Cảm nhận bài thơ "Hai chữ nước nhà" của Trần Tuấn Khải.

Bộ tài liệu Văn mẫu lớp 8 gồm 500 bài văn mẫu hay nhất, đầy đủ nhất. Dưới đây là bài văn mẫu Cảm nhận về bài:  Cảm nhận bài thơ "Hai chữ nước nhà" của Trần Tuấn Khải.  ngữ văn lớp 8 được biên soạn mới nhất giúp các bạn học sinh học tốt môn văn 8 hơn.

459
  Tải tài liệu

Cảm nhận bài thơ "Hai chữ nước nhà" của Trần Tuấn Khải.

Bài văn mẫu

   Những năm 20 của thế kỉ trước, những bài thơ hát theo làn điệu dân ca, những bài thơ lục bát, song thất lục bát, thất ngôn... được truyền bá sâu rộng trong dân gian. Những gương anh hùng được Trần Tuấn Khải nói đến có giá trị khích lệ tinh thần yêu nước, nói lên nỗi đau nhục nô lệ lầm than, bày tỏ khát vọng độc lập tự do không bao giờ nguôi.

   Đoạn trích bài thơ "hai chữ nước nhà" gồm có 36 câu thơ song thất lục bát được Trần Tuấn Khải sáng tác vào năm 1926, in trong tập "Bút quan hoài". Trong lời đề từ, nhà thơ nói rõ cảm hứng của mình là "nghĩtới lời ông Phi Khanh dặn ông Nguyễn Trãi khi ông bị quân Minh bắt giải sang Tàu". Qua đó,ta cảm nhận được "Hai chữ nước nhà" là bài thơ mượn đề tài lịch sử để thể hiện cảm hứng yêu nước, kích thích lòng yêu nước cho quốc dân đồng bào khi đang làm thân trâu ngựa cho thực dân Pháp. Lời đề từ đưa chúng ta trở về những năm tháng đau thương của đất nước và dân tộc. Năm 1407, giặc Minh xâm lược nước ta, dìm đất nước ta vào trong máu lửa, chúng ta bắt cha con ông Hồ Quý Li và một số đại thần, trong đó có Nguyễn Phi Khanh giải về Tàu. Có thể nói bài thơ là lời cha dặn con về "Hai chữ nước nhà", về mối thù nhà nợ nước.

   Trong phần đầu tiên của đoạn trích, tác giả đã gợi lên cảnh đất nước đau thương dưới ách thống trị của giặc Minh tàn bạo. Những hình ảnh nhân hóa rất gợi: "mây sâu ảm đạm", "gió thảm đìu hiu" "hổ thét chim kêu"... Cảnh vật núi sông như mang nỗi đau con người. Cả một không gian rộng lớn từ "chôn ải Bắc" đến "chốn ải Nam’' và "khắp bốn bể" đều thấm máu và nước mắt của hàng triệu con người:

"Chốn ải Bắc, mây sầu ảm đạm,

Cõi trời Nam, gió thảm đìu hiu

Bốn bể hổ thét chim kêu..."

   Trước thảm cảnh "vong quốc", người cha già trên con đường đi đày càng ngổn ngang nỗi niềm. Các chữ, các hình ảnh như: "bất bình", "hạt máu nóng thấm quanh hồn nước", "tầm tã châu rơi" đã nói lên một cách cảm động "di hận" của người anh hùng thất thế, một bi kịch lịch sử của cha con Phi Khanh và Nguyễn Trãi. Câu thơ như thấm đầy lệ, giọng thơ thiết tha não nùng:

"Trông con tầm tã châu rơi

Con ơi! Con nhớ lấy lời cha khuyên"

   Nguyễn Trãi có câu thơ chữ Hán "Anh hùng di hận kỉ thiên niên", nghĩa là người anh hùng để lại mối hận đến nghìn năm. Phần đầu bài "hai chữ nước nhà", Trần Tuấn Khải đã nói lên thật xúc động nỗi đau nước mất nhà tan, nỗi "di hận" của người anh hùng thất thế Nguyễn Phi Khanh.

   Phần thứ hai là những lời thống thiết cha dặn con. Nhớ "hai chữ nước nhà" là nhớ về dòng giống Hồng Lạc, là nhớ về lịch sử trường tồn "mấy ngàn năm" của dân tộc, là nhớ giang sơn "giời Nam riêng một cõi này", là nhớ đến bao "anh hùng hiệp nữ" nhưHai Bà Trưng, Bà Triệu, Lí Thường Kiệt, Trần Quốc Tuấn... Nhớ "Hai chữ nước nhà" là để nâng cao lòng tự tôn, tự hào dân tộc:

"Giời Nam riêng một cõi này

Anh hùng hiệp nữ xưa nay kém gì!"

   Giọng thơ trở nên bừng bừng căm giận khi cha dặn con hãy khắc cốt ghi tâm những tội ác tày trời của quân "cuồng Minh":

"Bốn phương khói lửa bừng bừng .

Xiết bao thảm họa xương rừng máu sông

Nơi đô thị thành tung quách vỡ

Chốn nhân gian bỏ vợ lìa con,

Làm cho xiêu tán hao mòn

     .....

Khói Hùng Lĩnh như xây khói uất

Sông Hồng Giang nhường vật cơn sầu

   Những từ ngữ hình ảnh "khói lửa bừng bừng", "xương rừng máu sông", "thành tung quách vỡ", "đất khóc giời than", "xây khối nát", "vật cơn sầu"... tuy mang tính ước lệ, nhưng trong văn cảnh vẫn có sức truyền cảm mạnh mẽ vì đã gợi lên bao nỗi nhục mất nước, lòng căm thù đối với quân xâm lược. Đặc biệt đoạn thơ của Trần Tuấn Khải đã đem đến liên tưởng cho người đọc về "BìnhNgô đại cáo"đoạn nói về tội ác giặc Minh tàn bạo:

"Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn,

Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ

Dối trời, lừa dân, đủ muôn nghìn kể,

Gây binh, kết oán, trải hai mươi năm

Bại nhân nghĩa nát cả đất trời

Nặng thuế khóa sạch không đầm núi..."

   Người cha bị cùm trói, bị giải sang Tàu, nhìn cơ đồ giang san mà đau đớn như xé tâm can. Càng đau đớn, ông càng lo lắng cho vận mệnh của đất nước, tương lai của giống nòi. Câu cảm thán kết hợp với câu hỏi tu từ cất lên vô cùng thống thiết:

"Con ơi! Càng nói càng đau

Lấy ai tế độ đần sau đó mà?"

   Vần thơ như chứa đầy lệ, có lời than, có tiếng nức nở. Lời cha dặn con cũng là lời non nước.

   Tám câu cuối trong phần cuối bài thơ vừa nói lên bi kịch của người cha: "tuổi già sức yếu", "sa cơ đành chịu bó tay"... vừa trông cậy vào con để trả thù, rửa hận nước: "Giang san gánh vác sau này cậy con"... Cha thiết tha dặn con lần cuối: "Vì nước" hãy "nhớ tổ tông", hãy đem máu đào mà hi sinh chiến đấu cho độc lập của Tổ quốc. Đó là "hai chữ nước nhà" đó là những lời huyết lệ:

"Con nên nhớ tổ tông khi trước

Đã từng phen vì nước gian lao

Bắc Nam bờ cõi phân mao

Ngọn cờ độc lập máu đào còn đây..."

   "Hai chữ nước nhà" là một bài thơ hay và cảm động. Nói lên một cách hàm súc cô đọng nỗi đau, nỗi nhục mất nước của dân tộc ta trong thế kỉ XV và căm thù đối với giặc Minh cướp nước. Sâu xa hơn, bài thơ đã khích lệ lòng yêu nước của đồng bào, khêu gợi khát vọng độc lập tự do của dân tộc khi đang làm thân trâu ngựa cho thực dân Pháp. "Hai chữ nước nhà" vừa là lời cha dặn con, vừa là lời Tổ quốc kêu gọi.

   Từ ngôn ngữ, hình ảnh đến giọng thơ, vần thơ, từ những cặp câu thất ngôn đối nhau đến những hình ảnh nhân hóa, tượng trưng ước lệ đều cho thấy một bút pháp nghệ thuật rất già dặn, giàu bản sắc của Á Nam.

   Trong thời Pháp thuộc, bài thơ "Hai chữ nước nhà" đã làm lay động hàng triệu con người. Ngày nay, nó vẫn làm ta xúc động.

Bài viết liên quan

459
  Tải tài liệu