Nghị luận về văn học và tình thương

Bộ tài liệu Văn mẫu lớp 8 gồm 500 bài văn mẫu hay nhất, đầy đủ nhất. Dưới đây là bài văn mẫu Cảm nhận về bài:  Nghị luận về văn học và tình thương  ngữ văn lớp 8 được biên soạn mới nhất giúp các bạn học sinh học tốt môn văn 8 hơn.

1117
  Tải tài liệu

Nghị luận về văn học và tình thương

Bài văn mẫu

   Văn học từ lâu luôn được ngợi ca như một yếu tố quan trọng trong việc hoàn thiện đạo đức và nhân cách con người. Những gì văn học đem đến cho chúng ta là rất nhiều, nhưng thứ chân thành nhất tôi tin chính là tình thương. Văn học và tình thương trở thành hai phạm trù gắn bó đặc biệt không tách rời.

   Cần làm rõ hai khái niệm này, “văn học” chính là một “loại hình nghệ thuật sáng tạo bằng ngôn từ”( Từ điển thuật ngữ văn học). Nhắc đến văn học ta thường nhắc đến những tác phẩm văn chương với đủ các thể loại: truyện, thơ, tiểu thuyết….Còn “tình thương” hiểu đơn giản đó là tấm lòng yêu thương muôn vật, muôn loài: yêu thương con người, yêu quê hương, đất nước…Văn học gắn liền với tình thương và ngược lại, đó là hai phạm trù chi phối, bổ sung cho nhau và có sự liên quan mật thiết.

   Vậy tại sao văn học và tình thương lại đi liền với nhau? Trong Thi nhân Việt Nam, nhà phê bình Hoài Thanh đã từng nhận định: “ Nguồn gốc cốt yếu nhất của văn chương là lòng thương người”. Xuất phát từ tình thương, nhiều tác phẩm văn chương ra đời đem lại giá trị cho con người. Tôi tin rằng Nam Cao viết những truyện ngắn về người trí thức hay như thế cũng bởi ông có tấm lòng cảm thương cho số phận bi kịch của họ. Và chắc chắn ai cũng tin rằng Hịch tướng sĩ rung động lòng người ra đời xuất phát từ tình yêu quê hương, đất nước, lòng yêu thương nhân dân của Trần Quốc Tuấn. Thạch Lam xuất phát từ tình thương đối với những kiếp người nhỏ bé mà viết nên Hai đứa trẻ và bao truyện ngắn nhẹ nhàng đi vào lòng người nữa,…

   Ngược lại, văn học đề cập đến những tác phẩm văn học, những tác phẩm này xuất phát từ tình thương mà ra đời, sau khi ra đời lại định hướng và bồi đắp tình thương cho con người. Con người từ thuở lọt lòng đã nhờ những câu chuyện cổ tích mà lớn lên, những câu chuyện xa xưa đã ngợi ca những người có lòng nhân ái, bồi đắp tình thương đối với những người số phận bất hạnh như Lọ Lem, như người em trong Cây khế,…Lớn thêm chút nữa, những bài thơ, truyện ngắn…chúng ta tiếp nhận hằng ngày cũng giúp ta thêm yêu thương mọi vật hơn. Ta tìm thấy tình yêu thương với Bác, với những người chiến sĩ nhỏ tuổi trong Đêm nay Bác không ngủ hay Lượm. Ta yêu thương quê hương, đất nước ta mỗi lần ta nghe những câu thơ : “Quê hương mỗi người chỉ một – như là chỉ một mẹ thôi!” (Đỗ Trung Quân). Hay như những tác phẩm của Thạch Lam ra đời xuất phát từ tình thương với kiếp người nhỏ bé, ra đời rồi lại bồi đắp và định hướng cho người đọc tình thương đối với những người bé nhỏ…Đọc truyện về loài vật, ta thêm yêu thêm quý thế giới với những sinh vật trong tự nhiên,…Ngay cả những khi văn học nói về cái xấu, cái ác là khi văn học muốn con người gián cách với cái xấu, cái ác, mà một khi đã gián cách với cái xấu, cái ác, con người sẽ hướng tới bồi đắp tình thương cho bản thân mình. Từ tình thương được bồi đắp qua văn học, con người sẽ trở nên tốt đẹp hơn, sống một đời ý nghĩa hơn.

   Thiếu tình thương, những tác phẩm văn học sẽ không còn giá trị. Văn chương tác động và rèn luyện nhân cách cho con người, văn học không có tình thương sẽ không định hướng con người có tình thương, đó là một sự khuyết thiếu tâm hồn. Sống trên đời không có tình thương cuộc đời sẽ không còn ý nghĩa. Tình thương, ngược lại nếu không có những tác phẩm văn học ghi lại và truyền tải sâu rộng sẽ là một điều đáng phí.

   Tình thương và văn học song hành với nhau mật thiết, chúng ta cần làm gì để vừa trở thành một người có tình thương lại vừa phát triển khả năng văn học? Mỗi chúng ta hãy chăm chỉ đọc sách hơn để bồi đắp tình yêu thương cho bản thân mình. Và nếu như các tác giả lớn xuất phát từ tình thương để viết ra những tác phẩm có giá trị cho nhân loại thì bản thân chúng ta, cũng hãy tập viết những ghi chép nhỏ về những việc đầy tình thương chúng ta thấy, chúng ta nghe, chúng ta làm hằng ngày. Ít nhất những điều đó cũng sẽ giúp mỗi người trở nên “người” hơn!

   Tình thương là nguồn gốc của văn học và đích đến của văn học cũng chính là tình thương. Văn học có tình thương sẽ còn giúp cho xã hội này trở nên tốt đẹp hơn nữa, tình thương có văn học sẽ được lan tỏa nhiều hơn nữa…

Bài viết liên quan

1117
  Tải tài liệu