Kể lại một trận chiến đấu ác liệt mà em đã đọc, đã nghe kể hoặc đã xem trên màn ảnh.
Bộ tài liệu Văn mẫu lớp 9 gồm 500 bài văn mẫu hay nhất, đầy đủ nhất. Dưới đây là bài văn mẫu Cảm nhận về bài: Kể lại một trận chiến đấu ác liệt mà em đã đọc, đã nghe kể hoặc đã xem trên màn ảnh. ngữ văn lớp 9 được biên soạn mới nhất giúp các bạn học sinh học tốt môn văn 9 hơn.
Kể lại một trận chiến đấu ác liệt mà em đã đọc, đã nghe kể hoặc đã xem trên màn ảnh.
A/ Dàn ý chi tiết
I. Mở bài:
– Lịch sử đất nước với nhiều cuộc chiến đấu vô cùng ác liệt và ngoan cường để bảo vệ đất đai, bờ cõi hoặc độc lập tự do; ấn tượng sâu sắc nhất về trận đánh.
II. Thân bài
– Hoàn cảnh tiếp xúc với câu chuyện.
– Khái quát về trận chiến đấu.
– Diễn biến chính của cuộc chiến đấu (trọng tâm)
+ Bằng nhiều đoạn văn kể lại các giai đoạn của cuộc chiến đấu (phòng thủ – cầm cự - tấn công – chiến thắng).
+ Cần thể hiện rõ sự cam go, ác liệt của cuộc chiến một mất một còn.
+ Nhân vật xuất hiện ở câu chuyện với một vai trò quyết định (người chỉ huy tài giỏi hoặc người lính quả cảm, anh hùng,…).
+ Kết hợp miêu tả – biểu cảm khi kể (tả nét mặt cử chỉ, tác phong, tâm lí,… của nhân vật; bộc lộ cảm xúc trực tiếp hoặc gián tiếp).
+ Xem miêu tả cảnh thiên nhiên phù hợp với câu chuyện.
+ Suy nghĩ của người kể chuyện (mến phục, quý trọng thành quả; học tốt để tiếp bước cha anh dựng xây đất nước).
III. Kết bài:
– Tự hào về trang sử vẻ vang.
– Cảm nghĩ khái quát về vấn đề
B/ Sơ đồ tư duy
C/ Bài văn mẫu
Kể lại một trận chiến đấu ác liệt mà em đã đọc, đã nghe kể hoặc đã xem trên màn ảnh – mẫu 1
Lịch sử quân sự Hoàng Mai còn ghi rõ những trận đánh trên mảnh đất kiên cường này trong những năm chiến tranh chống Mỹ. Trong những dòng lịch sử đó, có tên Đỗ Lương Bằng, có cả thế trận chiến tranh nhân dân. Trung tá Trần Quốc Mỹ kể lại cho chúng tôi nghe về một trong những trận đánh tại trận địa pháo năm xưa. Giọng ông chậm rãi, đôi mắt rực sáng khi hướng về những chiến công năm ấy.
…13 giờ 15 phút, ngày 3/2/1966, một tốp máy bay trinh sát A3J và F4H từ phía biển bay vào Khe nước Lạnh trinh sát khu vực Hoàng Mai. 2 đơn vị cao xạ pháo C214, D14, F34, cùng với lực lượng chiến đấu kịp thời nổ súng bắn trúng chiếc máy bay A3J. Trúng đạn, chúng cố nhoài theo hướng Đông Nam để chuồn ra biển. Nhưng đến địa phận xã Quỳnh Liên, chiếc máy bay bốc cháy nghi ngút và rơi làm 3 mảnh. Hai tên phi công nhảy dù xuống cách bờ biển khoảng 2.000m. Đài quan sát ở Hòn Ói lập tức báo tin: máy bay rơi ở tọa độ 200 07’, giặc lái rơi ở tọa độ 210 77’ 2". Cả vùng bãi Ngang không ai bảo ai đều hô to: “Máy bay địch cháy, bắt sống phi công bà con ơi”. Các xã Quỳnh Liên, Quỳnh Bảng, Quỳnh Lương… đã phối hợp với lực lượng chủ lực, huy động mọi phương tiện vũ khí ra khơi bắt giặc lái. Các chiến sĩ cảm tử trước khi ra đi đã gửi lại gói quần áo cho đồng chí mình và trao đổi nhanh: “Nếu tôi có hy sinh thì đưa lại cho bố, mẹ tôi và nói rằng tôi hy sinh vì đã hoàn thành nhiệm vụ…”, đội hình chiến đấu được triển khai theo hình chữ V, mỗi thuyền cách nhau 100m nhằm thẳng mục tiêu lướt tới. Trên bờ, lực lượng triển khai đội hình sẵn sàng phối hợp chiến đấu. Các thuyền, máng của các xã xung quanh được xuất phát.
Trong lúc chúng ta đang tiếp cận mục tiêu để bắt gọn 2 tên giặc lái, địch đã tổ chức đội hình ứng cứu, huy động đủ các máy bay chiến đấu: 2 máy bay A6A, 4 máy bay C123, 1 trực thăng và 5 tàu chiến trực cách bờ biển 20km, sẵn sàng ứng cứu, giải thoát cho phi công Mỹ. Trong lúc thuyền áp sát mục tiêu, chúng cho bọn AD6 ồ ạt bao vây các thuyền. Các chiến sỹ cảm tử vẫn không hề nao núng, vẫn bám sát mục tiêu bao vây, khép chặt giặc lái. Hai thuyền chủ lực vượt trước, quay trở lại tạo thành thế gọng kìm, thuyền thứ 3 lao tới áp đảo nổ súng. 17 giờ 17 phút, ngày 3/2/1966, 2 tên giặc lái Mỹ: Hen Béc Rô Mác Rôn, Đại uý và Rôbét Hanson Trung uý bị bắt.
Ghi lại chiến công của những người lính cao xạ và toàn thể quân dân đóng quân trên địa bàn Quỳnh Lưu ngày 3/2/1966, Đỗ Lương Bằng đã viết vào nhật kí: “Ngày kỷ niệm thành lập Đảng tròn 36 tuổi, tối qua đơn vị phát động thi đua lập thành tích chào mừng ngày kỷ niệm thành lập Đảng, nhất là trong chiến đấu. Không khí thi đua sôi nổi hào hứng trong toàn đơn vị. Vừa hết giờ nghỉ trưa. Tiếng động cơ xuất hiện hướng 14. Lúc này là 13 giờ 5 phút, một máy bay phản lực A3J bay vào bắt mục tiêu ở cự ly 5000m và 4000m, đơn vị nổ súng. Đầu máy bay Mỹ bị bốc cháy vỡ thành 3 mảnh, cháy đỏ cả góc trời, rơi tại đất liền giữa tiếng hò reo ầm ĩ của nhân dân địa phương… bọn mình thật phấn khởi quá. Hò reo ầm ĩ cả trận địa. Chả là vì sau hơn 2 tháng, hôm nay mới nổ súng, lại bắn cháy ngay từ điểm xạ đầu”.
Kể lại một trận chiến đấu ác liệt mà em đã đọc, đã nghe kể hoặc đã xem trên màn ảnh – mẫu 2
Nhà Tây Sơn gồm 3 anh em Nguyễn Huệ, Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ. Mỗi người xưng vương một miền. Nguyễn Huệ được mọi người gọi là Bắc Bình Vương. Trong thời kỳ đầy biến động của xã hội phong kiến Việt Nam những năm 30 cuối thế kỉ XVII, Lê Chiêu Thống rất lo sợ cho cái ngai vàng mọt rỗng của mình nên đã mở đường cho quân Thanh và Tôn Sĩ Nghị kéo quân vào Thăng Long xâm lược nước ta. Ngày 24 tháng 11, Trần Văn Tuyết chạy vào thành Phú Xuân cấp báo cho Bắc Bình Vương về việc quân Thanh xâm lược nước ta; Lê Chiêu Thống nhận sắc phong của vua nhà Thanh là Nam Quốc Vương, Ngô Văn Sở cho quân rút lui về Tam Điệp nghĩa là nước ta mất từ cửa ải phía Bắc đến Thăng Long. Nghe được tin cấp báo Bắc Bình Vương giận lắm. Biết là biến cố lớn ông quyết định mở cuộc tấn công ra Bắc đại phá quân Thanh.
Ông cho họp các tướng sĩ, định thân chinh cầm quân đi ngay nhưng mọi người đến họp đều ngăn lại, xin ngài trước hết hãy chính vị hiệu; loan lệnh ân xá khắp trong ngoài nước để yên kẻ phản trắc và giữ gìn lòng dân rồi sau cất quân ra đánh dẹp cõi Bắc thuộc là chưa muộn. Bắc Bình Vương lấy làm phải, bèn cho đắp đàn ở trên núi Bân, tế cáo trời đất cùng các thần sông, thần núi. Trong nghi lễ, ngoài khoác lên mình chiếc long bào có thêu hình rồng uốn lượn lấp loáng, đầu đội mũ miện cổ đeo chuỗi hạt bằng ngọc, chân đi giày vàng. Trông ngài thật uy nghi và nghiêm trang lên đàng tế lễ trời đất. Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế đổi năm 11 niên hiệu Thái Đức của vua Tây Sơn Nguyễn Nhạc làm năm đầu tiên niên hiệu Quang Trung.
Lễ xong, hạ lệnh xuất quân, hôm ấy là ngày 25 tháng Chạp (1788). Vua Quang Trung đã tự mình đốc thúc quân lính cả thủy lẫn bộ cùng ra đi. Ngày 29 ở Nghệ An, vua cho gọi Nguyễn Thiếp người có tài tiên đoán để hỏi về mưu đánh và giữ Nguyễn Thiếp trả lời: chuyến này đi không quá 10 ngày quân Thanh sẽ bị dẹp tan. Vua Quang Trung mừng lắm liền sai đại tướng hám hổ đầu tuyển lính ở Nghệ An. Cứ ba suất đinh thì lấy một người ai cũng có thân hình vạm vỡ bắp tay cuồn cuộn. Chưa mấy chốc đã được hơn một vạn người, quân tinh nhuệ hàng ngũ thẳng tắp, cờ trống rợp trời, giáo mác sắc nhọn sẵn sàng chiến đấu. Vua cho mở cuộc duyệt binh lớn ở doanh trấn chia làm tiền, hữu, tả, hữu là số quan ở Thuận Hóa, Quảng Nam. Còn số lính mới tuyển ở Nghệ An thì cho làm trung quân. Quang Trung cưỡi voi ra doanh trại an ủi quân lính bằng khẩu dụ vang rõ, sang sảng đầy hào khí trước ba quân, khẳng định niềm tin ý chí quyết thắng của quân đội chính nghĩa. Nghe xong các quân lính đều xin vâng lệnh, không dám ăn ở hai lòng. Hôm sau, vua Quang Trung ra lệnh tiến quân. Các quân đều nghiêm chỉnh đội ngũ mà đi.
Khi đến núi Tam Điệp, Sở và Lân đều ra đón, mang gươm trên lưng mà xin chịu tội. Vua phân tích rõ công và tội của Sở và Lân. Vua đã cho Ngô Thì Nhậm ở lại làm việc cùng Sở và Lân nhằm mục đích bày mưu tính kế. Vua Quang Trung lại nói lần này phương lược tính sẵn rồi chẳng qua mươi ngày có thể đuổi được quân Thanh. Nhưng chúng gấp mười lần nước mình thua đau sẽ trả thù đời thì đời sống của nhân dân sẽ vô cùng khốn khổ vì nạn binh đao. Chờ mười năm nữa nước ta lớn mạnh có sợ gì chúng. Bọn Sở và Lân đều lạy tạ, trong lòng chúng thấy rất rõ sự am hiểu, quân lệnh nghiêm chỉnh và vô cùng cảm kích trước sự vị tha độ lượng của vua Quang Trung. Đêm 30 tháng Chạp vua cho mở tiệc ăn khao quân, chia quân làm ba đạo và bảo kín với các tướng đêm lập tức lên đường hẹn ngày mùng 7 năm tới thì vào Thăng Long mở tiệc ăn mừng. Giọng nói người sang sảng âm vang khắp quân lính. Xong bữa tiệc ai cũng vui mừng, vui chơi thỏa thích. Đúng ngày, cả năm đạo quân đều vâng lệnh, gióng trống lên đường ra bắc. Để giữ sức cho binh lính vua cho dùng cáng làm võng cứ 2 người khiêng 1 người ngủ, luân phiên đi suốt ngày đêm. Khi đến sông Gián, ai nấy đều mệt lử, áo quần lôi thôi, mặt mũi bơ phờ, người bám đầy bụi bặm do hành quân quá dài nhưng vì lòng yêu nước yêu tổ quốc nghĩ đến lời an ủi của vua binh lính lại phấn chấn, sẵn sàng chiến đấu. Nghĩa binh giặc trấn thủ ở đó tan vỡ chạy trước nháo nhác, lúc đến sông Thanh Quyết, toán quân Thanh đi do thám từ đằng xa trông thấy bóng cũng chạy nốt vừa cho binh lính chạy theo bắt sống được hết vì vậy quân Thanh không hề có ai về báo tin. Việc tiến quân của ta là hoàn toàn bí mật đến đồi Hà Hồi, Ngọc Hồi.
Nửa đêm ngày mùng 3 tháng giêng, năm Kỷ Dậu (1789) vua tới đồn ở làng Hà Hồi huyện Thượng Phúc lặng lẽ vây kín làng rồi dùng kế nghi binh bắc loa truyền gọi: "Quân". Tiếng quân lính luân phiên nhau:
- Dạ...dạ...
Vang khắp cả vùng trời để hưởng ứng nghe như có hơn vài vạn người. trong đồn lúc ấy mới biết, ai nấy run lẩy bẩy rụng rời sợ hãi, liền xin ra hàng, lương thực khí giới đều bị quân ta lấy hết. Vua lại truyền lấy 60 tấm ván, cứ ghép liền 3 tấm thành 1 bức, bên ngoài lấy rơm dấp nước phủ kín, tất cả là 20 bức, lưng giắt dao ngắn. Hai mươi người khác dùng binh khí theo sau, dàn thành hàng ngang. Mờ sáng ngày mùng 5 tiến sát đồn Ngọc Hồi. Quân Thanh nổ súng phun khói lửa ra, khói tỏa mù mịt, cách gang tấc không nhìn thấy gì hòng làm quân ta hoảng loạn. Không ngờ trời bỗng trở gió Nam khiến khói bay ngược lại, quân Thanh tự hại mình. Quân ta gấp rút khiêng ván vừa che vừa xông thẳng lên trước. Khi gươm giáo 2 bên chạm nhau thì quăng ván xuống đất, ai nấy cầm dao ngắn chém bừa những người cầm binh khí theo sau cũng nhất tề xông tới mà đánh. Quân Thanh chống không nổi, bỏ chạy toán loạn giày xéo lên nhau mà chết. Tên Sầm Nghi Đống tự thắt cổ chết. Quân Tây Sơn thừa thế chém giết lung tung, thây nằm đầy đống, máu chảy thành suối quân Thanh đại bại.
Trước đó, vua Quang Trung đã sai một toán quân theo bờ đê yên duyên kéo lên, mở cờ gióng trống để làm nghi binh ở phía Đông. Đến lúc ấy, quân Thanh đều hết hồn vía, vội vội trốn xuống đầm Mực, làng Quỳnh Đô. Quân Tây Sơn lùa voi cho giày đạp chết đến hàng vạn người. Giữa trưa hôm ấy, vua Quang Trung tiến binh đến Thăng Long rồi kéo vào thành lại nói không nghe thấy tin cấp báo nên trong này Tết mọi người chỉ chăm chú đến yến tiệc. Nào ngờ cuộc vui chưa tàn cơ trời đã đổ. Ngày mồng 4 bỗng thấy quân ở đồn Ngọc Hồi chạy về cấp báo, Tôn Sĩ Nghị sợ mất mật, ngựa không kịp đóng yên, người không kịp mặc áo giáp, dẫn bọn lính kị mã chuồn trước qua cầu phao rồi nhằm hướng Bắc mà chạy. Quân Sĩ nghe tin hoảng hồn, tan tác bỏ chạy đánh nhau qua cầu sang sông, xô đẩy nhau rơi xuống mà chết rất nhiều. Lát sau cầu lại bị đứt, quân lính rơi xuống nước đến nỗi nước ở sông Nhị Hà vì thế mà tắc nghẽn không chảy được nữa. Quân ta ăn mừng chiến thắng vô cùng giòn giã.
Chiến công đại phá quân Thanh đã chứng tỏ nước ta là một nước mạnh mẽ, có độc lập, chủ quyền. Hằng năm dân ta vẫn tổ chức lễ hội Đống Đa để nhớ đến công lao của ông cha ta thời xưa và ôn lại chiến thắng lịch sử hào hùng của dân tộc đã đại phá quân Thanh rất thần tốc.
Kể lại một trận chiến đấu ác liệt mà em đã đọc, đã nghe kể hoặc đã xem trên màn ảnh – mẫu 3
“Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước
Mà lòng phơi phới dậy tương lai”
Những câu thơ mang hào khí, tinh thần quyết chiến của những con người trẻ tuổi trong cuộc kháng chiến chống Mĩ ác liệt. Họ có thể đánh đổi cả thanh xuân, tuổi trẻ, cuộc đời mình, làm những việc tưởng chừng như không thể chỉ để hoàn thành sứ mệnh của cuộc đời mình: giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Trong dịp 30/4 vừa qua, tôi đã may mắn xem được bộ phim tài liệu về cuộc Tổng công kích - tổng khởi nghĩa Tết Mậu Thân (1968) của quân và dân ta thời kì chống Mĩ.
Sau hai mùa khô 1965-1966 và 1966-1967, sự tương quan lực lượng trên chiến trường miền Nam đã có sự thay đổi cho quân và dân ta. Đồng thời, lúc này ở Mĩ đang diễn ra cuộc bầu cử tổng thống Mĩ (1968) với những mâu thuẫn nội bộ đang xảy ra, ta chủ trương mở một cuộc tiến công và nổi dậy trên quy mô toàn miền Nam, chủ yếu tập trung vào các đô thị nhằm tiêu diệt một bộ phận quan trọng quân Mĩ, đánh sập chính quyền ngụy và buộc Mĩ phải đàm phán và rút quân về nước. Quân ta đã tập kích chiến lược vào hầu hết các đô thị trong đêm ngày 30 rạng sáng ngày 31 tháng 1 năm 1968 (trong giao thừa Tết Mậu Thân), mở đầu cuộc tiến công và nổi dậy. Qua ba đợt từ đêm 30 tháng 1 đến ngày 25 tháng 2; tháng 5 và tháng 6; tháng 8 và tháng 9 năm 1968 quân và dân ta ở miền Nam đã đồng loạt tiến công và nổi dậy ở 37/44 tỉnh, 4/6 đô thị lớn, 6/242 quận lị và ở hầu khắp các ấp chiến lược, các vùng nông thôn. Tại Sài Gòn, quân giải phóng đã tấn công vào các vị trí đầu não của địch, phá hủy một khối lượng lớn vật chất và phương tiện chiến tranh của chúng. Quả thực, chính kẻ địch cũng không ngờ được cuộc tiến công và nổi dậy của quân và dân ta trong khi thời khắc giao thừa vừa mới điểm. Có lẽ chính vì sự chủ quan ấy mà quân và dân ta mới nhanh chóng tiến hành được cuộc tiến công thần tốc ấy.
Trong mưa bom bão đạn và khói súng mù trời, những người con anh dũng của mảnh đất hình chữ S lao ra mặt trận. Súng nổ bên tai, thần chết theo sát từng bước chân nhưng các anh, các chị vẫn vững vàng, kiên quyết không hề run sợ. Bao nhiêu năm nằm gai nếm mật, cực khổ trăm bề mà gan không núng, chí không mòn, tất cả chỉ chờ đợi thời khắc phản công, tấn công bất ngờ khiến địch trở tay không kịp mà thôi. Kết cục của mọi cuộc chiến tranh phi nghĩa là kẻ đi xâm lược thất bại thảm hại còn nhân dân yêu chuộng hòa bình và đánh đổi tất cả trong cuộc chiến tranh vệ quốc sẽ giành được chiến thắng vẻ vang. Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 đã làm lung lay ý chí xâm lược của quân Mĩ, buộc chúng phải tuyên bố phi Mĩ hóa chiến tranh xâm lược, đồng thời cũng chấm dứt không điều kiện chiến tranh phá hoại miền Bắc. Quan trọng hơn nữa, Mĩ đã phải chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán ở Paris để bàn về việc chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam. Trận chiến ác liệt, dữ dội và cam go này cũng đã mở ra một bước ngoặt cho cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước ở Việt Nam.
Chứng kiến thời khắc lịch sử hào hùng của dân tộc và sự anh dũng, oai hùng của thế hệ thanh niên, cha ông trong quá khứ, tôi cảm thấy mình thật nhỏ bé biết bao. Họ đã hi sinh tất cả những gì mình có, chỉ để bảo vệ những gì họ yêu. Và trận chiến khốc liệt thời kì chống Mĩ, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy vào Tết Mậu Thân 1968 ấy chính là lời tuyên bố đanh thép của nhân dân Việt Nam trước những kẻ thù đang lăm le xâm lược nước ta. Giống như bài thơ thần mà Lý Thường Kiệt đã đọc bên sông Như Nguyệt năm nào:
“Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ, lai xâm phạm
Như đẳng hành khan thủ bại hư”
Kể lại một trận chiến đấu ác liệt mà em đã đọc, đã nghe kể hoặc đã xem trên màn ảnh – mẫu 4
Sinh ra khi đất nước đã hòa bình, cũng chưa từng trải qua khó khăn, tôi chưa cảm nhận được hết nỗi mất mát của dân tộc. Cho đến khi những đồng đội cũ đến nhà thăm ông nội tôi, tôi đã cảm nhận được nhiều điều khi nghe các ông cùng ôn lại những kỉ niệm xưa, trong đó có trận đánh Điện Biên Phủ oanh liệt.
Ngày ấy lên đường mới đơn giản làm sao, ngay cả quân tư trang cấp cho những người trẻ tuổi cũng chỉ hai bộ áo quần, một đôi dép lốp và thêm chút gạo. Họ ra đi với lời kêu gọi: “ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông nội tôi khi ấy đang đi học ở Bắc Giang, còn hai người bạn của ông ở nhà cày ruộng, nhưng khi đã lên đường, họ đều chung một lòng hướng về Việt Bắc, quê hương cách mạng với quyết tâm đến Điện Biên Phủ, giành lại Mường Thanh.
Đó là trận đánh đầu tiên quân đội ta có pháo binh tham gia, điều đó càng tăng thêm niềm tin, ý chí và hi vọng cho nhân dân. Vậy nhưng, kẻ địch lúc đó của chúng ta là thực dân Pháp, một trong những cường quốc hàng đầu thế kỉ XX. Quân đội Pháp chiếm cứ ở Điện Biên Phủ khi đó có đến ba trăm tiểu đội với vũ khí hiện đại nhất. Bao lần máy bay đến tiếp viện đã biến nơi này thành một pháo đài bất khả xâm phạm. Trước tình hình đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp với mười hai đêm không ngủ đã hạ lệnh đổi hướng chiến lược, không thể “đánh nhanh thắng nhanh” trong ba ngày hai đêm như dự tính ban đầu mà phải đánh chắc thắng chắc. Ngày ấy, nếu Đại tướng không thay đổi chiến lược, ông tôi cùng những đồng đội của mình có lẽ đã không thể trở về và nhiều chiến sĩ khác cũng không thể tiếp tục tham gia góp sức mình vào kháng chiến chống Mĩ.
Chuyển hướng “đánh chắc thắng chắc”, chúng ta có hơn một tháng để chuẩn bị, cũng có thời gian để vận chuyển pháo binh lên trận địa. Mỗi khẩu pháo có trọng lượng hơn hai tấn phải tháo dỡ từng bộ phận, trôi phà theo sông Hồng rồi chuyển đến cứ địa lắp ráp lại. Đoạn đường ấy có khi lên đến bốn trăm cây số qua đèo cao, suối sâu mà vẫn không nguy hiểm, ác liệt bằng ba mươi cây số từ trung tuyến vào trận địa. Để qua đoạn đường ác liệt này, các chiến sĩ của ta phải kéo pháo bằng tay, hoàn toàn dùng sức người và sự đồng tâm hiệp lực phi thường vượt qua gian khó. Và quyết tầm ấy đã đưa pháo của ta đặt trên những cao điểm chót vót, trở thành bất ngờ lớn đối với tập đoàn cứ điểm Điện Biên. Ông nội tôi khi đó đang ở sư đoàn 308, nhận được lệnh cùng các chiến sĩ khác hành quân đến Luông Pha Băng. Động thái này buộc Navarre cho quân nhảy dù xuống Bắc Lào đối phó. Các sư đoàn khác cũng nhận được lệnh hành quân về nhiều hướng khác nhau khiến quân đội Pháp tưởng rằng chúng ta đang rút khỏi Điện Biên và từ bỏ ý định giành lại nơi đây. Sau đó, quân ta tiếp tục chuẩn bị thêm hai tháng. Khi hầm hào và đường kéo pháo đã xong, sư đoàn của ông nội tôi nhận lệnh bí mật trở lại Điện Biên Phủ. Đây cũng là lúc quần địch yên tâm chúng đã tạo ra một pháo đài bất khả xâm phạm. Ngày 12 tháng 3 năm 1954, Navarre đọc nhật lệnh thông báo cuộc tiến công của ta vào Điện Biên Phủ đã tàn lụi. Ông ta không ngờ được rằng, lúc 17 giờ ngày 13 tháng 3 năm 1954, lệnh tấn công của quân ta vào tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bắt đầu.
Cứ điểm Him Lam bị tiêu diệt hoàn toàn trong đêm hôm đó. Sự bất ngờ đó không còn là yếu tố quan trọng với địch khi ta tiến đánh đồi Độc Lập vào đêm hôm sau. Khi đánh cứ điểm Độc Lập, hai đồng đội của ông tôi dưới sự chỉ huy của đại đội trưởng, Thiếu tướng Đào Đình Sử, có nhiệm vụ mở chướng ngại vật – mười lăm lớp rào dây thép gai của địch dày đến 80m. Trận chiến đấu diễn ra quyết liệt ngay từ phút đầu. Quả địa pháo đầu tiên phát nổ, cả trận địa pháo ở Mường Thanh sau lưng đại đội của ông đã bắn tới tấp, súng bắn thẳng và súng cối từ trong đồn tập trung bắn vào cửa hầm. Đại đội vừa tiến công, vừa phải thu nhặt những trái bom của đồng đội ngã xuống. Khi còi hiệu lệnh vang lên, đại đội của ông chỉ còn bảy người, hơn trăm chiến sĩ đã ngã xuống. Khi nghe các ông kể đến sự việc này, không chỉ người kể nghẹn ngào mà chính tôi cũng không cầm được nước mắt. Với mỗi trận đánh, sự hi sinh gần như là quy luật hiển nhiên nhưng mỗi người nằm xuống có ý nghĩa như một hiệu lệnh tiếp thêm sức mạnh cho đồng đội chiến đấu anh dũng và kiên cường hơn nữa. Trong năm mươi lăm ngày đêm đánh trận Điện Biên Phủ, chúng ta chỉ có hai mươi tư khẩu pháo trong khi địch có tới sáu mươi khẩu. Điều đó đòi hỏi quân đội ta phải có một lối đánh chiến lược khôn khéo, bố trí trận địa hiểm hóc và phân tán. Cũng nhờ chiến lược ấy, ta đã bắn hơn hai trăm quả pháo, góp phần quan trọng vào chiến thắng Điện Biên Phủ mà chỉ hỏng một chiếc càng pháo. Sau hai ngày không làm câm họng pháo binh của ta, trung tá Pierre vốn là chỉ huy pháo binh của Pháp đã phải tự sát.
Phải trực tiếp nghe những người chiến sĩ tham chiến kể lại trận Điện Biên Phủ đầy cam go và mất mát, tôi mới hiểu vì sao sự kiện Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần lại khiến cả dân tộc đau đớn đến vậy. Nghĩ về một thời kì oanh liệt đã qua của cha ông, tôi càng thêm biết ơn và tự hào khi được là cháu của một người lính thanh niên xung phong, một người lính bộ đội Cụ Hồ. Hình ảnh những người lính năm xưa nay mặc quần phục chỉnh tề, đôi mắt đỏ hoe và những đôi bàn tay đã nhăn nheo, đồi mồi nắm chặt tay nhau xếp hàng vào dâng hương lên Đại tướng sẽ là hình ảnh tôi không bao giờ quên được. Cùng các ông nối vào dòng người đưa tiễn Đại tướng ngày hôm ấy, chưa bao giờ khát khao được làm những điều ý nghĩa lại mạnh mẽ đến thế trong lòng tôi.
Bài viết liên quan
- Tưởng tượng hai mươi năm sau về thăm trường xưa vào một ngày hè, hãy viết thư cho 1 bạn học hồi ấy kể lại buổi thăm trường đầy xúc động đó.
- Kể về một giấc mơ trong đó em được gặp lại người thân đã xa cách lâu ngày.
- Đã có một lần em cùng bố, mẹ (hoặc anh, chị) đi thăm mộ người thân trong ngày lễ, tết. Hãy kể lại cuộc thăm viếng đó.
- Phân tích truyện ngắn Chiếc lược ngà.
- Cảm nhận của em về đoạn trích Chiếc lược ngà (Nguyễn Quang Sáng).