Thuyết minh món bánh mang bản sắc văn hóa dân tộc
Bộ tài liệu Văn mẫu lớp 8 gồm 500 bài văn mẫu hay nhất, đầy đủ nhất. Dưới đây là bài văn mẫu Cảm nhận về bài: Thuyết minh món bánh mang bản sắc văn hóa dân tộc ngữ văn lớp 8 được biên soạn mới nhất giúp các bạn học sinh học tốt môn văn 8 hơn.
Thuyết minh món bánh mang bản sắc văn hóa dân tộc
Bài văn mẫu
Nhắc đến một yếu tố tạo nên sự phong phú và đa dạng cho sản vật Việt Nam, chúng ta không thể không nhắc tới các loại bánh với hương vị thơm ngon và đẹp mắt, phù hợp với khẩu vị của nhiều người. Trong sự đa dạng về bánh trái, mỗi khi nhắc tới một loại bánh mang truyền thống văn hóa dân tộc, có lẽ người ta không thể nào bỏ qua được bánh chưng.
Bánh chưng có nguồn gốc chính xác từ khi nào, chúng ta chưa lý giải được. Trước nay người ta vẫn thường dùng một truyền thuyết để giải thích cho nguồn gốc của bánh chưng : truyền thuyết Bánh chưng bánh giầy. Bánh chưng ra đời bắt nguồn từ gợi ý của thần cho Lang Liêu làm để tế lễ Hùng Vương. Chiếc bánh chưng hình vuông tượng trưng cho đất, với màu lá xanh tươi bọc bên ngoài bánh, tượng trưng cho cây cỏ muôn loài sinh sôi, phát triển không ngừng.
Nguyên liệu làm bánh chưng cũng vô cùng đơn giản, với những sản vật quen thuộc của người nông dân. Lá dùng để gói bánh thường sẽ là lá dong được lấy ở trên rừng. Lạt buộc bánh có nguồn gốc từ những cây tre. Gạo làm bánh thường sẽ là gạo nếp với vị thơm và dẻo đặc trưng. Ngoài ra, để làm được bánh chưng, người ta còn cần đỗ xanh và thịt lợn, thịt thường được dùng là loại thịt ba chỉ. Bên cạnh những nguyên liệu chính, thì một số gia vị quan trọng không thể thiếu làm tăng hương vị cho bánh chưng chính là một chút muối và hạt tiêu.
Là một loại bánh ngon đặc biệt của dân tộc, nên nguyên liệu làm bánh tuy giản dị, nhưng quy trình làm bánh chưng lại cầu kì hơn. Trước hết, người ta sẽ phải chọn những loại lá dong to và xanh, chiếc lá càng xanh thì màu bánh sẽ càng đẹp. Lá bánh sẽ được rửa sạch và phơi khô ráo. Gạo và đỗ trước khi làm bánh bánh sẽ được ngâm vo rửa thật kĩ và nhặt bỏ các hạt mốc. Thịt gói bánh sẽ được rửa sạch, cắt miếng to hơn thông thường và rắc hạt tiêu, muối. Người ta chọn thịt lợn ba chỉ để khi cắt chiếc bánh ra, thịt lợn đủ mềm, vẫn giữ được vị béo, thơm mà không quá ngấy. Khi gói bánh, thông thường người ta sẽ dùng 4 lớp lá xếp xen kẽ nhau. Người gói cẩn thận đổ từng lớp: một lớp gạo, một lớp đỗ, một lớp thịt rồi lại tiếp tục đổ thêm một lớp đỗ và một lớp gạo. Chiếc bánh chưng được gói khéo léo là khi nhân đỗ xanh và thịt lợn nằm vuông vắn ngay chính giữa, không bị lệch, và hạt đỗ không bị lẫn vào lớp gạo nếp ôm bên ngoài cùng của bánh. Sau khi gói, người ta sẽ cẩn thận dùng tay gói lá bên ngoài và dùng lạt cố định lại. Bánh sau khi gói xong sẽ được luộc trong một nồi qua khoảng 11 - 12 tiếng, sau đó đó vớt ra, để ráo, qua hôm sau là có thể bày lên mâm cỗ rồi.
Bánh chưng là một món bánh cổ truyền của dân tộc, có hương vị dễ ăn. Đây là món ăn luôn luôn được người dân Việt Nam sử dụng trong mâm cỗ cúng gia tiên ngày Tết. Trước đây bánh chưng chỉ có vào dịp Tết nhưng ngày nay, do nhu cầu, bánh chưng ngày nào cũng được sản xuất và bán để người dân có thể ăn hàng ngày hoặc cúng trong các ngày mùng 1 hoặc ngày rằm. Cùng với sự phát triển của xã hội, có nhiều loại bánh độc đáo mới lạ hơn được du nhập từ nước ngoài vào Việt Nam, nhưng bánh chưng vẫn luôn luôn giữ được vị trí quan trọng trong tiềm thức của người dân Việt Nam. Đó là một loại bánh tượng trưng cho tổ tiên, trời đất, tượng trưng cho đời sống tín ngưỡng và tâm linh của người Việt Từ ngàn đời.
Với tất cả những ý nghĩa thiêng liêng nằm sẵn trong chiếc bánh chưng dân dã, đây chắc chắn sẽ luôn là loại bánh ở vị trí cao quý, biểu trưng cho văn hóa của dân tộc (một nền văn hóa lúa nước) và cũng thể hiện tấm lòng thành kính hiếu thảo thiêng liêng của người dân Việt Nam với tổ tiên của mình