Dàn ý Phân tích bài thơ Khi con tu hú của Tố Hữu

Bộ tài liệu Văn mẫu lớp 8 gồm 500 bài văn mẫu hay nhất, đầy đủ nhất. Dưới đây là bài văn mẫu Cảm nhận về bài:  Dàn ý Phân tích bài thơ Khi con tu hú của Tố Hữu  ngữ văn lớp 8 được biên soạn mới nhất giúp các bạn học sinh học tốt môn văn 8 hơn.

462
  Tải tài liệu

Dàn ý Phân tích bài thơ Khi con tu hú của Tố Hữu

Dàn ý Phân tích bài thơ Khi con tu hú

A. Mở bài:

- Giới thiệu tác giả, tác phẩm: Tố Hữu là một nhà thơ nổi tiếng của nước ta trong giai đoạn 1930 - 1945. Bài thơ “Khi con tu hú” là một trong những bài thơ nổi tiếng nhất của Tố Hữu.

- Khái quát nội dung tác phẩm: “Khi con tu hú” thể hiện tình yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống và khát khao tự do mãnh liệt của người tù cách mạng.

B. Thân bài:

Luận điểm 1: 6 câu thơ đầu là bức tranh mùa hè yên bình, tươi đẹp

- Âm thanh:

   + Tiếng chim tu hú kêu

   + Tiếng ve ngân

   + Tiếng diều sáo vi vu trên trời

⇒ Âm thanh báo hiệu hè sang, như một bản nhạc sôi động đầu mùa.

- Màu sắc:

   + Màu vàng của lúa chin, của bắp ngô

   + Màu vàng hồng của nắng mới

   + Màu xanh thẳm của bầu trời

⇒ Gam màu tươi sáng, màu của sức sống, đó còn là những màu tượng trưng cho sự tự do.

- Hình ảnh: cánh đồng lúa chín, trái cây bắt đầu chín ⇒ báo hiệu mùa hè, bước chuyển mình của thời gian từ xuân qua hạ.

- Đường nét: diều sáo “lộn nhào” giữa nền trời xanh thẳm ⇒ cảnh vật, đường nét có đôi có cặp, thể hiện sức sống.

⇒ Bức tranh mùa hè tươi mới, sinh động, tràn đầy sức sống qua con mắt của một tâm hồn trẻ trung, yêu đời. Phải vô cùng tinh tế mới có thể cảm nhận được từng bước chuyển của không gian và thời gian như vậy!

Luận điểm 2: 4 câu thơ cuối là tâm trạng, cảm xúc của người tù

- Trước khung cảnh tràn đầy sức sống của mùa hè, tâm trạng người tù cách mạng dường như đang bí bách, ngột ngạt hơn bao giờ hết.

   + Động từ mạnh: “đạp”, “ngột”, “chết uất”

   + Một loạt từ cảm thán: “ôi!”, “làm sao”, “thôi!”

   + Kết thúc bằng một câu cảm thán

   + Nhịp thơ thay đổi: 6/2, 3/3

⇒ Tâm trạng lên đến đỉnh điểm khiến nhà thơ phải liên tục thốt lên

- Tiếng chim tu hú được lặp lại 2 lần ở câu mở đầu và câu kết thúc: kết cấu đầu cuối tương ứng, tạo ra sự logic. Tiếng chim tu hú hay chính là tiếng gọi của sự tự do, tiếng gọi của cuộc sống đang hối hả, dồn dập, thúc giục niềm khao khát tự do, thoát khỏi chốn ngục tù, và sâu xa hơn là khao khát đất nước được hòa bình đọc lập đang cháy hừng hực trong lòng tác giả.

Luận điểm 3: Thành công về nghệ thuật

- Thể thơ lục bát giản dị, mềm mại, uyển chuyển

- Nhịp thơ thay đổi bất ngờ, diễn tả tâm trạng của tác giả

- Cảm xúc logic, giọng điệu thay đổi linh hoạt, khi vui tươi, hóm hỉnh, khi uất ức, dồn nén.

C. Kết bài:

- Khái quát lại giá trị tác phẩm: Bài thơ chính là nỗi lòng sục sôi, khao khát tự do, độc lập của tất cả người dân Việt Nam đang trong hoàn cảnh mất nước

- Liên hệ và đánh giá tác phẩm: Tố Hữu là một nhà thơ tài năng, tinh tế với một tấm lòng mộc mạc, giản dị, luôn hướng đến cuộc sống của nhân dân và độc lập tự do dân tộc.

Phân tích bài thơ Khi con tu hú - mẫu 1

Tố Hữu là nhà thơ có nhiều những tác phẩm hay viết về nhiều chủ đề khác nhau trong thời kì cách mạng. Do đó, tên tuổi của ông trở thành một trong những nhà thơ có nhiều thành công nhất. “ Khi con tu hú” được sáng tác trong thời gian nhà thơ bị bắt giam khi đang hoạt động. Bài thơ đã thể hiện được khao khát cháy bỏng của người chiến sĩ muốn hướng tới cuộc sống tự do ở bên ngoài.

Tu hú gọi bầy là âm thanh hết sức quen thuộc tại những vùng làng quê ở Việt Nam. Khi tu hú kêu cũng chính là lúc mùa hè về. Và trong hoàn cảnh như vậy thì người chiến sĩ cách mạng cảm thấy bị bó buộc hơn bao giờ hết.

Khi con tu hú gọi bầy

Lúa chiêm đương chín trái cây ngọt dần

Vườn râm dậy tiếng ve ngân

Bắp rây vàng hạt đầy sân nắng đào

Trời xanh càng rộng càng cao

Đôi con diều sáo lộn nhào tầng không

Mở đầu bài thơ là những hình ảnh mà người thanh niên đang tưởng tượng ở trong tâm trí của mình khi được nghe tiếng những chú chim tu hú kêu. Anh tưởng tượng ra rất nhiều thứ, đó đều là những hình ảnh đẹp gắn liền với kí ức khi còn có được tự do. Cả không gian như tràn đầy nhựa sống, biết bao nhiêu hình ảnh với đầy những màu sắc hiện lên như màu vàng của vựa lúa chiêm, những hạt thóc, ánh nắng đào cùng những âm thanh như tiếng sáo diều, tiếng ve ngân.

Đó là sự kết hợp cảm nhận cả về hình ảnh và âm thanh của nhà thơ. Phải có một tình yêu thiên nhiên, trí tưởng tượng phong phú lắm thì anh mới có thể cảm nhận được những điều như vậy. Tất cả những giác quan đều được cảm nhận qua đường nét, màu sắc, âm thanh của quê hương.

Những hình ảnh đều là của mọi vật khi đang viên mãn và có nhiều thành quả nhất: là khi những hạt lúa được kết tinh, là thành quả của biết bao mồ hôi và nước mắt. Với tâm hồn tinh tế cùng con mắt độc đáo, ánh nắng cũng có sự thay đổi bởi nhiều góc độ, bên cạnh cả bầu trời trong vắt như mặt nước yên bình, giúp cho tầm nhìn của con người càng trở nên rõ rệt hơn bao giờ hết. “ Trời xanh càng rộng càng cao”.

Cả không gian như được mở rộng ra tới vô tận. Dù cho người thanh niên lúc ấy đang ở trong tù, phía sau song sắt nhưng vẫn cảm nhận được hình ảnh ở bên ngoài bằng chính trái tim và sức sống của mình. Tất cả mọi thứ đều đang tươi vui, ngay cả sáo diều cũng không hề lẻ loi mà luôn có đôi có cặp, được tự do bay lượn, cảm nhận được vùng trời của chính mình.

Thế nhưng, con người- người thanh niên bây giờ lại không được như vậy. Anh khao khát, mong muốn có được tự do như cặp chim ấy nhưng cũng không thể có được. Anh chỉ có thể nhìn tự do, gửi gắm tâm hồn khao khát của mình tới những cảnh vật bên ngoài. Đến đây, nhịp thơ lục bát bỗng dưng như chia đôi.

Nhà thơ đã vẽ lên hai bức tranh đối nghịch nhau. Bên ngoài là những tự do, hạnh phúc với một cuộc sống tràn ngập ánh nắng, còn bên trong nhà tù, phía sau song sắt lại là một cuộc sống tối tăm, gò bó. Trong chính hoàn cảnh ấy, người chiến sĩ trào lên những khao khát cháy bỏng hơn bao giờ hết.

Ta nghe hè dậy bên lòng

Mà chân muốn đạp tan phòng, hè ôi!

Ngột làm sao, chết mất thôi

Con chim tu hú ngoài trời cứ kêu

Khổ thơ là lời bộc lộ trực tiếp tình cảm của tác giả. Cảm xúc dồn nén tới mức bị bức bối, với hàng loạt những câu cảm thán “ôi”, "mất thôi” khiến cho người chiến sĩ càng muốn đi ra ngoài để có được tự do thực hiện những lí tưởng của mình. Khổ thơ chính là sự bừng tỉnh của lí trí, là tâm trạng uất ức, muốn đạp bỏ tất cả những cảnh giam cầm để có được tự do của mình. Có lẽ bởi vậy, mà bên ngoài đời thực, sau ba năm, Tố Hữu đã vượt ngục để quay về đội ngũ, làm tròn ước nguyện cống hiến với cuộc đời.

Bài thơ là sự kết hợp hoàn chỉnh giữa cảnh và tình. Những hình ảnh thiên nhiên được tác giả miêu tả hết sức sinh động, qua đó thể hiện được ý chí kiên cường của người chiến sĩ.

Phân tích bài thơ Khi con tu hú - mẫu 2

Tố Hữu là lá cờ đầu của thi ca cách mạng Việt Nam. Con đường thơ của ông luôn bắt nhịp đồng hành cùng với con đường cách mạng. Với phong cách trữ tình – chính trị, kết hợp với giọng điệu ngọt ngào, thiết tha, đậm đà tính dân tộc, Tố Hữu đã để lại cho đời rất nhiều tiếng tiếng thơ hay.

Bài thơ "Khi con tu hú" được sáng tác vào tháng 7 năm 1939 tại nhà lao Thừa Phủ (Huế), in trong tập thơ "Từ ấy", là một trong những bài thơ tiêu biểu cho hồn thơ Tố Hữu. Qua bài thơ, người đọc thấy được tình yêu cuộc sống thiết tha và niềm khao khát tự do cháy bỏng của người chiến sĩ cộng sản khi phải chịu cảnh tù đày khắc nghiệt. Trước hết sáu câu thơ đầu là bức tranh thiên nhiên mùa hạ thanh bình, rực rỡ nơi đồng quê:

Khi con tu hú gọi bầy

Lúa chiêm đương chín trái cây ngọt dần

Vườn râm dậy tiếng ve ngân

Bắp rây vàng hạt đầy sân nắng đào

Trời xanh càng rộng càng cao

Đôi con diều sáo lộn nhào tầng không

Ngôn ngữ thơ giàu hình ảnh, hết sức tự nhiên, sống động, linh hoạt, nhà thơ đã dựng lên trước mắt người đọc khung cảnh thiên nhiên mùa hạ đẹp như một bức tranh lụa. Âm thanh của tiếng chim tu hú gọi bầy cứ réo rắc, ngân nga vang vọng như đánh thức cả thiên nhiên, dìu hồn người lạc vào thế giới của hoài niệm xa xăm về một mùa hạ sáng tươi, rộn rã, ngập tràn sức sống. Cảnh vật hiện lên thật lung linh với sự hòa trộn một cách hài hòa của âm thanh, màu sắc, hương vị.

Đó là âm thanh rộn ràng của tiếng chim tu hú, của tiếng ve gọi hè, của tiếng sáo diều vi vu trên tầng không; đó là màu sắc rực rỡ của màu lúa chín, của bắp rây vàng hạt; của ánh nắng đào dịu nhẹ; đó là hương vị ngọt ngào của trái cây; là bầu trời rộng lớn, tự do của trời cao, diều sáo...Tất cả như đang tấu lên khúc nhạc mùa hè với rộn rã âm thanh, rực rỡ sắc màu, chan hòa ánh sáng, ngọt ngào hương vị.

Chắc chắn Tố Hữu phải là nhà thơ có tâm hồn nhạy cảm, tinh tế và có trí tưởng tượng phong phú thì mới có thể dựng lên một bức tranh thiên nhiên mùa hạ đẹp, sinh động và giàu cảm xúc khi đang ở trong cảnh tù đày như vậy. Và qua đó chúng ta cũng thấy được tâm hồn trẻ trung, yêu đời và niềm khát khao tự do mạnh mẽ của thi nhân. Bốn câu thơ cuối là cảm xúc và niềm khát khao tự do cháy bỏng của người chiến sĩ:

Ta nghe hè dậy bên lòng

Mà chân muốn đạp tan phòng, hè ôi!

Ngột làm sao, chết mất thôi

Con chim tu hú ngoài trời cứ kêu

Cách ngắt nhịp linh hoạt: 2/2/2; 6/2; 3/3; 4/4 kết hợp với các động từ tình thái mạnh như: "đập tan phòng", "chết uất thôi"; cùng với những từ cảm thán như "ôi, làm sao, thôi" đã có tác dụng diễn tả tâm trạng uất ức đến tột cùng muốn phá tan cả ngục tù tăm tối. Điều đó cho thấy niềm khát khao tự do luôn thường trực, mạnh mẽ cháy bỏng trong lòng người chiến sĩ trẻ.

Âm thanh tú hú cứ kêu hoài không nghỉ như giục giã, thôi thúc người tù hành động, vẫy gọi người tù trở về cuộc sống tự do, yên ả, thanh bình. Cho nên, nếu tiếng chim tu hú mở đầu bài thơ là tiếng gọi vào hè náo nức, rộn ràng thì tiếng chim tu hú ở câu thơ kết lại là tiếng gọi của khát vọng tự do da diết, cháy bỏng.

Bài thơ được viết theo thể lục bát đậm đà tính dân tộc, kết hợp với một giọng điệu thơ linh hoạt, ngôn ngữ thơ tự nhiên, gần gũi... tất cả đã góp phần tạo nên cảm xúc nhất quán của bài thơ: tình yêu thiên nhiên, tâm trạng ngột ngạt khi phải sống trong cảnh tù đày và khát vọng trở về với cuộc sống tự do.

Phân tích bài thơ Khi con tu hú - mẫu 3

Bài thơ Khi con tu hú được sáng tác vào tháng 7 năm 1939, khi nhà thơ trong bước đường hoạt động cách mạng đang bị địch bắt giam tại lao Thừa Phủ - Huế. Bài thơ phản ánh tâm trạng ngột ngạt của một người cộng sản trẻ tuổi sôi nổi yêu đời bị giam cầm giữa bốn bức tường vôi lạnh. Tâm trạng ấy càng trở nên bức xúc khi nhà thơ hướng tâm hồn mình đến với bầu trời tự do ở bên ngoài. Đặc biệt giữa không gian tự do ấy bỗng vang ngân tiếng chim tu hú gọi bầy. Với âm thanh da diết đó, nỗi ngột ngạt, u uất còn dồn nén và biến thành niềm khát vọng tự do cháy bỏng không thể kìm hãm nổi:

Ta nghe hè dậy bên lòng

Mà chân muốn đạp tan phòng, hè ôi!

Mở đầu bài thơ, với tựa đề Khi con tu hú, tác giả muốn khẳng định đây là một thứ âm thanh mở ra mạch cảm xúc của toàn bài thơ. Tác động của âm thanh này đặt vào tâm cảnh của nhà thơ càng trở nên tha thiết và thôi thúc hướng đến tự do.

Ta biết rằng, người thanh niên cộng sản Tố Hữu dù bị tù đày, tra tấn nhưng không nản chí sờn lòng. Nhà thơ đã xác định:

Đời cách mạng từ khi tôi đã hiểu

Dấn thân vô là phải chịu tù đày

(Trăng trối)

Trở lại câu thơ mở đầu của bài thơ: “Khi con tu hú gọi bầy”. Đó là cái thời điểm thiết tha và thiếu thốn khi nghe con tu hú gọi bầy, tiếng gọi trở về với bạn bè, đồng đội. Tiếng chim gọi bầy càng tăng thêm nỗi cô đơn của nhà thơ giữa bốn bức tường lạnh lẽo. Tố Hữu bị bắt giam giữa lúc nhiệt tình cách mạng của tuổi thanh xuân đang sục sôi, muốn đem tất cả nhiệt huyết để cống hiến cho cách mạng.

Tiếng chim tu hú gọi bầy đã thức dậy một nỗi nhớ sâu xa trong Tố Hữu. Trong thế giới tăm tối của ngục tù, nhà thơ đã huy động nhiều giác quan để hình dung, tưởng tượng đồng quê thân thuộc ngoài kia:

Lúa chiêm đang chín, trái cây ngọt dần

Vườn râm dậy tiếng ve ngân

Bắp rây vàng hạt đầy sân nắng đào.

Một bức tranh được “vẽ" trong tâm tưởng bằng nỗi nhớ da diết. Nhịp sống của đồng quê thật rộn rã và tràn đầy sức sống. “Lúa chiêm đang chín, trái cây ngọt dần”, sự vật đang vận động tiến dần đến sự hoàn thiện, hoàn mĩ (đang chín, ngọt dần). Một mùa hè đã báo hiệu, một mùa hè với những cảnh vật, âm thanh, màu sắc, ánh nắng quen thuộc. Phải là một người tha thiết yêu cuộc sống, gắn bó máu thịt với quê hương mới có nỗi nhức nhối không nguôi đến như thế!

Trí tưởng tượng của nhà thơ được chắp cánh đến với bầu trời khoáng đạt:

Trời xanh càng rộng càng cao

Đôi con diều sáo lộn nhào tầng không

Cũng là bầu trời xanh thân thiết của tuổi thơ với “đôi con diều sáo lộn nhào từng không”. Giữa khoảng trời bao la, cao, rộng vài con sáo nhào lộn như nét chấm nhỏ nhoi giữa cái mênh mông của đất trời. Hình ảnh con diều sáo lộn nhào giữa từng không cũng là niềm khát vọng được tự do của người chiến sĩ cách mạng bị giam cầm.

Niềm khát khao đó bị dồn nén lúc này đây đã bùng lên mãnh liệt:

Ta nghe hè dậy bên lòng

Mà chân muốn đạp tan phòng, hè ôi!

Ngột làm sao, chết mất thôi

Con chim tu hú ngoài trời cứ kêu

Nhịp sống trào dâng, mời gọi, thôi thúc tràn ngập vào tận ngõ ngách tăm tối của chốn ngục tù, len lỏi vào tâm hồn người cộng sản trẻ tuổi biến thành nỗi khát khao hành động: “muốn đạp tan phòng”.

Bài thơ có 10 câu, câu mở đầu và câu kết thúc là tiếng kêu của con tu hú. Âm hưởng tiếng kêu xuyên suốt toàn bài, tiếng kêu liên hồi, khắc khoải và da diết. Tiếng kêu vang vào thế giới chật chội, tăm tối của nhà lao và tâm trạng nhà thơ trở nên bực bội, ngột ngạt, đến nỗi phải kêu lên:

Ngột làm sao, chết uất thôi.

Bài thơ khép lại nhưng là nghe tiếng tu hú “cứ kêu”, kêu hoài, kêu mãi...

Bài thơ cho ta hiểu thêm nét đẹp trong tâm hồn người cộng sản trẻ tuổi. Người chiến sĩ gang thép đó có một thế giới nội tâm rất mực phong phú, rung động mãnh liệt với nhịp đập của cuộc sống, gắn bó thiết tha với quê hương ruộng đồng, và một niềm khát khao tự do cháy bỏng.

Phân tích bài thơ Khi con tu hú - mẫu 4

Mỗi tác phẩm văn học đều được các tác giả coi như đứa con yêu quý của mình để bộc lộ những dòng tâm sự thầm kín. Với Tố Hữu cũng vậy, thông qua đứa con tinh thần "Khi con tu hú", nhà thơ đã vẽ lên bức tranh thiên nhiên mùa hè rạo rực với khát vọng tự do, tình yêu quê hương, đất nước đến mãnh liệt:

Khi con tu hú gọi bầy

Lúa chiêm đương chín trái cây ngọt dần

Vườn râm dậy tiếng ve ngân

Bắp rây vàng hạt đầy sân nắng đào

Trời xanh càng rộng càng cao

Đôi con diều sáo lộn nhào tầng không

Ta nghe hè dậy bên lòng

Mà chân muốn đạp tan phòng, hè ôi!

Ngột làm sao, chết mất thôi

Con chim tu hú ngoài trời cứ kêu

Bài thơ "Khi con tu hú" được nhà thơ sáng tác trên con đường hoạt động cách mạng và bị bắt giam tại nhà lao Thừa Phủ - Huế. Tiếng chim tu hú đã phá tan song sắt, len lỏi vào trong tâm hồn làm thức tỉnh con người:

Khi con tu hú gọi bầy

Lúa chiêm đương chín trái cây ngọt dần

Tu hú đến mang theo mùa hè với biết bao hương sắc, Tố Hữu cảm nhận được lúa chiêm đang chín khiến cho hình ảnh những cánh đồng lúa chín vàng như hiện lên trước mắt chúng ta. Tiếng chim tu hú đã làm bừng tỉnh một góc tăm tối trong tâm hồn thi nhân với khao khát được hòa hợp cùng thiên nhiên đến mãnh liệt.

Không chỉ thế, nhà thơ còn ngửi thấy những hương thơm thoang thoảng của hoa quả chín dần tác động vào khứu giác. Có lẽ, nhà thơ cảm nhận được thời gian trôi đi thật nhanh và muốn níu giữ những hương thơm của đất trời nên đã viết rằng "đang chín" và "ngọt dần" chứ không phải đã chín và đã ngọt.

Trong bức tranh thiên nhiên ấy không chỉ có âm thanh của tiếng chim tu hú, màu vàng của lúa chín, hương vị của trái cây ngọt dần mà còn có cả âm thanh của tiếng ve, tiếng sáo diều đang tự do bay lượn trên bầu trời xanh thẳm và màu vàng của những sân ngô pha thêm chút màu hồng của nắng đào:

Vườn râm dậy tiếng ve ngân

Bắp rây vàng hạt đầy sân nắng đào

Trời xanh càng rộng càng cao

Đôi con diều sáo lộn nhào tầng không

Tiếng ve ngân vang trong vòm lá đưa ta trở lại những hồi ức của một thời cắp sách đến trường. Qua trí tưởng tượng của Tố Hữu, người đọc như được tận mắt chứng kiến một bức tranh thiên nhiên vùng quê đầm ấm và tươi vui. Điểm nhìn của nhà thơ được mở rộng ra những sân "bắp rây vàng hạt" hòa quyện cùng những tia nắng chói chang của mùa hạ.

Có lẽ màu hồng của những tia nắng chính là cái nhìn tích cực của nhà thơ về thế giới bên ngoài với một khao khát được tự do trong một ngày gần nhất. Ở dưới mặt đất có những sân ngô vàng hạt thì trên bầu trời xanh thẳm kia có những con diều sáo đang tự do bay lượn.

Bằng ngòi bút tinh tế, nhà thơ đã tạo nên một tuyệt tác của mùa hè đầy sinh động và vui tươi. Tố Hữu đã sử dụng thể thơ lục bát, một thể thơ quen thuộc trong dân gian để phác hoạ thành công bức tranh thiên nhiên ấy. Đặc biệt, phép liệt kê được sử dụng một cách nhuần nhuyễn tạo cho người đọc những ấn tượng khó quên về một mùa hè tràn đầy hương sắc.

Chắc hẳn nhà thơ phải rất yêu thiên nhiên, có một tình cảm đặc biệt với mảnh đất mình sinh ra nên mới có thể tạo ra bức tranh mùa hè đẹp đến vậy. Bức tranh thiên nhiên về mùa hạ dưới đôi mắt của Tố Hữu không chỉ đẹp mà còn chứa đựng biết bao tâm sự:

Ta nghe hè dậy bên lòng

Mà chân muốn đạp tan phòng, hè ôi!

Ngột làm sao, chết mất thôi

Con chim tu hú ngoài trời cứ kêu

Mạch thơ từ nhung nhớ những âm vang của mùa hạ nay chuyển sang những uất ức vì bị giam cầm. Mùa hè đến đem theo bao mong ước, hoài niệm như muốn thôi thúc người thanh niên ấy phá tan song sắt, "đập tan phòng" để đổi lấy tự do. Nhà thơ nghe ngoài trời "hè dậy bên lòng" mà không khỏi bứt rứt chân tay.

Dòng máu của lòng uất hận đang trào dâng trong cơ thể khiến ông muốn thoát khỏi không gian tù túng chật hẹp ấy để được lao ra ngoài hòa mình vào thiên nhiên rộng lớn. Ngoại cảnh đã tác động khiến nhà thơ cảm thấy bức bối, ngột ngạt, muốn lao ra thế giới bên ngoài nhưng lại bị những song sắt của nhà tù thực dân kìm hãm đành thốt lên thành lời than: "Ngột làm sao chết mất thôi"

Khao khát tự do của Tố Hữu ngày càng trở nên mãnh liệt bởi ông muốn cống hiến cho cách mạng, muốn tiếp tục con đường cách mạng của mình. Nhà thơ đã sử dụng các động từ mạnh "đạp", "ngột", "chết" và dấu chấm than cuối câu thơ để bộc lộ những dòng cảm xúc phẫn uất đang trực trào. Biết làm sao khi ta đang bị giam cầm mà con chim tu hú ở ngoài trời vẫn cứ kêu.

Phải chăng nhà thơ cảm nhận được đó là tiếng gọi của cách mạng đang giục giã nhà thơ lên đường kháng chiến cứu nước. Tiếng chim tu hú gọi bầy trước không gian to lớn mênh mông đã tạo nên sự đối lập trong tâm hồn nhà thơ khi nhà thơ đang bị giam cầm không thể ra ngoài để hoạt động cách mạng. Nếu tiếng chim tu hú ở phần đầu báo hiệu mùa hè tới với biết bao tươi vui thì tiếng chim tu hú ở cuối bài lại khiến nhà thơ cảm thấy khó chịu và ngột ngạt.

Nhà thơ muốn thoát li khỏi chốn lao tù nhưng hiện thực nghiệt ngã khiến cho tâm trạng nhà thơ càng trở nên bực dọc, khó chịu hơn. Thế nhưng dù có phải chịu cảnh tù đày nhà thơ vẫn không nản chí sờn lòng, trong bài thơ "Trăng tối" nhà thơ đã viết:

Đời cách mạng từ khi tôi đã hiểu

Dấn thân vô là phải chịu tù đày

Bởi vậy, dù con đường cách mạng có khó khăn đến đâu thì nhà thơ cũng sẽ đương đầu và hoàn thành tốt các nhiệm vụ. Bài thơ "Khi con tu hú" đã khép lại nhưng tiếng chim tu hú vẫn vang vọng mãi trong tâm hồn nhà thơ. Qua bức tranh thiên nhiên tràn đầy hương sắc được cảm nhận bằng nhiều giác quan đã giúp Tố Hữu giãi bày được những uất ức trong lòng mình.

Với cách sử dụng ngôn từ giản dị nhưng có tính tạo hình cao đã khẳng định tài năng nghệ thuật của nhà thơ. Người nghệ sĩ không chỉ cầm bút để đánh giặc mà còn có thể cầm súng ra chiến trường. Họ có một niềm khao khát tự do đến cháy bỏng, khát khao được đứng trong hàng ngũ của Đảng để mang sức mình phục vụ cách mạng.

Bài viết liên quan

462
  Tải tài liệu