Bàn về tranh giành và nhường nhịn.

Bộ tài liệu Văn mẫu lớp 9 gồm 500 bài văn mẫu hay nhất, đầy đủ nhất. Dưới đây là bài văn mẫu Cảm nhận về bài:  Bàn về tranh giành và nhường nhịn.  ngữ văn lớp 9 được biên soạn mới nhất giúp các bạn học sinh học tốt môn văn 9 hơn.

827
  Tải tài liệu

Bàn về tranh giành và nhường nhịn.

A/ Dàn ý chi tiết

I. Mở bài:

- Tranh giành và nhường nhịn là hai trong số những tính cách của con người. Đó là mặt tốt và mặt chưa tốt.

- Vậy tranh giành và nhường nhịn có ý nghĩa như thế nào trong cuộc sống của chúng ta ?

II. Thân bài: 

* Giải thích: (Đặt câu hỏi: là gì?)

- Tranh giành là gì? => Sự ham muốn rất lớn một sự vật nào đó về phía mình.

- Nhường nhịn là gì? => Chịu để lại một sự vật nào đó cho người khác với thái độ hòa nhã.

* Đưa ra các biểu hiện: (Đặt câu hỏi: Tại sao ? Vì sao?)

* Tại sao chúng ta nên nhường nhịn trong cuộc sống?

- Đó là một trong những phẩm chất tốt của con người.

- Cuộc sống sẽ dễ dàng hơn, thắt chặt tình cảm giữa con người với con người hơn.

- Dẫn chứng: Câu chuyện “Dê đen và Dê trắng” khi tranh nhau qua cầu, vì không ai chịu nhường nhịn ai nên cuối cùng cả hai đều rơi xuống sông.

* Tranh giành có mang lại lợi ích gì cho con người không?

- Làm xấu đi mối quan hệ, tình cảm giữa con người với nhau.

- Thể hiện mình là kẻ ích kỷ, không biết nghĩ đến những người xung quanh mình.

* Bàn bạc, mở rộng vấn đề

- Có phải nhường nhịn mãi sẽ trở thành hèn nhát không?

- Đó là cách xử sự khôn khéo trong giao tiếp ứng xử của con người.

- Giúp cho ta dễ thành công hơn trong cuộc sống.

- Dẫn chứng: Trong gia đình, anh chị em trên thuận dưới hòa, biết nhường nhịn lẫn nhau sẽ là một gia đình hạnh phúc. Ngoài xã hội, nếu mọi người ai ai cũng tâm niệm một câu “Một câu nhịn, chín sự lành” thì xã hội sẽ tốt đẹp biết bao.

III. Kết bài:

- Tranh giành và nhường nhịn là hai phẩm chất đạo đức của con người.

- Cần đề cao đức tính tốt: nhường nhịn.

- Tránh xa đức tính chưa tốt: tranh giành.

B/ Sơ đồ tư duy

C/ Bài văn mẫu

Bàn về tranh giành và nhường nhịn – mẫu 1

Cha ông xưa từng khuyên: “Một điều nhịn là chín điều lành”. Có lẽ, có lời khuyên ấy cũng là bởi trong cuộc sống có quá nhiều biểu hiện của sự tranh giành. Tranh giành - nhường nhịn, hai vấn đề không phải là mới nhưng cũng không hề cũ.

Vậy tranh giành là gì? Thế nào là nhường nhịn? Tranh giành là giành giật, vơ vét lấy công sức, thành quả của người khác về phần mình. Còn nhường nhịn thì ngược lại. Nhường nhịn là cho, chia sẻ công sức thành quả của mình cho những người có ít hơn mình. Tranh giành là biểu hiện của lòng tham, của lối sống vị kỉ, vun vén cho lợi ích cá nhân; còn nhường nhịn là biểu hiện của tình thương, của lối sống mình vì mọi người. Nhìn vào những biểu hiện của từng người qua hành động, lời nói, cách giao tiếp từ trong gia đình đến ngoài xã hội, chúng ta cũng có thể hiểu được rất rõ người ấy sống thế nào. Lúc bé, tranh nhau một cái kẹo ngon, một chỗ ngồi tốt... Dẫu rất đơn giản nhưng đã là mầm mống của một thói xấu. Không được uốn nắn, tính xấu ấy cứ thế lớn dần lên. Đứa trẻ ngày nào tranh kẹo, tranh chỗ ngồi đó rất dễ trở nên một kẻ ích kỉ, lúc nào cũng chăm chăm đến quyền lợi bản thân, tìm mọi cách vơ vét sức lao động của người khác, giành giật những cái vốn không phải của mình, vẫn còn đó một con Cám lười biếng, tham lam mà ông cha ta đã từng khắc ghi trong cổ tích. Từ chỗ cướp giỏ tôm tép của cô Tấm để giành yếm đào, lòng tham cứ thế lớn lên, nó còn cướp cả niềm vui tinh thần của Tấm, cướp cả hạnh phúc của Tấm nữa. Thật đáng sợ! Còn ngược lại, nếu từ bé, ta đã biết nhường nhịn người khác thì khi lớn lên, sự nhường nhịn đó sẽ trở thành sự thương yêu, chia sẻ, biết giúp đỡ mọi người ngay cả những người ta không quen biết. Cô Tấm ngày xưa đã biết nhường bớt phần cơm ít ỏi của mình để mang ra cho cá bống. Một việc làm thật nhỏ nhưng ta hiểu được tình yêu thương trong trái tim cô dào dạt chừng nào. Để rồi, mỗi ngày mới hôm nay, ta lại thật vui khi được biết đến những tấm lòng vàng biết đùm bọc yêu thương, nhường cơm sẻ áo cho những người gặp hoạn nạn, khó khăn. Thật thơm thảo và đáng quý làm sao những nghĩa cử cao đẹp ấy!

Tranh giành, nhường nhịn là hai mặt, hai khái niệm trái ngược nhau. Sự tranh giành làm cho con người trở nên ích kỉ, làm xấu đi nhiều mối quan hệ trong xã hội. Ngược lại, nhường nhịn là sự chia sẻ cảm thông, làm cho con người lớn lên, hoàn thiện hơn về nhân cách. Đó là một phẩm chất cần có của con người mới trong xã hội hôm nay, những con người không chỉ hạnh phúc khi được nhận mà còn biết hạnh phúc khi được trao ban. Một đồng tiền kinh doanh là đồng tiền sinh lợi, một ánh lửa sẻ chia là ánh lửa lan toả, đôi môi có hé mở thì mới mong nhận được nụ cười. Chỉ biết nhận mà không biết cho, chỉ biết tranh giành mà không biết nhường nhịn thì rồi cũng sẽ như cái biển chết, sẽ tự giết chính mình trong sự cô lập của mọi người, của xã hội.

Vậy mà, thật đáng buồn, khi bên cạnh những tấm lòng vàng, những con người biết sống vì người khác, vẫn còn không ít những kẻ chỉ biết nghĩ tới bản thân mình. Nói điều này âu cũng là để mỗi người tự dặn lòng sống sao cho phải, cho hợp với lẽ sống làm người. Mỗi người nên hướng bản thân vào lối sống đẹp. Ta cần biết nhường cơm sẻ áo cho người khác. Hơn nữa, ta cần phải học cách nhường nhịn, học cách sẻ chia và học cả cách yêu thương con người. Tự giáo dục mình thôi chưa đủ mà phải có ý thức giáo dục những người khác, đặc biệt là những người nhỏ tuổi hơn ta. Cha mẹ giáo dục con cái thầy giáo dục trò, anh chị giáo dục em út, người lớn giáo dục người bé... Mỗi người phải thực sự là một tấm gương sáng về thái độ sống biết nhường nhịn, biết yêu thương thì mới thực sự tạo nên cuộc sống tốt đẹp. Hãy biết sống nhường nhịn và không tranh giành! 

Bàn về tranh giành và nhường nhịn – mẫu 2

Từ xưa, đức nhẫn nhịn được các bậc hiền nhân xem là một trong các phương châm xử thế hàng đầu. Nó thể hiện được trí tuệ sáng suốt, tính cách điềm đạm, ý chí bền vững, lòng khoan dung đức tính vị tha của người quân tử. Có biết bao tấm gương để lại cho đời sau về đức tính nhẫn nhịn.

Thế nào là nhẫn nhịn? Nhẫn nhịn hay nhường nhịn là chấp nhận để người khác hơn mình, là thái độ hoà nhã không có ý định tranh giành hơn thua. Đây là một đức tính tốt đẹp mà con người cần phát huy. Trong thực tế không phải ai cũng hiểu và thực hiện được điều đó. Mỗi người đều có lòng tự ái của mình, đôi khi tự ái quá lớn dẫn đến sự kiêu hãnh. Chỉ cần lòng kiêu hãnh ấy bị xúc phạm là xung đột sẽ xảy ra. Hơn nữa, con người ngày nay có thói quen đặt quyền lợi cá nhân lên trên tất cả, cho nên mọi thứ lễ nghĩa trong giao tiếp xử thế thường bị coi nhẹ. Mọi sự nhường nhịn cảm thông được đánh đồng với cảm giác bị thua thiệt, nhục nhã. Thỉnh thoảng chúng ta vẫn thấy những đám đông hiếu kì bu quanh hai người đang đôi co hùng hổ, đó là hệ quả của thói xấu không nhường nhịn.

Thật ra, nhường nhịn không phải là đầu hàng, là thất bại. Nhường nhịn phải được hiểu là sự thông cảm, tha thứ cho nhau trong giao tiếp ứng xử để cuộc sống tốt đẹp hơn. Những ai cho rằng nhường nhịn là thua thiệt, mất mặt tức là họ chưa hiểu hết bài học về lễ nghĩa trong việc xử thế. Nhường nhịn là một chìa khoá đưa con người đi đến thành công. Vì sao? Vì con người là đối tượng có những mối quan hệ đầy phức tạp, chỉ cần ta sơ xuất sẽ dẫn đến hiểu lầm, tranh chấp thậm chí hoá ra hận thù khó giải. Biết bao nhiêu bi kịch gia đình, bao nhiêu cuộc xô xát diễn ra trong nhà trường, ngoài xã hội cũng vì con người ta không biết yêu thương nhường nhịn Người Trung Quốc có câu ngạn ngữ nổi tiếng: “ Hoà khí sinh tài”, giữ được mối giao hảo tốt đẹp với nhau là cơ hội để phát triển làm ăn buôn bán. Đó là lý do vì sao người Hoa lại có thể xuất hiện và làm ăn lâu dài ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. Theo quan điểm Nho giáo, nhường nhịn là một trong những biểu hiện về cái Đức của bậc đại trượng phu. Sách sử Trung Quốc vẫn thường ca ngợi những tấm gương biết nhẫn nhục để mưu đồ việc lớn. Danh tướng Hàn Tín thời Đông Hán là một điển hình. Trong thuở hàn vi, ông dám hạ mình bò qua trôn một tên bán thịt giữa chợ đông. Không phải vì nhân cách thấp hèn mà vì ông biết nhường nhịn việc nhỏ để làm đại sự. Sau này, tấm gương của ông vẫn được người đời truyền tụng mãi. Trong gia đình vợ chồng anh em luôn hoà thuận, kính trên nhường dưới cảm thông lẫn nhau thì gia đình sẽ rất hạnh phúc. Nhìn rộng ra xã hội, nếu mọi người thân ái hòa đồng nhường nhịn lẫn nhau thì làm gì xảy ra bất đồng, xô xát, làm gì có chiến tranh binh biến đau thương?

Tóm lại, cuộc sống con người dù có trải qua nhiều va chạm, ganh đua, ta vẫn phải tôn trọng đạo đức lễ nghĩa. Một trong những bài học lễ nghĩa đầu tiên trong cách đối nhân xử thế là bài học về sự nhường nhịn.

Bàn về tranh giành và nhường nhịn – mẫu 3

Trong cuộc sống xã hội đầy bộn bề như ngày nay thì tính cách của con người cũng theo đó mà có sự biến chuyển rất rõ rệt. Trong vô vàn những tính cách của con người thì dường như sự tranh giành và nhường nhịn là hai trong số những tính cách có mối quan hệ khăng khít với nhau. Nếu như sự nhường nhịn là biểu hiện của đức tính vị tha, khoan dung thì tranh giành là sự biểu hiện của lòng đố kỵ.

Vậy tranh giành và nhường nhịn đã được thể hiện như thế nào trong cuộc sống của chúng ta? Và chúng có ảnh hưởng tích cực hay tiêu cực nào trong xã hội? Trước hết ta phải hiểu rõ tranh giành là gì? Đó là tranh nhau để giành lấy điều gì đó về phía mình bất chấp tất cả. Thế còn nhường nhịn nghĩa là gì ? Là chúng ta chịu nhận phần kém, phần thiệt về mình, để cho người khác được hưởng phần hơn trong quan hệ đối xử với nhau. Với cách chúng ta vừa định nghĩa thì hai khái niệm này một bên thì thể hiện cái tốt và một bên thể hiện cái chưa tốt. Vậy thì tại sao chúng ta nên nhường nhịn nhau trong cuộc sống? Bởi vì đó là một trong những phẩm chất tốt đẹp của con người. Cuộc sống của chúng ta sẽ dễ dàng hơn, thắt chặt được mối quan hệ, tình cảm giữa con người với con người với nhau hơn. Trong kho tàng truyện ngụ ngôn dân gian, chúng ta chắc ai cũng đã từng đọc qua câu chuyện “Dê trắng và Dê đen”. Khi hai con dê tranh nhau qua cầu, do không ai chịu nhường nhịn ai nên cả hai cuối cùng đều rớt xuống sông. Nội dung câu chuyện trên cùng minh chứng phần nào cho việc nếu chúng ta trong cuộc sống không biết nhường nhịn lẫn nhau thì cả hai sẽ phải chịu những hậu quả nặng nề.

Hay trong cuộc sống, tìm hiểu tình huống trong siêu thị có hàng người đang xếp hàng để tính tiền phần hàng mình vừa mua, thế nhưng bỗng có một người chen ngang chạy lên đứng đầu hàng để tính tiền, những người đứng đợi khá lâu trước đó rất bức xúc và bắt đầu đôi bên gây ra cãi vã, dẫn đến đánh nhau rất đáng tiếc. Trong tình huống này, ta thấy người chen ngang đã thể hiện mình là một người vừa không có ý thức xếp hàng, vừa thể hiện mình là một người rất bất lịch sự. Nếu như hai bên mỗi bên nhường nhịn nhau một tiếng, và xếp hàng một cách trật tự thì sẽ không có chuyện gì xảy đến.

Vậy tranh giành có mang lại lợi ích gì cho con người không mà sao vẫn tồn tại rất nhiều con người thích tranh giành với nhau như vậy? Trước hết ta cần xác định, tranh giành là một đức tính không tốt của con người. Nó khiến cho mối quan hệ giữa con người và con người trở nên xấu đi, làm mất đi tình cảm thân thiết. Đồng thời, nó cũng thể hiện mình là một kẻ ích kỷ, không biết suy nghĩ và quan tâm đến những người xung quanh mình. Giống như nhân vật thích chen ngang một cách bất lịch sự như vị khách trong siêu thị như trong câu chuyện trên đã thể hiện rõ tranh giành nhau sẽ không mang lại bất kỳ lợi ích tốt đẹp nào cả. Nhưng trong xã hội đầy rối ren, xô bồ thì có phải nhường nhịn mãi sẽ trở nên hèn nhát không ? Xin thưa mọi người là không. Bởi vì khi ta nhường nhịn, điều đó đã thể hiện cách xử sự khôn khéo trong giao tiếp ứng xử của con người với nhau. Nó giúp cho ta đạt được dễ dàng những thành quả trong cuộc sống. Ví dụ như trong gia đình chúng ta, nếu anh chị em trên thuận dưới hoà, mỗi người đều biết nhường nhịn lẫn nhau sẽ tạo nên một đại gia đình hạnh phúc và yên vui, làm ấm lòng những người làm cha, làm mẹ. Còn ngoài xã hội, nếu như ai ai cũng biết tâm niệm “Một câu nhịn, chín sự lành” thì xã hội của chúng ta sẽ đẹp đẽ biết bao. Còn nếu như ai ai cũng chỉ biết nghĩ đến bản thân mình, ích kỉ mà không quan tâm đến mọi người thì chắc chắn những người đó sẽ dễ gặp trắc trở và thất bại trong cuộc sống sau này của mình.

Nói tóm lại, tranh giành và nhường nhịn luôn tồn tại trong cuộc sống của mỗi chúng ta. Vì vậy, chúng ta cần phải mở rộng lòng mình, luôn lấy sự nhường nhịn làm kim chỉ nam trong cuộc sống của bản thân. Từ đó khắc phục dần thói xấu tranh giành lẫn nhau.

Bàn về tranh giành và nhường nhịn – mẫu 4

Trong xã hội ngày nay, có muôn hình vạn trạng những con người với những tính cách khác nhau. Trong đó tranh giành và nhường nhịn là hai phạm trù khá quen thuộc tồn tại trong mỗi người. Vậy bạn nghĩ gì về hai kiểu tính cách tưởng chừng như đối lập này? Nó ảnh hưởng như thế nào đến xã hội và con người?

Trước hết để nêu ý kiến về vấn đề này thì bạn nên tìm hiểu thế nào là tranh giành và thế nào là nhường nhịn? Tranh giành là việc làm đấu tranh có thể bằng lí lẽ hoặc bằng sức mạnh để giành lấy một thứ gì đó là đồ vật hoặc tình cảm nó xuất phát từ ham muốn chiếm hữu và lòng tham của con người. Thường mang ý nghĩa không được tốt đẹp cho lắm. Ngược lại với tranh giành là nhường nhịn. Đó là đức tính vô cùng tốt đẹp của con người, nhẫn nhịn chịu phần thiệt về mình không hề sân si hay tranh chấp với bất cứ ai. Biểu hiện chính là nó là trong mối quan hệ hàng ngày, giữa bạn bè, công việc, hay tình cảm. Trong bất kì một mối quan hệ nào tốt nhất nên dựa trên cơ sở lành mạnh, chan hòa tương trợ giúp đỡ lẫn nhau chứ không nên vì lợi ích cá nhân mà tranh giành những thứ không thuộc về mình. Bởi tranh giành sẽ khiến con người trở mặt thành thù còn nhường nhịn sẽ khiến các mối quan hệ trở nên hài hòa, yên ấm và văn minh hơn. Trên thực tế đã chứng minh việc nhường nhịn nhau là vô cùng cần thiết. Nó không chỉ tồn tại trong quan hệ tình bạn, công việc mà đơn giản là trong mối quan hệ anh em gia đình. Anh em nhường nhịn nhau sẽ tránh mất hòa khí, hạn chế xung đột mang đến cho gia đình sự yên ấm và hạnh phúc. Còn tranh giành sẽ khiến “trở mặt thành thù” và trở thành vũ khí giết chết nhân ái trong mỗi con người.

Thực chất trong mỗi người đều tồn tại hai mặt là tranh giành và nhường nhịn cùng song song hiện hữu trong một chủ thể. Thế nhưng quan trọng là chúng ta biết cách chế ngự lòng tham, sự ham muốn chiếm hữu của mình xuống thấp nhất để giữ tình hòa hữu giữa các bên. Tuy nhiên không phải lúc nào việc tranh giành cũng mang ý nghĩa tiêu cực. Lịch sử đã chứng minh nhiều sự tranh giành là đúng nghĩa. Dân tộc ta trải qua bốn ngàn năm dựng nước và giữ nước, trong quá trình xây dựng bờ cõi quốc gia chúng ta phải chiến đấu với rất nhiều kẻ thù xâm lược để giành lấy chủ quyền. Cuộc chiến đó không hề phi lý mà nó còn trở nên chính nghĩa. Thể hiện được tự tôn dân tộc sâu sắc. Nhường nhịn ở mức chấp nhận được và đúng hoàn cảnh thì tốt song nếu nó không đúng hoàn cảnh thì trở thành trò cười cho mọi người. Bạn có thể giữ gìn hòa khí được một, hai lần thế nhưng để cho người khác chà đạp lên quyền lợi, nhân phẩm của mình và người thân mà vẫn nhường nhịn thì đó là nhu nhược. Vì thế con người hãy làm sao để dung hòa tốt nhất những yếu tố đó. Để chúng ta vừa là những người điềm tĩnh nhất lại vừa biết cách bảo vệ chính mình và người thân của mình một cách có văn hóa và đúng lí nhất.

Tranh giành và nhường nhịn là hai phạm trù vô cùng quan trọng của cuộc sống. Vì thế bạn hãy trở thành những người khôn khéo, có nghệ thuật trong ứng xử để trở thành một người hoàn hảo nhất.

Bài viết liên quan

827
  Tải tài liệu