Ý nghĩa tượng trưng qua hình ảnh con cò từ bài thơ “Con cò” của Chế Lan Viên.

Bộ tài liệu Văn mẫu lớp 9 gồm 500 bài văn mẫu hay nhất, đầy đủ nhất. Dưới đây là bài văn mẫu Cảm nhận về bài:  Ý nghĩa tượng trưng qua hình ảnh con cò từ bài thơ “Con cò” của Chế Lan Viên.  ngữ văn lớp 9 được biên soạn mới nhất giúp các bạn học sinh học tốt môn văn 9 hơn.

606
  Tải tài liệu

Ý nghĩa tượng trưng qua hình ảnh con cò từ bài thơ “Con cò” của Chế Lan Viên.

A/ Dàn ý chi tiết

1. Mở bài

- Giới thiệu về Chế Lan Viên: nhà thơ được biết đến với một phong cách thơ đặc sắc, giàu trí tuệ và chất triết lí

- Giới thiệu ý nghĩa tượng trưng hình ảnh  “Con cò”: hình ảnh thơ độc đáo đã ngợi ca tình mẹ và ý nghĩa lời ru trong cuộc đời mỗi con người

2. Thân bài

a. Hình ảnh con cò là biểu tượng cho cuộc đời lam lũ của mẹ

- “Con còn bế trên tay….đang bay”: lời tâm tình thủ thỉ của mẹ với con, con cò đến với con ngay từ khi còn còn tấm bé trong lời ru của mẹ

- Con cò bay la…Đồng Đăng”: Hình ảnh con cò gợi cuộc sống xưa cũ từ làng quê đến phố xá thong thả => con cò là hình ảnh của hồn quê hương, hồn đất nước

- “Con cò ăn đêm…Cò sợ xáo măng”: Hình ảnh cò trong lời ru con không phải chỉ là hồn quê hương mà còn là hình ảnh biểu trưng cho những người nông dân, những người phụ nữ …vất vả lam lũ kiếm sống

- “Ngủ yên!...phân vân”: “Cánh cò” trong câu hát của mẹ đến với con khi con còn chưa thể hiểu được, nhưng có thể con sẽ cảm nhận được âm điệu ngọt ngào và tình yêu thương che chở vỗ về của mẹ

⇒ Vận dụng sáng tạo hình ảnh, âm điệu ca dao dân ca => những câu ca dao in dần vào mảnh hồn thơ ngây của con

b. Hình ảnh con cò theo con suốt cuộc đời dài rộng

- Hình ảnh cò đến với tiềm thức của con qua lời ru của mẹ “Cò đứng quanh nôi…đắp chung đôi”: Cò gần gũi, gắn bó với con từ thưở trong nôi

- Cò theo con trên từng chặng đường đời:

+ “Mai khôn lớn con theo cò đi học”: Cò trở thành người bạn đồng hành trên con đường đi học của con

+ Cò còn “theo gót đôi chân”, không rời xa, con sẽ làm “thi sĩ”, cánh cò sẽ tiếp tục gắn bó với con miệt mài không nghỉ, không xa rời

⇒ Điệp ngữ, điệp cấu trúc, sử dụng nhiều câu cảm thán => Cò thực sự trở thành một người bạn đồng hành từ khi con còn nằm trong nôi đến khi con khôn lớn trưởng thành

⇒ Hình ảnh cánh cò đồng hành cùng con là biểu tượng cho người mẹ, cho tình mẹ luôn gắn bó, che chở cho con trên suốt hành trình dài rộng của cuộc đời

3. Kết bài

- Khái quát những nét tiêu biểu nghệ thuật và sự thành công trong nội dung biểu hiện của tác phẩm

- Liên hệ mở rộng: Đưa ra suy nghĩ của bản thân về tình mẹ trong cuộc sống

B/ Sơ đồ tư duy

C/ Bài văn mẫu

Ý nghĩa tượng trưng qua hình ảnh con cò từ bài thơ Con cò – mẫu 1

Từ hàng ngàn đời nay, văn chương muôn đời đã dành biết bao lời hay ý đẹp để ca ngợi tình mẫu tử thiêng liêng, cao đẹp, nhưng đề tài quen thuộc ấy vẫn không bao giờ là vấn đề xưa cũ. Một trong những bài thơ còn vang vọng mãi trong lòng người đọc bao thế hệ về tình cảm ấy chính là “Con cò” của Chế Lan Viên. Vậy hình ảnh con cò trong nhan đề có ý nghĩa gì? Tại sao tác giả lại lấy tên nhan đề “Con cò”?

Bài thơ được viết năm 1962, in trong tập “Hoa ngày thường, chim báo bão”. Bài thơ mang âm hưởng của lời ru ngọt ngào ngân nga nhưng lại nhưng lại thể hiện rất rõ tính triết học giúp người đọc suy ngẫm, phát hiện về một đề tài đã gần gũi, quen thuộc. Tư tưởng ấy được gửi gắm từ nhan đề tác phẩm. “Con cò” - hình tượng trung tâm xuyên suốt và cả bài thơ là sự phát triển dựa trên hình tượng ấy. Con cò - hình ảnh quen thuộc của những câu ca dao nhưng lại mang những ý nghĩa biểu tượng, phát triển mới. Trước hết, con cò là hình ảnh quen thuộc trong những câu ca dao, dân ca Việt Nam. Ở đoạn một của bài thơ, con cò được gợi nhắc trực tiếp từ những câu ca dao, ít nhiều thể hiện sự phong phú trong ý nghĩa hình tượng con cò. Những câu thơ: “con cò bay lả bay la/ Bay từ cửa phủ bay ra cánh đồng” gợi ra không gian quen thuộc và cuộc sống thong thả, bình yên của thời xưa. Hình ảnh “cò một mình/ Cò phải kiếm ăn” gợi ta nhớ đến những câu ca dao:

“Con cò mà đi ăn đêm

Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao”

Có gì giống giữa hình ảnh con cò lặn lội kiếm ăn và hình ảnh người mẹ tần tảo, lam lũ, một nắng hai sương, dẫu gặp cảnh ngộ éo le mà vẫn trung thực, ngay thẳng, sáng trong. Rồi ta bỗng nhớ đến những câu:

“Con cò lặn lội bờ sông

Gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non”

Con cò hay chính là biểu tượng của làng quê Việt thanh bình yên ả, của hình ảnh người mẹ luôn một nắng hai sương, chịu thương chịu khó.

Con cò còn đi vào đến trong tâm hồn trẻ thơ một cách vô thức, gắn với con trên mỗi chặng đường đời. Từ thuở con còn nằm trong nôi, con chưa hiểu được ý nghĩa của cò: “Con chưa biết con cò, con vạc/ Con chưa biết những cành mềm mẹ hát” rồi cánh cò trở thành bạn đồng hành của con:

“Con ngủ yên thì cò cũng ngủ

Cánh của cò, hai đứa đắp chung đôi

Mai khôn lớn con theo cò đi học

Cánh trắng cò bay theo gót đôi chân…”

Và hình ảnh con cò đã trở thành biểu tượng về lòng mẹ, là sự dìu dắt, nâng đỡ bền bỉ của mẹ, chở che con trên mỗi chặng đường đời.

Đặc biệt, những câu thơ cuối, hình ảnh con cò được nhấn mạnh ở tấm lòng người mẹ cũng như ý nghĩa lời ru với cuộc đời mỗi con người. Quy luật tình cảm có ý nghĩa bền vững, rộng lớn và sâu sắc được nhà thơ chiêm nghiệm qua những câu thơ:

"Con dù lớn vẫn là con của mẹ

Đi hết đời, lòng mẹ vẫn theo con"

Trong cái nhìn và tấm lòng của người mẹ, lúc nào cũng vậy, đứa con dù có khôn lớn, trưởng thành đến đâu thì vẫn cần đến tình yêu thương và sự chăm lo của mẹ. Tấm lòng người mẹ bao giờ, ở đâu cũng mãi dõi theo, che chở và đùm bọc cho con. Điều đó cũng đã được Nguyễn Du chiêm nghiệm thấm thía:

“Ta đi trọn kiếp con người

Cũng không đi hết những lời mẹ ru”

Con cò là lời ru của mẹ, là cuộc đời của cha, là cả thiên nhiên đất trời che chở, nuôi dưỡng con.

Hình ảnh con cò đã nêu bật lên tư tưởng chủ đề cũng như dòng cảm xúc chủ đạo của tác phẩm: tình yêu thương của mẹ dành cho con, sự thiêng liêng và bất diệt của tình mẫu tử với mỗi con người. Không chỉ thế, hình ảnh con cò cũng làm bật lên được nét triết lý, suy tưởng đã làm nên phong cách thơ Chế Lan Viên. 

Cách xây dựng hình tượng vừa có ý nghĩa thực, vừa mang ý nghĩa biểu tượng với những lớp nghĩa xa gần, đem lại những bài học nhận thức và giáo dục cho người đọc, dạy chúng ta biết sống đẹp và sống có nghĩa trong cuộc sống.

Ý nghĩa tượng trưng qua hình ảnh con cò từ bài thơ Con cò – mẫu 2

Mỗi tác phẩm đều chứa đựng một thông điệp ý nghĩa về nhân sinh, đều gửi gắm một thông điệp trong cuộc sống và về con người mà người nghệ sĩ muốn gửi gắm. văn chương thực hiện chức năng ấy qua việc xây dựng những hình tượng. nhưng nếu hình tượng là sự khám phá xuyên suốt toàn tác phẩm nghệ thuật thì ngay từ nhan đề đã gây ấn tượng với bạn đọc. Với nhan đề “Con cò”, bạn có suy nghĩ gì chăng?

Có câu: cái để làm quen là nhan sắc, cái để sống lâu dài là đức hạnh. Chính bởi lẽ ấy, cái nhan sắc - hình thức nghệ thuật của một tác phẩm cũng rất quan trọng chăng. Đó là yếu tố đầu tiên, yếu tố thứ nhất để cái tâm có thể được tỏa sáng. Mỗi tác phẩm phải là một phát minh về hình thức, một khám phá về nội dung. Và có ai đó đã từng nói, một tác phẩm nghệ thuật thì cách mở đầu và kết thúc cũng rất đáng để công phu, sáng tạo. Làm thế nào để ngay từ đầu có thể lôi cuốn, hớp hồn người đọc đó không phải là điều dễ dàng. Vả chăng, nếu coi khâu mở đầu là quan trọng thì cái đầu tiên, trước nhất của mở đầu là nhan đề cũng chứa đựng rất nhiều công phu, dụng ý của người nghệ sĩ đó ư. Nhan đề là nơi chứa đựng những thông điệp và giá trị nhận thức về đời sống, nhân sinh, về các vấn đề xã hội mà nhà văn muốn gửi gắm đến độc giả một cách trực tiếp và ấn tượng nhất. Nhan đề không phải luôn dùng những từ ngữ mỹ miều để phỉnh nịnh, đánh lừa các giác quan của người đọc, mà làm sao nó khách quan, khoa học và mang ý nghĩa, giá trị nhất. như vậy nhan đề là một trong những phương tiện đặc biệt để người nghệ sĩ đối thoại với người đọc.

Con cò là một từ khóa quen thuộc trong văn học, ta đã từng nghe trong những câu ca dao:

“Cái cò lặn lội qua sông

Gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non”.

Hay

“Con cò mà đi ăn đêm

Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao

Ông ơi ông vớt tôi vào

Tôi có lòng nào ông hãy xáo măng

Có xáo thì xáo nước trong

Đừng xáo nước đục đau lòng cò con”.

Như vậy, con cò đã trở thành biểu tượng trong ca dao. Đó là biểu tượng cho người nông dân, một nắng hai sương dầm mưa dãi nắng để mong có được hạt gạo trắng ngần, dẻo thơm ngon ngọt. là biểu tượng cho người phụ nữ trong ca dao với số phận long đong lận đận, với bi kịch tảo hôn. Nhìn chung con cò là hình ảnh cho cuộc sống lầm than cơ cực trăm bề của người nông dân trong xã hội cũ. Như thế, đặt nhan đề của mình là con cò, một lần nữa Chế đã đánh thức một miền ký ức cổ xưa trong dân gian, đồng thời khơi dậy những hứng thú cho người đọc. Con cò trong thơ Chế Lan Viên hình ảnh cho người mẹ dịu dàng, nhân hậu luôn muốn sát cánh cùng con, luôn ủng hộ và dõi theo con với mọi ước mơ, mong muốn mà con cần. Cánh cò chính là đôi cánh ước mơ của con, là đôi cánh tâm hồn mẹ muôn dang rộng để che chở và bảo vệ con.

Như vậy, với việc đặt nhan đề, Chế Lan Viên đã phần nào cho thấy sức hút và sự mới mẻ trong cách tìm hiểu và tiếp cận của mình. Đồng thời, thức dậy một miền ký ức hồn nhiên mà cũng đầy ám ảnh về hình tượng con cò. con cò như vậy đã được nối liền từ ca dao, dân ca đến thơ trung đại và nay bắt vào văn mạch văn học hiện đại lại càng thêm thăng hoa và mở ra những trường liên tưởng mới. nhà thơ Chế Lan Viên bằng những triết lý và chiêm nghiệm sâu sắc của mình qua nhan đề đã gây ấn tượng và làm gợi dậy một miền ký ức thân quen trong tâm hồn người đọc.

Ý nghĩa tượng trưng qua hình ảnh con cò từ bài thơ Con cò – mẫu 3

Tình mẫu tử là một đề tài quen thuộc của văn chương nhưng lại chẳng bao giờ là cũ. Có nhiều bài thơ hay nói về tình mẫu tử và một trong số đó là bài thơ Con cò của nhà thơ Chế Lan Viên. Vì sao tác giả lại lấy nhan đề là con cò chứ không lấy một nhan đề cụ thể hơn như tình mẹ chẳng hạn? Tìm hiểu về bài thơ này có lẽ sẽ cho chúng ta được câu trả lời.

Bài thơ Con cò được tác giả sáng tác vào năm 1962 và được in trong tập thơ “Hoa ngày thường, chim báo bão”. Mặc dù mang âm hưởng dân ca với lời ru ngọt ngào của người mẹ nhưng nội dung bài thơ vẫn thể hiện rõ nét tính triết học. Con cò là hình ảnh gần gũi nhưng khi đọc bài thơ, người đọc vẫn phải suy ngẫm. Đây cũng là điều mà tác giả muốn gửi gắm ngay từ nhan đề của bài thơ. Các tác giả văn học thường lấy hình tượng xuyên suốt tác phẩm của mình làm nhan đề. Đối với tác phẩm này cũng vậy, hình ảnh con cò xuyên suốt bài thơ. Mặc dù hình ảnh con cò gắn liền với những câu ca dao, câu hát ru nhưng trong bài thơ này hình ảnh con cò lại mang tính biểu tượng và có những phát triển mới mẻ hơn. Tác giả cũng đã mượn hình ảnh con cò trong câu ca dao để mào đầu cho ý tưởng bài thơ của mình. Điều này khiến cho người đọc cảm thấy bài thơ có gì đó thân quen, dễ dàng tiếp nhận. Vần thơ cũng mang đến những nét thật bình yên giống như trong câu ca dao:

Con cò bay lả bay la

Bay từ cửa phủ bay ra cánh đồng

Sau đó, hình ảnh “Cò một mình, Cò phải đi kiếm ăn” lại khiến người đọc nhớ đến câu ca dao quen thuộc:

Con cò mà đi ăn đêm

Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao

Hình ảnh con còn lặn lội kiếm ăn thật giống với hình ảnh người mẹ tần tảo suốt đêm ngày nuôi con khôn lớn. Người mẹ dù có phải trải qua trăm ngàn gian khổ nhưng vẫn luôn nỗ lực vì con, trở thành tấm gương về sự trung thực, ngay thẳng để con noi theo. Hình ảnh con cò còn khiến người đọc liên tưởng đến câu ca dao:

Con cò lặn lội bờ sông

Gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non

Chẳng những tần tảo nuôi con, con cò còn gắn liền với hình ảnh người vợ thủy chung một lòng chăm sóc cho chồng. Hình ảnh con cò đi vào trong tâm hồn những đứa trẻ một cách vô thức bởi dường như người mẹ nào cũng hát ru bằng những câu hát về con cò. Mỗi một chặng đường đời, hình ảnh con cò lại mang đến những ý nghĩa khác nhau. Lúc con còn nhỏ, chưa hiểu gì về ý nghĩa của con cò thì con cò đã trở thành người bạn đồng hành cùng con rồi:

Con ngủ yên thì cò cũng ngủ

Cánh của cò, hai đứa đắp chung đôi

Mai khôn lớn con theo cò đi học

Cánh trắng cò bay theo gót đôi chân

Nếu con cò là người bạn đồng hành cùng với con thì người mẹ cũng vậy. Mẹ luôn ở bên con, dìu dắt con từng bước đi đầu tiên, chở che con trên mỗi bước đường đời. Cuối bài thơ, tác giả nhấn mạnh một lần nữa hình ảnh con cò cũng là nhấn mạnh tấm lòng người mẹ. Dù những lời ru về con cò đã có từ rất lâu nhưng người mẹ nào cũng dùng để hát ru con mình. Bởi vì người mẹ nào cũng vậy, luôn muốn dành những điều tốt đẹp nhất cho con. Tác giả đã đưa ra chiêm nghiệm qua những câu thơ cuối bài:

Con dù lớn vẫn là con của mẹ

Đi hết đời, lòng mẹ vẫn theo con

Đúng như vậy, con lớn lên thì mẹ cũng già đi. Vì vậy trong mắt người mẹ con lúc nào cũng bé bỏng. Cho dù con có trưởng thành, con cũng vẫn là con của mẹ. Mẹ cũng vẫn mãi lo lắng cho con. Dù cho con ở đâu đi chăng nữa, mẹ cũng vẫn luôn đồng hành cùng con. Nếu như con đi xe, con cò sẽ thay mẹ đến bên con, chở che cho con, nuôi dưỡng con.

Như vậy nhan đề con cò đã thể hiện đúng tư tưởng và cảm xúc của tác phẩm. Đó là tình yêu bất diệt của mẹ dành cho con. Không những vậy, hình ảnh con cò còn thể hiện được suy tưởng của tác giả và tạo cho tác giả một phong cách riêng. Hình ảnh con cò vừa mang ý nghĩa thực vừa mang ý nghĩa biểu tượng. Nội dung bài thơ mang đến cho người đọc một bài học lớn về tình mẫu tử, dạy người con phải biết ơn công lao của mẹ.

Mặc dù con cò chưa phải là bài thơ xuất sắc nhất của nhà thơ Chế Lan Viên nhưng bài thơ này lại thể hiện rõ nét phong cách nghệ thuật của tác giả. Bài thơ đã góp thêm một tiếng nói, một cách nhìn, một cách nghĩ về tình mẫu tử. Hình ảnh con cò sẽ còn khắc mãi trong tim mỗi người Việt Nam chúng ta.

Bài viết liên quan

606
  Tải tài liệu