sống. Có được những giây phút như vậy, con người sẽ sống trong sáng hơn, lương thiện hơn, tốt đẹp hơn. Bài thơ đi dần về những triết lí sâu sắc của cuộc đời. Nó là lời nhắc nhở ta về một đạo lí sống từ ngàn xưa của dân tộc ta – lối sống ân nghĩa, thủy chung, uống nước nhớ nguồn. Ta không được phép quên đi những mất mát hi sinh của những người đi trước, những người đã hi sinh mồ hôi và xương máu cho chúng ta ngày nay được hưởng một cuộc sống bình yên, độc lập. Bởi thế, mỗi người đặc biệt là thế hệ trẻ phải biết sống có trách nhiệm, sống sao cho xứng đáng với những gì mình được hưởng.Bài thơ được viết theo thể thơ năm chữ, chỉ viết hoa chữ cái đầu tiên của mỗi khổ khiến dòng cảm xúc liền mạch tạo cho bài thơ dáng dấp như một câu chuyện kể theo trình tự thời gian, kéo dài từ quá khứ đến hiện tại. Tác giả xây dựng được hình tượng vầng trăng giàu ý nghĩa biểu tượng, từ đó giúp nhà thơ truyền tải những thông điệp sâu sắc đến bạn đọc. Bài thơ không chỉ là câu chuyện của riêng tác giả mà là cả với những thế hệ đã từng đi qua chiến tranh, những ngày tháng gian lao mà nghĩa tình.

Đi qua ngày tháng bom rơi đạn lửa, con người ta sống trong thời bình bởi vậy mà dễ dàng quên đi một thời đã qua. “Ánh trăng” của Nguyễn Duy có giá trị muôn thời là bởi vậy. Nó đã định hướng một lối sống tình nghĩa, thủy chung không chỉ với thế hệ khi ấy mà cả hiện tại và mai sau.

Phân tích bài thơ Ánh trăng – mẫu 3

Nhà thơ Nguyễn Đình Thi đã từng nhận định “Tác phẩm vừa là kết tinh của tâm hồn người sáng tác, vừa là sợi dây truyền cho mọi người sự sống mà nghệ sĩ mang trong lòng”. Với bài thơ Ánh trăng của Nguyễn Duy, nhận định đó trở nên đúng đắn và xác thực hơn bao giờ hết. Qua mạch cảm xúc dâng trào mãnh liệt, ta cảm nhận được một ngòi bút sâu sắc, một trái tim tinh tế rung động, trước những đổi thay nhỏ bé nhất, và cả một khát khao ước vọng truyền cho mọi người lẽ sống, cách sống trọn vẹn, tình nghĩa.Nguyễn Duy sinh năm 1948, ông thuộc thế hệ nhà thơ trưởng thành từ kháng chiến chống Mĩ. Thơ ông thiên về chiều sâu nội tâm với những trăn trở day dứt, suy tư khôn ngôi. Hãy lật đến Anh trăng đầy chất triết lí, tìm về Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa, nhẹ nhàng, tình cảm nhóm lại tình yêu gia đình với Hơi ấm ổ rơm,… ta sẽ cảm nhận rõ nhất những trăn trở, day dứt, suy tư say sưa ấy trong suốt những tác phẩm của ông.

Trong sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Duy, lung linh rực rỡ một “ánh trăng” tròn đầy. Ánh trăng ấy là lời thức tỉnh nhẹ nhàng mà hết sức sâu sắc về triết lí nhân sinh, lẽ sống thủy chung, tình nghĩa và những trăn trở suy nghĩ trước cuộc sống hiện đại đầy cám dỗ, đầy lãng quên và vô tình.Hai khổ thơ đầu tiên gợi lại những kỉ niệm đẹp, những tình cảm gắn bó giữa con người và vầng trăng trong quá khứ. Bốn câu thơ nhẹ nhàng như những lời thủ thỉ, tâm tình, kể về một quãng thời gian của tuổi thơ, tuổi trẻ, nhất là quãng thời gian chiến tranh gian khổ. Ngôn ngữ thơ mộc mạc, bình dị: “hồi nhỏ”, “hồi chiến tranh”. Câu thơ mở ra một không gian bao la, mênh mông sông nước, khoảng trời ấy nuôi lớn cả một tâm hồn tuổi thơ với bao khát vọng, khoảng rộng ấy được mở ra rồi thu lại khăng khít, gắn bó với quá khứ biết bao tình nghĩa. Điệp từ “với” được nhắc lại ba lần, nhấn mạnh sự thân thiết, gần gũi giữa con người với thiên nhiên:

“Hồi nhỏ sống với đồng

với sông rồi với bể

hồi chiến tranh ở rừng

vầng trăng thành tri kỉ”

Cuộc sống “hồi nhỏ”, “hồi chiến tranh” tuy khó khăn, vất vả mà chan hòa với thiên nhiên. Cuộc sống ấy bình dị, vô tư và mênh mông hoài bão như thiên nhiên, như cánh rừng mặt bể. Chợt nhận ra, ta có một người bạn hiền hòa, gắn bó, “tri kỉ” – vầng trăng tròn đầy, hiền dịu. vẻ đẹp của trăng xoa dịu những vết thương do chiến tranh gây ra, xoa dịu những mỏi mệt, buồn đau của cuộc sống ấy; trăng vỗ về cho con người bằng những sẻ chia lặng im, bằng những đêm sát cánh bên nhau “đầu súng trăng treo”. Trăng theo ta trên mọi bước đường đi, là người bạn đồng hành tin cậy nhất. Vì lẽ ấy, trăng chính là hiện thân của quá khứ, của kí ức chan hòa tình nghĩa:Trần trụi với thiên nhiên hồn nhiên như cây cỏ ngỡ không bao giờ quên cái vầng trăng tình nghĩa Vầng trăng đã được nhân hóa cao độ để trở thành người bạn tinh thần của nhà thơ, một người bạn tri âm tri kỉ tưởng chừng sẽ không bao giờ quên được. Thế nhưng, giữa dòng hồi tưởng tươi đẹp và bình yên, tác giả chợt bất ngờ có những băn khoăn, vướng bận, mờ hồ, báo hiệu cho sự xuất hiện của những biến chuyển trong câu chuyện. Từ “ngỡ” như điểm tiếp nối tinh tế giữa hai khổ thơ, làm bài thơ giữ được nét uyển chuyển trong cả nội dung và ngôn từ.Khép lại nhẹ nhàng đẹp như mơ trong quá khứ ngòi bút tác giả đưa ta đến với hiện tại, với những đổi thay, xa cách trong lòng người. Chiến tranh qua đi, người lính trở về guồng quay xô bồ và náo nhiệt của cuộc sống. Tác giả nhận ra một quy luật đáng buồn của cuộc sống: khi được sống trong nhung lụa ấm êm, con người ta dễ quay lưng lại với quá khứ vất vả, nghèo nàn, dù đó có là một quá khứ mơ mộng, đẹp đẽ và đáng quý. Quy luật ấy đi từ sự lãng quên, đổi thay quá nhanh của con người:

“Từ hồi về thành phố

quen ánh điện cửa gương

vầng trăng đi qua ngõ

như người dưng qua đường”

“Ánh điện, cửa gương” là cách nói hoán dụ cho cuộc sống tiện nghi hiện đại, xa rời thiên nhiên. Từ đổi thay trong hoàn cảnh sống, lòng người cũng dần đổi thay, khó nhận ra, mà hay là đã nhận ra nhưng cố tình quên đi. Vầng trăng từ chỗ là người bạn thân thiết gắn bó trở thành “người dưng qua đường”. Vầng trăng thì một mực thủy chung tình nghĩa “đi qua ngõ” như đợi người bạn cũ nhận ra, thế nhưng người bạn cũ ngày xưa nay đã quen với ánh sáng của đèn điện vàng bọt giả tạo, giam mình trong bốn bức tường bê tông gạch đá chật hẹp tù túng mà tưởng cuộc sống đã sung sướng hơn xưa. Người ta đã để cho xi măng láng trơn tuột đi những rung động, xúc cảm tinh tế của trái tim, và trát kín cả những khe sáng huyền diệu từ quá khứ rọi về. Sống cuộc sống như thế, phải chăng ta đang đánh đổi cái giàu có trong tâm hồn lấy những tiện nghi hiện đại phù phiếm xa hoa, khi mà hạnh phúc đích thực luôn là một trái tim tràn đầy tình yêu thương!Sự lãng quên ấy có thể là mãi mãi nếu không có một chuyển biến bất ngờ: thành phố bị mất điện. Hoàn cảnh bài thơ là bước ngoặt tạo cảm xúc dâng trào, giúp nhà thơ bộc lộ rõ nét cảm xúc, tư tưởng chủ đề của tác phẩm.

“Thình lình đèn điện tắt

phòng buyn-đinh tối om

vội bật tung cửa sổ

đột ngột vầng trăng tròn”

Tình huống tưởng như không có gì mới mẻ, lạ lẫm, nhất là những năm đầu giải phóng như thời điểm sáng tác bài thơ – năm 1978, nhưng đặt vào hoàn cảnh tác giả, nó làm nổi bật lên sự đối lập tương phản giữa ánh sáng và bóng tối. Các từ ngữ “thình lình”, “vội”, “bật tung” tạo nhịp thơ nhanh, mạnh; để rồi tất cả như sững lại, lặng đi bởi một vầng trăng tròn” “đột ngột” và lung linh. Chính khoảnh khắc ấy đã làm nổi bật lên ý nghĩa tuyệt đẹp của toàn bài: con người vội vã, gấp gáp với cuộc sống hiện đại khi nhận ra vẻ đẹp của thiên nhiên, cuộc sống thì thật bàng hoàng, sững sờ. Đã có “ánh điện” sáng trưng, người ta đâu cần ánh trăng huyền diệu lờ mờ nữa, chỉ đến khi thứ ánh sáng nhân tạo kia mất đi, người ta mới nhận ra người bạn cũ từng nguyện mãi mãi không quên và sững người trước người bạn trăng tròn đầy, vẹn nguyên, luôn chung thủy đợi chờ. Khoảnh khắc người và trăng mặt đối mặt thì tình xưa nghĩa cũ dâng lên đến tràn đầy. Cuộc hội ngộ bất ngờ tạo rung động mạnh mẽ và thức tỉnh lương tâm con người; cái “đột ngột” không phải ở trăng, mà ở chính tâm trạng tác giả – tâm trạng thảng thốt, ngỡ ngàng của con người trước sự đổi thay của lòng mình và Sự vẹn tròn của trăng, để từ đó đi đến những day dứt, suy tư.Nếu như khổ thơ thứ tư đẩy tình huống thơ đến cao trào thì khổ thơ thứ năm lại “rưng rưng” trong sự xúc động mãnh liệt của nhà thơ.

“Ngửa mặt lên nhìn mặt

có cái gì rưng rưng

như là đồng là bể

như là sông là rừng”

Nhà thơ đối diện với trăng trong cái lặng im có phần thành kính; từ “mặt” cuối câu thơ là từ nhiều nghĩa tạo ý thơ gợi mở cho người đọc, nhà thơ đối diện với trăng hay thiên nhiên đối diện với con người; và có lẽ cũng là hiện tại đối diện với quá khứ, bạc bẽo vô tình với thủy chung gắn bó. Bất ngờ gặp lại người bạn cũ, nhà thơ chợt nhận ra thứ mặt nạ của thời gian đã che lấp tất cả, trong giây phút ấy, nhà thơ tưởng như “rưng rưng” xúc cảm – tự hổ thẹn với chính sự đổi thay vô tình của bản thân. Nhưng cũng đan xen vào nỗi hổ thẹn đó, một cảm xúc nghẹn ngào vui sướng đang len lỏi vào trái tim khô cằn bấy lâu nay của nhà thơ, gặp lại trăng – gặp lại người bạn cũ, ông chợt hồi tưởng lại một quãng thời gian thương nhớ, với đồng, với bể, với sông với rừng. Cuộc sống hiện tại như ngừng lại nhường chỗ cho dòng kí ức ùa về, nhường chỗ cho giây phút tự nhìn lại bản thân. Câu thơ trải dài bao quát cả quá khứ và hiện tại, thiên nhiên và con người, lao động và chiến đấu, thủy chung tình nghĩa và bạc bẽo vô tình. Trăng còn gợi đến hình ảnh của hiện tại, của vẻ đẹp thiên nhiên mơ màng hùng vĩ, gợi lên những bừng tỉnh đột ngột để nêu lên một khát vọng lớn lao vào tương lai. Nhịp thơ nhanh, với một loạt các từ ngữ liệt kê “đồng”, “biển”, “rừng”, “sông” cuốn vào mạch cảm xúc của bài thơ, giúp người đọc như cùng chung cảm xúc với nhân vật, với hoàn cảnh trữ tình.Từ những hồi tưởng và thức tỉnh, nhà thơ đi đến suy ngẫm và triết lí nhân sinh sâu sắc khái quát nội dung toàn bài thơ:

“Trăng cứ tròn vành vạnh

Kể chi người vô tình

Ánh trăng im phăng phắc

Đủ cho ta giật mình”

Trong cuộc gặp mặt bất ngờ, trăng và người như có sự đối lập. Trăng trở thành biểu tượng của sự vĩnh hằng bất biến, vầng trăng “cứ tròn vành vạnh” tượng trưng cho sự tròn đầy, trọn vẹn tình nghĩa của thiên nhiên, cuộc sống và con người trong quá khứ dù cho con người nay đã đổi thay “vô tình”. Ánh trăng được nhân hóa “im phăng phắc”, gợi cái nhìn bao dung, độ lượng mà nghiêm khắc của người bạn thủy chung. Hình ảnh thơ được lấy từ hiện thực – thiên nhiên bất biến, vĩnh hằng để khái quát nên một lẽ sống cao đẹp 1 tình nghĩa, trọn vẹn, chung thủy và vị tha. Tấm lòng đáng trân trọng ấy là tấm lòng của những người đồng chí đồng đội một thời sống chết vì nhau của đồng bào nhân dân đã san sẻ từng “chia nhau củ sắn bùi/ Bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng”. Cao đẹp biết bao là tình người vị tha, bao dung, độ lượng, vị tha để, người bạn vô tình được “giật mình” thức tỉnh và kịp có một cơ hội níu giữ quá khứ, níu giữ tấm lòng trong sạch, thanh cao.Có lẽ vì thế mà chỉ ánh nhìn “im phăng phắc” là đã đủ, câu thơ cuối dồn nén nghẹn ngào tạo âm vang lớn trong lòng người đọc về những bừng tỉnh suy tư.Ánh trăng gây nhiều xúc động bởi cách diễn tả bình dị, thủ thỉ tâm tình, giọng thơ trầm tĩnh, Bài thơ không chỉ giống một câu chuyện nhỏ mà còn như một áng văn nghị luận xã hội đầy chất thơ, sự mạch lạc tuần tự của tự sự và nghị luận giúp bài thơ đi vào tâm trí người đọc thật dễ dàng, tự nhiên, khắc sâu triết lí sống cao đẹp, thủy chung có tình có nghĩa, bộc lộ niềm băn khoăn trăn trở trước thực tại:

“Mình về thành thị xa xôi

Nhà cao còn nhớ núi đồi nữa chăng

Phố đông còn nhớ bản làng

Sáng đèn còn nhớ mảnh trăng giữa rừng”

Chất tự sự và chất trữ tình đan xen hòa quyện vào từng âm điệu, dòng thơ. Các chữ đầu dòng thơ không viết hoa thể hiện dòng cảm xúc mãnh liệt của tác giả. Nhịp thơ khi ngân nga, vang, vọng, khi dồn dập, mạnh mẽ, lúc trầm lắng ăm ắp suy tư tạo cho tác phẩm sự trôi chảy, mượt mà, tự nhiên và nhịp nhàng trong dòng cảm xúc dâng trào.Câu chuyện của nhà thơ không chỉ dành riêng cho chính bản thân ông, nó còn có sức khái quát rất lớn với cả một thế hệ trải qua những năm dài mất mát của chiến tranh, nơi đạn bom, gian khổ. Câu chuyện của vầng trăng còn gặp lại nhiều câu chuyện khác – cùng với nỗi xót xa, trăn trở về cuộc sống đổi thay, như Ăn mày dĩ vãng với Ba Sương và Hai Hùng của Chu Lai, như Việt Bắc với “mình” và “ta” của Tố Hữu. Tất cả như đồng lòng nhất trí chung sức rung một hồi chuông lớn đến người đọc: đừng bao giờ quên quá khứ đừng bao giờ sông bạc bẽo vô tình. Cuộc sống dẫu có đổi thay lòng người dẫu có xa khác, nhưng đừng bao giờ quên đạo lí thủy chung “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, đừng bao giờ đánh đổi tình nghĩa sâu nặng lấy những phù phiếm hão huyền.

Phân tích bài thơ Ánh trăng – mẫu 4

Bao trùm cả bài thơ “Ánh trăng” của nhà thơ Nguyễn Duy là một nỗi day dứt, ăn năn cứ kéo dài triền miên khôn nguôi. Ở ngay cái tên bài thơ cũng đủ để ta thấy được chủ đề của cả bài thơ. Bởi lẽ, khác với "vầng trăng” là hình ảnh cụ thể thì "ánh trăng” là những tia sáng. Tia sáng ấy đã soi rọi vào góc tối của con người, đánh thức lương tâm của con người, làm sáng bừng lên cả một quá khứ đầy ắp những kỉ niệm đẹp đẽ, thân thương.

Khổ thơ thứ năm là hình tượng vầng trăng và cảm xúc, suy ngẫm của nhà thơ. Còn đến khổ thơ thứ sáu là những suy ngẫm và triết lí nhân sinh của nhà thơ qua hình tượng trăng:

“Ngửa mặt lên nhìn mặt

có cái gì rưng rưng

như là đồng là bể

như là sông là rừng”

Từ “mặt” trong khổ thơ được dùng với nghĩa gốc và nghĩa chuyển – mặt trăng, mặt người – trăng và người cùng đối diện đàm tâm. Với tư thế “ngửa mặt lên nhìn mặt” người đọc cảm nhận sự lặng im, thành kính và trong phút chốc cảm xúc dâng trào khi gặp lại vầng trăng: “có cái gì rưng rưng”. Rưng rưng của những niềm thương nỗi nhớ, của những lãng quên lạnh nhạt với người bạn cố tri; của một lương tri đang thức tỉnh sau những ngày đắm chìm trong cõi u mê mộng mị; rưng rưng của nỗi ân hận ăn năn về thái độ của chính mình trong suốt thời gian qua. Một chút áy náy, một chút tiếc nuối, một chút xót xa đau lòng, tất cả đã làm nên cái “rưng rưng”, cái thổn thức trong sâu thẳm trái tim người lính. Và trong phút giây nhân vật trữ tình nhìn thẳng vào trăng - biểu tượng đẹp đẽ của một thời xa vắng, nhìn thẳng vào tâm hồn của mình, bao kỉ niệm chợt ùa về chiếm trọn tâm tư. Kí ức về quãng đời ấu thơ trong sáng, về lúc chiến tranh máu lửa, về cái ngày xưa hồn hậu hiện lên rõ dần theo dòng cảm nhận trào dâng, “như là đồng là bể, như là sông là rừng”. Đồng, bể, sông, rừng, những hình ảnh gắn bó nơi khoảng trời kỉ niệm.

Cấu trúc song hành của hai câu thơ, nhịp điệu dồn dập cùng biện pháp tu từ so sánh, điệp ngữ và liệt kê như muốn khắc họa rõ hơn kí ức về thời gian gắn bó chan hòa với thiên nhiên, với vầng trăng lớn lao sâu nặng, nghĩa tình, tri kỉ. Chính thứ ánh sáng dung dị đôn hậu đó của trăng đã chiếu tỏ nhiều kỉ niệm thân thương, đánh thức bao tâm tình vốn tưởng chừng ngủ quên trong góc tối tâm hồn người lính. Chất thơ mộc mạc chân thành như vầng trăng hiền hòa, ngôn ngữ hàm súc, giàu tính biểu cảm như “có cái gì rưng rưng”,đoạn thơ đã đánh động tình cảm nơi người đọc.

Nhà thơ lặng lẽ đối diện với trăng trong tư thế lặng im có phần thành kính: “Ngửa mặt lên nhìn mặt”. Từ “mặt” cuối câu thơ là từ nhiều nghĩa, tạo nên sự đa dạng nghĩa của ý thơ. Nhà thơ đối diện với mặt trăng, người bạn tri kỉ mình đã lãng quên, vầng trăng đối diện với con người hay nói cách khác quá khứ đối diện với hiện tại, thủy chung tình nghĩa đối diện với bạc bẽo vô tình và lãng quên để tự thú về sự bội bạc của mình. Khi người đối mặt với trăng, có cái gì đó khiến cho người lính áy náy dù cho không bị quở trách một lời nào. Hai từ “mặt” trong cùng một dòng thô: mặt trăng và mặt người đang cùng nhau trò chuyện. Người lính cảm thấy có cái gì “rưng rưng” tự trong tận đáy lòng và dường như nước mắt đang muốn trào ra vì xúc động trước lòng vị tha của người bạn “tri kỉ” của mình. Đối mặt với vầng trăng, bỗng người lính cảm thấy như đang xem một thước phim quay chậm về tuổi thơ của mình ngày nào, nơi có “sông” và có “bể”.

Chính những thước phim quay chậm ấy làm người lính trào dâng nhưng nỗi niềm và những giọt nước mắt tuôn ra tự nhiên, không chút gượng ép nào! Những giọt nước mắt ấy đã phần nào làm cho người lính trở nên thanh thản hơn, làm tâm hồn anh trong sáng lại. Một lần nữa những hình tượng trong tuổi thơ và chiến tranh được láy lại làm sáng tỏ những điều mà con người cảm nhận được. Cái tâm hồn ấy, cái vẻ đẹp mộc mạc ấy không bao giờ bị mất đi, nó luôn lặng lẽ sống trong tâm hồn mỗi con người và nó sẽ lên tiếng khi con người bị tổn thương. Đoạn thơ hay ở chất thơ mộc mạc, chân thành, ngôn ngữ bình dị mà thấm thía, những hình ảnh đi vào lòng người.

Những suy ngẫm và triết lí nhân sinh của nhà thơ được thể qua hình tượng trăng ở khổ thơ cuối:

“Trăng cứ tròn vành vạnh

kể chi người vô tình

 ánh trăng im phăng phắc

 đủ cho ta giật mình”

Hình ảnh “trăng cứ tròn vành vạnh” là tượng trưng cho quá khứ nghĩa tình, thủy chung, đầy đặn, bao dung, nhân hậu. Rồi đến hình ảnh “ánh trăng im phăng phắc” mang ý nghĩa nghiêm khắc nhắc nhở, là sự trách móc trong lặng im. Chính cái im phăng phắc của vầng trăng đã đánh thức con người, làm xáo động tâm hồn người lính năm xưa. Con người “giật mình” trước ánh trăng là sự bừng tỉnh của nhân cách, là sự trở về với lương tâm trong sạch, tốt đẹp. Đó là lời ân hận, ăn năn day dứt, làm đẹp con người.

Trong cuộc gặp lại không lời này trăng và người như có sự đối lập. Trăng đã trở thành biểu tượng cho sự bất biến, vĩnh hằng không đổi thay. “Trăng cứ tròn vành vạnh” biểu tượng cho sự tròn đầy thủy chung, trọn vẹn của thiên nhiên, quá khứ dù cho con người đổi thay “vô tình”. Ánh trăng còn được nhân hóa “im phăng phắc” không một lời trách cứ, gợi liên tưởng đến cái nhìn nghiêm khắc, bao dung, độ lượng của người bạn thủy chung, tình nghĩa, nhắc nhở nhà thơ và mỗi chúng ta: con người có thể vô tình quên nhưng thiên nhiên nghĩa tình quá khứ luôn tròn đầy bất diệt. Tình cảm của trăng, tấm lòng của trăng chính là tình cảm của những người đồng chí, đồng đội, đồng bào, nhân dân. Sự im lặng ấy làm nhà thơ “giật mình” thức tỉnh, cái “giật mình” của lương tâm nhà thơ thật đáng trân trọng, nó thể hiện sự suy nghĩ, trăn trở tự đấu tranh với chính mình để sống tốt hơn. Giật mình để không chìm vào lãng quên. Giật mình để không đánh mất quá khứ. Con người giật mình trước ánh sáng lặng lẽ là sự thức tỉnh của nhân dân cách trở về với lương tâm trong sạch, tốt đẹp.

Dòng thơ cuối dồn nén biết bao tâm sự, lời sám hối ăn năn dù không cất lên nhưng chính vì thế càng trở nên ám ảnh, day dứt. Qua đó Nguyễn Duy muốn gửi đến mọi người lời nhắc nhở về lẽ sống, đạo đức lí ân nghĩa thủy chung. Trong cuộc gặp lại không lời này, trăng va người như có sự đối lập. Trăng – hình ảnh của thiên nhiên, trong cảm nhận của con người, giờ đây theo quy luật tuần hoàn của nó, vẫn chiếu sáng, vẫn “tròn vành vạnh” dẫu cho “người vô tình”. Suốt bài thơ, vầng trăng luôn được miêu tả gắn với các định ngữ (“tình nghĩa”, “tròn”), đến khổ cuối kết tinh trong hình ảnh “tròn vành vạnh”, đó là ân nghĩa thủy chung, là những giá trị tốt đẹp của quá khứ mãi vẹn nguyên. Cái im lặng của trăng, cái ánh sáng dịu mát của trăng không phải là một sự bất động mà lại làm cho con người suy ngẫm về mình.

Con người như có sự ân hận, xót xa vì đã “vô tình”, vô tình với trăng cũng là vô tình với cuộc sống, với con người và cả với những gì thân thuộc, với quá khứ, với hiện tại. Cái “im phăng phắc”, sự im lặng đầy tình nghĩa, không một lời trách cứ mà có phần nghiêm khắc của trăng đã đánh thức con người, làm xáo động tâm hồn người lính xưa. Con người “giật mình” trước ánh trăng lặng lẽ là sự bừng tỉnh của nhân cách, trở về với lương tâm trong sạch, tốt đẹp. Đó là một nỗi ăn năn nhân bản, thức tỉnh tâm linh, làm đẹp con người. Cái “giật mình” chứa đựng cả tin yêu, hi vọng. Sự xao động trong lặng yên này như một mạch nước ngầm vọt trào lên sẽ xua đi bao lỗi lầm để vững vàng tạo một cuộc sống đẹp đẽ. Giọng thơ từ thiết tha đến trầm lắng trong cảm xúc và suy tư lặng lẽ. Không phải ngẫu nhiên mà trong bài tác giả nhiều lần nhắc đến “vầng trăng tròn”, còn đến đây lại nhắc đến Ánh trăng và tên tập thơ cũng là Ánh trăng. “Vầng trăng tròn” để nói về quá khứ thủy chung, tình nghĩa, vẹn nguyên, còn “ánh trăng” để nói đến vầng hào quang của quá khứ, ánh sáng của lương tâm, của đạo đức, cái ánh sáng rọi soi, thức tỉnh, để xua đi khuất tối trong tâm hồn. Hình ảnh thơ đến đây gợi ra chiều sâu tư tưởng triết lí: vầng trăng không chỉ là hiện thân cho vẻ đẹp của thiên nhiên mà còn là biểu tượng cho quá khứ nghĩa tình, hơn thế, trăng còn là vẻ đẹp bình dị mà vĩnh hằng của đời sống. Vầng trăng cứ tròn đầy và lặng lẽ kể chi người “vô tình” là biểu tượng cho sự bao dung, độ lượng, cho nghĩa tình thủy chung, trọn vẹn, trong sáng, vô tư, không đòi hỏi sự đền đáp. Đó chính là phẩm chất cao cả của nhân dân mà Nguyễn Duy cũng như nhiều nhà thơ cùng thời đã phát hiện và cảm nhận một cách sâu sắc trong thơ từ thời chiến tranh chống Mĩ. Vầng trăng cứ tròn vành vạnh tượng trưng cho quá khứ đẹp đẽ, vẹn nguyên, chẳng thể mờ phai. “Ánh trăng im phăng phắc” chính là người bạn, nhân chứng nghĩa tình mà nghiêm khắc đang nhắc nhở nhà thơ (và cả trong mỗi chúng ta). Con người có thể vô tình, lãng quên, nhưng thiên nhiên, nghĩa tình quá khứ thì luôn tròn đầy, bất diệt. Ánh trăng vì thế không chỉ là chuyện của một người, một thế hệ – thế hệ từng sống hào hùng suốt một thời đánh giặc, mà có ý nghĩa với nhiều người, với mọi thời. Nó có ý nghĩa cảnh tỉnh, gợi cho mọi người sống ý nghĩa, sống đẹp, xứng đáng với, những người đã khuất, xứng đáng với chính mình, trân trọng quá khứ để vững bước trên đường tới tương lai.

Bài thơ nói chuyện trăng mà lại là chuyện đời, khơi đúng cái mạch nguồn đạo lí truyền thống của dân tộc: thủy chung, nghĩa tình, uống nước nhớ nguồn, lời thơ thấm thía, xúc động, bởi trước hết nó là lời tự nhắc nhở với giọng trầm tĩnh mà lắng sâu.

Bài viết liên quan

549
  Tải tài liệu