Cha ông ta có câu Học đi đôi với hành. Em hiểu lời dạy đó như thế nào?
Bộ tài liệu Văn mẫu lớp 8 gồm 500 bài văn mẫu hay nhất, đầy đủ nhất. Dưới đây là bài văn mẫu Cảm nhận về bài: Cha ông ta có câu Học đi đôi với hành. Em hiểu lời dạy đó như thế nào? ngữ văn lớp 8 được biên soạn mới nhất giúp các bạn học sinh học tốt môn văn 8 hơn.
Cha ông ta có câu Học đi đôi với hành. Em hiểu lời dạy đó như thế nào?
Bài văn mẫu
Trong cuộc sống, để thành công, con người không thể không học tập. Đó là một con đường dài mà chỉ có những chạm dừng chân chứ không bao giờ có điểm kết thúc. Nhưng bên cạnh việc học, chúng ta cũng không thể thiếu “hành”. “Học” và “hành” là đôi bạn cùng tiến, luôn theo sát con người trong hành trình xây dựng và phát triển, bởi vậy cha ông ta đã đúc kết: “Học đi đôi với hành”
Để học và hành đạt kết quả, trước hết chúng ta cần hiểu thế nào là “học”, là “hành”. “Học” là quá trình tiếp thu kiến thức mà cách lĩnh hội ấy có thể do bạn bè, thầy cô truyền đạt… “Học” không phải chỉ là tiếp thu kiến thức mà đó còn là học hỏi những điều hay lẽ phải, những cách ứng xử làm người trong cuộc sống. Bên cạnh “học”, “hành” chính là sự vận dụng những điều đã học vào thực tế. Học và hành luôn “đi đôi”, tức là sự kết hợp đó là hoàn hảo và không thể tách rời.
Chúng ta có từng đặt ra câu hỏi: Tại sao học và hành phải đi đôi với nhau? Người xưa có câu: “Nhân bất học, bất tri lí”, người không học sẽ không hiểu lí lẽ, không có kiến thức, như vậy sẽ không tồn tại được trong xã hội, nếu không học, việc “hành” sẽ rất dễ dẫn đến khó khăn, thậm chí bế tắc vì không có lí thuyết, ta không biết làm từ đâu và làm như thế nào. Ngược lại, học không có thực hành vận dụng, chúng ta sẽ không hiểu sâu sắc và cặn kẽ lí thuyết được học, không nhìn nhận điểm hạn chế và không kiểm nghiệm được tính đúng đắn của lí thuyết. Mà lí thuyết không ứng dụng được chỉ là lí thuyết suông, không giúp ích gì cho cuộc sống. Con người chỉ nói được lí thuyết mà không thể ứng dụng thực hành được cũng không nhận được sự tin tưởng và tín nhiệm của người khác. Học và hành luôn bổ sung cho nhau, vì vậy phải học cách kết hợp nhuần nhuyễn giữa học và hành.
Trong thực tế, có vô vàn những dẫn chứng tiêu biểu giúp ta hiểu vai trò của sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa học và hành. Có rất nhiều người học giỏi về điện, cơ khí, máy móc,…nhưng khi thực hành lại gặp rất nhiều khó khăn , đó là vì cơ hội va chạm, vận dụng trong thực tế còn ít. Cũng hãy thử tưởng tượng xem, nếu một bác sĩ phẫu thuật cho bệnh nhân mà không có kiến thức căn bản sẽ gây hậu quả khô lường như thế nào? Thiếu đi một trong hai yếu tố đều gây khó khăn cho chúng ta, nhưng nếu kết hợp tốt hai yếu tố này, thành công sẽ đến. Có rất nhiều bạn trẻ học Tiếng Anh, ngoài việc học về ngữ pháp còn tiến hành đến những nơi công cộng như phố đi bộ để gặp gỡ và nói chuyện với người nước ngoài, kết quả bạn đem lại rất tích cực và toàn diện, không phải chỉ giỏi ngữ pháp mà còn nâng cao khả năng giao tiếp trong thực tế…
Học và hành nếu đi đôi với nhau sẽ đạt hiệu quả và tác dụng tích cực, vậy chúng ta hãy tích cực vận dụng kết hợp chúng với nhau. Chú trọng quan tâm trau dồi tri thức, mở mang kiến thức lí thuyết. Song song với đó tích cực vận dụng ứng dụng sáng tạo những gì đã học vào thực tế. Cần hiểu và đề cao hai yếu tố “học” và “hành” như nhau, tránh tuyệt đối hóa vai trò của bên nào, vì nếu vậy, con người rất dễ thất bại trong làm việc.
“Học đi đôi với hành” luôn là một phương pháp học tập đúng đắn mà nếu áp dụng tốt sẽ đem lại hiệu quả cho con người. Vì vậy, mỗi chúng ta, hãy cố gắng ứng dụng tốt phương pháp ấy trong quá trình hoàn thiện bản thân mình.
Bài viết liên quan
- "Rủ nhau xuống bể mò cua Đem về nấu quả mơ chua trên rừng.. giải thích ý nghĩa của bài ca dao
- Em hãy viết bài chào mừng để thể hiện đuợc nhận thức đúng đắn của mình đối với vai trò, công lao của các thầy, cô và nói lên đuợc lòng biết ơn của mình đối với thầy giáo, cô giáo.
- Dân gian có câu: “Một điều nhịn, chín điều lành” Hãy viết đoạn văn nêu suy nghĩ về vấn đề này.
- Giải thích câu tục ngữ Học đi đôi với hành.
- Viết đoạn văn nêu suy nghĩ của em về việc sử dụng lãng phí nước sạch trong sinh hoạt hằng ngày, trong đó có sử dụng câu phủ định.