Trình bày ý kiến của em về câu nói của văn hào M. Gorki: “Sách mở rộng ra trước mắt tôi những chân trời mới”

Bộ tài liệu Văn mẫu lớp 8 gồm 500 bài văn mẫu hay nhất, đầy đủ nhất. Dưới đây là bài văn mẫu Cảm nhận về bài: Trình bày ý kiến của em về câu nói của văn hào M. Gorki: “Sách mở rộng ra trước mắt tôi những chân trời mới”   ngữ văn lớp 8 được biên soạn mới nhất giúp các bạn học sinh học tốt môn văn 8 hơn.

2224
  Tải tài liệu

Trình bày ý kiến của em về câu nói của văn hào M. Gorki: “Sách mở rộng ra trước mắt tôi những chân trời mới”

Bài văn mẫu

Sách từ lâu đã được biết đến là một người bạn đồng hành tin cậy trong cuộc sống của con người. Bàn về vai trò to lớn của sách trong đời người, M.Gorki từng nói: “Sách mở ra trước mắt tôi những chân trời mới”.

Giải thích câu nói của văn hào Nga sẽ giúp ta có cách hiểu sâu sắc hơn về tầm quan trọng của sách. “Sách” là nơi tập trung tri thức phục vụ đời sống con người, về hình thức, trước đây sách có thể làm từ chất liệu tre, giấy, nhưng cùng với quá trình hiện đại hóa, giờ đây chúng ta có sách điện tử…“Chân trời mới” - ẩn dụ chỉ những khoảng tri thức mới, điều mới mẻ, tốt đẹp, những hiểu biết mang tính sâu rộng hơn. “Sách mở ra trước mắt tôi những chân trời mới” có nghĩa là đối với M,Gorki mà nói, sách chính là công cụ giúp ông có thêm những hiểu biết mới về thế giới, nhờ sách, M.Gorki nhìn nhận được những điều mới mẻ trong cuộc đời. Điều ấy có lẽ không phải chỉ đúng với Gorki mà đúng với tất cả mọi người trong xã hội.

Thực tế sẽ chứng minh vì sao sách lại “mở ra trước mắt” con người “những chân trời mới”. Như mọi người đều biết, sách là nơi lưu trữ những tri thức, những thành tựu của con người có được trong quá khứ. Và mục đích người ta ghi lại bằng sách, là để thế hệ sau có thể học hỏi, nghiên cứu, khám phá. Chính bởi vậy, có thể nói, sách cung cấp cho con người những hiểu biết trên tất cả các lĩnh vực. Thông qua bất kì một quyển sách nào, chúng ta ít nhất cũng sẽ thu nhận được một điều mới mẻ nào đó. Từ cội nguồn của sách, bao nhiêu ý tưởng thú vị mang ý nghĩa đã ra đời…Chúng ta từ một đứa trẻ ngây thơ vừa mới chập chững bước vào lớp 1, để trở thành một người chững chạc và hiểu biết khi học hết lớp 12, đều nhờ một phần không nhỏ ở việc chúng ta được học các kiến thức trong sách vở hằng ngày. Những cuốn sách khoa học tự nhiên cung cấp cho con người kiến thức chuyên ngành. Những cuốn sách lịch sử lưu giữ, mở ra trước mắt ta “chân trời” quá khứ dân tộc, để ta hiểu và tự hào. Sách thiên văn học giúp ta tìm hiểu về vũ trụ, sách kĩ năng mở ra cho con người những hiểu biết về các kĩ năng mềm trong xã hội. Sách địa lí mở ra cho chúng ta hiểu biết về các địa điểm nổi tiếng thế giới mà không nhất thiết phải đến tận nơi, sách ẩm thực mở ra “chân trời” các món ăn…Đến với những cuốn sách văn học, ta lại có dịp được nhìn ra một “chân trời mới” ngay trong chính bản thân mình, đó là chân trời của tâm hồn, của cái đẹp…Còn rất nhiều những “chân trời mới” mà mỗi cuốn sách khác nhau đang sẵn sàng mở ra trước mắt con người, chỉ cần con người có khát khao khám phá.

Sẽ có thể kể ra rất nhiều dẫn chứng về những người thành công nhờ hiểu đúng vai trò của sách. Ngay chính người đã nói câu nói trên cũng đã trở thành một nhà văn kiệt xuất của văn học Nga thế XX. Chúng ta biết đến Oprah Winfrey như một biểu tượng “truyền thông”, một tỉ phú da đen đầu tiên trên thế giới. Trước khi có được thành công ấy, bà đã trải qua những năm tháng tuổi thơ tủi nhục, bị cha mẹ bỏ rơi, bị xâm hại, là nạn nhân của phân biệt chủng tộc. Nhưng chính nhờ “làm quen với sách khi mới 3 tuổi và sớm phát hiện ra cả một thế giới thú vị từ sách để chinh phục”, đặc biệt nhờ thông điệp bà nhận ra từ cuốn sách“The Power of Now” của Eckhart Tolle: “giá trị tuyệt vời của thời điểm hiện tại. Không phải quá khứ, không phải tương lai mà chính là ngay bây giờ”, Oprah Winfrey đã vượt qua tất cả…Ngoài kia, khi hỏi bất cứ một người tốt chân chính nào về vai trò của sách, chắc chắn họ sẽ công nhận đó là thứ đóng vai trò to lớn làm nên giá trị con người họ hôm nay.

Sách đóng vai trò đặc biệt quan trọng, vậy mà không phải lúc nào chúng ta cũng dành cho sách sự trân trọng xứng đáng. Chắc hẳn chúng ta không xa lạ gì với việc các em học sinh cấp 3 đốt sách vở trong suốt ba năm học ngay sau khi tốt nghiệp. Cũng không thiếu những hình ảnh sách vở quăng quật khắp nơi, không được giữ gìn cẩn thận, có những cuốn sách quý đôi khi còn bị đem ra bán theo cân…Rồi mỗi lần đọc sách, con người đọc một cách qua loa, hời hợt, đọc cốt nhiều chứ không cốt chất lượng, như thế làm sao có thể thực sự tìm được “chân trời mới” trong mỗi một cuốn sách. Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại, hiện nay, trên thị trường cũng ngập tràn các loại sách, có nhiều người phát hành sách chỉ để thu lợi nhuận, nên lượng tri thức ở mỗi cuốn sách không cao, không đảm bảo, điều đó cũng làm giảm đi giá trị đích thực của sách.

Vậy nên, để sách thực sự có thể mở ra trước mắt ta những chân trời mới, mỗi người cần thực sự hiểu và trân trọng giá trị của sách vở. Phải lựa chọn cho mình những cuốn sách thực sự cần thiết và bổ ích, đặc biệt phù hợp với hoàn cảnh, công việc của bản thân. Ngoài ra, cũng nên đọc thêm các loại sách bổ trợ kĩ năng và sách có thể giúp chúng ta có thêm hiểu biết về xã hội. Đọc sách không được đọc qua loa mà phải đọc thật kĩ, kết hợp vừa đọc vừa suy ngẫm, bởi đọc sách mà vô tội vạ, đọc qua loa sẽ chẳng đọng lại được điều gì, thế thì chân trời mới mãi vẫn chỉ là “chân trời mới”. Trong quá trình đọc sách, đặc biệt cần vận dụng linh hoạt những gì trong sách, không nên rập khuôn sáo rỗng, có như thế khả năng tư duy của bản thân mới được mở rộng và giới hạn của bản thân mới được khám phá.

Tựu trung lại, sách “mở ra” trước mắt con người “những chân trời mới”, có nghĩa là “sách” là một cánh cửa để “mở ra” “chân trời”, còn khám phá “chân trời” ấy theo cách nào là việc của mỗi chúng ta. Điều quan trọng là phải nỗ lực biến “chân trời mới” trong mỗi cuốn sách trở nên quen thuộc hơn. Khi đó, con người thực sự sẽ nâng thêm một bậc vốn hiểu biết của mình. Câu nói của văn hào M.Gorki vẫn luôn mang giá trị thời đại sâu sắc.

Bài viết liên quan

2224
  Tải tài liệu