Cảm nhận về nhân vật ông hoa sĩ trong Lặng lẽ Sa Pa.
Bộ tài liệu Văn mẫu lớp 9 gồm 500 bài văn mẫu hay nhất, đầy đủ nhất. Dưới đây là bài văn mẫu Cảm nhận về bài: Cảm nhận về nhân vật ông hoa sĩ trong Lặng lẽ Sa Pa. ngữ văn lớp 9 được biên soạn mới nhất giúp các bạn học sinh học tốt môn văn 9 hơn.
Cảm nhận về nhân vật ông hoa sĩ trong Lặng lẽ Sa Pa.
A/ Dàn ý chi tiết
1. Mở bài
- Giới thiệu tác giả Nguyễn Thành Long và truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa
- Giới thiệu nhân vật Ông họa sĩ
2. Thân bài
- Lặng lẽ Sa Pa của Nguyễn Thành Long đã khắc hoạ thành công hình ảnh những con người lao động bình thường, những con người đang thầm lặng cống hiến cho công cuộc chiến đấu và dựng xây của đất nước. Đọc Lặng lẽ Sa Pa, ta không thể quên nhân vật ông hoạ sĩ - một người am hiểu nghệ thuật và từng trải.
* Ông hoạ sĩ là người có vai trò quan trọng trong việc thể hiện tư tưởng chủ đề tác phẩm và khắc hoạ các nhân vật khác.
- Người kể chuyện đã nhập vào cái nhìn và suy nghĩ của ông hoạ sĩ để quan sát và miêu tả cảnh sắc thiên nhiên ở Sa Pa. Đôi mắt và tâm hồn nhạy cảm của người nghệ sĩ say mê nghệ thuật đã khiến con người và cảnh sắc Sa Pa hiện lên tuyệt đẹp và đầy chất thơ.
- Nhân vật chính là anh thanh niên được khắc hoạ chủ yếu qua điểm nhìn của người hoạ sĩ già, nhân vật này hiện lên rõ nét và ấn tượng hơn nhờ những suy nghĩ của ông hoạ sĩ.
* Ông hoạ sĩ của Nguyễn Thành Long là người nghệ sĩ khát khao sáng tạo, đam mê nghệ thuật đến cháy bỏng.
- Ông hoạ sĩ già đã lặn lội lên tận Sa Pa để tìm cảm hứng sáng tác, tìm đối tượng nghệ thuật.
- Khi gặp anh thanh niên, sự từng trải nghề nghiệp và niềm khao khát sáng tạo trong ông đã bừng dậy khiến ông bối rối xúc động vì ông “đã bắt gặp một điều thật ra ông vẫn ao ước...ôi! một nét thôi đủ khẳng định một tâm hồn, khơi gợi một ý sáng tác...”.
- Ông muốn ghi lại hình ảnh anh thanh niên bằng nét bút ký hoạ.
* Là người từng trải, ông hoạ sĩ có những suy nghĩ sâu sắc về cuộc sống và con người.
- Đối diện với anh thanh niên, ông đã cảm nhận rất sâu sắc vẻ đẹp trong tâm hồn anh “Người con trai ấy đáng yêu thật, nhưng làm cho ông nhọc quá. Với những điều làm cho người ta suy nghĩ về anh. Và về những điều anh suy nghĩ...”
- Đứng trước anh thanh niên, ông hoạ sĩ hiểu về “sức mạnh nghệ thuật và sự bất lực của nó”. Ông cảm nhận được vẻ đẹp và ý nghĩa của cuộc sống ở con người trẻ tuổi này và cũng hiểu rất rõ ngôn ngữ của hội hoạ không đủ khả năng để diễn tả vẻ đẹp tâm hồn của anh, đặc biệt là những suy nghĩ của anh về công việc và cuộc sống.
3. Kết bài
- Khái quát lại cảm nghĩ về nhân vật
- Gợi mở vấn đề, thông điệp cống hiến
B/ Sơ đồ tư duy
C/ Bài văn mẫu
Cảm nhận về nhân vật ông hoa sĩ trong Lặng lẽ Sa Pa – mẫu 1
Nhân vật là nòng cốt, là trụ cột của tác phẩm. Thông qua nhân vật, tác giả gửi gắm chủ đề, tư tưởng, tình cảm, thái độ, tấm lòng của mình vào đó. Nhân vật ông họa sĩ trong Lặng lẽ Sa Pa của Nguyễn Thành Long tuy chỉ là một nhân vật đứng phía sau nhưng tác giả đã đặt điểm nhìn vào nhân vật này, quan sát và gửi gắm những suy nghĩ về cuộc sống, con người và nghệ thuật.
Nhà văn không dùng cách kể từ ngôi thứ nhất, nhưng hầu như người kể chuyện đã nhập vào cái nhìn và suy nghĩ của nhân vật ông họa sĩ để quan sát và miêu tả từ cảnh sắc thiên nhiên đến nhân vật chính trong truyện những suy ngẫm và bình luận.Ngay từ những phút đầu gặp gỡ người thanh niên, bằng sự trải nghiệm của một nghệ sĩ, ông xúc động đến bối rối vì đã bắt gặp một điều thật ra ông vẫn ao ước, khao khát đi tìm: một nét thôi đủ khẳng định một tâm hồn, khơi gợi một ý sáng tác. Với ông, “người con trai ấy đáng yêu thật, nhưng làm cho ông nhọc quá” bởi những điều làm cho người ta suy nghĩ về anh, về những điều anh suy nghĩ. “Những điều suy nghĩ đúng đắn bao giờ cũng có những vang âm, khơi gợi bao điều suy nghĩ khác trong óc người khác”.Nếu như không có những con người sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn, vượt qua chính bản thân để cống hiến thì làm sao đất nước đánh thắng được kẻ thù xâm lược? Những xúc cảm và suy tư của người họa sĩ về anh thanh niên và những điều khác ấy đã làm cho chân dung nhân vật chính thêm sáng đẹp và chứa đựng nhiều chiều sâu tư tưởng.Trước những việc làm, suy nghĩ và đặc biệt là sự khiêm tốn, sự ân cần chu đáo, quý khách của người thanh niên trẻ, ông họa sĩ ngỡ trong lồng ngực của mình như có thêm một quả tim nữa. Ông bỗng trẻ lại, thấy thêm yêu cuộc sống, khao khát sống, khao khát sáng tạo mặc dù đã đến tuổi hưu trí và có lẽ đây là chuyến đi thực tế cuối cùng của ông. Ông rung động trước vẻ đẹp của thiên nhiên Sa Pa - mảnh đất thơ mộng, không khí mát mẻ mà trời đất đã ban tặng cho đất nước, con người Việt Nam, song điều làm ông rung động, bối rối hơn cả là cuộc sống và con người Sa Pa có bao điều mới lạ, chất vàng mười còn khuất lấp trong mỗi người lao động bình thường mà chưa ai khai thác. Bởi nghĩ đến Sa Pa - vùng đất lặng lẽ ấy, người ta chỉ nghĩ đến nơi điều dưỡng, nghỉ ngơi. Nhưng trong thực tế trên những triền núi cao quanh năm lặng lẽ, rét giá ấy có biết bao con người đang lao động thầm lặng mà không lặng lẽ. Họ nhiệt tâm, nhiệt tình, hết lòng vì công việc, ngày đêm say mê dâng mật ngọt cho đời. Chính vì lẽ đó mà họa sĩ thấy trăn trở về sức mạnh và sự bất lực của ngòi bút với cuộc đời, con người và mảnh đất Sa Pa này.
Nhân vật ông họa sĩ già là nét đẹp trong cuộc sống, một con người ý thức được vị trí, trách nhiệm của mình trong công cuộc xây dựng đất nước, là người nhạy cảm trước cái đúng, cái sai, cái đẹp luôn hướng thiện, mong muốn làm điều tốt đẹp cho cuộc sống. Hình ảnh ông cùng các nhân vật khác để lại cho Lặng lẽ Sa Pa những vang vọng, tác động mạnh đến tư tưởng, tình cảm của mỗi người.
Cảm nhận về nhân vật ông hoa sĩ trong Lặng lẽ Sa Pa – mẫu 2
Nguyễn Thành Long là cây bút chuyên về truyện ngắn và kí. Truyện của ông có văn phong nhẹ nhàng, tình cảm, giàu chất thơ, ánh lên vẻ đẹp của con người và mang ý nghĩa sâu sắc. "Lặng lẽ Sa Pa" là tác phẩm tiêu biểu của ông. Bên cạnh làm nổi bật nhân vật chính anh thanh niên, truyện cũng khắc họa thành công nhân vật ông họa sĩ với những suy nghĩ về con người, về cuộc sống, về nghệ thuật. "Lặng lẽ Sa Pa" được viết năm 1970 nhân một chuyến đi thực tế của tác giả ở Lào Cai. Dù được miêu tả nhiều hay ít, trực tiếp hay gián tiếp, nhân vật nào trong truyện cũng hiện lên với nét cao quý đáng khâm phục.
Nhân vật ông họa sĩ - dù không phải là nhân vật chính nhưng có vai trò rất quan trọng trong truyện: người kể chuyện đã nhập vào cái nhìn và những ý nghĩ của ông họa sĩ để trần thuật, để quan sát và miêu tả từ cảnh thiên nhiên đến nhân vật chính của truyện. Qua nhân vật này, tác giả muốn gửi gắm những quan niệm, suy nghĩ về con người, cuộc sống, nghệ thuật chân chính. Ông là một nghệ sĩ có tâm hồn nhạy cảm. Ngay từ lúc nghe những lời giới thiệu của bác lái xe về anh thanh niên, ông họa sĩ đã xúc động mạnh khi nhìn thấy người con trai dáng vóc bé nhỏ, nét mặt rạng rỡ từ trên sườn núi trước mặt chạy lại chỗ xe đỗ. Sau đó ông ngạc nhiên khi thấy anh thanh niên đang hái hoa, cảm động và bị cuốn hút trước sự cởi mở, chân thành của anh. Rồi ông lại "cảm giác mình bối rối" khi nghe anh thanh niên kể về công việc. Bằng sự từng trải nghề nghiệp và những khát khao của người nghệ sĩ đi tìm đối tượng của nghệ, ông biết mình đang xúc động và bối rối vì đã "bắt gặp một điều thật ra ông vẫn ao ước được biết, ôi, một nét thôi đủ để khẳng định một tâm hồn, khơi gợi một ý sáng tác, một nét mới đủ là giá trị một chuyến đi dài".Cảm hứng được khơi lên đã thôi thúc người họa sĩ sáng tác. Anh thanh niên muốn dành hai mươi phút để nghe chuyện dưới xuôi. Ông họa sĩ phải hứa mười ngày nữa trở lại, còn bây giờ, ông muốn dành trọn vẹn hai mươi phút thật ngắn ngủi để hiểu thật kĩ về người thanh niên, về đối tượng mà ông đang định thể hiện trong bức tranh của mình. Ông muốn làm một bức phác họa về anh thanh niên, nhưng làm thế nào "cho người xem hiểu được anh ta mà không phải hiểu như một ngôi sao xa? Và làm thế nào đặt được chính tấm lòng của nhà họa sĩ vào giữa bức tranh đó? Chao ôi, bắt gặp một con người như anh ta là một cơ hội hữu hãn cho sáng tác, nhưng hoàn thành sáng tác còn là một chặng đường dài".Ông chấp nhận những thử thách của quá trình sáng tác, đã bắt cảm hứng của mình hiện lên trang giấy: "Cũng may mà bằng mấy nét vẽ, họa sĩ ghi xong lầm đầu gương mặt của người thanh niên. Người con trai ấy đáng yêu thật nhưng làm cho ông nhọc quá. Với những điều làm cho người ta suy nghĩ về anh. Và về những điều anh suy nghĩ".
"Lặng lẽ Sa Pa" đã khắc họa thành công nhân vật ông họa sĩ với điểm nhìn trần thuật đặt vào nhân vật này vừa tạo cho câu chuyện vẻ đẹp khách quan, chân thực vừa làm nổi bật chất thơ bàng bạc, đào sâu suy tư của nhân vật, phù hợp với chính suy nghĩ của tác giả. Những cảm xúc và suy nghĩ của ông họa sĩ về anh thanh niên và về những vấn đề của nghệ thuật, của đời sống được gợi lên từ câu chuyện của anh thanh niên đã làm cho chân dung nhân vật chính thêm sáng đẹp và tạo chiều sâu tư tưởng tác phẩm. Truyện ngắn "Lặng lẽ Sa Pa" giúp ta thêm yêu cuộc đời, thêm yêu cuộc sống và thêm tin vào nghệ thuật chân chính. Bởi vậy dù đã gần nửa thế kỷ trôi qua, những tư tưởng trong truyện ngắn vẫn có sức lay động thấm thía tới tâm can người đọc
Cảm nhận về nhân vật ông hoa sĩ trong Lặng lẽ Sa Pa – mẫu 3
Lặng lẽ Sa Pa là một trong những tác phẩm đặc sắc của Nguyễn Thành long, viết về những con người cống hiến thầm lặng cho đất nước, quê hương. Ta chú ý đến nhân vật chính là anh thanh niên, cũng không thể bỏ qua những nhân vật phụ đầy ấn tượng, đó là bác lái xe, cô kỹ sư và đặc biệt là ông họa sĩ già.
Ông họa sĩ là một người hết mình vì nghệ thuật, ông đang đi tìm cảm hứng vẽ bức vẽ cuối cùng trước khi gác nghề họa. Và ông đã bị ấn tượng bởi anh thanh niên làm việc một mình trên đỉnh yên sơn, anh có tầm vóc nhỏ và nét mặt rạng rỡ. Đối với ông họa sĩ, việc tìm được nguồn cảm hứng như vậy như khiến ông trẻ lại và khao khát sáng tạo lại dâng đầy, ông “bắt gặp một điều thực ra ông vẫn ao ước được biết”, “ôi, một nét thôi cũng đủ khẳng định một tâm hồn, khơi gợi một ý sáng tác, một nét mới đã là giá trị một chuyến đi dài”. Chính sự nhiệt tình, chu đáo của chàng thanh niên đã khiến ông có những cảm xúc ấy, mặc dù cho đây có lẽ sẽ là chuyến đi thực tế cuối cùng của ông. Và ông muốn lưu giữ lại hình ảnh chàng trai ấy qua bức ký họa dạt dào cảm xúc của mình: “Người con trai ấy đáng yêu thật, nhưng làm cho ông nhọc quá.” Đó là khoảnh khắc mà người họa sĩ bắt gặp được nguồn sống của mình, một nét đẹp gì đo mà trước giờ ông vẫn khát khao kiếm tìm, “là một cơ hội hữu hạn cho sáng tác”. Hành trình ấy quả thực không có gì dễ dàng, khiến ông nhọc, nhưng nhọc trong niềm vui và hạnh phúc. Chính những khoảnh khắc thăng hoa của người nghệ sĩ, khi mà học thực sự cảm thấy đâu là nguồn sáng tạo chân chính của mình, nét đẹp nghệ thuật sẽ ra đời và đó là bước khởi đầu của một kiệt tác.
Trò chuyện với chàng thanh niên ấy, ông rút ra nhiều điều, suy nghĩ nhiều điều về chính ông, về cách mà ông nhìn thiên nhiên và mọi thức thuộc về Sapa, ông suy nghĩ về sức mạnh và sự bất lực của nghệ thuật, nơi mà ông đang thuộc về. Bởi “những điều suy nghĩ đúng đắn bao giờ cũng có những vang âm, khơi gợi bao điều suy nghĩ khác trong óc người khác”. Sapa, vốn dĩ là nơi mà người ta chỉ nghĩ đến sự nghỉ ngơi, nơi ấy vẫn có những con người cần cù làm việc, cần cù lao động thầm lặng để cống hiến cho đất nước. Người họa sĩ cứ thế phác họa chàng trai trẻ trong vô thức, có lẽ ông cũng như bị ma lực tuổi trẻ, sự nhiệt huyết lao động cống hiến, đưa ông về với những miền cảm xúc lâu rồi chưa có. Ở khía cạnh này, ta lại thấy ông họa sĩ với những suy nghĩ giản dị, ông luôn sẵn sàng đón nhận những nhiều tốt đẹp, những chiêm nghiệm và suy nghĩ dù cho đó là từ một ông bạn già cùng lứa tuổi hay là một anh thanh niêm trẻ với trái tim thèm người. Trên chuyến xe, ta bắt gặp hình ảnh một người họa sĩ hòa đồng, thân thiện, ông như người kết nối mọi người. Ông cũng trò chuyện với cô kỹ sư trẻ và truyền cho cô thật nhiều cảm xúc bức vào đời, những điều ân cần và giản dị như một người cha và một cô con gái.
Ông họa sĩ cũng là một biểu tượng đẹp cho hình ảnh những con người hết mình vì nghệ thuật. Trái tim nghệ sĩ đầy rung cảm, luôn như ngọn lửa âm ỉ chỉ cần khẽ thổi cũng bùng lên cháy huy hoàng với ước mơ và khát vọng.
Cảm nhận về nhân vật ông hoa sĩ trong Lặng lẽ Sa Pa – mẫu 4
Nguyễn Thành Long là một nhà văn chuyên viết truyện ngắn và kí. Các tác phẩm của ông thường có văn phong nhẹ nhàng, giàu chất thơ và đầy ý nghĩa. “Lặng lẽ Sa Pa” là tác phẩm tiêu biểu cho văn phong của Nguyễn Thành Luân, tác phẩm là kết quả của chuyến đi thực tế của ông năm 1970, tác phẩm đã khắc họa hình ảnh con người Việt Nam trong giai đoạn thế hệ vàng với những nhân vật tiêu biểu. Bên cạnh nhân vật chính anh thanh niên, ông họa sĩ cũng là nhân vật để lại ấn tượng sâu sắc với người đọc.
Dù không phải nhân vật chính nhưng nhân vật ông họa sĩ lại là một nhân vật vô cùng quan trọng. Bởi lẽ, ông họa sĩ chính là nhập vai của người kể chuyện, hay chính là Nguyễn Thành Long, khiến câu chuyện được dẫn dắt và đinh hướng theo một lối suy nghĩ rất riêng đầy nhạy cảm.
Do tính chất công việc liên quan đến nghệ thuật nên ông họa sĩ cũng sở hữu tâm hồn đầy nhạy cảm, dễ rung động. Chính vì vậy nên sau những lời giới thiệu đầy ấn tượng của bác lái xe, ông mới cảm thấy xúc động mạnh với hình ảnh người thanh niên với vóc dáng bé nhỏ và nét mặt rạng rỡ. Cũng chính bởi tâm hồn nghệ sĩ ấy mới khiến ông “bối rối” trước cái đẹp, mà cái đẹp ở đây chính là cái đẹp xuất phát từ tấm lòng tốt bụng cùng lý tưởng cao đẹp của người thanh niên đang kể về công việc của mình với lòng say mê bất tận, hay như cách ông nói thi chính là “bắt gặp một điều thật ra ông vẫn ao ước được biết, ôi, một nét thôi đủ để khẳng định một tâm hồn, khơi gợi một ý sáng tác, một nét mới đủ là giá trị một chuyến đi dài”.
Ngoài ra ông họa sĩ cũng là một con người đầy tinh thần nhiệt huyết, say mê với công việc và có tư tưởng hoạt động nghệ thuật đầy cao đẹp. Trước vẻ đẹp toát ra từ người thanh niên làm khí tượng thủy văn, ông muốn vẻ một bức tranh khác họa lại con người này. Và để làm được thế, ông dành trọn hai mươi phút để trung nghe câu chuyện của anh, để hiểu rõ về anh, để thấu hiểu cho anh. Thậm chí, ngay cả khi ông đã hiểu, ông vẫn còn trăn trở phải làm sao “cho người xem hiểu được anh ta mà không phải hiểu như một ngôi sao xa? Và làm thế nào đặt được chính tấm lòng của nhà họa sĩ vào giữa bức tranh đó? Chao ôi, bắt gặp một con người như anh ta là một cơ hội hữu hãn cho sáng tác, nhưng hoàn thành sáng tác còn là một chặng đường dài”. Và ngay cả khi đặt bút vẽ lại gương mặt của cậu trai trẻ, ông họa sĩ vẫn có mối băn khoăn: “Cũng may mà bằng mấy nét vẽ, họa sĩ ghi xong lầm đầu gương mặt của người thanh niên. Người con trai ấy đáng yêu thật nhưng làm cho ông nhọc quá. Với những điều làm cho người ta suy nghĩ về anh. Và về những điều anh suy nghĩ”. Chính những suy nghĩ cùng những hành động, tâm trạng được miêu tả thoáng qua này đã làm người đọc ấn tượng về một ông họa sĩ hết lòng với nghề với những suy nghĩ, quan điểm sâu sắc về nghệ thuật.
Vẫn với phong cách nhẹ nhàng quen thuộc cùng lời văn đầy chất thơ của mình, Nguyễn Thành Long đã tái hiện lại một ông họa sĩ với những suy nghĩ sâu sắc về anh thanh niên cùng nhưng quan điểm về nghệ thuật vô cùng triệt lý, khiến cho tác phẩm “Lặng lẽ Sa Pa” trở nên có chiều sâu và gây ấn tượng mạnh hơn với người đọc. Và quan trọng nhất, ông họa sĩ cùng dàn nhân vật dù được nói đến trực tiếp hay gián tiếp trong tác phẩm đã tái hiện thành công một thế hệ vàng trong lịch sự phát triển của dân tộc Việt Nam.
Bài viết liên quan
- Cảm nhận về nhân vật anh thanh niên trong Lặng lẽ Sa Pa.
- Cảm nhận về nhân vật cô kĩ sư trong Lặng lẽ Sa Pa.
- Cảm nhận về truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa”.
- Tưởng tượng hai mươi năm sau về thăm trường xưa vào một ngày hè, hãy viết thư cho 1 bạn học hồi ấy kể lại buổi thăm trường đầy xúc động đó.
- Kể về một giấc mơ trong đó em được gặp lại người thân đã xa cách lâu ngày.