Nghị luận về đức tính trung thực.
Bộ tài liệu Văn mẫu lớp 9 gồm 500 bài văn mẫu hay nhất, đầy đủ nhất. Dưới đây là bài văn mẫu Cảm nhận về bài: Nghị luận về đức tính trung thực. ngữ văn lớp 9 được biên soạn mới nhất giúp các bạn học sinh học tốt môn văn 9 hơn.
Nghị luận về đức tính trung thực.
A/ Dàn ý chi tiết
1. Mở bài
- Giới thiệu vấn đề nghị luận: đức tính trung thực
2. Thân bài
* Giải thích thế nào là trung thực?
- Là một đức tính tốt cần có trong xã hội
- Là thật thà, thành thật với bản thân mình, không nói dối, không che giấu những thói xấu
=> Đây là một đức tính tốt đẹp, vốn có của dân tộc Việt Nam, chúng ta cần giữ gìn và phát huy đức tính tốt đẹp này để có cuộc sống tươi đẹp hơn.
* Những biểu hiện của tính trung thực
- Trong cuộc sống:
+ Thẳng thắn nhận lỗi khi mắc lỗi
+ Không báo cáo sai sự thật, không tham lam lấy của người khác làm của mình
+ Sản xuất kinh doanh sản phẩm có chất lượng, đúng giá, không làm giả, làm hại đến người tiêu dùng,
- Trong học hành, thi cử:
+ Không quay cóp, chép bài của bạn
+ Không mở tài liệu khi làm bài thi, bài kiểm tra
+ Không chạy điểm, không dùng bằng giả.
* Vai trò, ý nghĩa của trung thực
- Giúp con người hoàn thiện nhân cách
- Trung thực giúp ta giành được tình cảm của mọi người và dần có chỗ đứng trong xã hội.
- Là đức tính mà mỗi học sinh cần có để có hiệu quả học tập tốt nhất, những thành công bằng chính lực học của mình, góp phần hình thành nhân cách sau này.
- Giúp bạn có ý thức tốt trong học tập, được bạn bè và thầy cô yêu mến.
- Sửa chữa được lỗi sai của bản thân để thành người tốt
- Có kiến thức thực, làm giàu có tri thức của bản thân
- Trong kinh doanh, dịch vụ, trung thực sẽ tạo dựng được uy tín và có được niềm tin của khách hàng, mang lại hiệu quả cao.
- Trung thực sẽ đem lại cho xã hội trong sạch, văn minh, ngày càng phát triển.
=> Mọi hoạt động trong đời, học tập đều cần có đức tính trung thực, chính vì thế đây là một đức tính hết sức quan trọng.
* Hiện trạng của đức tính trung thực hiện nay
- Trong xã hội hiện nay thì trung thực hầu như không có:
+ Tình trạng thực phẩm bẩn gây ung thư
+ Báo cáo sai làm thất thoát tiền bạc của nhà nước,...
- Trong học tập tính trung thực không được thể hiện rõ: tình trạng lừa thầy dối bạn ngày càng tăng.
-> Biện pháp khắc phục: Nghĩ đến trung thực là một thước đo đạo đức, chuẩn mực của xã hội. Nghĩ đến tác động xấu và lợi ích của trung thực.
* Mở rộng, phản đề
- Phê phán những biểu hiện sai trái, không trung thực:
+ Thiếu trung thực sẽ đánh mất niềm tin và sự tôn trọng của mọi người đối với mình
+ Số liệu báo cáo thiếu trung thực làm xã hội đi xuống, gây thiệt hại rất lớn đến nền kinh tế đất nước.
+ Chất lượng sản phẩm không trung thực sẽ ảnh hưởng không tốt đến người tiêu dùng, thậm chí gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng đe doạ tính mạng con người.
+ Nạn học giả, bằng thật do quay cóp chép bài của bạn, gian lận trong thi cử vẫn còn phổ biến, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết quả thực chất của dạy và học, gây dư luận xấu trong xã hội.
+ Thiếu trung thực trở thành căn bệnh lây lan nhanh, làm xuống cấp đạo đức xã hội.
* Bài học nhận thức và hành động
- Nhận thức được đức tính trung thực là một đức tính tốt mà bản thân mỗi người cần xây dựng và gìn giữ.
- Xây dựng ý thức trung thực trong từng việc nhỏ hàng ngày đến việc lớn.
- Là học sinh, chúng ta cần tích cực tu dưỡng, rèn luyện đạo đức; chăm lo học tập trau dồi kiến thức để nâng cao tri thức và có cách ứng xử phù hợp trong cuộc sống.
- Lên án sự thiếu trung thực, đẩy lùi những tiêu cực do thiếu trung thực gây nên.
- Biểu dương những việc làm trung thực.
3. Kết bài
- Khẳng định trung thực là một đức tính cần trong xã hội
- Liên hệ với bản thân : cần phát huy những gì và hạn chế những gì.
B/ Sơ đồ tư duy
C/ Bài văn mẫu
Nghị luận về đức tính trung thực – mẫu 1
Không có di sản nào quý giá bằng lòng trung thực. Trung thực chính là bông hoa đẹp nhất trong kho tàng phẩm đức của con người. Sống không có lòng trung thực thì cũng sẽ chẳng thể có niềm tin tưởng từ người khác. Một lối sống trung thực luôn mang lại cho con người sự hài lòng về bản thân, tin tưởng nhiều hơn vào con người và những giá trị bền vững của cuộc sống này.
Trung thực là tính ngay thẳng, thật thà không tham lam gian dối, không vì lòng ham danh hám lợi mà làm những điều sai trái làm tổn hại đến người khác. Sống trung thực là luôn tôn trọng sự thật dù rằng sự thật đó có phũ phàng và ngược lại ghét thói xu nịnh, giả dối. Người biết xây dựng lối sống trung thực khi phạm lỗi lầm luôn biết nhận lỗi, chứ không tìm cách che đậy, lấp liếm ngay cả khi sự thật ấy không có ai biết đến. Trung thực là đức tính tốt đẹp và đem lại cho con người nhiều ích lợi. Người có lối sống trung thực luôn tạo dựng được niềm tin nơi người khác, được mọi người yêu quý trân trọng, tin tưởng; làm việc gì cũng được người khác ủng hộ, giúp sức, công việc diễn ra thuận lợi dễ dàng, con người dễ thành công trong cuộc sống. Ngược lại, kẻ tham lam, gian dối, tâm địa độc ác “miệng nam mô mà bụng một bồ dao găm” thì nhất thời có thể lừa gạt được người khác, thu lợi cho cá nhân mình nhưng sẽ bị người đời chê cười, phỉ báng, lúc sa cơ thất thế không ai là người thương xót, cận kề giúp đỡ.
Sống trung thực, giữ lòng mình ngay thẳng trong sạch, giúp cho bản thân không dễ dàng bị sa ngã bởi những bả vinh hoa phù phiếm mà người khác mang ra dụ dỗ mình; kiên định đi theo con đường mình đã chọn, không bao giờ để cho sự tham lam và những ham muốn về tiền tài, danh vọng, cuộc sống giàu sang, phú quý sai khiến mình làm những điều sai trái, tán tận lương tâm, làm bại hoại luân thường đạo lí, hại mình hại người, v.v.. Lối sống trung thực giúp con người nhận ra những khuyết điểm của bản thân để không ngừng hoàn thiện chính mình trở thành con người bản lĩnh thực thụ. Sống thiếu trung thực, con người sẽ góp phần gây ra những tệ nạn, tiêu cực, bất công trong xã hội; tham ô, hối lộ, buôn lậu, bán hàng gian hàng giả, gian lận trong thi cử, lừa đảo, v.v…. Sống không tham lam gian dối, không tìm chiếm đoạt của cải, hãm hại người khác. Lòng tham chính là bản năng của con người. Nó như ngọn lửa nóng bỏng thôi thúc con người chiếm đoạt về phần mình những lợi ích. Chế ngự được lòng tham mới có thể làm được người tốt đẹp. Không chế ngự được lòng tham tất sẽ rước họa vào thân.
Khi làm sai phải biết nhận lỗi và tìm cách sửa chữa. Không ai sống mà không có lỗi lầm. Lỗi lầm giúp con người nhìn nhận lại bản thân, sửa sữa và khắc phục hậu quả do hành động sai trái gây ra. Biết nhận lỗi là một hành động cao quý. Biết khắc phục lỗi lầm là hành động của nhân đức. Hãy xoa dịu những vết thương nếu ta lỡ lầm gây ra nó. Điều đó sẽ gắn kết con người lại với nhau. Sống luôn tôn trọng sự thật, không xu nịnh bợ đỡ người khác để vụ lợi cho bản thân mình. Né tránh sự thật không có lợi cho mình, xu nịnh người có chức quyền, đè nén người nghèo khó là hành động của kẻ yếu đuối và hèn kém. Hãy sống mạnh mẽ, hãy đứng bằng đôi chân của chính mình, tôn trọng sự thật và công lý thì mới có thể thành công và nhận lấy tình yêu thương trong cuộc sống.
“Dối trá và lừa lọc là hành động của kẻ ngu xuẩn không có đủ trí óc để sống trung thực”. Kẻ yếu đuối tin vào may mắn, người mạnh mẽ tin vào nhân quả. Cuộc sống luôn công bằng, người dối trá sẽ nhận lấy hậu quả, người trung thực sẽ được đền đáp xứng đáng. Không có thành quả nào được hình thành bền vững bởi sự giả dối của con người. Bởi thế, hãy luôn sống trung thực với chính mình, với mọi người và với cuộc đời.
Nghị luận về đức tính trung thực – mẫu 2
Trung thực có thể hiểu là ngay thẳng, thật thà, nói đúng sự thật, không làm sai lệch sự thật. Người có đức tính trung thực là người luôn luôn tôn trọng sự thật, chân lí, lẽ phải. Đức tính trung thực của con người được thể hiện qua cách sống ngay thẳng, thật thà, dám nhận lỗi khi mắc khuyết điểm.
Trong cuộc sống, đức tính trung thực trước tiên là trung thực với chính mình, dám đối diện thẳng thắn, nhận lỗi khi phạm sai lầm, không báo cáo sai sự thật, không tham lam, gian dối, lấy của người khác làm của mình. Có thể thấy, trung thực là đức tính cần thiết, quý báu của mỗi người. Nếu có tính trung thực, nhân cách của mỗi người sẽ dần được hoàn thiện. Bản thân mỗi người sẽ được người khác kính trọng, yêu mến. Điều quan trọng hơn cả là bản thân người có tính trung thực sẽ tự gây dựng cho mình một hình ảnh, một chữ “tín” trong lòng mỗi người. Những người sống chân thật luôn được mọi người yêu thương, quý mến. Còn khi chúng ta sống giả tạo, tạm bợ, sống phụ thuộc vào người khác sẽ bị người ta chi phối, sai khiến, phải làm những việc không muốn, khiến mình trở nên xa lạ, đơn độc. Thực tế ngày nay, vì danh và lợi mà có rất nhiều người chọn cách sống “bên trong một đằng bên ngoài một nẻo”, họ nghĩ thế này nhưng họ lại làm trái ngược, dần dần họ đánh mất chính bản thân mình. Với cách sống sai lệch đáng phê phán như thế, ngày qua ngày họ dần xa cách người thân bạn bè. Vì vậy, chúng ta phải dũng cảm đấu tranh để được sống trung thực, được là chính mình một cách “toàn vẹn”.
Trên khắp mọi nơi ở đất nước ta, từ xưa đến nay bất kể thời đại nào thì nhân dân ta vẫn luôn đặt đạo đức là chuẩn mực hàng đầu đối với con người. Điều đó lại càng đặc biệt cần thiết trong xã hội hiện đại ngày nay. Mà trong số đó, trung thực là đức tính đầu tiên con người cần phải có. Đức tính trung thực tuy nghe có vẻ đơn giản nhưng những biểu hiện của nó lại vô cùng đa dạng. Riêng đối với người học sinh thì trung thực được thể hiện trong nhà trường, trong gia đình. Một học sinh có đức tính trung thực thì không bao giờ chép bài, hỏi bài bạn trong giờ kiểm tra, làm bài với đúng khả năng của mình. Khi bị điểm kém, hay lỡ làm điều gì không phải thì thẳng thắn nói ra, nhận lỗi với thầy cô, cha mẹ. Hay như đơn giản hơn là ở ngoài chợ, người bán trả lại thừa tiền cho ta thì với người trung thực ta luôn trả lại số tiền thừa ra đó. Ra ngoài đường, thấy người khác đánh rơi đồ thì luôn tìm cách trả lại. Còn trong kinh doanh thì trung thực lại được thể hiện ra ở chỗ người làm kinh doanh đem lại cho khách hàng của mình những sản phẩm có chất lượng, đúng giá, không làm giả, nâng giá lên một cách bất hợp pháp.
Trung thực vốn là một đức tính truyền thống tốt đẹp của nhân dân ta. Vậy nên trong xã hội ngày nay thì những cái lợi mà trung thực đem lại không phải là nhỏ. Với người học sinh thì trung thực sẽ giúp hoàn thiện nhân cách, không những vậy còn nâng cao được vốn kiến thức. Bởi đã là học sinh thì bất cứ ai cũng có những điểm kém, điểm xấu, bị phê bình. Nhưng trung thực, thẳng thắn nhận ra những khuyết điểm đó thì sẽ giúp thầy cô, bạn bè, cha mẹ có thể giúp đỡ ta vươn lên, học tốt hơn, kiến thức dần đầy đủ. Trung thực trong kinh doanh thì sẽ đem lại uy tín, sự tín nhiệm của khách hàng, việc làm ăn sẽ ngày càng thuận lợi. Hay bất cứ ở đâu, có đức tính trung thực thì con người ta sẽ được mọi người nhìn lại với con mắt thiện cảm, kính trọng. Nói tóm lại, một xã hội mà mỗi con người đều có đức tính trung thực thì xã hội sẽ trở nên trong sạch, văn minh, ngày càng phát triển.
Chỉ đáng tiếc rằng, trong cuộc sống, đức tính trung thực ta lại không thể thấy ở một số con người. Gian lận trong học tập, trong các kì thi, nạn học giả, bằng thật vẫn còn phổ biến trong xã hội. Không thể tưởng tượng ra được những con người như vậy sẽ làm việc, xây dựng đất nước ra sao, sẽ đưa đất nước phát triển đến thế nào? Sự thiếu trung thực ở một số cán bộ lãnh đạo các cơ quan đã rút ruột các công trình, tham ô, tham nhũng làm thiệt hại của nhà nước hàng trăm tỉ đồng trong suốt những năm gần đây đã trở thành một vấn đề nổi cộm. Không thể kể hết những hậu quả, ảnh hưởng từ nhỏ tới lớn của sự thiếu trung thực trong đời sống. Cũng may mắn rằng đó chỉ là một bộ phận nhỏ trong xã hội. Đức tính trung thực còn có ở ngày nay chính là do bề dày truyền thống lâu đời của dân tộc ta. Rồi nhờ có sự tuyên truyền, giáo dục sâu sắc trong nhà trường mà đức tính trung thực vẫn còn được gìn giữ. Có đức tính trung thực trong mỗi một con người thì xã hội ngày càng trở nên văn minh, con người càng phát triển; còn thiếu sự trung thực sẽ chỉ làm cho xã hội thụt lùi đi so với sự phát triển của nhân loại cùng với những hậu quả khôn lường. Có lẽ cũng chính vì vậy mà từ lâu, nhân dân ta đã đặt đức tính trung thực là một trong những đức tính cơ bản, hàng đầu. Chúng ta cần ngày càng phát huy đức tính truyền thống này ở mọi lúc, mọi nơi. Đồng thời phải đẩy lùi, ngăn chặn những biểu hiện tiêu cực của việc thiếu trung thực trong đời sống.
Gìn giữ, phát huy truyền thống vốn có của dân tộc là trách nhiệm của mỗi người, mỗi học sinh trong chúng ta và đặc biệt là đức tính trung thực. Đó là điều vô cùng quan trọng. Tôi tin rằng nếu làm được như vậy thì chúng ta sẽ nhận lại được những kết quả đáng mừng cho bản thân chúng ta và cả xã hội.
Nghị luận về đức tính trung thực – mẫu 3
Con người cần có nhiều đức tính để trở nên tốt đẹp nhưng cần nhất là tính trung thực. Trung thực chính là vẻ đẹp đầu tiên trong kho tàng phẩm chất của con người. Chính lòng trung thực là nhân tố quyết định cuộc sống thành công của mỗi con người và sự phát triển ổn định, văn minh, tiến bộ của xã hội.
Tấm lòng trung thực là sự thành thực với người và cả với chính mình và với người khác, luôn tuân thủ các chuẩn mực đạo đức, chân thật trong từng lời nói và hành động, không tham lam, giả dối, không đua ganh đố kị với người khác. Lòng trung thực là một trong những phẩm chất quan trọng nhất tạo nên giá trị của một con người chân chính. Tính trung thực giúp con người trở nên đáng tin cậy trong mọi mối quan hệ, giao dịch, đó là sức mạnh lớn nhất giúp thuyết phục người khác. Người trung thực không chấp nhận gian dối trong bất kì việc gì. Trung thực làm nên nhân cách con người, sống trung thực không phải lúc nào cũng dễ, nó đòi hỏi sự dũng cảm và nghiêm khắc với bản thân. Walter Anderson cho rằng: “Cuộc sống sẽ thay đổi khi chúng ta biết nắm bắt các cơ hội cho mình, nhưng cơ hội đầu tiên và khó khăn nhất lại là việc chúng ta phải thành thật với chính bản thân mình”. Ngay cả khi phải đối diện với thất bại, thua thiệt, ta vẫn cần phải sống trung thực, có thế, ta mới có thể ngẩng cao đầu mà sống và cảm thấy thanh thản trong lòng.
Theo Samuel Johnson: “Trung thực mà không hiểu biết thì yếu ớt và vô dụng, còn hiểu biết mà không trung thực thì thật là nguy hiểm và đáng sợ. Còn những người trung thực và hiểu biết sẽ là những người viết nên lịch sử của chính mình”. Người trung thực sẵn sàng lắng nghe những điều họ phải nghe về mình hơn là những điều họ muốn nghe. Người trung thực trước tiên là trung thực với chính bản thân mình, thành thật nhìn nhận những nhược điểm và sai lầm của mình. Họ nhận thức được là dù họ có công khai nhìn nhận sai lầm của mình hay không thì thường những người xung quanh vẫn biết.
Abraham Lincoln, Tổng thống thứ 16 của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ (1861 – 1865) đã gửi bức thư sau cho thầy giáo của con mình: “Con tôi sẽ phải học tất cả những điều này, rằng không phải tất cả mọi người đều công bằng, tất cả mọi người đều chân thật. Nhưng xin thầy hãy dạy cho cháu biết cứ mỗi một kẻ vô lại ta gặp trên đường phố thì ờ đâu đó sẽ có những con người chính trực; cứ mỗi một chính trị gia ích kỷ, ta sẽ có một nhà lãnh đạo tận tâm”. Điều Abraham Lincoln muốn nói qua bức thư ấy chính là không có gì quý giá lòng trung thực có ở con người. Và không ai khác, nền giáo dục sẽ rèn luyện cho con người phẩm đức đó.
Sự trung thực là một phẩm chất quan trọng hàng đầu trên hành trình hiện thực hóa ước mơ của mình. Trung thực cũng là phẩm chất hàng đầu của nhà lãnh đạo. Những người thiếu trung thực thời có thể đạt được những lợi ích nhất định, nhưng không sớm thì muộn sẽ bị phát hiện và sẽ đánh mất lòng tin của người khác.
Mỗi người cần phải có những hành động, việc làm cụ thể của riêng mình nhằm giúp đất nước ta không còn những hành vi thể hiện sự thiếu trung thực nữa. Đối với mỗi người, cần xây dựng ý thức trung thực trong từng việc nhỏ, việc lớn. Đặc biệt, đối với mỗi học sinh còn ngồi trên ghế nhà trường việc tu dưỡng, rèn luyện đức tính thật thà là rất cần thiết. Để động viên những tấm gương người tốt, việc tốt nhà trường cần biểu dương một số tấm gương tiêu biểu về đức tính trung thực để học sinh noi theo đồng thời khuyến khích, động viên học sinh tham gia vào gìn giữ và phát huy những đức tính tốt đẹp của người Việt Nam. Cùng với việc biểu dương những tấm gương tốt về tính trung thực chúng ta cũng cần lên án sự dối trá và từng bước đẩy lùi những tiêu cực do thiếu trung thực gây nên tùy theo khả năng của mỗi người.Trung thực là đức tính rất cần thiết trong cuộc sống. Trong thời đại hiện nay, nhất là khi chúng ta đang trong thời kì hội nhập với nền kinh tế tri thức toàn cầu thì đức tính trung thực lại càng cần thiết hơn bao giờ hết vì sống trung thực giúp chúng ta nâng cao phẩm giá, làm lành mạnh các mối quan hệ xã hội và sẽ được mọi người tin yêu, kính trọng. Vì vậy, mỗi người cần xác định đúng tư tưởng để có một tương lai tốt đẹp. Là một học sinh, em sẽ cố gắng phát huy đức tính trung thực của học sinh để góp phần hoàn thiện nhân cách bản thân và nhận được sự tin yêu của thầy cô, bạn bè, không ngừng học tập tốt Năm điều Bác Hồ dạy “Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm”.
Muốn người khác trung thực với mình thì trước tiên mình phải là người trung thực. Người có nhân cách không ngừng tu dưỡng để có được phẩm chất trung thực đáng quý ấy.
Nghị luận về đức tính trung thực – mẫu 4
Trong xã hội ngày nay, đức tính trung thực là rất cần thiết cho mọi người đức tính trung thực là một trong những đức tính đáng quý mà mọi người cần phải có, nhất là giới học sinh chúng ta, rất cần đức tính này để hoàn thiện chính mình, trở thành người công dân tốt.
Vậy ta nên định nghĩa về đức tính trung thực như thế nào? Đức tính trung thực là thật thà, là ngay thẳng. Người có đức tính trung thực là người luôn nói đúng sự thật, không làm sai lệch sự thật. Trong cuộc sống ngày nay, đức tính trung thực được biểu hiện trong các kì thi của giới học sinh như không có hiện tượng quay cóp, chép bài hoặc xem bài của bạn... Và đức tính này cũng được biểu hiện trong xã hội như có những người ngay thẳng, không nói sai sự thật, không tham lam của người khác. Trong kinh doanh, nếu là người ngay thẳng, họ sẽ không sản xuất những loại hàng kém chất lượng, kinh doanh những mặt hàng bất hợp pháp, làm nguy hại đến người tiêu dùng... Người trung thực sẽ được mọi người mến yêu và tôn trọng. Nếu rèn luyện đức tính trung thực, chúng ta sẽ thành đạt trong cuộc sống, chúng ta sẽ có vốn tri thức để làm giàu một cách chân chính, và nêu chúng ta mắc sai lầm, ta sẽ dễ dàng sửa chữa được nó và hoàn thiện mình thành một công dân tốt, có ích cho xã hội, làm cho xã hội chúng ta trở nên trong sạch, văn minh và tốt đẹp, khiến đất nước ngày càng đi lên và phát triển đến tầm cao.
Đồng thời, bên cạnh những người biết hoàn thiện bản thân để trở thành người dân tốt vẫn có những người có biểu hiện thiếu trung thực và sai trái, chúng ta cần phải phê phán và lên án những biểu hiện như vậy. Biểu hiện rõ nhất là trong giới học sinh hiện nay, nạn học giả, bằng thật do quay cóp, chép bài của bạn, gian lận trong thi cử đã trở thành một tệ nạn phổ biến gây ảnh hưởng xấu đến kết quả học tập, đến ý nghĩa của việc dạy và học, gây dư luận xôn xao trong xã hội. Một biểu hiện thứ hai tương đối rõ ràng là sự thiếu trung thực trong kinh doanh đời sống, đó là việc các báo cáo không trung thực, chất lượng sản phẩm kinh doanh ngày càng kém đi, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người tiêu dùng, đặc biệt có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng đe dọa tính mạng con người hiện nay như các sản phẩm, các mặt hàng được người dân tiêu dùng hàng ngày, điển hình là các loại sữa có chứa chất độc hại cho sức khỏe người tiêu dùng, hay ngay các loại nước mắm cũng có chứa chất ure độc tố, hoặc cả các loại rau quả, trái cây hiện nay như rau xanh hay quả tươi đều được người trồng trọt tiêm nhiễm các loại hóa chất vì lợi nhuận của bản thân... Những hành vi trên đều đáng phê phán vì thiếu trung thực, không nghĩ đến sức khỏe của người dân mà chỉ nghĩ đến lợi nhuận của bản thân mình. Chỉ vài biểu hiện trên mà đã nói lên được tính thiếu trung thực đã trở thành căn bệnh phổ biến lây lan nhanh trong mọi người dân. Chính căn bệnh này đã khiến xã hội xuống cấp, đạo đức người dân dần bị hạ thấp, phá bỏ những nét đẹp truyền thống của dân tộc. Mỗi chúng ta cần tự mình xây dựng nên một ý thức trung thực trong từng việc nhỏ nhặt nhất mà hàng ngày chúng ta đều làm cho đến việc lớn lao sau này. Bên cạnh việc tự hoàn thiện mình, chúng ta cẩn lên án những hành vi thiếu trung thực và tích cực đẩy lùi những tiêu cực do nạn thiếu trung thực để noi theo những tấm gương về đạo đức cao cả.
Là một con người sống trong xã hội hiện đại, đức tính trung thực là không thể thiếu cho bản thân, cần tích cực rèn luyện đức tính đáng quý này để hoàn thiện chính mình, trở thành người công dân tốt đưa đạo đức xã hội ngày càng đi lên, đất nước ngày một phát triển hơn và hơn nữa. Chúng ta đang sống trong một xã hội mà tính trung thực là điều quan trọng nhất để tiếp tục một mối quan hệ. Nếu không có niềm tin từ hai phía sẽ rất khó làm việc và xây dựng. Chính vì thế những người có tính trung thực sẽ khiến cho người đối diện cảm thấy an toàn và tin tưởng. Tính trung thực rất cần thiết trong cuộc sống của mỗi người và cũng chính là thước đo giá trị nhân cách của mỗi con người.